Gửi ông bạn rất thân,
Nhắn đôi dòng Facebook hỏi thăm sức khoẻ của ông, cách riêng trong tình hình dịch bệnh rất căng thẳng này, tôi thấy đồng cảm và quý mến ông nhiều hơn. Qua trò chuyện, tôi mới biết ông đã rất vất vả trong những ngày qua để có được miếng ăn và cái mặc cho vợ con ông. Ông đã giải thích với tôi như một cách để thoái thác hay để quên đi nỗi vất vả: “Hoàn cảnh chung mà ông! Chịu vậy!”.
Cùng ra trường, mỗi đứa đều có những lựa chọn rất riêng cho đời mình. Ông lập gia đình một vài năm sau đó, rồi có một đứa con bụ bẫm. Xem hình ông chụp với vợ và con mà tôi mừng cho ông, vì bạn tôi đã có một ơn gọi rất riêng cho đời mình, đang triển nở hạnh phúc trong chính ơn gọi ấy. Kiếm được một công việc sau ra trường không phải là chuyện dễ dàng với sinh viên tụi mình ông nhỉ! Vả lại bạn tôi lại là một người mạnh mẽ, không chịu “quỵ luỵ” bất kỳ ai để mau chóng “an cư lạc nghiệp”, nên ông vất vả nhiều để tìm được công việc ổn định. “Việc trái ngành!”, đó là câu trả lời khi tôi hỏi thăm công ăn việc làm của ông. Ông chấp nhận việc trái ngành học, miễn là việc chân chính và tự tay mình làm nên là được. Thế là một chàng thanh niên tốt nghiệp ngành ngôn ngữ lại chọn trở thành nhân viên kiểm toán, lật từ ngành nhân văn sang ngành kinh tế cứ như lật một tấm bánh tráng. “Mấy ngày đầu tôi phải ôn lại toán và cách dùng các hàm trong Excel đó ông! Ngày đầu cũng cực lắm, nhưng từ từ nó quen!”, đọc hàng tin ấy mà sao thấy bạn tôi vất vả quá! Bốn năm đại học cho tụi mình kiến thức và nhân bản, ra trường thì bổ túc thêm những lĩnh vực khác. Nể phục ông thật đây! Bạn tôi!
Nhưng chuyện đâu đã yên. Dịch Covid bùng lên đợt một, ông bị mất việc. Nhân viên dưới năm năm thì thuộc diện cho “nghỉ hưu non” vì công ty không kham nổi tất cả nhân viên, chỉ những thành viên cơ hữu lâu năm (cụ thể là trên năm năm) thì mới được giữ lại. Ông chao đảo trước những luồng tin dữ ấy. Thằng Cu Tí vẫn khóc ở nhà đòi sữa, tiền nhà tới tháng phải đóng, và bao nhiêu thứ phải lo. Nhiều khi vợ con vướng cảm sốt thì ông cũng sốt vó. Mới mất việc một tuần mà nhìn ông tiều tuỵ quá sức, trông già hẳn. Tuy vậy, sau những lần nhắn tin động viên ông, tôi vẫn thấy nơi ông chưa ngớt nhiệt huyết của một thanh niên trẻ, y như tính tình của ông hồi học ở đại học. Quyết tâm không cậy dựa vào số tiền lương cuối cùng, ông lên mạng kiếm việc, trái ngành hay thuận ngành không còn là điều quan trọng nữa, quan trọng là thằng Cu Tí và chuyện gia đình. Đeo vội chiếc khẩu trang, lên xe chạy một mạch tới nhiều nơi mà trên mạng đăng tìm người làm việc, ông vất vả mấy ngày liền để mong có chân trong một chỗ nào đó. Cuối cùng, tiếp tục làm công việc kiểm kê và thêm vào việc vận chuyển hàng hoá cho sân bay. “Trời! Trong lúc Covid này mà kiếm được việc mừng muốn chết! Đòi hỏi gì việc nặng hay nhẹ!”, ông nhắn với tôi như thế ngay khi có việc mới.
Có lẽ điều mà ông thích nhất là mỗi tối được về nhà ôm thằng Cu Tí – con trai đầu lòng của vợ chồng ông – rồi tặng cho nó một tràng hôn, chụp một tấm hình mà post lên Facebook, khuôn mặt rạng rỡ còn ám chút mệt mỏi của một ngày làm việc căng thẳng với những con số và hàng hoá. Cứ mỗi lần thấy ông cười là tôi vẫn còn mừng khôn xiết. Ừ! Cuộc sống này vất vả quá phải ông nhỉ! Nhưng sức trẻ vẫn còn thì chưa muốn và chưa thể nghỉ ngơi phải không ông! Hôm trước ông khoe được tiêm vắc-xin rồi, vẫn còn đi làm tiếp trong mùa dịch, vậy là an tâm không như lần cho nghỉ việc trước. Ông mừng rỡ và hạnh phúc vì biết còn sức lo cho gia đình nhỏ bé của ông. Nhưng ngẫm tới những hy sinh vất vả của ông, tôi thấy quý mến bạn của mình hơn bao giờ hết. Nhớ giữ sức khoẻ, an toàn để trở về gia đình bình an sau mỗi ngày làm việc nghen ông. Chúc ông luôn vững mạnh, bình an để làm điểm tựa cho gia đình mình.
Mong đại dịch Covid sớm qua đi, chúng ta lại tái ngộ một ngày không xa.
Bạn rất thân của ông,
Silicat. Nguồn: Dongten.net