TẠI SAO KINH MÂN CÔI LÀ LỜI CẦU NGUYỆN CHIÊM NIỆM
Tác giả: Philip Kosloski
Chuyển ngữ: G. Võ Tá Hoàng
Từ: aleteia.org (07.10.2021)
Trong khi một số người có thể coi Kinh Mân Côi là lỗi thời, thì Giáo hội Công giáo vẫn tiếp tục xem đó như một phương pháp cầu nguyện tuyệt mỹ.
Đặc biệt, Thánh Gioan Phaolô II xác tín rằng, đó là một cách hoàn hảo để thực hành việc chiêm niệm.
Ngài đã viết về điều đó trong Tông thư về Kinh Mân Côi:
Lý do quan trọng nhất để khích lệ mạnh mẽ việc thực hành Kinh Mân Côi là vì nó được xem như phương tiện hữu hiệu nhất nhằm thúc đẩy các tín hữu dấn thân vào việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm Kitô giáo mà tôi đã đề ra trong Tông thư Novo Millennio Ineunte, như một “sự huấn luyện nên thánh” chính danh: “Điều cần có là một đời sống Kitô hữu nổi bật hơn cả trong nghệ thuật cầu nguyện”.
Đức Gioan Phaolô II thậm chí còn đi xa hơn khi so sánh Kinh Mân Côi với các phương pháp cầu nguyện chiêm niệm khác đã được phát triển ở Đông phương.
“Kinh Mân Côi thuộc về một trong những truyền thống tốt đẹp nhất và đáng ca ngợi nhất của việc chiêm niệm Kitô giáo. Được phát triển ở phương Tây, như là một lời cầu nguyện chiêm niệm tiêu biểu, cách nào đó tương ứng với “lời cầu nguyện của con tim” hoặc “lời cầu nguyện của Chúa Giêsu”, vốn đã bén rễ trong vùng đất của Kitô giáo Đông phương.”
Thực vậy, Thánh Gioan Phaolô II còn nói rằng: Kinh Mân Côi nếu không suy ngắm thì giống như một “cái xác vô hồn”.
“Kinh Mân Côi là một kinh nguyện chiêm niệm mạnh mẽ, vì nó bắt đầu từ kinh nghiệm của chính Đức Maria. Nếu không có chiều kích chiêm niệm này, Kinh Mân Côi sẽ mất đi ý nghĩa, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã chỉ rõ: “Không có yếu tố chiêm niệm này thì Kinh Mân Côi là một cái xác vô hồn, và việc lần hạt của nó có cơ nguy trở thành một thứ lập đi lập lại một cách máy móc những công thức, và đi đến chỗ đối diện với lời cảnh giác của Chúa Kitô: “Trong khi cầu nguyện đừng lải nhải nhiều lời trống rỗng như Dân Ngoại vốn làm; vì họ nghĩ rằng, họ phải nhiều lời mới được đáp ứng” (Mt 6,7). Tự bản chất, việc lần hạt Mân Côi cần một nhịp điệu bình lặng và một tốc độ khoan thai hầu giúp cho cá nhân suy niệm các mầu nhiệm về cuộc đời của Chúa Giêsu bằng đôi mắt của Mẹ Maria, là vị gần Chúa nhất. Có thế, những phong phú khôn lường của những mầu nhiệm này mới được tuôn trào ra” (MC 47).
Chìa khóa để mở ra chiều kích chiêm niệm của Kinh Mân Côi nằm trong việc suy niệm về các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu chứ không chỉ đơn giản là hàng đống những “lời nói suông”.
Nếu chỉ lần chuỗi Mân Côi cách đơn giản và không tham gia vào việc suy niệm thì quá dễ. Tuy nhiên, nếu chúng ta làm vậy, chúng ta có nguy cơ “lải nhải”, và những lời cầu nguyện đó không tác động gì đến tâm hồn chúng ta.
Đức Gioan Phaolô II cũng giải thích rằng: khi lần chuỗi Mân Côi chúng ta nên chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa Giêsu.
“Kinh Mân Côi là một trong những đường lối cầu nguyện truyền thống của Kitô giáo hướng đến việc chiêm ngắm gương mặt Chúa Kitô. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã mô tả điều đó bằng những lời sau: “Là một kinh nguyện Phúc Âm, tập trung vào mầu nhiệm Nhập Thể cứu chuộc, Kinh Mân Côi bởi thế là một kinh nguyện có chiều hướng Kitô học rõ ràng. Thật vậy, yếu tố nổi bật nhất của nó là tính liên tục, như là kinh cầu của kinh Kính Mừng tự nó trở thành một lời chúc tụng Chúa Kitô không ngừng” (MC 46).
Từ nay, khi lần chuỗi Mân Côi, bạn hãy cố gắng thực hiện theo cách chiêm niệm, là suy gẫm về những mầu nhiệm trong cuộc đời của Chúa Giêsu và ngắm nhìn khuôn mặt của ngài.