SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN

THỨ 2

CẦN CÓ CÁI NHÌN HƯỚNG VỀ NƯỚC TRỜI

(Lc 14,12-14)

Tin Mừng

Đừng mời bạn bè, nhưng hãy mời những người nghèo khó, tàn tật.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

12 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa. Người nói với ông rằng : “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. 13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. 14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc : vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”

Tại thành phố Sài Gòn, rất nhiều người biết đến quán cơm từ thiện với cái tên ngồ ngộ: “Quán cơm Vợ thằng Đậu”. Chủ nhân của quán cơm này chính là cố nghệ sĩ Lê Vũ Cầu. Khi vừa qua cơn bạo bệnh nhờ phép lạ của Đức Mẹ, Lê Vũ Cầu đã xin theo Đạo Công Giáo, và việc làm đầu tiên để tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã cứu ông khỏi căn bệnh hiểm nghèo là: bán hai miếng đất lấy tiền mở quán cơm chay tại số 40 Đặng Văn Bi, Q.Thủ Đức, Tp. Sài Gòn.

Quán ăn phục vụ từ 10h 30 – 11h 30 trưa, mỗi ngày tiếp khoảng 100 – 150 lượt khách. Khách hàng của quán chủ yếu là người nghèo, người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn, nhưng đông nhất là anh chị em bán vé số. Tất cả đều được ăn miễn phí.

Khi mở quán như thế, nhiều người cho rằng nghệ sĩ Lê Vũ Cầu có vẻ bất thường, vì nếu dùng đồng tiền đó vào những chuyện như kinh doanh, buôn bán có lẽ tốt hơn!

Hôm nay, Đức Giêsu xem ra cũng có vẻ bất thường khi nói với ông thủ lãnh những người Pharisêu khi mời Ngài đến dự tiệc rằng: “Ông chớ mời các bạn hữu, nhưng hãy mời những người nghèo khó và tàn tật”. Câu nói này của Đức Giêsu quả thật là bất thường theo lối suy hiểu của con người. Không chỉ có một lần này, mà đọc lại các trang Tin Mừng, chúng ta thấy có rất nhiều lần Đức Giêsu dùng lối nói như vậy. Chẳng hạn như: Hiến Chương Nước Trời và những lời chúc phúc: “Phúc cho người nghèo, khóc lóc, đói khát, bắt bớ, tù đầy…”; hay khi đưa ra nguyên tắc éo le cho những ai muốn theo mình: “Ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất, ai đành mất mạng sống mình vì Ta thì sẽ được sống đời đời”; hay “ai muốn làm lớn thì phải làm đấy tớ mọi người”; hoặc cứ để kẻ chết chôn kẻ chết…; còn khi nói về sự lựa chọn: Ngài đã lựa chọn: “Sẵn sàng bỏ 99 con chiên để đi tìm cho kỳ  được 1 con chiên bị lạc; người đàn bà tìm được đồng xu đánh mất, thì lại mời cả xóm đế chung vui…!”.

Tại sao Đức Giêsu lại có cái nhìn như thế? Thưa là vì Ngài có một cái nhìn siêu nhiên, tức là cái nhìn hướng thượng, cái nhìn cứu độ. Chỉ những ai có cái nhìn như thế, hẳn mới đón nhận được giá trị cứu độ của nó đằng sau sự kiện.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có cái nhìn như thế để được cứu độ, bởi lẽ khi chúng ta hành động vì những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù…, ở đời này, họ không có gì để trả ơn cho chúng ta, nhưng Thiên Chúa sẽ là người thay họ trả ơn gấp trăm cho chúng ta ở đời này và đời sau.

Có thể với lối nhìn như thế, nhiều người sẽ khinh chê, dè bửu, nhưng nếu bây giờ chúng ta dám lội ngược dòng để sống cốt lõi của Tin Mừng, thì trong cuộc sống mai hậu, chúng ta sẽ xuôi dòng để tiến về Quê Trời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu và sống ý nghĩa của Tin Mừng, để sau này, chúng con được vui hưởng hạnh phúc trên Quê Trời. Amen.

