Thánh nữ Têrêsa Avila Lễ kính: 5 bài học quan trọng từ Thánh nữ Têrêsa Avila

François Gérard, “Teresa of Ávila” (ảnh một phần), năm 1827

5 BÀI HỌC QUAN TRỌNG TỪ THÁNH NỮ TÊRÊSA AVILA

Tác giả: Lm. Roger Landry

WGPVL (14.10.2021) – Sự thông thái vượt thời gian của vị nữ Tiến sĩ Hội Thánh đầu tiên

Chúng ta đang tiến nhanh đến dịp kỷ niệm 400 năm ngày tuyên thánh ấn tượng nhất trong lịch sử Giáo Hội, sự kiện đã diễn ra vào ngày 12 tháng 3 năm 1622.

Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XV đã có được những vinh dự này. Các cuộc tuyên thánh trong giai đoạn lịch sử này là những sự kiện tương đối hiếm. Mặc dù Công đồng Trentô dạy rằng mẫu gương và lời chuyển cầu của các thánh là một sự trợ giúp đắc lực cho các tín hữu, nhưng phải mất 25 năm sau khi Công đồng kết thúc mới có một số người được tuyên thánh. Trên thực tế, từ năm 1492 đến năm 1587, chỉ có ba người được tuyên thánh, mỗi thời mỗi khác. Đức Giáo Hoàng Grêgôriô đã thay đổi điều đó, ngài đã tuyên thánh cùng một lúc cho bốn vị thánh vĩ đại của thời kỳ Phản Cải cách (hay còn gọi là thời kỳ Chấn hưng Công giáo), những người đã sống cùng thời với chính Đức Giáo Hoàng, những người không chỉ biểu trưng cho những gì Giáo Hội đang hướng tới mà còn đóng những vai trò quan trọng trong việc giúp Giáo Hội quay lưng lại với tội lỗi và trở nên trung thành với Tin Mừng.

Bốn người đó là Thánh Inhaxiô thành Loyola, nhà sáng lập Dòng Tên; người bạn cùng phòng thời đại học ngày xưa của Thánh Inhaxiô và nhà truyền giáo vĩ đại nhất mọi thời đại sau Thánh Phaolô, là Thánh Phanxicô Xaviê; người tái Phúc Âm hóa ở Rome vào thế kỷ 16 và người sáng lập Dòng Các Cha Diễn Thuyết (Oratory), là Thánh Philipphê Nêri; và nhà cải cách vĩ đại của đời sống tu trì và người sáng lập Dòng Cát Minh Chân Đất, là Thánh Têrêxa Avila.

Ý nghĩa của những gì đã xảy ra vào ngày 12 tháng 3 năm 1622 trở nên quan trọng đối với toàn thể Giáo Hội, vì gương mẫu của Thánh Inhaxiô, Thánh Phanxicô, Thánh Philipphê và Thánh Têrêsa tiếp tục truyền cảm hứng cho các tín hữu trong mọi bước đường cuộc sống, và các hội dòng mà các ngài và những đứa con tinh thần của mình đã thành lập – làm cho Giáo Hội có thể hiện diện khắp các quốc gia, các trường đại học, các tu viện và còn nhiều hơn thế nữa – đã trở thành nền tảng cho Giáo Hội kể từ đó.

Chúng ta có rất nhiều điều để học hỏi nơi từng người trong số các ngài. Trong chừng mực ngày Thứ Sáu tới đây là Ngày Lễ của Thánh Têrêsa Avila, người đã qua đời vào ngày 15 tháng 10 năm 1582 (cũng chính ngày này, lịch Julius đổi thành lịch Gregory), nên việc tập trung vào vị thánh nữ này là điều phù hợp.

Mùa hè vừa qua, nhờ có một vài ngày nghỉ phép ở Madrid, tôi đã có cơ hội thực hiện một chuyến đi trong ngày với những người bạn linh mục đến Avila, nơi Thánh Têrêsa sinh ra và bước vào đời sống tu trì, và sau đó đến Alba de Tormes, nơi thánh nữ đã bước vào sự sống vĩnh hằng. Vì một trong những người bạn đồng hành của tôi có những trách nhiệm đặc biệt trong Giáo Hội ở Tây Ban Nha, nên chúng tôi được đặc ân đi vào trong các khu vực hành lang của ba tu viện Cát Minh, nơi mà chúng tôi có thể đến gần để dõi theo những bước chân của Thánh Têrêsa và cầu nguyện tại chính những nơi mà ngài đã từng chiêm niệm, đã từng xưng tội, đã từng sống và chết.

