Tính đồng hành trong Giáo hội – khái niệm, ý nghĩa


TÍNH ĐỒNG HÀNH TRONG GIÁO HỘI
– KHÁI NIỆM, Ý NGHĨA

Lm. J.B. Lê Ngọc Dũng

Mục lục

DẪN NHẬP. 1

1. TỪ NGỮ VÀ KHÁI NIỆM.. 1

     1.1. Sinodus:  được gọi tụ họp, cộng đoàn Giáo hội 1

     1.2. Sinodus: cuộc hội họp, công nghị 1

     1.3. Ý nghĩa của tính đồng hành – sinodalità. 2

2. TÍNH ĐỒNG HÀNH: BIỂU HIỆN VÀ THỰC HIỆN TÍNH HIỆP THÔNG.. 5

     2.1. Thực hiện cụ thể tính hiệp thông. 5

     2.2. Trong việc bước đi cùng nhau. 7

     2.3. Trong tụ họp nhau. 8

     2.4. Trong tham gia tích cực vào sứ vụ. 8

TÓM KẾT

DẪN NHẬP

Để hiểu “Cho một Giáo hội đồng hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ” (Per una Chiesa sinodale: comunione, partecipazione e missione), chủ đề của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI một cách đúng đắn, nên hiểu theo sự giải thích của chính Hội Thánh. Đó là của Ủy ban Thần học Quốc tế, gồm một nhóm các Giám mục và nhà thần học đã nghiên cứu “Tính đồng hành trong đời sống và trong sứ vụ của Giáo hội” (La sinodalità nella vita e nella missione della Chiesa). Họ đã làm việc trong thời gian 3-4 năm, 2014-2017, và đã ra tập tài liệu thần học này, đã được Bộ Giáo lý Đức tin phê chuẩn, sau khi có ý kiến chấp thuận của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Các chương của tập tài liệu gồm có

Chương 1: Tính đồng hành trong Kinh thánh, trong truyền thống, trong lịch sử.

Chương 2: Hướng đến một thần học về tính đồng hành

Chương 3: Việc thực hiện tính đồng hành: đối tượng, cấu trúc, tiến trình, sự kiện đồng hành

Chương 4: Hoán cải cho một tính đồng hành được đổi mới

Bài này khảo sát chủ yếu là phần Dẫn nhập của tài liệu nghiên cứu do UBTH nói trên.

1. TỪ NGỮ VÀ KHÁI NIỆM

Phần Mở đầu của tập tài liệu giúp chúng hiểu những khái niệm hay thuật ngữ được sử dụng liên quan đến chủ đề, về “Một Giáo hội đồng hành” (Una Chiesa sinodale).

1.1. Sinodus:  được gọi tụ họp, cộng đoàn Giáo hội

Synodus là từ Latinh được chuyển âm từ chữ Hy Lạp cổ kính là σύνoδος. Nó được cấu tạo bởi tiền tố “σύν” có nghĩa là “với, cùng”, và danh từ “ὁδός”, có nghĩa là “đường”, chỉ cuộc hành trình của Dân Thiên Chúa cùng nhau thực hiện (Ga 14,6). Các Kitô hữu, ban đầu, được gọi là “môn đệ của Đường” (x. Cv 9,2; 19,9.23; 22,4; 24,14.22) (x. Số 3).

Trong giáo hội Hy Lạp, nó diễn tả sự được gọi đến tụ họp (in assemblea) của các môn đệ của Chúa Giêsu và trong một số trường hợp, nó đồng nghĩa với cộng đoàn Giáo hội. Chẳng hạn, Thánh Gioan Kim Khẩu viết rằng Giáo hội là “danh từ chỉ cuộc hành trình cùng nhau (cammino insieme, σύνoδος)” (x. Số 3).

1.2. Sinodus: cuộc hội họp, công nghị

Trong Giáo hội Hy Lạp (Đông phương)

Từ những thế kỷ đầu tiên, chữ “synodus” được dùng để chỉ những cuộc tụ họp trong Giáo hội được triệu tập ở nhiều cấp độ khác nhau (giáo phận, giáo tỉnh hoặc giáo miền, patriarcale, hoàn vũ) để biện phân, dưới ánh sáng của Lời Chúa và lắng nghe Chúa Thánh Thần, các vấn đề tín lý,  phụng vụ, giáo luật và mục vụ dần dần nảy sinh (x. Số 4).

