THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XVI:
TRƯỚC NGÀY KHAI MẠC ĐẠI HỘI CẤP CHÂU LỤC CỦA GIÁO HỘI Á CHÂU
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: bangkok.synod2023.org (23. 02. 2023)
WHĐ (24.02.2023) – Ngay từ thứ năm ngày 23. 02. 2023, trung tâm Huấn luyện Mục vụ Baan Phu Waan của Tổng giáo phận Bangkok, Thái Lan, đã hân hoan đón tiếp các đại biểu tham dự Đại hội cấp Châu lục của Giáo hội Á châu được diễn ra từ ngày 24 –26. 02. 2023 nhằm chuẩn bị cho Thượng hội đồng Giám mục XVI.
Thành phần tham dự Đại hội
Đại hội quy tụ khoảng 80 tham dự viên, trong đó có: 6 Hồng y, 5 Tổng giám mục, 18 Giám mục, 28 Linh mục, 4 Nữ tu và 19 giáo dân, đến từ 17 Hội đồng Giám mục và 2 Thượng Hội đồng Giám mục, đại diện cho 29 thành viên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC).
Viễn ảnh của Đại hội
Là lục địa lớn nhất và đông dân nhất, Châu Á được thiên nhiên ưu đãi với nền văn hóa, ngôn ngữ, sắc tộc và tôn giáo đa dạng. Trong khi Kitô giáo vẫn là một thiểu số rất nhỏ thì sự năng động và phong phú của các nền văn hóa khác nhau mang lại niềm vui cho đời sống của Giáo hội. Mặc dù các hệ thống tín ngưỡng, giá trị và biểu tượng khác nhau ở mỗi nơi, nhưng tính liên đới của cộng đồng nhân loại đã đưa người dân châu Á xích lại gần nhau hơn. Giá trị của châu Á về mối tương quan với Thiên Chúa, với chính mình, với người thân cận, và với vũ trụ mang theo nó sự hiệp nhất của gia đình nhân loại và sự hiệp nhất của người dân châu Á.
Bất kể những thách đố, cuộc hành trình của Thượng Hội đồng đã được coi là thời điểm ân sủng và chữa lành đối với Giáo hội. Hình ảnh “Giáo hội như một chiếc lều” cho thấy đó là nơi nương ẩn có thể mở rộng cho tất cả mọi người trong tinh thần dung nạp. Hình ảnh này cũng cho thấy rằng Thiên Chúa có thể dựng lều của Ngài ở bất cứ nơi nào mà Thần Khí của Ngài thổi đến, kể cả những nơi bạo lực, hỗn loạn và đau khổ. Quan trọng hơn, trong lều có chỗ cho tất cả mọi người; không ai bị loại trừ, vì đó là ngôi nhà của mọi người. Trong tiến trình này, những người từng cảm thấy bị “bỏ rơi” giờ đây nhận ra rằng họ có một mái ấm trong căn lều này – một không gian thánh thiêng và an toàn.
Hình ảnh chiếc lều cũng nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu đã cắm lều ở giữa chúng ta qua việc nhập thể, và vì thế, chiếc lều cũng là nơi chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau. Căn lều, giờ đây được xem như ngôi nhà chung, cũng đã khơi dậy cảm giác thân thuộc và chia sẻ trong cùng một phép rửa. Tiến trình Hiệp hành đã mang lại một nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc cùng nhau bước đi như một sự hiệp thông của các cộng đồng, dẫn đến sự phát triển hữu cơ của Giáo hội.
Chương trình nghị sự của Đại hội
Trong 3 ngày tới, ngoài các phiên định hướng được cung cấp mỗi ngày, các tham dự viên sẽ làm việc theo đề cương dự thảo được soạn sẵn và để ngỏ dựa trên Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Châu lục (DCS) của Thượng Hội đồng nhằm giúp các đại biểu cùng nhau bước đi trong cầu nguyện, phân định, thảo luận và cân nhắc.
Ngoài ra, các tham dự viên sẽ chia sẻ những Chủ đề xoay quanh trải nghiệm về niềm vui, về việc cùng nhau bước đi, về những ổn thương, và về lời mời gọi đón nhận những Lộ trình mới. Đồng thời, các đại biểu cũng sẽ tập trung vào những căng thẳng đang nổi lên ở Châu Á, chẳng hạn như: việc sống tinh thần Hiệp hành, việc đưa ra quyết định, ơn gọi linh mục, giới trẻ, người nghèo, xung đột tôn giáo và giáo sĩ trị.
Thánh lễ Khai mạc kính Chúa Thánh Thần vào sáng thứ Sáu ngày 24. 02 sẽ do Đức Tổng Giám mục Tarcisio Isao Kikuchi, SVD, Tổng Giám mục Tokyo, và Tổng Thư ký của FABC chủ tế.
Sau đó sẽ là phần định hướng giới thiệu cho các tham dự viên về những chủ đề thảo luận và phân định. Bản thảo của tài liệu cuối cùng cũng sẽ được trình bày để các tham dự viên chia sẻ suy nghĩ của mình.
Đại hội cấp Châu lục của Giáo hội Á châu sẽ kết thúc vào Chúa nhật với Thánh lễ do Đức Hồng y Charles Bo, SDB, Tổng Giám mục Yangon và Chủ tịch FABC chủ sự.
Niềm hy vọng bùng sáng lên khi được cùng nhau bước đi với tư cách là những người dân của Châu Á rộng lớn và đa dạng này.