Tình yêu hôn nhân kitô, họa ảnh tình yêu hiệp nhất của Thiên Chúa – Ba Ngôi

TÌNH YÊU HÔN NHÂN KITÔ, HỌA ẢNH TÌNH YÊU HIỆP NHẤT CỦA THIÊN CHÚA-BA NGÔI

Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
Chủng viện Thánh Nicôla-Phan Thiết

WHĐ, 04-06-2020 – Khi nói tình yêu hôn nhân kitô là họa ảnh (icône) tình yêu hiệp nhất của Thiên Chúa – Ba Ngôi là có ý nói những tương quan tình yêu giữa các phần tử trong gia đình kitô vừa có nguồn gốc từ Thiên Chúa – Ba Ngôi vừa phản ảnh tương quan tình yêu hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa với nhau:

“…Dưới ánh sáng này, mối quan hệ phong nhiêu của đôi vợ chồng trở thành một hình ảnh để khám phá ra và diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa, nền tảng trong cái nhìn Kitô-giáo về Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi, chiêm ngắm Thiên Chúa như là Cha, Con và Thánh Thần Tình Yêu. Thiên Chúa-Ba Ngôi là mầu nhiệm hiệp thông tình yêu, và gia đình là phản ảnh sống động của mầu nhiệm hiệp thông ấy. Những lời sau đây của thánh Gioan-Phaolô II soi sáng cho chúng ta: ‘Thiên Chúa trong mầu nhiệm thẳm sâu nhất của Ngài không đơn độc nhưng là một gia đình vì lẽ Thiên Chúa trong Ngài có Cha, có Con và có Yếu tính của gia đình, tức là Tình Yêu. Trong gia đình thần linh, tình yêu này chính là Chúa Thánh Thần’ (AAS 71[1979], 184). Như thế, gia đình không là điều gì xa lạ với chính yếu tính thần linh (AAS 71 [1979], 184). Khía cạnh tam vị này nơi cặp vợ chồng có một hình ảnh mới mẻ trong thần học của Phaolô khi thánh Tông đồ đặt gia đình trong tương quan với ‘mầu nhiệm’ kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội thánh (x. Ep 5, 21-33).” (Tông huấn AMORIS LAETITIA, của Đức Thánh Cha PHANXICÔ, 19-3- 2016, được viết tắt = AL 11).

Đấng Tạo Hóa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng. Đời sống chung này được gầy dựng cho giao ước hôn nhân, nghĩa là sự ưng thuận cá nhân không thể rút lại. Như thế, bởi một hành vi nhân linh, trong đó hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau, nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc có giá trị trước mặt xã hội nữa.

Vì lợi ích lứa đôi, của con cái và xã hội, nên sợi dây liên kết thánh thiện này không lệ thuộc sở thích của con người. Chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo hôn nhân, phú bẩm những lợi ích và mục tiêu khác nhau”. (Gaudium et Spes, được viết tắt = GS 48).

Hay nói cách khác, tương quan tình yêu hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa với nhau vừa là nguyên lý, vừa là phương tiện và là cùng đích của tương quan tình yêu hôn nhân và gia đình kitô.

I. LÀ NGUYÊN LÝ:

Tương quan tình yêu hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa là nguyên lý của tương quan tình yêu hôn nhân kitô, bởi vì con người vốn được tạo dựng nên, có nam và có nữ, “theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa” (St 1, 26-27), thế mà, một đàng, “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 8), vì thế, tương quan giữa con người với nhau nói chung, đặc biệt, giữa người nam và người nữ, chính là tương quan tình yêu hiệp nhất; và đàng khác, bởi vì Đức Giêsu Kitô chính là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình (x. 1 Cr 11, 7; 2 Cr 4, 4; Cl 1, 15), vì thế, tương quan giữa chồng với vợ còn được Phaolô sánh ví như tương quan hiệp nhất giữa Đức Kitô và Hội Thánh, Thân Mình mầu nhiệm của Người [“Hoc est enim Corpus meum”] (x. Ep 5, 21-33; Mc 14, 22-24; 1 Cr 11, 23-25)…

Thiên Chúa phán: ‘Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất’. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa; Thiên Chúa sáng tạo nên loài người có nam và có nữ.” (St 1, 26-27).

‘Trong Đức Kitô, Hội Thánh là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và dụng cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hợp nhất của toàn thể nhân loại: là bí tích của sự kết hợp mật thiết con người với Thiên Chúa: đó là mục đích đầu tiên của Hội Thánh. Bởi vì sự hiệp thông giữa con người bắt rễ trong sự kết hợp với Thiên Chúa, nên Hội Thánh cũng là bí tích của sự hợp nhất của nhân loại’…” (Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, được viết tắt: GLHTCG số 775).