Trong Giáo hội Latinh (Tây Phương, Roma)

Tuy nhiên, đó là trong Giáo hội Hy lạp – Đông Phương mà bây giờ phần lớn là thuộc Chính Thống giáo, còn trong Giáo hội Latinh – Tây Phương, là Công giáo Roma, thời bấy giờ lại không dùng chữ Synodus – σύνoδος, nhưng chuyển dịch ra chữ Concilium.

Chữ Concilium được dịch Việt ngữ là “Công đồng”, như Công đồng Nicea, Công đồng Trento, Công đồng Vatican II, tức là hội nghị của các Giám Mục. Hội nghị các Giám mục của một miền, giáo tỉnh được gọi là Công đồng riêng; của hoàn vũ được gọi là Công đồng chung.

Hai chữ synodusconcilium tuy có gốc khác nhau nhưng có ý nghĩa tương đương. Giáo hội Latinh dùng chữ Concilium là do nó nhắc lại tiếng Do Thái קָהָל – (qahal), làm phong phú hơn từ synodus vì nó có nghĩa là “cuộc tụ họp do Thiên Chúa triệu tập – và bản dịch của nó sang tiếng Hy Lạp là ἐκκλησία – mà trong Tân Ước chỉ ra sự tập hợp cánh chung của Dân Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô (x. Số 4).

Trong Giáo hội Latinh chúng ta, sự phân biệt giữa Synodus  và Concilium chỉ mới gần đây. Đến thời Công đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, ngày 15 tháng 9 năm 1965, với tự sắc Apostolica Sollicitudo, mới chính thức dùng chữ Synodus Episcoporum,  được dịch là Thượng Công nghị Giám mục (Nhóm ĐÔ Nguyễn văn Phương, cha Phan Tấn Thành) hoặc được dịch là Thượng Hội đồng Giám mục (Bản dịch HĐGM).

Trong Bộ Giáo luật, Synodus Episcoporum được định nghĩa là một hội nghị các Giám Mục được tuyển chọn từ các miền khác nhau trên thế giới, nhóm họp định kỳ và có nhiệm vụ đóng góp ý kiến giúp Đức Giáo Hoàng trong việc cai quản Giáo hội (đ. 342).

Ngoài ra, trong Bộ Giáo luật còn có Synodus dioecesana, được dịch là Công nghị giáo phận, được định nghĩa như cuộc hội họp các đại biểu linh mục và các Kitô hữu khác của Giáo hội địa phương nhằm mục đích giúp đỡ Giám mục giáo phận trong việc mưu ích cho toàn thể cộng đồng Giáo phận (đ. 460).

1.3. Ý nghĩa của tính đồng hành – sinodalità

Từ ngữ mới: Sinodalità, sinodale

Trong văn  thần học, giáo luật và mục vụ của những thập niên gần đây, có sự xuất hiện một danh từ mới là  Sinodalità (tính đồng hành), và tính từ sinodale (có tính/thuộc đồng hành) cả hai đều phát xuất từ chữ “synodus” (x. Số 5).

Như đã nói ở trên, σύνoδος synodus diễn tả sự được gọi đến tụ họp (in assemblea) của các môn đệ Chúa Giêsu và trong một số trường hợp nó đồng nghĩa với cộng đoàn Giáo hội.

Như trên đã nói, Sinodus- σύνoδος được dùng để chỉ những cuộc tụ họp, hội họp (assemblea, meeting). Giáo hội cũng là một cộng đoàn được gọi tụ họp. Do đó tính đồng hành (sinodalità) như là “chiều kích cấu thành” của Giáo hội.

Bối cảnh của từ ngữ mới

Từ ngữ mới “tính đồng hành” tuy không được thấy một cách rõ ràng trong Công đồng Vatican II, nhưng trong giáo huấn của Công đồng,  có thể khẳng định rằng yêu cầu về “tính đồng hành” lại là trọng tâm của công cuộc canh tân của Công đồng. Cách riêng về Giáo hội học về Dân Chúa (x. Số 6), trong đó Công đồng nhấn mạnh:

– “Phẩm giá và sứ vụ chung” của tất cả những người đã được Rửa tội;

– Sự “hiệp thông” diễn tả bản chất sâu xa của mầu nhiệm và sứ mạng của Giáo hội, có nguồn gốc và đỉnh cao trong Bí Tích Thánh Thể.