Chúng tôi có thể tôn kính những thánh tích của thánh nữ, bao gồm cả trái tim không hư nát của ngài đã từng bị đâm thâu một cách mầu nhiệm – “được biến đổi” – bởi tình yêu Thiên Chúa. Chúng tôi cũng có thể chứng kiến lòng nhiệt thành không phai nhạt của thánh nữ qua các cuộc trò chuyện với những người con thiêng liêng của ngài, có thể cảm nghiệm được tình yêu lớn lao và lời chuyển cầu của họ dành cho các nhu cầu của Giáo Hội, và cũng có thể chúc mừng họ vì dịp lễ kỷ niệm sắp tới.

Vào ngày 27 tháng 9 năm 1970, Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã phong ngài làm vị nữ tiến sĩ Hội Thánh đầu tiên. Tôi muốn nêu bật năm bài học mà ngài dạy cho chúng ta.

Bài học đầu tiên là lòng khao khát thiên đàng mãnh liệt. Tôi rất ấn tượng khi đến thăm tu phòng nơi thánh nữ qua đời ở Alba de Tormes, và đã nhìn thấy bức tranh tường được vẽ trên đầu giường của ngài về một khung cảnh xảy ra khi ngài 7 tuổi. Ngài đã sớm xây dựng một ẩn thất nhỏ ở sân sau nhà mình.

Một ngày nọ ở đó, thánh nữ và em trai 5 tuổi Rodrigo bắt đầu chuyện trò về hạnh phúc của các vị thánh trên thiên đàng. Họ đã sửng sốt bởi ý nghĩ về việc sống “đời đời.” Rodrigo đã hỏi rằng làm thế nào họ có thể đến được với Thiên Chúa trên thiên đàng nhanh nhất, và Têrêsa đã trả lời rằng qua việc tử đạo. Câu hỏi làm thế nào họ có thể trở thành những vị tử đạo và Têrêsa đã kể về những người Hồi giáo đang sát hại các Kitô hữu ở Marốc.

Và thế là họ bắt đầu tiến về phía nam để đến Marốc, quên đi sự phức tạp về địa lý của Địa Trung Hải nằm giữa Tây Ban Nha và Bắc Phi! Họ đã đi ra ngoài các tường thành, đến tận Cầu Adaja theo phong cách Rôma cổ kính, nơi chú Francisco của họ, đang trở về sau một cuộc đi săn, đã nhìn thấy họ và hỏi họ sẽ đi đâu. Khi họ nói với chú ấy rằng họ đang đến Châu Phi để chịu tử đạo dưới tay người Marốc, chú ấy đã khéo léo tình nguyện cho họ đi nhờ ngựa. Sau khi nhảy lên ngựa, người chú đã phi nước đại đưa họ trở về nhà để chịu một kiểu tử đạo khác đang chờ đợi họ ở đó.

Đây là một câu chuyện đẹp nhất về tiểu sử của một vị thánh, minh chứng cho tình yêu giống như trẻ thơ mà chúng ta phải dành cho Thiên Chúa, cho thiên đàng, cho sự sống đời đời. Tình yêu đó vẫn lan toả từ bên trong thánh nữ để rồi những hy vọng của ngài cuối cùng cũng đã được thực hiện vào năm 1582.

Bài học thứ hai là về tầm quan trọng và nghệ thuật của cầu nguyện. Thánh nữ là một Tiến sĩ Hội Thánh chính vì, cùng với nhà cải cách Dòng Cát Minh là Thánh Gioan Thánh Giá, thánh nữ là một trong những người định hướng về đời sống nội tâm quan trọng nhất trong lịch sử Giáo Hội.

Thánh nữ sử dụng văn phong sống động và hình ảnh về một Lâu đài Nội tâm với bảy “tầng” (mỗi tầng gồm nhiều phòng) để truyền đạt những chân lý sâu sắc về đời sống cầu nguyện và đời sống thiêng liêng. Thánh Têrêsa mời gọi tất cả các chị em của mình – và những người khác – đi qua từng chặng đường của tiến trình thiêng liêng này bằng cách mở lòng đón nhận công việc của Chúa Thánh Thần một cách trọn vẹn hơn.