 

THỨ BA

HẠNH PHÚC CHỈ CÓ ĐƯỢC KHI TA ĐẾN DỰ TIỆC

(Lc 14, 15-24)

Tin Mừng

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

25 Khi ấy, có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ:

26 “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. 27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.

28 “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có hoàn thành nổi không ? 29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi, lại không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chế diễu mà bảo: 30 ‘Anh ta đã khởi công xây, nhưng chẳng có sức làm cho xong việc.’ 31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng ? 32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. 33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”

 

Nói theo ý hướng chủ quan: ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, ấy là lúc chúng ta tạm cầm chiếc vé để vào Nước Trời, tuy nhiên, điều đó có thành hiện thực hay không lại phụ thuộc vào thái độ, cung cách sống kế tiếp của chúng ta.

Tại sao lại thế? Thưa là vì nhiều người lầm tưởng rằng: đã lãnh Bí tích Rửa Tội là chắc chắn được vào Nước Trời, nên không hề lo lắng gì đến chuyện sống ra sao và phải làm những gì? Những người như thế, họ chẳng khác gì những cô trinh nữ khờ dại có đèn mà không có dầu; hay như những người đầy tớ ngủ mê nên không biết ngày nào, giờ nào chủ họ sẽ về; hoặc như gia chủ không tỉnh thức nên đã để kẻ trộm đào ngạch khoét vách và lấy đi những thứ trong nhà…

Họ thật giống những người Dothái hôm nay khi được mời dự tiệc, họ đã không thèm đếm xỉa tới lời mời thịnh tình của Chủ, nên cuối cùng họ đã không đến, mà ngược lại, những người tội lỗi, nghèo khổ, những người thấp cổ bé họng, những người bên lề xã hội lại được vào chung vui tiệc cưới của ông Chủ.

Ngày nay, sự dửng dưng vô cảm với bàn tiệc Nước Trời vẫn còn đó nơi người Kitô hữu chúng ta. Vì thế, không lạ gì khi vẫn có những người thích ăn chơi, nhậu nhẹt, chè chén say xưa; hay vẫn tin vào những chuyện mê tín dị đoan; hoặc những chân lý nửa vời nên không màng chi đến chuyện đạo đức, lễ lạy…, nên người ta dễ bỏ qua những việc bác ái, đạo đức thường ngày… Chúng ta nhiều khi sẵn sàng đặt để vai trò của Chúa xuống hàng thứ yếu, nhưng khi được hỏi thì vẫn nói là mến Chúa trên hết mọi sự! Ôi thật là một sự giả hình!

Tin Mừng hôm nay cho thấy, chủ tiệc đã dọn sẵn cỗ bàn để đãi khách. Thiệp mời cũng đã được gửi đi, nhưng niềm vui chỉ có được khi khách đến hiện diện nơi bàn tiệc mà thôi.

Thật thế, những người được mời đâu đoái hoài gì đến thiện ý của Chủ tiệc, nên đã đặt những chuyện cá nhân lên trên và viện cớ: nào là đi tậu đất, thăm trại, mua bò và mới cưới…

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta một mặt hãy có lòng nhân từ như Thiên Chúa là Đấng yêu thương hết thảy mọi người, không phân biệt họ là ai… đồng thời cũng dạy cho chúng ta bài học về sự mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa và thi hành những điều Chúa dạy để được sống đời đời. Niềm vui sẽ nên trọn khi chúng ta để cho tình yêu của Thiên Chúa phủ lấp trên mình và chi phối nơi cuộc sống của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ vì những lần chúng con khước từ tình yêu của Chúa dành cho chúng con. Xin cho chúng con biết mau mắn đáp lại lời mời gọi yêu thương của Chúa để được hưởng sự sống đời đời. Amen.