– “Hiệp thông” chỉ tính Bí Tích của Giáo hội. Đó là sự kết hợp với (l’unione con) Thiên Chúa Ba Ngôi và sự hiệp nhất (l’unità) giữa các con người được thực hiện nhờ Chúa Thánh Thần trong Chúa Giêsu Kitô.

Sau khi nói đến bối cảnh canh tân của Công đồng, UBTH nêu ra ý nghĩa chính yếu của Sinodalità trong đời sống Giáo hội.

Tính đồng hành (sinodalità): ý nghĩa

UBTH cho ta một định nghĩa:

Tính đồng hành (La sinodalità), trong bối cảnh Giáo hội học này, chỉ cung cách sống và hoạt động (modus vivendi et operandi)  riêng biệt của Giáo hội Dân Chúa biểu lộ và thực hiện cụ thể bản tính hiệp thông của mình (il suo essere comunione) trong việc bước đi cùng nhau (nel camminare insieme), trong việc tụ họp nhau và trong sự tham gia tích cực của tất cả các thành viên trong sứ vụ Phúc âm hóa (Số 6).

Nguyên bản tiếng Ý

La sinodalità, in questo contesto ecclesiologico, indica lo specifico modus vivendi et operandi della Chiesa Popolo di Dio che manifesta e realizza in concreto il suo essere comunione nel camminare insieme, nel radunarsi in assemblea e nel partecipare attivamente di tutti i suoi membri alla sua missione evangelizzatrice.

Hãy xét mệnh đề: “Tính đồng hành” chỉ cung cách sống và hoạt động (modus vivendi et operandi) riêng biệt của Giáo hội Dân Chúa”.

UBTH đã dùng cụm từ Latinh: modus vivendi et operandi, trong đó có danh từ là modus, có nghĩa là manner, method, way: cung cách, cách thức, lối, đường lối. Ở đây xin dùng chữ “cung cách”.

Vậy “Cung cách sống và hoạt động riêng biệt” của Giáo Hội đó có gì đặc biệt?

Đó là:

[…] biểu lộ và thực hiện cụ thể bản tính hiệp thông của mình trong việc bước đi cùng nhau (nel camminare insieme), trong việc tụ họp nhau và trong sự tham gia tích cực của tất cả các thành viên trong sứ vụ Phúc âm hóa.

Vậy cái cung cách hay cách thức sống mang “tính đồng hành” chính là cung cách sống biểu lộ và thực hiện cụ thể (manifesta e realizza in concreto) “bản tính hiệp thông” (il suo essere comunione).

 Ý niệm xuyên suốt hay nồng cốt của “tính đồng hành” chính là tính “hiệp thông” của Giáo hội. Theo định nghĩa trên, sự hiệp thông này được thể hiện và thực hiện một cách thực tiễn:

– Trong việc bước đi cùng nhau (nel camminare insieme)

– Trong tụ họp nhau (nel radunarsi in assemblea)

– Trong tham gia tích cực vào sứ vụ (nel partecipare attivamente alla sua missione evangelizzatrice).

Như vậy, có thể nói tóm tắt:

Một Giáo hội đồng hành (Una Chiesa sinodale)  là một Giáo hội biểu lộ và thực hiện bản tính hiệp thông một cách thực tiễn trong việc cùng nhau tham gia tích cực vào sứ vụ Phúc âm hóa của mình.

Phân biệt: tính đồng hành, hiệp thông, với tính hiệp đoàn (collegialità)

UBTH cho thấy sự phân biệt giữa “tính đồng hành” với tính “hiệp đoàn” (collegialità) của các Giám mục: “Tính hiệp đoàn là dạng thức cụ thể trong đó tính đồng hành của Giáo hội tự thể hiện và được thực hiện ở tầm mức hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương” (Số 6).

Ví dụ, trong một HĐGM, các Giám mục giáo phận trong một quốc gia làm việc chung với nhau, thể hiện tính hiệp đoàn của các Giám mục. Tính hiệp đoàn này cũng chỉ là một dạng thức trong nhiều dạng thức khác của tính đồng hành, vì chính trong tính hiệp đoàn này thể hiện và thực hiện tính hiệp thông. Một sự làm việc chung của các Giám mục trong HĐGM còn mang ý nghĩa hiệp thông  giữa các Giáo hội địa phương với nhau và với Giáo hội hoàn vũ.

