Trích sách Huấn Ca được đọc trước bài giáo lý
Con ơi, từ thiếu thời, hãy hấp thụ giáo huấn,
thì tới khi tóc bạc, con sẽ được khôn ngoan.
Như người cày và kẻ gieo, con hãy vun trồng khôn ngoan,
và đợi chờ hoa thơm trái tốt của đức ấy;
vì con phải khó nhọc vun trồng một thời gian thôi,
rồi chẳng bao lâu sẽ được ăn hoa trái. (Hc 6,18-19)
Sau bài đọc Sách Thánh, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về phân định, bài thứ hai có chủ đề: “Một ví dụ về phân định của thánh Inhaxiô Loyola”.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chúng ta tiếp tục suy tư về sự phân định – trong thời gian này, mỗi thứ Tư chúng ta sẽ nói về phân định, phân định thiêng liêng -, và từ đó, nó có thể giúp chúng ta tham chiếu đến một chứng tá cụ thể.
Thánh Inhaxiô thành Loyola đưa ra một trong những ví dụ điển hình nhất, với một giai đoạn quyết định trong cuộc đời của ngài. Ngài đang hồi phục tại nhà sau khi bị thương ở chân trong trận chiến. Để thoát khỏi sự nhàm chán, ngài yêu cầu một cái gì đó để đọc. Ngài thích những câu chuyện về tinh thần hiệp sĩ, nhưng tiếc là trong nhà chỉ có cuốn hạnh các thánh. Ngài đọc với một chút miễn cưỡng, nhưng trong quá trình đọc, ngài bắt đầu khám phá một thế giới khác, một thế giới thu hút ngài và dường như cạnh tranh với các hiệp sĩ. Ngài bị say mê bởi con người thánh Phanxicô và thánh Đa Minh, và cảm thấy muốn bắt chước họ. Nhưng thế giới hiệp sĩ vẫn tiếp tục cuốn hút ngài. Ngài cảm thấy những suy nghĩ như thế, về các hiệp sĩ và các thánh, luân phiên đến với mình, dường như là ngang ngang nhau.
Tuy nhiên, Inhaxiô cũng bắt đầu nhận thấy sự khác biệt. Trong cuốn Tự thuật, ở ngôi thứ ba, ngài viết như sau: “khi nghĩ đến những chuyện thế gian, – người ta hiểu là các chuyện hiệp sĩ – kẻ ấy rất thích thú; nhưng khi mệt mỏi, thôi không nghĩ nữa, lại thấy trống rỗng và buồn chán; trái lại, khi nghĩ về việc đi chân đất đến Giêrusalem, chỉ ăn rau cỏ, và làm những việc khổ chế như các thánh đã làm, chẳng những ngay lúc ấy kẻ ấy cảm thấy an ủi, mà cả sau khi thôi không nghĩ đến nữa vẫn thấy vui và thích.” (Số 8), nó để lại một dấu vết của niềm vui.
Trong kinh nghiệm này, chúng ta có thể lưu ý trên hết đến hai yếu tố. Đầu tiên là thời gian: những ý nghĩ về thế gian lúc đầu hấp dẫn, nhưng sau đó chúng mất đi vẻ hào nhoáng và để lại sự trống rỗng và buồn chán. Ngược lại, những ý nghĩ về Thiên Chúa lúc đầu khơi dậy một sự phản kháng nào đó, -“tôi chẳng đọc câu chuyện nhàm chán này về các thánh”, nhưng khi chúng được chào đón, chúng mang lại một sự bình an không tả được và lưu lại rất lâu.