 

THỨ TƯ

ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÀM MÔN ĐỆ

(Lc 14, 25-33)

Tin Mừng

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

25 Khi ấy, có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ :

26 “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. 27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.

28 “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có hoàn thành nổi không ? 29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi, lại không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chế diễu mà bảo : 30‘Anh ta đã khởi công xây, nhưng chẳng có sức làm cho xong việc.’ 31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng ? 32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. 33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”

 “Ai đến với Ta mà không từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình thì không xứng đáng làm môn đệ Ta”; hay: “Bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta được”; và: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo Tôi, thì không thể làm môn đệ Tôi được”.

Thoạt nghe, không ai trong chúng ta lại không cảm thấy “sốc” vì lời mời gọi này của Đức Giêsu xem ra có vẻ ngược đời và không thể chấp nhận được!

Tuy nhiên, dưới ánh sáng của mặc khải, chúng ta mới hiểu được thật chí lý khi Đức Giêsu đưa ra lời đề nghị này:

Trước tiên, Ngài muốn nói đến sự dứt khoát để đặt ý Thiên Chúa lên trên hết. Nếu vì lý do tình cảm mà mất ơn nghĩa hay hạnh phúc Nước Trời thì phải lựa chọn Chúa trước, còn mọi sự khác tính sau. Khi đã có tình yêu và được tình yêu của Chúa chi phối, hẳn sẽ bao trùm và định hướng tình cảm gia đình cũng như người thân…

Thứ hai, là sự thanh thoát. Đức Giêsu mời gọi những người muốn đi theo và làm môn đệ của Ngài, khi cần thiết phải từ bỏ ngay cả những gì là của mình, do mình làm ra và có khi phải từ bỏ ngay chính bản thân mình nữa… Bởi nếu không từ bỏ chính mình thì kể như những thứ ta bỏ trước trở thành vô ích, đây là điều khó khăn nhất đối với chúng ta!

Thứ ba, là phải vác thập giá mình mà theo. Đức Giêsu không bảo chúng ta vác thánh giá của Ngài, nhưng là thập giá của chính mình. Thập giá của chính mình là gì? Thưa có thể là người vợ lắm lời, ông chồng xay xỉn, bổn phận phải chu toàn… vác thập giá còn là từ bỏ ý riêng, là sống theo ý Chúa, tuân giữ luật Ngài trong lòng mến… Những thứ đó làm nên chất liệu quý và giá trị của người Kitô hữu.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sẵn sàng theo Chúa trong vai trò là người môn đệ. Tức là từ bỏ mọi sự, kể cả thứ tình cảm riêng tư, và ngay cả bản thân của mình để theo Chúa cho trọn vẹn…

Sống siêu thoát là giúp mình khỏi vướng bận vào của cải trần gian để tâm hồn được thanh thản hầu thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng được tốt hơn.

Sẵn sàng vác thập giá của mình cách yêu mến, chứ không chỉ tôn thờ thánh giá của Chúa mà thôi. Luôn chu toàn bổn phận hằng ngày cách trung thành. Tránh tình trạng vác thập giá cả làng nhưng thập giá của mình thì lại đè đầu cưỡi cổ người khác và bắt họ vác thay. Bởi vì chính Đức Giêsu đã cứu chuộc chúng ta bằng thập giá, vì thế, đời môn đệ mà thiếu vắng thập giá, thì hẳn sẽ mất hương vị và không phải cuộc sống của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được thanh thoát, biết đặt ý Chúa và sứ vụ của Ngài lên trên ý riêng cũng như tình cảm tự nhiên, biết từ bỏ chính mình và vác thập giá hằng ngày theo chân Chúa đến cùng. Amen.