Cũng cần lưu ý rằng Ba Ngôi Thiên Chúa trong và qua Đức Giêsu-Kitô là nguyên lý phổ quát của tất cả mọi đời sống hôn nhân và gia đình của toàn thể nhân loại, chứ không riêng gì những người kitô-hữu. Và đó chính là cơ sở để “hôn nhân tự nhiên” vẫn được Hội Thánh thừa nhận và trân trọng:

Theo lời dạy của Thánh Kinh, mọi sự đã được tạo dựng nhờ Đức Kitô và cho Đức Kitô (x. Cl 1, 16), các Nghị phụ Thượng Hội đồng đã nhắc nhở rằng ‘trật tự siêu độ soi sáng và hoàn thành trật tự tạo thành. Vì thế, hôn nhân tự nhiên được hiểu một cách đầy đủ trong ánh sáng sự hoàn thành của nó trong Bí tích Hôn phối: chỉ bằng cách nhìn chăm chú lên Đức Kitô người ta mới nhận biết sự thật sâu xa nhất về các mối tương quan nhân loại. ‘Chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, mầu nhiệm về con người mới thật sự được sáng tỏ. […] Chúa Kitô, Ađam mới, chính trong khi mặc khải mầu nhiệm về Chúa Cha và tình yêu của Ngài, cũng giúp con người hiểu biết đầy đủ về chính mình và nhận ra ơn gọi vô cùng cao quý của mình’ (GS 22). Bởi thế, thật thích hợp để hiểu những thuộc tính tự nhiên của hôn nhân, thiện ích của đôi vợ chồng, theo viễn tượng quy Kitô (bonum coniugum), những thiện ích ấy bao gồm sự hiệp nhất, sự mở ra đón nhận sự sống, sự chung thủy, tính bất khả phân ly, và trong hôn nhân Kitô giáo còn có sự nâng đỡ nhau trên con đường hướng đến tình bạn trọn vẹn với Chúa. ‘Việc phân định sự hiện diện của các <hạt giống Lời> (semina Verbi) trong các nền văn hóa khác (x. Ad Gentes, được viết tắt: AG 11) cũng có thể áp dụng cho thực tại hôn nhân và gia đình. Bên cạnh hôn nhân tự nhiên đích thực, trong những hình thức hôn nhân trong các truyền thống tôn giáo khác cũng có các yếu tố tích cực’, cho dù cũng không thiếu bóng tối. Chúng ta có thể khẳng định rằng ‘người nào muốn xây dựng trong thế giới này một gia đình nơi mà con cái được dạy cho biết vui thích với mọi hành động nhằm thắng vượt sự dữ – một gia đình chứng minh Thánh Thần đang sống và hoạt động – thì sẽ nhận được lòng biết ơn và sự trân trọng, cho dẫu họ thuộc dân tộc, tôn giáo hay vùng miền nào đi nữa.” (AL 77).

Vì đây là những tương quan liên vị, vì thế, sự “ở trong Đức Kitô” hay “thuộc về Đức Kitô” hẳn mang nhiều cấp độ và hình thái khác nhau: a) Cấp độ dựa trên cơ sở hữu thể học (ordre ontologiquement christique); b) cấp độ dựa trên cơ sở ơn siêu độ phổ quát của Đức Kitô (ordre salvifiquement christique); c) cấp độ dựa trên cơ sở Đức Kitô được biết và được tuyên xưng (ordre personnellement christique). Cách nhìn của Hội Thánh về giá trị của “hôn nhân tự nhiên” có thể dựa trên ba cơ sở đó.

a.   Cấp độ “ở trong Đức Kitô” và “thuộc về Đức Kitô” trên cơ sở hữu thể học: tự căn tính nguyên thủy, tất cả mọi người vốn được tạo dựng nên và hiện hữu trong Con vốn là Ngôi Lời Thiên Chúa (x. Cl 1, 15-17). Khi nói “tất cả đều tồn tại trong Người” (Cl 1, 17), đã hẳn, Phaolô muốn nói ngay từ thuở khai nguyên, tất cả mọi thụ tạo, đặc biệt, con người, đều có tương quan hữu thể học với Thiên Chúa Ba Ngôi qua Con và trong Con, vốn là Ngôi Lời Thiên Chúa. Cũng như những tương quan huyết tộc (phụ-tử, mẫu-tử và huynh- đệ…) giữa con người với nhau, vốn là điều gì đó nằm ngay trong cấu trúc hữu thể học và không thể nào đảo ngược được, hay đổi khác được, dù người ta có muốn hay không, có ý thức hay không, cũng vậy, tương quan giữa các thụ tạo, đặc biệt, giữa con người với Thiên Chúa là điều gì đó nằm ngay trong cấu trúc nguyên thủy của các thụ tạo: đó là điều mà ngôn ngữ Đông phương gọi là tương quan tam tài (Thiên-Địa-Nhân hòa).