Bài học thứ ba là về sự hoán cải liên tục. Thánh nữ vào tu viện Cát Minh lúc 20 tuổi, nhưng cộng đoàn này lại đang ở trong tình trạng bất ổn về mặt thiêng liêng. Một số nữ tu có nhiều dãy phòng, với cả người hầu và vật nuôi. Cuối cùng, chính thánh nữ cũng đã từng đầu phục trước tình trạng thế tục, ngài đã dành rất nhiều thời gian để tiếp đãi những người đến thăm và bạn bè trong phòng khách, ngài còn dành cho mình những thỏa hiệp khác nhau với sự phù phiếm thế tục. Khi thánh nữ 39 tuổi, Thiên Chúa đã thức tỉnh ngài một lần nữa khỏi đời sống nhạt nhẽo, nơi mà ngài đang phải chống chịu với những tội nhẹ, và làm sống lại nơi ngài khao khát về sự thánh thiện, về hạnh phúc.

Kinh nghiệm hoán cải đó dẫn đến bài học thứ tư, đó là sự hoán cải trong Giáo Hội. Thánh nữ đã chứng kiến ​​và nghiệm thấy những gì có thể xảy đến cho con người ngay cả ở những nơi mà họ thề hứa sẽ dâng hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa. Thánh nữ đã nhận thức được rằng các cơ cấu của Giáo Hội, bắt đầu từ những người thuộc dòng Cát Minh, cần phải được cải tổ sâu sắc đến mức nào, và bất chấp những đau khổ cá nhân to lớn, thánh nữ đã dành phần đời còn lại của mình cho việc cố gắng trở thành một công cụ để đem những chị em cùng dòng Cát Minh trở về với mối tình đầu của mình, thông qua Giáo Hội.

Giáo Hội lúc nào cũng cần đến sự cải cách và cần đến những nhà cải cách thánh thiện, những người là công cụ của Thiên Chúa để đưa chúng ta trở lại điều mà Chúa Giêsu ở Bêtania đã gọi là “phần tốt hơn” và “một điều cần thiết” (x. Lc 10,41-42).

Cuối cùng, trong Năm của Thánh Giuse này, thánh nữ còn chỉ cho tất cả chúng ta cách để gia tăng lòng sùng kính đối với Người. Tình yêu của Thánh Têrêsa dành cho Thánh Giuse, Đấng đã được Chúa Cha đã tuyển chọn để dưỡng dục Con của Người theo nhân tính và để bảo vệ và chăm lo cho Thánh Gia, đã bắt đầu khi thánh nữ được chữa khỏi một căn bệnh thể lý sau khi cầu nguyện với Thánh Giuse vào năm 26 tuổi.

Thánh nữ đã viết, “Nhận thấy mình thật khốn cùng trong khi các bác sĩ trần thế còn quá non trẻ đã không thể chữa khỏi được cho tôi. Tôi đã nhờ đến Thánh Giuse vinh hiển làm người bênh vực và bảo vệ, và đã giao phó chính mình cho Người… Sự cứu giúp của Người đã mang lại cho tôi nhiều điều tốt đẹp hơn những gì tôi có thể hy vọng. Tôi không nhớ đã từng cầu xin với Người bất cứ điều gì mà lại không được nhậm lời.”

Thánh nữ đã cố gắng rao truyền về một tình yêu bao la dành bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ.

“Tôi ước mình có thể thuyết phục mọi người hết lòng với vị thánh vinh hiển này, vì kinh nghiệm lâu năm đã dạy cho tôi biết về những ơn lành mà Người có thể nhận được từ Thiên Chúa để dành cho chúng ta. Trong tất cả những người tôi biết với một lòng mộ mến chân thành và một lòng sùng kính đặc biệt đối với Thánh Giuse, thì không ai lại không thăng tiến về mặt nhân đức; Người giúp sức cho những ai hướng về Người để đạt đến việc tiến bộ thực sự… Tất cả những gì tôi mời gọi, vì tình yêu Thiên Chúa, là bất cứ ai không tin tôi thì hãy thử những gì mà tôi đã nói, và sau đó người đó sẽ tự nhận biết những lợi ích khi giao phó chính mình Thánh tổ phụ Giuse vinh hiển, và rồi người đó cũng sẽ có được một lòng mộ mến đặc biệt đối với Người. Đặc biệt, những ai sống đời cầu nguyện nên yêu mến Người như một người cha.”

Khi chúng ta kỷ niệm ngày lễ của thánh nữ và chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 400 năm ngày thánh nữ được tuyên thánh, chúng ta hãy cầu xin ngài cầu thay nguyện giúp để chúng ta có thể chia sẻ lòng khao khát của ngài dành cho thiên đàng, dành cho cầu nguyện, dành cho sự hoán cải liên tục, dành cho việc cải cách các cơ cấu của Giáo Hội và dành cho việc giao phó toàn thể Giáo Hội cho Thánh Giuse.

Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên chuyển ngữ từ National Catholic Register (13.10.2021)

Nguồn: giaophanvinhlong.net