TIẾP KIẾN CHUNG 21-4-2021: ĐỨC THÁNH CHA: CẦU NGUYỆN THÀNH TIẾNG LÀ CÁCH CHẮC CHẮN NHẤT ĐỂ THƯA CHUYỆN VỚI CHÚA


Đức Thánh Cha tiếp kiến chung
Ngày 21.4.2021

ĐỨC THÁNH CHA: CẦU NGUYỆN THÀNH TIẾNG
LÀ CÁCH CHẮC CHẮN NHẤT ĐỂ THƯA CHUYỆN VỚI CHÚA

 Giuse Trần Đức Anh, O.P.

 

vietnamese.rvasia (21.4.2021) – Lúc 9 giờ 15 phút, sáng thứ Tư, 21/4/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện buổi tiếp kiến chung dưới dạng trực tuyến, vẫn tại thư viện ở dinh Tông tòa.

Tôn vinh Lời Chúa

Buổi tiếp kiến mở đầu với bài đọc ngắn trích từ thánh vịnh 130 (129), 1-5:

Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa,

Muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con.

Dám xin Ngài lắng tai để ý nghe lời con tha thiết nguyện cầu.

Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?

Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài.

Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người.

Bài huấn giáo

Trong bài giáo lý tiếp đó, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về việc cầu nguyện và trình bày bài thứ 30, với đề tài: “Cầu nguyện thành tiếng” hay cũng gọi là khẩu nguyện.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Cầu nguyện là đối thoại với Thiên Chúa; và mỗi thụ tạo, theo một nghĩa nào đó, “đối thoại” với Thiên Chúa. Nơi con người, kinh nguyện trở thành lời nói, kêu cầu, ca hát, thơ phú… Lời Chúa đã nhập thể, trở thành người, và trong xác thể của mỗi người, lời nói trở về cùng Thiên Chúa trong kinh nguyện.

Vai trò của lời nói

Những lời nói là do chúng ta tạo nên, và chúng cũng là mẹ của chúng ta, và theo một mức độ nào đó, chúng nhào nặn nên chúng ta. Những lời của một kinh nguyện làm cho chúng ta tiến qua thung lũng tối mà không bị nguy hiểm, hướng dẫn chúng ta về những đồng cỏ xanh tươi và nhiều nước, làm cho chúng ta hân hoan dùng tiệc dưới mắt của một kẻ thù, như thánh vịnh dạy chúng ta xướng lên (Tv 23). Những lời nói nảy sinh từ những tâm tình, nhưng cũng có con đường ngược lại: con đường qua đó, những lời nói hình thành các tâm tình. Thánh vịnh dạy con người làm sao để tất cả diễn ra dưới ánh sáng của lời nói, không có gì thuộc con người bị loại trừ, bị bãi bỏ. Nhất là đau khổ trở thành nguy hiểm nếu nó bị đè nén, bị đóng kín trong chúng ta…

Kinh thánh dạy cầu nguyện thành tiếng nói

“Chính vì lý do đó Kinh thánh dạy chúng ta cầu nguyện cả bằng lời nói, đôi khi táo bạo. Các tác giả Sách Thánh không muốn nuôi ảo tưởng về con người: họ biết rằng, trong tâm hồn con người có tiềm ẩn những tâm tình không tốt, thậm chí cả những oán ghét. Không ai là thánh ngay khi sinh ra, và khi những tâm tình xấu ấy gõ cửa tâm hồn chúng ta, thì cần có khả năng tháo gỡ chúng bằng kinh nguyện và những lời của Thiên Chúa. Trong các thánh vịnh, chúng ta cũng tìm thấy cả những kiểu diễn tả rất mạnh mẽ chống lại các kẻ thù – những kiểu nói mà các bậc thầy tu đức dạy chúng ta nói về ma quỉ và các tội lỗi của chúng ta -; dầu vậy, đó là những lời thuộc về thực tại con người và rốt cuộc cũng được đưa vào Kinh Thánh. Chúng ở đó để làm chứng cho chúng ta rằng, nếu đứng trước bạo lực mà không có những lời nói để làm cho những tâm tình xấu trở nên vô hại, để khiến chúng không còn gây hại nữa, thì toàn thế giới bị nhận chìm trong đó.

Kinh nguyện được biểu lộ qua lời nói

Kinh nguyện đầu tiên của con người vẫn luôn được biểu lộ qua lời nói. Trước tiên, người ta luôn mấp máy đôi môi. Cho dù tất cả chúng ta đều biết rằng, cầu nguyện không có nghĩa là lập lại những lời nói, nhưng cầu nguyện thành tiếng là điều chắc chắn nhất và luôn có thể thực hành nó. Trái lại, những tâm tình, dù là cao thượng, không luôn luôn chắc chắn: nó đến rồi đi, chúng bỏ rơi chúng ta và trở lại. Không những vậy, cả những ơn phúc của kinh nguyện cũng không thể lường trước được: có những lúc được nhiều an ủi, nhưng trong những ngày đen tối nhất, những an ủi ấy dường như biến tan. Kinh nguyện trong tâm hồn thật là mầu nhiệm và có những lúc nó ẩn nấp. Trái lại, kinh nguyện trên môi, kinh nguyện mà ta thì thầm, hoặc đọc trong cung nguyện, đọc chung, luôn có sẵn, và cần thiết như công việc tay chân. Sách Giáo lý quả quyết “Kinh nguyện thành tiếng là một yếu tố thiết yếu trong đời sống Kitô. Với các môn đệ, bị thu hút vì kinh nguyện thầm lặng của Thầy, Thầy đã dạy họ một kinh nguyện thành tiếng, đó là kinh Lạy Cha” (n. 2701).