b.  Cấp độ “ở trong Đức Kitô” và “thuộc về Đức Kitô” trên cơ sở ơn siêu độ phổ quát của Đức Kitô: Trong Biến cố Thập Giá (chết và Phục sinh), khi mà sự dâng hiến tự hủy đến tột cùng, qua đó tình yêu của Con đối với Cha cũng đạt đến đỉnh điểm, nhân tính của Đức Kitô trở nên một với thần tính của Người, hay nói cách khác, nhân tính của Đức Kitô mà vốn là hiện thân của toàn thể nhân loại được thần linh hóa, một lần và vĩnh viễn, và đó chính là cơ sở của ơn siêu độ phổ quát của Đức Giêsu-Kitô đối với toàn thể nhân loại mọi nơi và mọi thời. Toàn thể nhân loại mọi nơi và mọi thời, trong Đức Kitô, đều là con Thiên Chúa, và đều được siêu độ, và nếu phải xa cách Người vì tội lỗi thì được tha thứ và giải hòa lại với Người, trong và qua Mầu nhiệm Thập Giá, một lần là đủ (x. 1 Cr 15, 21-22; Ga 12, 32-33; 1 Tm 2, 4; Dt 10, 12-14; Ep 1, 7). Đó chính là lý do tại sao Hội Thánh trước sau như một vẫn khẳng định Đức Giêsu-Kitô là Đấng Siêu độ duy nhất và phổ quát, hay nói cách khác, ơn siêu độ nơi Mầu nhiệm Thập Giá của Đức Kitô là dành cho toàn thể nhân loại mọi nơi và mọi thời.

c.   Cấp độ “ở trong Đức Kitô” và “thuộc về Đức Kitô” trên cơ sở Người được biết và được tuyên xưng: Cũng như ở nơi loài người, việc có tương quan huyết tộc (phụ-tử, mẫu-tử, huynh đệ.) giữa người này với người nọ và việc nhận ra những ai có tương quan huyết tộc đó với nhau là hai việc khác nhau. Trong ngôn ngữ triết học, đó là sự khác biệt giữa hai khái niệm hiện hữu (existence) và hiện diện (présence). Người ta có thể hiện hữu bên nhau mà không hiện diện đối với nhau. Người ta có thể “hiện hữu trong Đức Kitô” và qua Người trong Thiên Chúa-Ba Ngôi, nhưng có thể người ta vẫn chưa ý thức được, chưa cảm nhận ra được sự hiện diện của nhau. Chỉ có tình yêu mới làm cho người ta hiện diện đối với nhau. Hay như việc không ai có thể sống được mà không cần nhờ không khí, thế nhưng không phải ai cũng ý thức và cảm nhận được sự hiện hữu và sự hiện diện của không khí xung quanh ta.

Ở hai cấp độ a và b, người ta mới chỉ hiện hữu trong Đức Kitô, vì thế, thuộc về Người, nhưng có thể vẫn chưa ý thức được, chưa cảm nhận ra được cách rõ ràng sự hiện diện của Người. Ở cấp độ c, chính khi tuyên xưng, khi nói ra Danh Đức Giêsu-Kitô và qua Người, Thiên Chúa-Ba Ngôi, khi cử hành và khi sống những tương quan hiện sinh với các Ngài, trong các Bí tích, đặc biệt Thánh Tẩy và Hôn phối, người ta dần dần nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa-Ba Ngôi trong tương quan với họ, và chính điều này mang lại sự sống tình yêu vĩnh hằng cách tròn đầy cho con người (x. Rm 10, 9-10).

I.1 Nguyên lý của tình yêu hiệp nhất:

Trong Ga 10, 30, chính Đức Giêsu đã khẳng định: “Tôi và Cha, Chúng tôi là Một” (“Moi et le Père, Nous sommes un” [bản dịch TOB]). Ở đây, tình yêu giữa Con và Cha làm sinh xuất thực tại “Chúng ta” và trong thực tại “Chúng ta” có cả Cha, Con và Tình yêu (=Thánh Thần) cùng hiện diện, và chính Chúa Thánh Thần (= cái “Chúng ta”) hiệp nhất tạo nên thực tại “Một” trong Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi.

“Sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa chính là sự mỗi ngôi vị tự làm cho mình nghèo đi trong tương quan với chính mình, là sự mỗi ngôi vị tự hủy mình đi để hoàn toàn trao ban chính mình cho ngôi vị khác và như vậy là thể hiện sự hiệp thông tột đỉnh giữa nhau. Trong tự do của mình, Cha tự trao ban mình cho Con, và Con đón nhận Cha trong cũng cùng một sự tự do như vậy và tự trao ban chính mình cho Cha trong Thần Khí, và Thần Khí như là cái ‘chúng ta’, vốn là hiện thân của tình trạng Ba Ngôi Thiên Chúa tự làm cho mình nghèo đi: Thần Khí của sự tự do của các ngôi vị và của ân huệ được ban cho ngôi vị khác.” (x. Bruno Forte, ĐỨC GIÊSU NADARÉT, bản Việt ngữ của linh mục Phêrô Nguyễn Thiên Cung, lưu hành nội bộ, trg. 399).

Bởi giao ước hôn nhân, người nam và người nữ ‘không còn là hai, nhưng là một xương một thịt’ (Mt 19, 6), phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết hợp mật thiết trong con người và cả hành động của họ, cảm nghiệm và hiểu biết được sự hiệp nhất với nhau mỗi ngày một đầy đủ hơn.” (GS 48).