Yếu tố thứ hai là điểm đến của những ý nghĩ. Trạng thái lúc đầu có vẻ không rõ ràng. Có một sự phát triển trong phân định: ví dụ chúng ta hiểu điều gì tốt cho chúng ta không phải theo cách trừu tượng, chung chung, mà là trong hành trình cuộc đời chúng ta. Trong các quy tắc phân định, là kết quả của kinh nghiệm nền tảng này, thánh Inhaxicô đặt một tiền đề quan trọng, giúp chúng ta hiểu tiến trình này: “Đối với những người sa ngã hết tội trọng này sang tội trọng khác, kẻ thù thường quen bày cho họ những vui thú bề ngoài, trấn an rằng mọi sự đều ổn, xui họ tưởng đến những khoái lạc và vui thú giác quan để dễ cầm giữ và thúc đẩy họ tiến sâu vào thói hư và tội lỗi. Với những người như thế, thần lành dùng phương pháp ngược lại, bằng cách thôi thúc cho lương tâm cắn rứt họ bằng luật tự nhiên của lẽ phải”(Linh thao, 314), rằng: “điều này không ổn…”
Đối với người phân định, có một câu chuyện xảy ra trước, một câu chuyện nhất thiết phải nhận biết, bởi vì phân định không phải là một loại sấm ngôn hay thuyết định mệnh hay một thứ trong phòng thí nghiệm, giống như rút thăm giữa hai khả thể. Những câu hỏi lớn nổi lên khi trong cuộc sống chúng ta đã đi một chặng đường, và ở chính chặng đường đó, chúng ta phải quay trở lại để hiểu chúng ta đang tìm kiếm gì. Nếu trong cuộc sống, chúng ta đi một hồi và tự hỏi: “Tại sao tôi đi theo hướng này, tôi đang tìm gì?”, thì đó là chúng ta đang làm một cuộc phân định. Inhaxiô, khi bị thương ở nhà, đã hoàn toàn không nghĩ đến Chúa hay làm thế nào để thay đổi cuộc sống của mình. Ngài có kinh nghiệm đầu tiên về Chúa khi lắng nghe con tim của chính mình. Nó cho ngài thấy có một sự đảo lộn lạ kỳ: những thứ thoạt đầu hấp dẫn lại khiến ngài thất vọng và còn điều kia kém bóng bẩy hơn thì ngài cảm nhận một sự bình an kéo dài theo thời gian.
Chúng ta cũng có kinh nghiệm này, nhiều khi chúng ta bắt đầu nghĩ về điều gì đó và chúng ta lưu lại, rồi sau đó lại thất vọng. Ngược lại, chúng ta làm một việc bác ái, làm một điều tốt và cảm thấy điều gì đó hạnh phúc, là niềm vui, đó là kinh nghiệm của chính chúng ta. Thánh Inhaxiô đã có nghiệm đầu tiên về Chúa bằng việc lắng nghe con tim của chính mình. Đây là điều chúng ta phải học: biết lắng nghe con tim của mình, nó vốn tỏ cho thấy những đảo lộn lạ kỳ. Đây là điều tôi đã nói: cần biết điều gì đang xảy ra, điều gì cần đưa ra quyết định, suy xét về một tình huống, hãy lắng nghe con tim của mình. Chúng ta nghe tivi, radio, điện thoại, chúng ta là những bậc thầy về việc nghe, nhưng tôi đặt câu hỏi: “Bạn có thể lắng nghe con tim của mình không? Bạn hãy dừng lại để hỏi xem: “Con tim của tôi thế nào? Tôi có hài lòng không, tôi có buồn không, tôi đang tìm kiếm gì?”. Để đưa ra quyết định đúng đắn, bạn cần lắng nghe con tim mình.
Do đó, thánh Inhaxiô sẽ đề nghị đọc cuộc đời của các thánh, bởi vì chúng thuật lại câu chuyện dễ hiểu về cách thức Thiên Chúa hoạt động trong cuộc đời của những người không khác chúng ta cho lắm bởi vì các thánh cũng là xương là thịt như chúng ta. Hành động của họ nói về hành động của chúng ta và giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của chúng.