 

THỨ NĂM
CUNG HIẾN THÁNH ÐƯỜNG LATÊRANÔ, lễ kính
Ngày 09/11  Ga 2,13-22

Tin Mừng

Đền thờ Đức Giê-su muốn nói là chính thân thể Người.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

13 Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. 14Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. 15 Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. 16Người nói với những kẻ bán bồ câu : “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” 17 Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh : Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.

18 Người Do-thái hỏi Đức Giê-su : “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế ?” 19 Đức Giê-su đáp : “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi ; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” 20 Người Do-thái nói : “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao ?” 21 Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. 22 Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

Thánh đường là nơi qui tụ dân Chúa, là nơi các tín hữu tới cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Thánh đường là nơi Chúa ngự, là nơi Mình Máu Thánh Chúa luôn hiện diện, là nơi dân Chúa lãnh nhận muôn vàn ơn huệ, muôn vàn hồng ân của Chúa.

ÐỀN THỜ LATÊRANÔ

Ðền thờ Latêranô là nhà thờ chánh toà của Ðức Giáo Hoàng. Ðức Thánh Cha với tư cách là Giám Mục Roma, cũng đặt ngai tòa của mình tại nhà thờ chánh tòa. Ðền thờ này được xây dựng vào năm 320 khi Giáo Hội Chúa Kitô, tượng trưng cho Tòa Thánh Roma vừa thoát qua khỏi một thời kỳ cấm cách, bắt bớ khủng khiếp . Ðền thờ này do công của Hoàng đế Constantinô xây dựng để tôn vinh danh Chúa và để dân Chúa có nơi tụ tập, đọc kinh cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích . Ðền thờ này đã được cung hiến vào khoảng thời gian nói trên.Lịch sử thuật lại rằng khi hoàn tất ngôi thánh đường này, nhiều đoàn người khắp trong thành phố Roma đã tuôn đến để dự lễ khánh thành và hiệp ý trong nghi lễ cung hiến ngôi thánh đường dùng đặt ngai tòa của Ðức giáo hoàng, với tư cách là Giám Mục Roma. Ngôi đền thờ Latêranô đã trải qua biết bao nhiêu biến cố, biết bao nhiêu thăng trầm của đạo giáo, biết bao nhiêu thử thách, khó khăn của các thời Hoàng đế Roma trị vì. Biết bao nhiêu người đã tới thánh đường Latêranô để xin rửa tội, gia nhập dân thánh Chúa trong những đêm phục sinh và mừng lễ vượt qua tại đây.

ÐỀN THỜ LATÊRANÔ NGÀY NAY

Ngày nay, đền thờ Latêranô vẫn vút cao, vẫn đứng sững như muốn nói với mọi người Thiên Chúa luôn yêu thương dân người. Ngày nay, vẫn có đoàn đoàn lớp người tới dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích. Hàng năm, ngày thứ năm tuần thánh Ðức Thánh Cha vẫn tới cử hành lễ với hàng linh mục Roma, với các Hồng y, Giám mục và Ngài diễn tả lại hành động, cử chỉ của Chúa Giêsu xưa nơi nhà tiệc ly là rửa chân cho các tông đồ.��

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết kính yêu Ðức Giáo Hoàng, cầu nguyện cho Ngài và cho Giáo Hội luôn trung tín với sứ mạng rao giảng Tin Mừng.

 

THỨ NĂM

THIÊN CHÚA LUÔN HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI

(Lc 15,1-10)

 

Toàn bộ Tin Mừng của Đức Giêsu, chúng ta thấy từ hành động đến lời rao giảng, Ngài luôn nhấn mạnh đến sự tha thứ và tình thương cứu độ của Thiên Chúa.

Hai dụ ngôn chiên lạc và đồng bạc bị đánh mất hôm nay là điển hình của đặc tính ấy.

Thật vậy, bản chất Thiên Chúa là tình yêu, vì thế, Người không chấp tội của chúng ta, Người cũng không để ý, hay đóng khung trong quá khứ, nhưng luôn mở ra và hướng tới tương lai.