Sự hiệp nhất giữa Cha, Con và Thánh Thần Tình Yêu là sự hiệp nhất trên cơ sở ngôi vị, kế hoạch, lời nói và hành động, vì thế, đó cũng chính là những cơ sở để xây dựng sự hiệp nhất trong đời sống hôn nhân và gia đình kitô.

     I.1.a. Hiệp nhất trên cơ sở ngôi vị:

Khi nói sự hiệp nhất ngôi vị là có ý nói một sự hiệp nhất liên vị, tự do, năng động, lan tỏa, sản sinh, chứ không như sự hiệp nhất chỉ dựa trên bản thể hay yếu tính vốn cứng nhắc, tĩnh tại và nghèo nàn.

Thật vậy, sự hiệp nhất giữa các ngôi vị chẳng những không làm tiêu tan đi hay giảm bớt đi căn tính của các ngôi vị mà còn khiến cho các ngôi vị được phong phú hơn, được là mình hơn:

Với cái nhìn này của đức tin và tình yêu, của ân sủng và của dấn thân, của gia đình nhân loại và Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta chiêm ngắm mẫu gia đình mà Lời Chúa ký thác vào đôi tay của người đàn ông, của người đàn bà và của con cái để hình thành nên sự hiệp thông giữa các ngôi vị, là hình ảnh của sự hợp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Rồi đến việc sinh sản và giáo dục con cái, đó lại là phản ảnh công trình tạo dựng của Chúa Cha. Gia đình được mời gọi cùng nhau cầu nguyện hằng ngày, đọc Lời Chúa và hiệp thông trong Thánh Thể để làm cho tình yêu ngày một lớn lên và luôn hoán cải để xứng đáng là đền thờ của Chúa Thánh Thần.” (AL 29).

Con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa để yêu thương. Tân Ước mặc khải cho chúng ta rõ ràng chân lý này và liên kết chân lý này với mầu nhiệm của sự sống nội tại trong Thiên Chúa-Ba Ngôi: ‘Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4, 8) và nơi chính mình Người, Người đang sống mầu nhiệm hiệp thông giữa các ngôi vị. Khi tạo dựng loài người có nam và có nữ theo hình ảnh của Người và liên lỉ bảo toàn cho loài người được hiện hữu, Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như cả khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời gọi con người sống tình yêu và hiệp thông. Tình yêu thương là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi con người’ (Tông huấn Familiaris Consortio của Đức Thánh Cha GIOAN-PHAOLÔ II, 22-11-1981, được viết tắt: FC 11). Mọi ý nghĩa của tự do cá nhân và sự tự chủ xuất phát từ sự tự do đó đều hướng về sự ban tặng chính bản thân mình trong sự hiệp thông và tình bạn hữu với Thiên Chúa và với tha nhân.” (Vérité et Signification de la sexualité humaine: Des orientations pour l’éducation en famille, 08-12-1995, được viết tắt: VS 8).

Khi so sánh tương quan giữa chồng và vợ với tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh vốn được gọi là Thân Mình mầu nhiệm của Người (Ep 5, 21-23), hẳn Phaolô muốn chứng tỏ cho thấy chồng là “thân mình” của vợ và vợ là “thân mình” của chồng, hay nói theo ngôn ngữ CƯ “cả hai thành một xương một thịt” (St 2, 24).

Trong chiều hướng này, chúng ta thấy Bí tích tình yêu hôn nhân còn là phản ảnh tuyệt vời của Bí tích Thánh Thể. Thật vậy, cũng như trong tương quan với Hội Thánh, Đức Giêsu Kitô có thể nói với Hội Thánh “Đây là Mình Thầy ”, cũng vậy, trong Bí tích hôn nhân kitô, người chồng cũng có thể nói với vợ “Em là Mình anh”, và ngược lại, người vợ cũng có thể nói với chồng “Anh là Mình em”_ Để diễn tả mầu nhiệm hiệp nhất mang tính bí tích này, Phaolô đã có những lời lẽ rất tuyệt vời như sau:

Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình…” (Ep 6, 25-28).

Chính qua những sự hiệp nhất như vậy mà Đức Giêsu-Kitô từng bước từng bước xây dựng Thân Mình của Người: qua tình yêu giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với nhau, giữa người nam với người nữ trong đời sống hôn nhân gia đình, hay nói cách khác theo trình tự khi yêu nhau người ta nhận tha nhân “là mình” và rồi qua đó Đức Giêsu-Kitô nhận tất cả “là Mình Thầy”: đó chính là con đường thần linh hóa đích thực (x. Ep 1, 4-5.9-10; Cl 1, 15-20; Ep 2, 13-18).