Nói một cách ngắn gọn hơn, “tính hiệp đoàn” là một trong những dạng thức của “tính đồng hành”, trong đó “tính hiệp thông” được biểu lộ và thực hiện.

Phân biệt: Tính đồng hành và tính hiệp hành

Sinodalità, Synodality được dịch ra Việt ngữ là “Tính đồng hành” hay “Tính hiệp hành” tùy theo tác giả dịch thuật. Xin xem bài Một Giáo hội đồng hành hay hiệp hành?; và bài Góp ý “cho một Giáo hội đồng hành” trên trang http://giaoluatconggiao.com.

Ở đây, bạn có thể hỏi: Dùng từ “hiệp hành” thì đúng hơn không, vì chữ Sinodalità chỉ sự biểu lộ và thực hiện cụ thể bản tính “hiệp thông” của Giáo hội? Hay nói cách khác, nói “Hiệp hành” có nghĩa là thi hành tính hiệp thông được không?

Không thể giải thích như vậy, tuy trong Việt ngữ hiệp thônghiệp hành đều có cùng chữ “hiệp”. Tính “hiệp thông” (koinonía, communio) của Giáo hội, chính yếu là sự “thông truyền, chuyển thông” đời sống thần linh của Thiên Chúa và ân sủng cứu độ của Ngài, như ở sự hiệp thông Thánh Thể hay ở tín điều các Thánh thông công (communio sanctorum). Chữ “hiệp” không đủ diễn tả; nó cũng chỉ là một phần nhỏ của tính hiệp thông.

“Một Giáo hội hiệp hành” nghe cũng hay và tốt lành với ý niệm “hiệp”. Cho nên nó dễ dàng đón nhận và phổ biến. Nhưng khi dùng thì trong tâm trí tín hữu luôn có ý niệm “hiệp”, như hiệp nhất, hiệp sức, hiệp lòng, hiệp ý… Nó đánh mất ý niệm  quan trọng đó là thông truyền, chuyển thông đời sống thần linh của Thiên Chúa và ân sủng cứu độ của Ngài.

Và khi đó, trong tâm trí tín hữu, đã giảm trừ đặc tính hiệp thông của Giáo hội chỉ còn là sự hiệp nhất, hiệp sức, hiệp lòng, hiệp ý…

Ở số 6 của tập tài liệu, như đã nói trên, có phân biệt giữa tính đồng hành (sinodalità) và tính hiệp đoàn (collegialità) của các Giám mục. UBTH cho thấy: “tính hiệp đoàn” là một trong những dạng thức của “tính đồng hành”, nghĩa là, tính hiệp đoàn chỉ một trong những dạng thức biểu hiện và thực hiện bản tính hiệp thông (koinonía, comunio) của Giáo hội. Cũng tương tự, tính hiệp nhất, hiệp lòng, hiệp ý…, cũng chỉ là một dạng thức biểu hiện và thực hiện bản tính hiệp thông của Giáo hội mà thôi.

2. TÍNH ĐỒNG HÀNH: BIỂU HIỆN VÀ THỰC HIỆN TÍNH HIỆP THÔNG

Ở phần này, xin phân tích thêm về ý nghĩa của tính đồng hành của Giáo hội:

[…] biểu lộ và thực hiện cụ thể bản tính hiệp thông của mình trong việc bước đi cùng nhau (nel camminare insieme), trong việc tụ họp nhau và trong sự tham gia tích cực của tất cả các thành viên trong sứ vụ Phúc âm hóa (Số 6).

2.1. Thực hiện cụ thể tính hiệp thông

“Hiệp thông” có thể nói là một từ nhà đạo. Nếu tìm trên Google sẽ thấy nó xuất hiện hầu hết ở các văn bản của đạo Công giáo, ít thấy xuất hiện ở các văn bản dân sự. Có lẽ các vị tiền bối của chúng ta đã tạo từ mới “hiệp thông” để dịch chữ Hy Lạp koinonía, và chữ Latinh là communio.

Tân Ước dùng từ koinonía 19 lần (14  lần trong thư Thánh Phaolô), để chỉ: dây liên lạc bác ái của một cộng đoàn, thể hiện qua việc quyên góp để giúp một cộng đoàn khác (x. 2Cr 9,13); mối hiệp thông với Ðức Kitô (x. 1Cr 1,9) qua việc thông phần những khổ đau của Ngài (x. Pl 3,10), cùng qua Lễ Bẻ bánh, dự phần vào Thân thể Chúa Kitô” (x. 1Cr 10, 16); và mối “hiệp thông” với Chúa Thánh Thần (x. 2Cr 13,13).

