SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ BA TUẦN II MÙA CHAY

Thứ Ba Tuần II – Mùa Chay

Bài đọc 1           Is 1,10.16-20

Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

10Hỡi những kẻ làm đầu Xơ-đôm,
hãy nghe lời Đức Chúa phán.
Hỡi dân Gô-mô-ra,
hãy lắng tai nghe Thiên Chúa chúng ta dạy bảo.
16Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết,
và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta.
Đừng làm điều ác nữa.
17Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình,
sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi,
biện hộ cho quả phụ.
18Đức Chúa phán : “Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận !
Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết ;
có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông.
19Nếu các ngươi chịu nghe lời Ta,
các ngươi sẽ được hưởng dùng hoa mầu trong xứ.
20Còn nếu các ngươi từ chối mà phản nghịch,
các ngươi sẽ phải ăn gươm ăn giáo.”
Miệng Đức Chúa đã phán như vậy.

Đáp ca         Tv 49,8-9.16bc-17.21 và 23 (Đ. c.23b)

Đ.Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời.

8Ta chẳng trách cứ ngươi về hy lễ ;
lễ toàn thiêu của ngươi
hằng nghi ngút trước mặt Ta đêm ngày.
9Bò của ngươi, Ta nào có thiết ;
chiên của ngươi, chẳng lẽ Ta ham !

Đ.Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời.

16bcThánh chỉ của Ta, sao ngươi thường nhắc nhở,
mở miệng ra là chữ thánh ước trên môi ?
17Nhưng chính ngươi lại ghét điều sửa dạy,
lời Ta truyền, đem vất bỏ sau lưng.

Đ.Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời.

21Ngươi làm thế, chẳng lẽ Ta thinh lặng,
ngươi tưởng rằng Ta cũng giống ngươi sao ?
Này đây Ta khiển trách,
những tội kia, Ta vạch rõ ngươi xem.
23“Kẻ dâng lời tạ ơn làm hy lễ sẽ làm hiển danh Ta.
Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời.”

Đ.Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời.

Tung hô Tin Mừng          Ed 18,31

Đức Chúa phán : Hãy quẳng khỏi các ngươi mọi tội phản nghịch các ngươi đã phạm. Hãy tạo cho mình một trái tim mới và một thần khí mới.

Tin Mừng ngày hôm nay

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 23,1-12)

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng : 2 “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. 3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. 4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. 5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. 6 Họ ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, 7 thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là thầy.

8 “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy ; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Ki-tô. 11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. 12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm: 

Lòng nhân có chỗ đứng quan trọng trong Khổng giáo.
Sách Luận Ngữ coi lòng nhân là nét đặc trưng của con người.
Phật giáo cũng đề cao tinh thần từ bi hỷ xả.
Lấy ân báo oán, oán sẽ tiêu tan.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời các môn đệ
“Hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (c. 36).
Như thế nhân từ là nét đặc biệt nơi Thiên Chúa.
Nhân từ nằm ở nơi khuôn mặt và ngay nơi trái tim của Ngài.
Như tín đồ của các tôn giáo khác, Kitô hữu phải sống lòng nhân.
Nhưng hơn nữa, ở đây, Đức Giêsu mời gọi chúng ta
bắt chước lòng nhân từ của chính Thiên Chúa,
một lòng nhân từ không bị giới hạn bởi bất cứ ngăn cách nào.

Lòng nhân được diễn tả bằng bốn mệnh lệnh của Đức Giêsu,
hai mệnh lệnh tiêu cực và hai mệnh lệnh tích cực.
Các mệnh lệnh này đều ngắn gọn và nhịp nhàng.
Phần sau của mỗi mệnh lệnh đều ở thể thụ động,
nhằm nói lên hành động của Thiên Chúa.
“Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, đừng kết án để khỏi bị kết án,
hãy tha thứ thì sẽ được tha thứ, hãy cho thì sẽ được cho lại.”
Xét đoán ở đây không có ý nói đến hành động xét xử của vị quan tòa.
Nó chỉ muốn nói đến khuynh hướng hay phê bình, chỉ trích người khác.
Cần để ý đến tam giác giữa Thiên Chúa, tha nhân và chúng ta.
Thái độ của ta đối với tha nhân thế nào,
ta sẽ bị Thiên Chúa đối xử lại như vậy.
Nói cách khác, ta muốn được Thiên Chúa đối xử với mình ra sao,
ta hãy đối xử với tha nhân như vậy.
Càng cho nhiều và tha thứ nhiều, càng bớt xét đoán hay kết án,
ta càng được hưởng lòng nhân từ của Thiên Chúa.

Thiên Chúa đong lại cho chúng ta bằng đấu của chúng ta,
không phải vì Ngài thiếu quảng đại hay rộng lượng.
Nhưng vì giống như người đi múc nước bằng một chiếc thùng nhỏ,
người ấy sẽ chỉ lấy được ít nước thôi.
Thiên Chúa muốn ban cho ta nhiều hết sức,
nhưng điều đó còn tùy vào sức chứa của ta.
Có khi chính ta lại tự giới hạn khả năng đón nhận của mình.

Mùa Chay là thời gian để ta sống lòng nhân của Thiên Chúa.
Hãy thay đổi cái đấu ta thường dùng để đong cho người khác,
chúng ta sẽ thấy mình giàu có hơn xưa.

Ý cầu nguyện:  

Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.