     I.1.b. Hiệp nhất trên cơ sở kế hoạch:

Từ vĩnh hằng, trong và qua Con, Ngôi Lời, Thiên Chúa Cha đã có Kế hoạch của Ngài: đó là các Công trình Sáng tạo, Mặc khải và Siêu độ và những công trình này đều là những công trình chung của Ba Ngôi Thiên Chúa. Khi thực hiện những công trình này các Ngài vừa sống cho nhau vừa sống cho các thụ tạo, nhằm biến toàn thể thụ tạo thành một đại gia đình trong Chúa Con; hay nói cách khác, thành chính Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô.

Trong Đức Kitô, Ngài đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ. Để trước thánh nhan Ngài, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Ngài. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Ngài, Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô… Ngài cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Ngài đã định từ trước trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô…” (Ep 1, 4-5.9-10; x. Cl 1, 15-20).

Ba công trình Sáng tạo, Mặc khải và Siêu độ này cũng nằm trong sứ mạng của Hội Thánh và của từng gia đình kitô. Thật vậy, khi tạo ra những người con của con người và con của Thiên Chúa, Hội Thánh và mỗi gia đình kitô đang cộng tác với Thiên Chúa-Ba Ngôi thực thi công trình sáng tạo, mặc khải và siêu độ đó; hay nói cách khác, là đang thực thi kế hoạch của Thiên Chúa-Ba Ngôi.

‘“Đời sống của vợ chồng là một sự thông dự vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa…”. Do đó, ‘ý muốn xây dựng một gia đình là can đảm tham gia vào giấc mơ của Thiên Chúa, dám ước mơ với Ngài, dám xây dựng với Ngài, dám nhập cuộc chơi với Ngài trong lịch sử này, để xây dựng một thế giới trong đó không ai cảm thấy cô đơn’.” (AL 321).

Điều này đòi hỏi các cặp vợ chồng và các gia đình kitô phải hiệp nhất với nhau trong tình yêu, trong niềm tin và trong niềm hy vọng.

     I.1.c. Hiệp nhất trên cơ sở “Lời”:

Trong tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa với nhau, Chúa Cha chỉ “có” và “nói qua” một Lời là Chúa Con:

Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, chẳng có gì được tạo thành. Điều được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.” (x. Ga 1, 1-4).

Còn Chúa Con chỉ nói những gì đã và vẫn nghe Cha nói:

‘“Tôi còn nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói…” (x. Ga 8, 26.27; 14, 10).

Và Chúa Thánh Thần cũng chỉ nhắc lại những gì đã và vẫn “nghe” Chúa Cha và Chúa Con nói:

Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.” (Ga 16, 12-13).

Sự hiệp nhất trong “Lời” nơi gia đình chỉ có thể có khi được xây dựng trên chính Ngôi Lời của Thiên Chúa là Đức Giêsu-Kitô hay nói cách khác, khi có Đức Giêsu-Kitô hiện diện trong gia đình và trong mỗi phần tử của gia đình, và khi ở đó Người được tôn kính và yêu mến. Và một khi có Đức Giêsu-Kitô hiện diện có nghĩa là có cả Ba Ngôi Thiên Chúa cùng hiện diện.

Sự hiện diện của Chúa trong gia đình là sự hiện diện thực tế và cụ thể, cùng với mọi khổ đau, chiến đấu, niềm vui và những cố gắng hằng ngày của nó. Trong tình hiệp thông được xây dựng từ bao nhiêu là dâng hiến và gặp gỡ, Thiên Chúa có chỗ ngự trị của Ngài. Sự dâng hiến cho nhau đó kết hợp ‘những giá trị nhân văn và thần linh’, vì nó là sự tròn đầy của tình yêu Thiên Chúa. ” (AL 315).

     I.1.d. Hiệp nhất trên cơ sở hành động:

Sự hiệp nhất trong nội thân Ba Ngôi Thiên Chúa không chỉ dựa trên cơ sở bản tính, bản thể, lời nói mà còn và nhất là trên cơ sở mọi hành động của Ba Ngôi đều là hành động chung (GLHTCG, 292), và đó cũng chính là mẫu mực của tương quan giữa các phần tử trong gia đình kitô.

Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình…Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa (“hu…” (Ga 14, 10.12).

Sự hiệp nhất vững bền không thể chỉ dựa trên những lời nói, những mơ ước, những niềm hy vọng suông, v.v., mà còn phải dựa trên việc người ta hành động chung với nhau vì những mục đích chung.

I.2. Nguyên lý của sự Sáng tạo và Sản sinh:

Khi nói Thiên Chúa-Ba Ngôi là nguyên lý của sự Sáng tạo và Sản sinh, trước tiên và trên hết, là có ý nói trên cơ sở hữu thể học, tức là vốn nằm trong cấu trúc hữu thể học của các thụ tạo nói chung và, cách riêng, của loài người vốn được tạo dựng nên, có nam và có nữ, theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa.

“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ: ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất…’” (St 1, 27-28).