Với một lối nhìn nhân từ, bao dung, tha thứ, nên Đức Giêsu đã không ngần ngại xếp những người tội lỗi như thu thuế, gái điếm thành bạn hữu của Ngài, trong khi những hạng người này dưới con mắt của người thời đó là đáng bị khinh bỉ và nguyền rủa!

Điều quan trọng mà chúng ta cần khám phá ra và cũng là hành trình đức tin của mỗi người, đó là: khi được Chúa yêu thương, tha thứ và tạo cơ hội cho mình thì điều đầu tiên cần có là tâm tình tạ ơn, rồi đến sám hối, hoán cải và cuối cùng là thực thi Lời Chúa cách trung thành.

Qua hình ảnh vị Mục Tử nhân lành vác con chiên đã đi lạc lên vai sau khi tìm được và niềm vui của bà chủ khi tìm thấy đồng bạc bị đánh mất cho chúng ta thấy rõ ràng một Thiên Chúa luôn hướng tới tương lai, không hề có ý định đóng dấu tội lỗi trong quá khứ cho bất cứ ai, nhưng không ngừng đi tìm kiếm người tội lỗi và mong họ trở về.

Đây là niềm tự hào và an ủi cho người Kitô hữu, bởi chúng ta được thuộc về Thiên Chúa tình thương, đồng thời an ủi là vì mỗi người đều là tội nhân trước mặt Thiên Chúa, nhưng được Ngài yêu thương.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hãy biết tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa, can đảm quay trở về với Người để được Người yêu thương. Đồng thời, noi gương Chúa, chúng ta không được coi thường, khinh bỉ người tội lỗi, bởi vì thánh nhân nào cũng có quá khứ, tội nhân nào cũng có tương lai. Thế nên, xin cho chúng ta hãy biết tha thứ và đối xử nhân hậu đối với những người tội lỗi như chính Chúa đã đối xử nhân hậu với chúng ta. Amen.

 

THỨ SÁU

HÃY KHÔN NGOAN THEO TIN MỪNG

(Lc 16, 1-8)

Tin Mừng

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. 2 Ông mới gọi anh ta đến mà bảo : ‘Tôi nghe người ta nói gì về anh đó ? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa !’ 3 Người quản gia liền nghĩ bụng : ‘Mình sẽ làm gì đây ? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. 4 Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ !’

5 “Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất : ‘Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy ?’ 6 Người ấy đáp : ‘Một trăm thùng dầu ô-liu.’ Anh ta bảo : ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.’ 7 Rồi anh ta hỏi người khác : ‘Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy ?’ Người ấy đáp : ‘Một ngàn giạ lúa.’ Anh ta bảo : ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.’

8 “Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.”

 

Khi nói đến Đức Giêsu, chúng ta biết Ngài là Đấng Chân Thật, vì thế, Ngài luôn bênh vực sự thật và tố cáo bất công, gian tham… Ấy vậy mà bài Tin Mừng hôm nay lại một lần nữa cho chúng ta ngỡ ngàng khi Đức Giêsu đề cao thái độ gian lận, giả dối của tên quản lý bất trung!

Tin Mừng kể lại: khi hắn biết chắc mình không còn được trọng dụng nữa vì những thất thoát mà hắn gây nên. Người quản gia này đã sử dụng mánh khóe theo kiểu: “Dùng phương tiện xấu để đạt được mục đích tốt”. Vì thế, anh ta đã gọi từng con nợ của chủ đến hỏi về số nợ, rồi lấy văn tự ra, viết giảm số nợ đi. Đây là một hình thức biển lận của chủ mà tên quản lý bất lương gỡ gạc vào những giờ phút chót trước khi bị xa thải.

Sau khi kể dụ ngôn này, nhiều người chưng hửng khi thấy ông chủ đã khen người quản lý bất lương đó khôn ngoan, nhanh nhạy khi hành động cách khôn khéo!

