TGPSG –– Các bác sĩ trực đêm ỏ Bệnh viện Dã chiến số 10 vừa thực hiện nhiệm vụ của một người lính canh, lại vừa làm nghĩa vụ của một bảo mẫu dỗ dành giấc ngủ cho bệnh nhân…
Chúng tôi, những tình nguyện viên tu sĩ đến Bệnh viện Dã chiến số 10 vào tiết lập đông. Cảm giác phấn khởi hào hứng, pha chút hồi hộp lo lắng thật khó tả, đã làm cho đôi chân và đôi tay không còn bị lạnh buốt, thế mà sao cứ va chạm vào nhau!
Bầu khí trở nên ấm cúng và rộn rã bởi tiếng nói và tiếng cười của đoàn người “áo xanh” đang tiến về phía chúng tôi và chào đón chúng tôi bằng một tràng pháo tay rộn rã, với những ánh mắt “biết cười”. Họ là ai vậy? Từng người một bắt đầu giới thiệu: Tôi là bác sĩ…giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 10, tôi là bác sĩ…, tôi là bác sĩ… hân hoan chào đón quý Sơ đã đến với bệnh viện dã chiến số 10.
Tôi đưa mắt nhìn một vòng, tất cả ở đây đều là bác sĩ. Thật ngạc nhiên và thán phục. Tôi đã quen nhìn hình ảnh các bác sĩ trong những chiếc áo blouse trắng và đôi giầy tây thật lịch sự khi làm việc tại các bệnh viện. Bây giờ trước mặt tôi đây là những vị bác sĩ trong bộ đồ màu xanh bạc màu với đôi dép tổ ong thật bình dị và chất phác. Có lẽ điều này thích hợp với tên gọi “dã chiến”.
Mặc dù cái lịch lãm và hào nhoáng bên ngoài không còn nữa, nhưng chính lúc này tâm hồn của những vị lương y lại càng tỏa sáng hơn. Sự tận tâm và tận tình lo cho các bệnh nhân từng miếng ăn, giấc ngủ đã được thể hiện rất rõ khi các bác sĩ vào ca. Để có những phần cháo nóng được nấu và đóng hộp cẩn thận, cùng với những hộp sữa kèm theo để chuyển đến bệnh nhân đúng giờ và đúng với nhu cầu của người bệnh, thì những điều dưỡng làm công tác hậu cần đã phải tất bật từ sáng sớm. Khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi và bộ đồng phục ướt sũng đã đủ để cho thấy họ vất vả dường nào.
Những ca trực đêm tại khu chăm sóc đặc biệt tuy trầm lặng nhưng lại nhiều nỗi thao thức. Thao thức của những bác sĩ và nhân viên y tế vì những ca bệnh trở nặng trong đêm, thao thức của những bệnh nhân vì sự khó khăn để tìm kiếm một giấc ngủ trong sự mệt nhọc. Các bác sĩ trực đêm vừa thực hiện nhiệm vụ của một người lính canh, lại vừa làm nghĩa vụ của một bảo mẫu dỗ dành giấc ngủ cho bệnh nhân. Một cử chỉ kéo chăn lên đắp cho họ cách nhẹ nhàng, một dấu hiệu chúc ngủ ngon cũng đủ làm cho bệnh nhân thấy ấm lòng để đi vào giấc ngủ.
Âm thầm và lặng lẽ, các bác sĩ và nhân viên y tế ở đây đã diễn tả điều gọi là quảng đại cho đi, là tình yêu hy sinh vô vị lợi – điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong thư gửi cho Đức Cha Vincenzo Paglia, chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự Sống, ngày 20/2/2021 “như là một ‘thuốc chủng ngừa’ chống lại chủ nghĩa cá nhân và vị kỉ”.
Nguyện xin Chúa là Đấng đã đặt để nơi sâu thẳm lòng người một khát vọng tình yêu hi sinh thì xin Ngài cũng gia tăng và kiện toàn điều tốt đẹp ấy trong cuộc sống của họ. Để khi con người “thể hiện ước muốn chân thực nhất ở trong trái tim con người: được gần gũi với những người khốn khổ nhất và hy sinh bản thân vì họ” (ĐTC Phanxicô), thì chính họ cũng làm chứng cho Đấng đã hi sinh tự hiến vì nhân loại trong Mầu Nhiệm Nhập Thể mà chúng ta đã chiêm ngắm trong Mùa Giáng Sinh này.
Nữ tu Cecilia Hồng Ân, SPC (TGPSG)