Do đó, ngoài sự thông hiệp về tình cảm, bác ái, cứu giúp, sự hiệp thông chính yếu là sự chuyển thông hay thông hiệp “sự sống” và “ân sủng” của Thiên Chúa cho con người và giữa con người với nhau.

Ở trần gian này, các Kitô được hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau một cách rõ rệt và mật thiết nhất là trong Hiến tế Thánh Thể (Thánh Lễ). Các tín hữu khi tham dự Thánh Lễ, với tư cách tư tế cộng đồng họ hiệp thông với Hiến tế của Đức Giêsu Kitô để dâng lên Thiên Chúa Cha hiến lễ vô song, mang lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Người tham dự Thánh Lễ lãnh nhận chính Mình Máu Chúa, còn gọi là hiệp lễ, để hiệp thông chính sự sống và ân sủng của Thiên Chúa và rồi để họ hiệp thông với nhau sự sống thần linh và ân sủng đó.

Căn nguyên sâu xa nhất của hiệp thông được thấy trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, được Thánh Phaolô Tông đồ truyền dạy. Ngài nói: Chúa Cha giải hòa tất cả mọi người với nhau trong một thân thể nhờ Thánh Thần (x. Ep 2,11-18); Ðầu của thân thể là Ðức Kitô (x. Ep 1,22). Vì sống chung trong một thân thể, nên mọi chi thể đều liên hệ mật thiết với nhau, những bổn phận đối với nhau đều phát sinh từ đó; Thánh Phaolô dạy: “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau; nếu một phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1Cr 12,26).

“Hiệp thông” được nói đến trong sách Tông đồ Công vụ nói: Các kitô hữu hiệp thông với nhau về cả tinh thần lẫn vật chất, qua việc cùng nhau cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa (x. Cv 2, 42). Hoặc như trong thư của thánh Gioan Tông đồ hiệp thông là kết quả của đức tin, làm cho các kitô hữu hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Con, cũng như với nhau ở trong Ngài (x. 1Ga 1,1-4).

Trong Giáo hội, ngay từ thời các Giáo Phụ, hiệp thông đã được dùng với hai ý nghĩa, là hiệp lễ (x. Gioan Kim Khẩu , In Joannem homilia 47, 3-4.) và cộng đồng Hội thánh (x. Augustinus , De unitate ecclesiae contra donatistas, 20, 56). Vì vậy, khi bị vạ “tuyệt thông”, tín hữu bị dứt quan hệ với Giáo hội và đồng thời bị cấm chịu Lễ. Cho nên, hiệp thông mang ý nghĩa vừa là bí tích vừa là sự cứu độ. Ngoài ra, trong Giáo hội cũng đã xuất hiện thành ngữ communio sanctorum, nghĩa là “các Thánh thông công” từ khoảng những năm 420. Tín điều này giúp chúng ta nhận ra các tín hữu trên Thiên đàng, ở Luyện ngục và trần thế đều hiệp thông hay chuyển thông ân sủng cho nhau.

Giáo hội phát sinh và là hình ảnh của mầu nhiệm hiệp thông tuyệt đối của Thiên Chúa Ba Ngôi. Các tín hữu vì cùng có một niềm tin vào Lời dạy của Chúa Con, và nhờ nhận ân sủng của Thánh Thần, trở nên con cái của cùng một Chúa Cha. Và nhờ được thông hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi, các phần tử của Hội thánh mới có thể hiệp thông với nhau thực sự.

Thánh Gioan viết: “… để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Ðức Giêsu Kitô, Con của Người” (1Ga 1,3).

UBTH dựa vào các văn bản Công đồng Vatican II, cho thấy tính đồng hành của Giáo hội có cơ sở trên sự hiệp thông của Chúa Ba Ngôi: “Giáo Hội tham dự vào Đức Kitô Giêsu và nhờ Chúa Thánh Thần, vào đời sống hiệp thông của Ba Ngôi Chí Thánh, được định sẵn để bao trùm toàn thể nhân loại” (x. Số 43).

2.2. Trong việc bước đi cùng nhau

Hiệp thông được biểu lộ và thể hiện trong việc bước đi cùng nhau (nel camminare insieme).