Trong tương quan giữa Thiên Chúa-Ba Ngôi, Chúa Cha yêu, tự hủy Mình đi để Chúa Con được nhiệm sinh; Chúa Cha và Chúa Con yêu nhau và hai Đấng tự hiến Mình cho nhau qua con đường tự hủy Mình đi để Thần Khí Tình Yêu là Chúa Thánh Thần được nhiệm xuất; Ba Ngôi Thiên Chúa yêu nên tự hiến Mình cho nhau qua việc Chúa Con tự hủy Mình đi và mọi thụ tạo trên trời dưới đất được sáng tạo (GLHTCG, 280). Có thể nói rằng tương quan giữa người nam và người nữ trong đời sống hôn nhân kitô cũng vậy, đó là một thứ tình yêu tự hiến, tự hủy, sáng tạo và sinh sản. Và chính Thiên Chúa- Ba Ngôi là nguyên lý của sự sáng tạo và sản sinh ra những hữu thể mới theo hình ảnh của Ngài và giống như Ngài:

“Khi tạo dựng nên người nam và người nữ theo hình ảnh của mình và giống như mình, Thiên Chúa đã đẩy công trình của bàn tay Ngài đạt đến tột đỉnh của nó: Ngài mời gọi con người cách đặc biệt tham dự vào tình yêu của Ngài cũng như vào quyền năng của Đấng Sáng tạo và của Người Cha, qua trung gian sự hợp tác tự do và với tinh thần trách nhiệm của họ để truyền ban ân huệ sự sống con người: ‘Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: Hãy sinh sôi và nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên đất’.” (St 1, 28).

Như vậy, mục đích căn bản của gia đình là phục vụ sự sống, là trong suốt hành trình lịch sử hiện thực hóa cho được phúc lành mà Thiên Chúa đã chúc phúc ngay từ buổi ban sơ, qua việc truyền lan hình ảnh Thiên Chúa từ người này qua người khác, nơi hành vi truyền sinh.

Sự sinh sôi nảy nở là kết quả và là dấu chỉ của tình yêu đôi lứa, là chứng từ sống chứng tỏ các đôi vợ chồng đã hoàn toàn trao ban cho nhau: ‘Từ đó, một tình yêu đôi lứa thực sự và nếu được hiểu cách đúng đắn, cũng như mọi cấu trúc đời sống gia đình bắt nguồn từ đó, dù không vì thế mà coi thường những mục đích khác của hôn nhân, đều hướng về việc khiến các đôi vợ chồng, cách can đảm, sẵn sàng cộng tác với tình yêu của Đấng Tạo dựng và Cứu độ, là Đấng mà qua họ vẫn không ngừng mong muốn gia đình riêng của Ngài được đông đúc thêm và giàu có thêm’.” (FC 28)

Theo kế hoạch của Thiên Chúa, hôn nhân là nền tảng của thứ cộng đoàn còn rộng lớn hơn cả gia đình, bởi vì định chế của hôn nhân và tình yêu đôi lứa vốn được đặt định để sản sinh và giáo dục con cái và đó là mục đích tối hậu của hôn nhân và tình yêu lứa đôi.

Trong thực tại sâu thẳm nhất của nó, tình yêu tự bản chất vốn là sự tự hiến, và tình yêu đôi lứa, khi dẫn đưa vợ chồng đến chỗ ‘biết’ lẫn nhau khiến cho cả hai trở nên ‘một xương một thịt’ không dừng lại ở nơi chỉ hai người; thật vậy, tình yêu đôi lứa khiến đôi vợ chồng có thể thực hiện một hành vi trao hiến còn vĩ đại hơn bất cứ hành vi dâng hiến nào, qua đó đôi vợ chồng trở nên những người cộng tác với Thiên Chúa trong công việc trao ban sự sống cho một nhân sinh khác. Như vậy, các đôi vợ chồng, trong khi trao ban chính mình cho nhau, vượt qua bên kia cả chính bản thân mình, họ còn trao ban một thực thể sống, một đứa con, họa ảnh thực của tình yêu của họ, là dấu chỉ thường hằng của sự hiệp nhất đôi lứa và là tổng hợp sống động và không thể chia cắt được làm nên từ hữu thể của chính cha và mẹ.

Khi trở nên các bậc làm cha làm mẹ, các đôi vợ chồng nhận từ Thiên Chúa ân huệ là một trách nhiệm mới. Tình yêu phụ mẫu của họ được mời gọi để, đối với con cái của họ, trở thành dấu chỉ hữu hình của chính tình yêu của Thiên Chúa, ‘Đấng chính là nguồn cội của mọi tình phụ tử trên trời và dưới đất’…” (FC 14).

II. LÀ PHƯƠNG TIỆN:

Tương quan tình yêu giữa con người với Thiên Chúa-Ba Ngôi và giữa con người với nhau chỉ có thể phát xuất, tồn tại và hoàn tất trong, bởi và qua Đức Giêsu-Kitô mà thôi. Và bởi vì Ba Ngôi Thiên Chúa hằng tương ngụ và tương tại trong nhau, vì thế, khi nói “trong Đức Giêsu-Kitô” cũng đồng nghĩa là “trong Thiên Chúa-Ba Ngôi”. Điều đó có nghĩa tình yêu hôn nhân gia đình chỉ có thể phát xuất, tồn tại và phát triển trong “môi trường” Thiên Chúa-Ba Ngôi qua trung gian Đức Giêsu-Kitô, Con và Ngôi Lời của Thiên Chúa. Hay nói cách khác, chính trong “môi trường” những mối tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa với nhau nơi Đức Kitô mà tình yêu trong đời sống lứa đôi và gia đình mới có được những khả năng hiệp nhất, sáng tạo và sản sinh theo ý nghĩa đích thực nhất của nó.