Tầm quan trọng của cầu nguyện thành tiếng

Tất cả chúng ta phải có sự khiêm tốn của một số người già, trong nhà thờ, có lẽ tai họ không còn bén nhạy nữa, họ đọc kinh thành tiếng mà họ đã học khi còn nhỏ, làm cho thánh đường đầy những tiếng thì thầm. Kinh nguyện ấy không làm xáo trộn thinh lặng, nhưng làm chứng về lòng trung thành với nghĩa vụ cầu nguyện, được thực hành trong trọn cuộc sống, không bao giờ được thiếu. Những người cầu nguyện với kinh nguyện khiêm tốn thường là những người chuyển cầu lớn cho giáo xứ: đó là những cây cổ thụ từ năm nay qua năm khác, làm cho các cành lá lan rộng để mang lại bóng mát cho nhiều người hơn. Chỉ Thiên Chúa biết khi nào và tới cấp độ nào con tim của họ kết hiệp với những kinh nguyện được đọc lên; chắc chắn những người ấy phải trải qua những đêm đen và những lúc trống rỗng. Nhưng họ vẫn luôn trung thành với kinh nguyện thành tiếng.

Gương người lữ hành Nga

Tất cả chúng ta cần học từ sự kiên trì của người lữ hành Nga, được nói đến trong một tác phẩm tu đức nổi tiếng, ông ta đã học nghệ thuật cầu nguyện bằng cách liên tục lập lại cùng một lời cầu khẩn: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, là Chúa, xin thương xót chúng con là kẻ tội lỗi!” (xc. SGL 2516; 2667). Sở dĩ ân phúc đến trong cuộc sống của ông, sở dĩ việc nguyện gẫm một ngày kia trở thành rất sốt sắng, đến độ ông cảm nghiệm được sự hiện diện của Nước Chúa giữa chúng ta, sở dĩ cái nhìn của ông được biến đổi đến độ trở nên như cái nhìn của một trẻ thơ, đó chính là vì ông đã kiên trì qua việc đọc một lời kinh Kitô bộc phát và đơn sơ. Sau cùng, lời kinh ấy trở nên thành phần hơi thở của ông.

Đừng coi rẻ kinh nguyện thành tiếng

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Vì thế, chúng ta đừng coi rẻ kinh nguyện thành tiếng. Những lời chúng ta thốt lên, cầm lấy tay chúng ta; trong một lúc nào đó chúng trả lại hương vị, thức tỉnh cả sự ngái ngủ của con tim, thức tỉnh những tâm tình mà chúng ta không nhớ nữa. Và nhất là, đó là những điều duy nhất, chắc chắn, dâng lên Thiên Chúa những lời cầu xin mà Chúa muốn nghe. Chúa Giêsu không bỏ rơi chúng ta trong mây mù. Chúa nói với chúng ta: “Phần các con, khi cầu nguyện, hãy nói thế này!”. Và Chúa đã dạy chúng ta Kinh Lạy Cha” (Mt 6,9).

Chào thăm và nhắn nhủ

Nối tiếp bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh Cha qua các sinh ngữ chính.

Khi chào các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng ngày 23/4 tới đây là lễ trọng kính thánh Adalberto, Giám mục Tử Đạo, bổn mạng của Ba Lan. Thánh nhân là người có đức tin sâu xa, cầu nguyện và can đảm, cuộc tử đạo của ngài là nền tảng căn tính của Giáo hội tại Ba Lan. Ước gì thánh nhân xin Chúa ban cho anh chị em lòng can đảm trong đức tin, và ban cho tổ quốc của anh chị em được tăng trưởng về mặt nhân bản, xã hội và tinh thần.

Khi chào bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha nói: “Ước gì mùa Phục Sinh chúng ta đang sống, giúp anh chị em tái sinh trong Thánh Thần, để sống một cuộc sống mới, đầu yêu thương và nhiệt thành.

“Sau cùng, như mọi khi, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Mùa Phục Sinh này đang mời gọi chúng ta suy niệm về mầu nhiệm Chúa Kitô sống lại, ước gì vinh quang của Chúa là nguồn nghị lực mới cho mỗi người chúng ta trên con đường tiến về ơn cứu độ.”

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.

 Nguồn: vietnamese.rvasia