Lạy Chúa là khiên mộc chở che,
xin thương xem nhìn đến
gương mặt Đấng Ngài đã xức dầu.
Một ngày tại khuôn viên thánh điện
quý hơn cả ngàn ngày.
Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế !
Bài trích sách Châm ngôn.
1Đức Khôn Ngoan đã xây cất nhà mình,
dựng lên bảy cây cột,
2hạ thú vật, pha chế rượu, dọn bàn ăn
3và sai các nữ tỳ ra đi.
Đức Khôn Ngoan còn lên các nơi cao trong thành phố
và kêu gọi :
4“Hỡi người ngây thơ, hãy lại đây !”
Với người ngu si, Đức Khôn Ngoan bảo :
5“Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế !
6Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống ;
hãy bước đi trên con đường hiểu biết.”
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
2Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa,
câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.3Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa
xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
10Kính sợ Chúa đi, đoàn dân thánh hỡi,
vì ai kính sợ Người chẳng thiếu thốn chi.11Kẻ giàu sang phải bần cùng đói khổ,
còn ai tìm kiếm Chúa chẳng thiếu của gì.
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
12Các con ơi, hãy đến mà nghe,
ta sẽ dạy cho biết đường kính sợ Chúa.13Ai là người thiết tha được sống,
ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc chứa chan ?
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
14Phải giữ mồm giữ miệng,
đừng nói lời gian ác điêu ngoa ;15hãy làm lành lánh dữ,
tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hoà.
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
Hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.
15 Thưa anh em, anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, 16 biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối. 17 Vì thế, anh em đừng hoá ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa. 18 Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới truỵ lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí. 19 Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng ; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. 20 Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha.
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Ha-lê-lui-a.
Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
51 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng : “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”
52 Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói : “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?” 53 Đức Giê-su nói với họ : “Thật, tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. 54 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, 55 vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. 56 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. 57 Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. 58 Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”
Chúa luôn luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.
Suy niệm:
Cả các Kitô hữu cũng ngỡ ngàng trước bí tích Thánh Thể.
Ăn thịt và uống máu người mình yêu
là điều khủng khiếp chẳng ai dám nghĩ tới.
Nhưng Ðức Giêsu lại muốn nuôi cả nhân loại
bằng Thịt và Máu Ngài.
Và thực sự Ngài đã nuôi ta bằng cái chết thập giá –
ở đó Ngài đã hy sinh Máu Thịt mình.
Ðúng hơn, Ngài nuôi chúng ta bằng sự sống của Ngài:
sự sống được trao đi qua cái chết tự nguyện,
và sự sống được lấy lại qua phục sinh vinh quang.
Ðức Giêsu ban cho ta Tấm Bánh (c.51).
Ngài còn tự nhận mình là Tấm Bánh (cc.48.51):
Tấm Bánh có sự sống và Tấm Bánh ban sự sống.
Tôi là Tấm Bánh: đó là định nghĩa của Ðức Giêsu về mình.
Ðịnh nghĩa này có làm ta ngạc nhiên không?
Bánh là cái gì ăn được và đem lại sự sống.
Bánh không sống cho mình, nhưng cho người khác.
Chấp nhận là bánh có nghĩa là chấp nhận mất mình,
mà chỉ khi mất mình như thế,
bánh mới thật là bánh, mình mới thật là mình.
Thật ra bánh vẫn hiện diện và nên một với người ăn.
Ðức Giêsu là Tấm Bánh đặc biệt.
Khi tôi ăn, Ngài thành tôi và biến tôi thành Ngài.
Một sự ở lại hai chiều, một sự hiệp thông sâu thẳm.
“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi
thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (c.56).
Rước lễ là đón lấy dòng sự sống, chấp nhận sống nhờ.
Ðức Giêsu sống nhờ Cha
và chúng ta sống nhờ Ðức Giêsu (c.57).
Như cành nho sống nhờ thân cây nho,
chúng ta cũng sống nhờ,
nghĩa là sống trong và sống cho Chúa.
Trong nhiều thế kỷ, Hội Thánh đã từng có thái độ
nhìn và thờ lạy Thánh Thể hơn là cầm lấy mà ăn.
Ðộng từ ăn được nhắc đến 8 lần trong bài Tin Mừng này,
như một lời mời gọi tha thiết của Ðức Giêsu.
Ngày nay, người ta rước lễ nhiều hơn trước.
Tiếc thay lắm khi cuộc gặp gỡ này khá vội vã,
thiếu chuẩn bị và cũng thiếu đối thoại thân tình.
Tôi lên rước lễ chỉ vì mọi người trong hàng ghế đã lên.
Phút thinh lặng sau rước lễ cũng bị cắt ngắn.
Tôi phải về ngay vì phải lấy xe, vì nhà thờ đóng cửa…
Chính vì thế rước lễ chẳng gây được âm vang nào nơi tôi.
Nó trở thành một thói quen, một nghi thức thuần tuý.
Tôi lên ăn một vật thánh, thay vì đón một người.
Ít khi có vị khách quý nào
bị thường xuyên tiếp đón lạnh nhạt như thế!
Rốt cuộc chẳng có cuộc gặp gỡ nào xảy ra,
nên tôi vẫn cứ là tôi như trước.
Hãy dự lễ như người đi dự tiệc Lời Chúa, Mình Chúa.
Chỉ ai biết ăn, biết thưởng thức và nghiền ngẫm,
người ấy mới gặp được sự sống và gặp được Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa đến với chúng con
dưới dạng tấm bánh bình thường.
Tấm bánh chẳng nói gì, chỉ biết lặng lẽ chờ đợi.
Tấm bánh hiện diện là để phục vụ cho con người.
Tấm bánh quá đỗi mong manh, nhỏ bé,
có thể bị ẩm mốc làm hư hoại,
và tan rất mau sau khi được nhận lãnh.
Lạy Chúa Giêsu, có cái gì tương tự
giữa phận làm người và phận làm bánh của Chúa.
Xin cho chúng con biết cách
đến với con người hôm nay:
đơn sơ, khiêm hạ,
không chút vinh quang hay quyền lực.
Nhờ ăn tấm bánh của Chúa,
chúng con cũng trở nên tấm bánh ngon,
được bẻ ra để đáp ứng khẩu vị của nhiều người.
Ước gì chúng con dám rước Chúa
đi vào mọi vùng mờ tối của lòng mình,
để sự hiện diện của Chúa trong con được lớn lên.
Và ước gì chúng con trở thành
những Nhà tạm di động,
đem Chúa đến cho đồng bào
và quê hương chúng con. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