Tuy nhiên, Đức Giêsu không hề có thái độ tôn vinh hay chấp nhận hành vi bất chính của người quản gia này, nhưng ngang qua hành vi đó, Đức Giêsu muốn dạy các môn đệ và cho mỗi chúng ta rằng: phải khôn ngoan, biết nhìn xa trông rộng, biết tận dụng mọi cơ hội và biến cố để loan báo Tin Mừng, biết chuẩn bị cho tương lai, biến chúng thành những cơ may để gặp gỡ Chúa, ngõ hầu đạt được Nước Trời làm gia nghiệp.

Nếu người quản gia kia đã khôn khéo và mánh khóe thì mỗi chúng ta hôm nay cũng phải có sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan ấy trước hết phải được thể hiện qua chính mục đích chúng ta đang theo đuổi trong cuộc sống.

Vậy đâu là mục đích và lẽ sống của chúng ta? Hẳn không phải là tiền của, quyền bính, danh vọng, lạc thú… Những thứ đó không phải là mục đích, điểm đến của người Kitô hữu. Nhưng mục đích tối hậu của chúng ta chính là Nước Trời. Vì thế, ngay giây phút này, mỗi chúng ta hãy biết tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu mai ngày trên Thiên Quốc.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết chọn Chúa làm gia nghiệp của đời chúng con. Amen.

THỨ BẨY

KHÔNG ĐƯỢC LÀM TÔI HAI CHỦ

(Lc 16,9-15)

Tin Mừng

Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em ?

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

9 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy bảo cho anh em biết : hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. 10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn ; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. 11 Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em ? 12 Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em ?

13 “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”

14 Người Pha-ri-sêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giê-su. 15 Người bảo họ : “Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.”

Tham nhũng trong xã hội hôm nay đang là cái tật khó cắt bỏ. Nó được ví như căn bệnh ung thư hay Sida của thời đại này! Tham nhũng cũng là đầu mối gây nên những điều bất chính khác. Có thể nói: tham nhũng như là  nguyên nhân đệ nhất trong mọi nguyên nhân tiêu cực.

Tại sao lại xảy ra như vậy? Thưa điều đơn giản là con người ngày nay chỉ biết nghĩ đến mình mà không biết cảm thương người khác. Chúa của họ là cái bụng, là đồng tiền, vì thế, họ tìm mọi cách để vươn lên chức nọ việc kia, hầu có cơ hội kiếm trác…

Hôm nay, Đức Giêsu thấy được sự nguy hại của đồng tiền trong tiến trình theo Chúa của người môn đệ, vì thế, Ngài đã nói: “Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”. 

Thật là nguy hiểm cho đời môn đệ! Nếu vì tiền, hẳn người môn đệ sẽ không chu toàn bổn phận trong lòng mến; sẽ thượng tôn điều bất chính và tận dụng mọi cơ hội để khai thác nguồn lợi cho mình…; sẽ bất nhân với anh chị em; ích kỷ, kiêu ngạo và chối bỏ cùng đích của chính mình, thay vì tìm Nước Thiên Chúa và loan báo Tin Mừng cho người khác. Đồng tiền nó cũng rất dễ làm cho Lương Tâm bị chết nghẹt và đôi khi uốn nắn Thánh Ý của Thiên Chúa theo chủ đích của chính mình.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy khởi đi từ chính mình để biết sống ngay thẳng, biết đặt cùng đích của chúng ta là Nước Trời để hướng tới. Có thế, chúng ta mới trở thành người trung tín trong việc quản lý gia sản của Thiên Chúa qua vai trò là tôi tớ.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khám phá ra giá trị của Nước Trời để biết sử dụng của cải theo ý Chúa, ngõ hầu chúng con sẽ trở thành những người tôi tớ trung tín và khôn ngoan. Amen.