Cụm từ Camminare insieme (đi cùng nhau) được dùng như một biểu tượng cho việc sống và hoạt động “cùng với nhau”, không riêng lẻ, không tách biệt. Cách sống “cùng với nhau” như vậy làm cho sự hiệp thông được biểu lộ và thể hiện cách cụ thể.

Bước đi cùng nhau (camminare insieme) đã được chứa đựng tất cả trong từ “Sinodo” như trong diễn văn của Đức Giáo hoàng Phanxicô ngày 17-10-2015. Trong ngôn ngữ Việt Nam ý nghĩa của biểu tượng “bước đi cùng nhau” được diễn tả bằng chữ “đồng hành”.

Cơ sở Kinh Thánh của sự “cùng nhau” được thấy khá nhiều.

“Cùng với nhau” được thấy như là căn tính xã hội của con người. Sách Sáng thế ký cho thấy Thiên Chúa không tạo dựng Eva một cách riêng rẽ nhưng từ xương sườn của Adam và cho họ sống thân mật “cùng với nhau” (St 2,18-24 ). Trong ý định của Thiên Chúa, con người được tạo dựng với lối sống “cùng với nhau” thành gia đình, thành nhóm, thành cộng đoàn, quốc gia… và “được kêu gọi cộng tác với Thiên Chúa bằng cách bước đi trong dấu chỉ của sự hiệp thông, canh giữ vũ trụ và hướng nó tới mục tiêu của nó (St 1, 26-28)” (x. Số 10).

Thiên Chúa cũng muốn ban ơn cứu độ không riêng rẽ cho một người nhưng cho nhiều người trong sự liên đới với nhau, hiệp thông với nhau. Trong Cựu ước, cả đoàn dân Israel được Chúa chọn và triệu tập, cho họ thực hiện một cuộc hành trình cùng với nhau về Đất Hứa. Điều này biểu hiện Giáo hội, Dân Chúa chọn, đang cùng nhau tiến bước về quê Trời. UBTH thấy chữ sinodus (σύνoδος), trong một số trường hợp nó đồng nghĩa với cộng đoàn Giáo hội, chẳng hạn Thánh Gioan Kim khẩu, viết rằng Giáo hội là “danh từ chỉ cuộc đi cùng nhau (σύνoδος)” (x. Số 3).

Chính Chúa Giêsu là “Con Đường” (x. Ga 14,6) mà đoàn Dân Chúa đi, dẫn đến Chúa Cha, thông ban cho loài người trong Chúa Thánh Thần (x. Ga 16,13) chân lý và sự sống hiệp thông với Thiên Chúa và với anh em. Sống hiệp thông theo tầm mức giới răn mới của Chúa Giêsu có nghĩa là cùng nhau bước đi (camminare insieme) trong lịch sử với tư cách là Dân Thiên Chúa của Giao ước mới, tương ứng với hồng ân đã lãnh nhận (x. Ga 15,12-15) (x. Số 16).

2.3. Trong tụ họp nhau

Hiệp thông được biểu lộ và thể hiện trong việc tụ họp với nhau (nel radunarsi in assemblea).

Sự tụ họp là một đặc tính cốt yếu của Giáo hội, vì Giáo hội là đoàn dân Chúa được tập họp. Các tín hữu tiên khởi đã tụ họp để cử hành việc lắng nghe Lời Chúa và cử hành nghi thức Bẻ Bánh. Tụ họp nhau để cử hành Hiến tế Thánh Thể được xem như là căn tính của Giáo hội.

Chữ Giáo hội (Latinh: Ecclesia, tiếng Anh: Church) có nguồn gốc từ chữ κκλησία trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “triệu tập”, và được dùng để chỉ những cuộc tụ họp dân chúng thường có tính cách tôn giáo. Các văn bản Cựu Ước cũng đã dùng chữ này để chỉ cuộc triệu tập, tụ họp dân tộc Israel để nghe lệnh truyền của Thiên Chúa.

Sự tụ họp nhau có thể là tụ họp để cử hành phụng vụ, để cầu nguyện, để hội họp thảo luận hoặc để làm việc chung với nhau, sống chung với nhau thành cộng đoàn.

Cách ở cấp điều hành trong Giáo hội, các Giám mục, tức là các lãnh đạo của các Giáo hội địa phương, đã hội họp dưới nhiều hình thức như Công đồng, Thượng hội đồng Giám Mục, Hội đồng Giám Mục… Chính trong những sự tụ họp như vậy sự hiệp thông được biểu lộ và thể hiện giữa các Giám mục với nhau, giữa các giáo hội địa phương với nhau và với Giáo hội hoàn vũ. Tính hiệp đoàn của các Giám mục là một dạng thức biểu hiện và thể hiện tính hiệp thông.