II.1. Phương tiện của tình yêu hiệp nhất:

Sự hiệp nhất giữa các phần tử trong gia đình trong tình yêu (giữa chồng-vợ, cha mẹ-con cái, giữa anh chị em với nhau.) chỉ có thể có được qua và trong Đức Giêsu-Kitô (x. Gl 2, 20), và khi nói qua và trong Đức Kitô, điều này đồng nghĩa với qua môi trường trung gian là tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa với nhau, vì Ba Ngôi Thiên Chúa hằng luôn tương ngụ và tương tại trong nhau, hay nói cách khác, vì Ba Ngôi Thiên Chúa hằng luôn ở trong nhau và hằng luôn có nhau.

‘“Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi…” (Gl 2, 20).

Sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người được hoàn tất cách trọn vẹn nơi Đức Giêsu-Kitô, Đấng vốn là vị Hôn phu giàu tình yêu thương và đã hiến thân mình như là Đấng Cứu độ loài người khi tự làm cho loài người hiệp nhất với mình như thân mình của mình.

Đức Giêsu-Kitô mặc khải cho thấy sự thật nguyên thủy của hôn nhân là gì, sự thật của ‘thuở ban đầu’ và, khi giải thoát con người khỏi tình trạng lòng chai dạ đá, khiến con người có khả năng hoàn tất sự thật đó cách vẹn toàn.

Mặc khải này đạt đến tình trạng toàn vẹn của nó trong ân huệ tình yêu mà Ngôi Lời Thiên Chúa đã ban cho loài người khi nhận bản tính nhân loại là của mình và trong hy lễ là chính bản thân mình mà trên thập giá Đức Giêsu-Kitô đã hiến dâng cho vị Hôn Thê của Người là Hội Thánh. Trong hy tế này, hoàn toàn để lộ cho thấy kế hoạch mà Thiên Chúa đã ghi khắc ngay từ thuở tạo thiên lập địa nơi nhân loại vốn bao gồm cả đàn ông và đàn bà; như vậy, hôn nhân của những ai đã được thánh tẩy đều trở thành biểu trưng thực sự của giao ước mới và vĩnh cửu, được đóng dấu trong máu của Đức Kitô. Thần Khí, Đấng mà Đức Chúa tuôn tràn xuống, chính Ngài ban cho họ một quả tim mới và khiến cho người đàn ông và người đàn bà có khả năng yêu thương nhau, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta. Đức ái trong đời sống vợ chồng đó là đỉnh điểm mà tình yêu đôi lứa đã được hướng đích để nhằm đạt tới: đức ái trong đời sống vợ chồng này là cách thức đặc thù và biệt loại mà nhờ đó các đôi vợ chồng được tham dự vào đức ái của Đức Kitô khi Người trao ban chính mình trên thập giá, và mà các cặp vợ chồng được mời gọi để sống nó.” (FC 13).

Như vậy, có thể nói rằng trong tất cả mọi mối tương quan giữa các phần tử trong gia đình kitô với nhau nói chung, Đức Giêsu-Kitô luôn là “môi trường trung gian”, là phương tiện, là chiếc cầu nối: giữa gia đình kitô với Ba Ngôi Thiên Chúa, với Hội Thánh, với nhau và với tha nhân, v.v…

     II.1.a. Phương tiện của mối tương quan giữa gia đình kitô với Ba Ngôi-Thiên Chúa:

Trong tương quan giữa các phần tử trong gia đình kitô, trong và qua Đức Giêsu-Kitô, Ba Ngôi Thiên Chúa vẫn luôn vừa là môi trường trung gian, là phương tiện, vừa là cùng đích, hay nói cách khác, người ta chỉ có thể đến với Thiên Chúa qua và trong Đức Giêsu-Kitô mà thôi:

‘“Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo… Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người là làm cho muôn vật được hòa giải với mình.” (Cl 1, 15.19-20).

Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.” (Ep 2, 16-18).

“. Nhưng sự bất trung của Dân It-ra-en vẫn không phá hủy được lòng tín trung vĩnh hằng của Đức Chúa, và bởi vì thế, tình yêu hằng luôn thủy chung trước sau như một của Thiên Chúa vẫn hằng luôn hiện diện như mẫu mực cho những mối tương quan tình yêu thủy chung vốn cần phải có giữa các đôi vợ chồng…” (FC 12)

     II.1.b. Phương tiện trong tương quan giữa gia đình kitô và Hội Thánh:

Là “Hội Thánh thu nhỏ” hay “Hội Thánh tại gia”, để có thể tiếp cận được với Hội Thánh là Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô, người ta phải qua môi trường trung gian là Đức Giêsu-Kitô và, trong Người, qua Ba Ngôi Thiên Chúa.

