Đôi dòng suy nghĩ về cuộc đời lại lóe lên và tháng năm còn lại lại được ráp chữ. Nhiều người hỏi thăm chữ đâu ra nhiều thế ? Xin thưa bàn phím vi tính thì bàn nào cũng như bàn nấy và cũng như có ngần ấy phím mà thôi không thêm không bớt. 24 chữ cái và cứ thế mà ráp thôi ! Đơn giản mà !
Tháng năm còn lại xuất hiện trên màn hình của bỉ nhân khi nghĩ về phận người, nghĩ về cuộc đời.
Trở về nhà Mẹ, xa lắm, lâu lắm và lạ lắm vì biết bao nhiêu thay đổi bởi lẽ con người, lòng người, cung cách người đổi thay theo năm tháng. Có những người một thời vang bóng nay lặng lẽ trong góc nhà cơm của nhà hưu dưỡng và có những người giờ đây đi bằng “xe bốn bánh không có mui” hay tệ hơn nữa nằm quắt queo trên giường dưỡng bệnh.
Ghé vào thăm Thầy già, người đã nhiều năm lặng lẽ và lui thủi với Chúa cạnh cái bàn Thờ Đền Mẹ Hằng Cứu Giúp thương yêu. Hẳn nhiên không tránh khỏi tuổi già và định luật của sức khỏe, Thầy nghỉ hưu và giờ này đang ở góc phòng lặng lẽ ít người lui tới.
Cạnh thầy già thì khá hơn một chút, Cha anh thân thương “cha giừa” mà anh em hay chọc là chưa già nhưng sức khỏe sa sút nên Cha về với nhà Mẹ để an dưỡng. Cha may mắn hơn nhiều Cha khác là có đứa cháu đang dâng mình cho Chúa trong dòng mà Cha cả đời dấn thân cùng với vài đứa đệ nữa năng ra vào lui tới.
Cha Andre cũng như vậy ! Chẳng qua khỏi vòng luân chuyển của cuộc đời. Nhiều năm tháng dài ngược xuôi lo cho bà con vùng nghèo miền Trung biển mặn nay cũng về hưu. Có thể nói Cha hoàn tất sứ mạng của một sĩ tử theo và sống linh đạo gắn bó với người nghèo.
Ơ kìa ! Dãy phòng lặng lẽ ở nhà hưu này đâu chỉ có mình Anh hay thầy già đáng kính. Còn và còn nhiều đấng bậc vị vọng của Hội Thánh nữa chứ !
Và rồi, một ngày khá xa hay một ngày không xa mà chỉ mình Thiên Chúa biết và tính cho mỗi người thì mỗi người sống trong dòng Thánh này cũng sẽ tuần tự nép mình trong dãy phòng đơn sơ và lặng lẽ đó thôi. Nếu như trước đây đùm đùm đề để mà cả xe tải chở cũng không hết thì nay chỉ còn ít bộ đồ kèm theo ít vật dụng cũng như chiếc áo alba và chiếc áo dòng cũ rích.
Với tất cả những điều đó, với tất cả những con người đó (là cha anh đi trước) và với tất cả tâm tình của phận người, ta sẽ nghĩ gì và sẽ sống sao ?
Dĩ nhiên còn sức là còn “cày” vì nếu không “cày” thì dẹp đi căn tính cũng như sứ mạng của người thừa sai của Đấng Cứu Thế. Thế nhưng rồi làm gì thì làm, dù “cày” nhiệt tâm như thế nào đi chăng nữa nhưng cũng không bao giờ quên được tình nghĩa anh em, tình nghĩa của những nơi mình được gửi đến. Không cân nhắc, không khéo thì khi ta ra đi ta sẽ có những công trình vật chất vĩ đại như xây những căn nhà thật lớn, làm những việc từ thiện thật hay nhưng rỗng tuếch trước mặt Chúa không chừng. Đơn giản là khi còn sức, người ta chỉ cày để tìm tư lợi cho bản thân, cho nhóm của mình mà quên đi chuyện chính yếu là rao giảng và nhất là sống cho Đức Kitô, với Đức Kitô và vì Đức Kitô.
Những người xưa nay về nhà hưu nghỉ dưỡng có lẽ đã dùng hết công năng, hết con tim, hết quả lòng của mình và chờ ngày ra đón chàng rể đến. Có lẽ, các đấng các bậc này may mắn hơn nhiều người khác vì có thời gian để tỉnh thức, để nhìn lại đời mình cũng như sẵn sàng chờ chàng rể đến.
Tâm tình của người Anh Andre còn đó. Anh sống nhẹ nhàng và thanh thoát sau chuỗi ngày lao nhọc. Hết sức đặc biệt, Anh cho bỉ nhân nghe những dòng tâm tình của anh về phận người, về đời tu và sứ mạng linh mục thật hay. Nhìn bề ngoài thấy Anh khô khô như ngói nhưng không ngờ trong lòng đầy “ẩm ướt” với tình yêu Giêsu.
Trước khi ra về, anh nhỏ nhẹ dặn bi nhân : “Hãy sống ngẩng cao đầu với mọi người và cúi đầu trước mặt Chúa nhé em !”
Vâng ! Sống thẳng, sống thật, sống hiên ngang không luồng cúi trước bất cứ thế lực nào. Kèm theo đó là thái độ khiêm tốn tự hạ trước mặt Thiên Chúa để đón nhận lòng thương xót của Ngài.
Tháng năm còn lại cũng có thể nghĩ và viết rằng ngày tháng còn lại hay giờ ngày còn lại với những ai đang bị ung thư hay bị bệnh hiểm nghèo. Và đâu đó lời Chúa vẫn còn đó : Lạy Chúa ! Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống để ngỏ hầu tâm trí được khôn ngoan”.
Tạ lại xin Chúa cho ta thêm ơn khôn ngoan không theo kiểu khôn ngoan của người đời để ta đếm tháng ngày ta còn sống. Có như thế, ta mới vun tròn tình bác ái yêu thương, tình huynh đệ với những người ta gặp gỡ và chung sốmg. Ngày sau khi ta nằm xuống, Chúa vẫn cứ hỏi ta rằng con có yêu mến Thầy không và sống như thế nào đó để ta vui vẻ nói với Chúa : Thầy ! Thầy biết con thương Thầy (và cũng thương anh em con như Thầy đã thương).
Người Giồng Trôm