Trong đoạn nổi tiếng đó về hai xung động mà thánh Inhaxicô cảm thấy khi đọc những truyện kiếm hiệp và khi đọc cuộc đời các thánh, chúng ta có thể nhận thấy một khía cạnh quan trọng khác của sự phân định mà chúng ta đã đề cập ở lần trước. Có một sự tình cờ bề ngoài trong các sự kiện của cuộc sống: mọi sự dường như phát sinh từ một bất lợi tầm thường: không có sách về các hiệp sĩ, mà chỉ có cuốn cuộc đời các thánh. Tuy nhiên, nhiều khi một bất lợi có thể hàm chứa một bước ngoặt có thể xảy ra. Chỉ sau một thời gian, Inhaxiô mới nhận thấy điều đó, và từ khi đó ngài sẽ dành hết sự quan tâm của mình cho nó. Hãy nghe kỹ điều này: Thiên Chúa làm việc ngang qua những sự kiện không theo kế hoạch – tình cờ tôi gặp biến cố này, tình cờ tôi gặp người này, xem phim này… những điều đó không theo kế hoạch nhưng Thiên Chúa làm việc ngang qua những biến cố không theo kế hoạch đó, và cũng ngang qua những bất lợi – tôi muốn đi dạo một chút nhưng cái chân tôi có vấn đề, tôi không thể… Thiên Chúa nói với chúng ta điều gì nơi đó. Chúng ta cũng đã thấy điều đó trong một đoạn trong Tin Mừng theo thánh Matthêu: một người đang cày ruộng thì tình cờ gặp thấy một kho báu bị chôn giấu. Một tình huống hoàn toàn bất ngờ. Nhưng điều quan trọng là anh nhận ra đó là điểm may mắn trong cuộc đời mình và đưa ra quyết định tương ứng: anh bán tất cả mọi thứ và mua thửa ruộng đó (x. Mt 13,44).
Tôi khuyên anh chị em một điều, hãy để ý đến những điều không ngờ trước, có thể nói rằng: điều này tình cờ tôi không mong đợi. Qua chuyện không mong đợi này, cuộc sống nói với bạn, Chúa nói với bạn hay ma quỷ nói với bạn? Ai đang nói? Nhưng có một điều cần phân định, đó là cách tôi phản ứng trước những điều không mong đợi đó. Tôi đang ở nhà yên bình, đột nhiên mẹ chồng / mẹ vợ đến, tôi phản ứng thế nào? Đó là tình yêu hay là một thứ gì đó khác trong lòng? Hãy thực hiện cuộc phân định. Tôi đang làm việc ở văn phòng và một người bạn đến nói với tôi rằng anh ta cần tiền và bạn phản ứng như thế nào? Hãy để ý xem điều gì xảy ra khi chúng ta đối diện với những điều chúng ta không mong đợi và ở đó chúng ta học được cách nhận biết chuyển động con tim của chúng ta.
Phân định là giúp nhận ra những dấu chỉ mà Chúa hành động trong những tình huống không lường trước, thậm chí khó chịu, chẳng hạn như vết thương ở chân của thánh Inhaxiô. Từ đó, một cuộc gặp gỡ làm thay đổi cuộc đời có thể nảy sinh, như trường hợp của thánh Inhaxiô. Nó làm thay đổi có thể tốt hơn hoặc tệ hơn, nhưng phải chú ý. Điều đẹp nhất là những điều không chờ đợi, tôi chuyển động thế nào trước điều đó. Xin Chúa giúp chúng ta cảm nhận được con tim của chúng ta và nhìn xem khi nào Người hoạt động, khi nào không phải là Người mà là một điều gì đó khác.
—
Cuối buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc rằng ngày mai 8/9 là lễ Sinh nhật Đức Mẹ. Mẹ là người đã kinh nghiệm được sự sự dịu dàng của Thiên Chúa với tư cách là người con, và sau đó chính Mẹ cho đi sự dịu dàng này với tư cách là người mẹ. Do đó, Đức Thánh Cha diễn tả sự gần gũi với những người mẹ, đặc biệt với những người mẹ có con cái đang đau khổ vì bệnh tật, bị gạt sang bên lề hay con cái bị ở tù. Ngài cầu nguyện đặc biệt cho những bà mẹ có con đang phải ở tù, để họ không mất đi sự hy vọng. Xin Mẹ Maria an ủi tất cả những bà mẹ đau buồn với nỗi đau của con cái của họ.
Cuối buổi tiếp kiến, ĐTC cùng đọc kinh Lạy Cha với khách hành hương và ban phép lành cho tất cả mọi người.