2.4. Trong tham gia tích cực vào sứ vụ

Hiệp thông được biểu lộ và thể hiện trong tham gia tích cực vào sứ vụ (nel partecipare attivamente alla sua missione evangelizzatrice).

Sứ vụ đây là gì?

Đó là sứ vụ truyền giáo và ngày nay Công đồng Vatican II  khai triển thêm ý niệm Phúc Âm hóa. Bộ Truyền giáo được gọi là Bộ Phúc Âm hóa các dân tộc.

Sứ vụ truyền giáo được Đức Kitô trao cho các môn đệ một cách khẳng quyết, đến nỗi có thể nói rằng bản chất của Giáo hội là truyền giáo.

Một cách rõ rệt nhất, là trước khi về Trời Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và dạy họ giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28,19-20).

Thánh Phaolô nói: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Và ngài còn căn dặn mọi người: “Phải rao giảng Lời, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2Tm 4,1-2).

Sứ vụ Phúc Âm hóa  là sứ vụ chung cho toàn dân Chúa, của tất cả những ai đã lãnh nhận Bí Tích Rửa tội và Thêm sức. Giáo hội học về Dân Thiên Chúa của Công đồng Vaticano II, nhấn mạnh đến: “phẩm giá và sứ mệnh chung” của tín hữu. Chính trong việc thi hành sứ mạng chung mầu nhiệm Giáo hội hiệp thông được biểu lộ và thể hiện, có nguồn gốc và đỉnh cao trong bí tích Thánh Thể (x. Số 6).

TÓM KẾT

Chữ “synodus” được chuyển dịch từ tiếng Hy Lạp cổ kính “σύνoδος”. Trong Giáo hội Hy Lạp σύνoδος được dùng để chỉ sự tụ họp được triệu tập ở nhiều cấp độ khác nhau (giáo phận, giáo tỉnh hoặc giáo miền, patriarcale, hoàn vũ) để biện phân, dưới ánh sáng của Lời Chúa và lắng nghe Chúa Thánh Thần, các vấn đề tín lý, phụng vụ, giáo luật và mục vụ (x. Số 4).

Trong Giáo hội Latinh, chữ synodus cũng mới được sử dụng gần đây để chỉ các công nghị, như Công nghị các Giám Mục (Synodus Episcoporum), còn dịch là  Thượng Hội Đồng Giám mục, hoặc như công nghị Giáo phận (Synodus dioecesana). Gần đây hơn nữa lại xuất hiện những từ mới, phát sinh từ chữ synodus sinodalità được dịch Việt ngữ là tính đồng hành và tính từ của nó là sinodale.

Tính đồng hành được xem như một chiều kích cấu thành Giáo Hội vì Giáo hội cũng có nghĩa là một cuộc tụ họp bởi Dân Chúa được triệu tập và lữ hành về quê Trời như một cuộc Xuất hành mới, mà chính chữ synodus – σύνoδος biểu thị; do nó có ý nghĩa là cộng đoàn được triệu tập và đi “cùng” trên một con “đường”, nghĩa là, cùng đi với nhau, đồng hành.

Theo UBKT của Giáo hội, tính đồng hành (sinodalità) “chỉ cung cách sống và hoạt động (modus vivendi et operandi)  riêng biệt của Giáo hội Dân Chúa biểu lộ và thực hiện cụ thể bản tính hiệp thông của mình (il suo essere comunione) trong việc bước đi cùng nhau (nel camminare insieme), trong việc tụ họp nhau và trong sự tham gia tích cực của tất cả các thành viên trong sứ vụ Phúc âm hóa” (Số 6).

Như vậy, “Một Giáo hội đồng hành” (Una Chiesa sinodale) được hiểu là một Giáo hội thể hiện và thực hiện “bản tính hiệp thông” một cách thực tiễn trong việc cùng nhau tham gia tích cực vào sứ vụ Phúc âm hóa của mình.

(Xin xem tiếp bài TÍNH ĐỒNG HÀNH TRONG KINH THÁNH, TRUYỀN THỐNG, LỊCH SỬ , khảo sát Chương I tập Tài liệu của UBKT)

WHĐ (04.5.2022)