‘Trong Đức Kitô, Hội Thánh là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và dụng cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hợp nhất của toàn thể nhân loại: là bí tích của sự kết hợp mật thiết con người với Thiên Chúa: đó là mục đích đầu tiên của Hội Thánh. Bởi vì sự hiệp thông giữa con người bắt rễ trong sự kết hợp với Thiên Chúa, nên Hội Thánh cũng là bí tích của sự hợp nhất của nhân loại’…” (GLHTCG số 775).

Gia đình kitô được mời gọi góp phần tích cực và có trách nhiệm vào sứ mạng của Hội Thánh theo cách riêng biệt và độc đáo, để hằng luôn sẵn sàng phục vụ Hội Thánh và xã hội, với hết cả con người và hành động của mình trong tư cách là một cộng đoàn mật thiết của sự sống và tình yêu.

Nếu gia đình kitô là một cộng đoàn mà các sợi dây liên kết đã được Đức Kitô canh tân đổi mới qua đức tin và các bí tích, thì việc gia đình kitô tham dự vào sứ mạng của Hội Thánh phải được thực hiện theo cách của một cộng đoàn, vì thế, điều đó có nghĩa chính trong tư cách là từng cặp và từng gia đình mà các đôi vợ chồng, cha mẹ và con cái phải sống ơn gọi phục vụ Hội Thánh và thế giới. Cha mẹ và con cái, trong đức tin, phải chỉ là ‘một trái tim và một tâm hồn’, trong tinh thần tông đồ chung linh hoạt họ cũng như qua sự cộng tác khiến họ dấn thân vào nỗ lực phục vụ cộng đoàn Hội Thánh và cộng đoàn dân sự.

Ngoài ra, gia đình kitô còn xây dựng Nước Thiên Chúa trong lịch sử thông qua những thực tại hằng ngày vốn liên can đến và tạo ra nét đặc thù của điều kiện sống của gia đình kitô: chính từ lúc đó trong tình yêu vợ chồng và gia đình – được sống trong thực tại phong nhiêu lạ thường với những giá trị và những đòi hỏi của nó là một thứ tình yêu trọn vẹn, duy nhất, trung tín và phong nhiêu – mà sự tham dự của gia đình kitô vào sứ mạng ngôn sứ, tư tế và vương giả của Đức Giêsu-Kitô và Hội Thánh của Người được tỏ bày và được trở nên hiện thực. Như vậy, tình yêu và sự sống cấu tạo nên trung tâm điểm của sứ mạng siêu độ của gia đình kitô trong Hội Thánh và cho Hội Thánh.” (FC 50).

     II.1.c. Phương tiện trung gian trong quan hệ tình yêu giữa các phần tử trong gia đình với nhau và với tha nhân:

Tương quan tình yêu giữa con người với nhau nói chung không bao giờ đơn giản chỉ là việc của con người với nhau mà luôn luôn là sáng kiến đến từ Thiên Chúa qua trung gian là Đức Giêsu-Kitô.

Gia đình kitô, cũng vậy, được tháp nhập vào trong Hội Thánh, dân tư tế. Nhờ bí tích hôn phối, bí tích mà trong đó nó được bám rễ sâu và từ đó nó mới được ổn cố, gia đình kitô không ngừng được làm cho sống động nhờ Đức Chúa Giêsu, không ngừng được Người mời gọi và dẫn đưa vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa qua những phương tiện là sống đời sống bí tích, là biến hiện hữu của mình và kinh nguyện đời mình thành lễ vật dâng lên Thiên Chúa.” (FC 55).

Tình yêu được sống và được vun trồng trong cuộc sống mà hằng ngày đôi vợ chồng và con cái họ cùng chia sẻ.” (AL 90).

Tình yêu mà không tăng trưởng là một tình yêu đang lâm nguy. Và chúng ta chỉ có thể lớn lên khi chúng ta đáp lại ân sủng của Thiên Chúa xuyên qua các hành động yêu thương không ngừng, những hành động từ ái trở nên ngày càng thường xuyên hơn, nồng nhiệt, quảng đại, dịu dàng và vui tươi hơn. Người chồng và người vợ ‘kinh nghiệm ý nghĩa về sự hiệp nhất của mình và theo đuổi nó ngày một trọn vẹn hơn’. Ơn ban của tình yêu Thiên Chúa tuôn tràn trên đôi bạn cũng là một lời mời gọi không ngừng phát triển quà tặng của ân sủng này.” (AL 134).

II.2. Phương tiện trung gian của tình yêu sáng tạo và sản sinh:

Nếu tất cả mọi hữu thể đều chỉ có thể hiện hữu trong, nhờ và bởi Ngôi Lời Thiên Chúa là chính Đức Giêsu-Kitô, thì ngay trong hành vi làm xuất hiện một hữu thể mới là những đứa con, Ngôi Lời và trong Người là Ba Ngôi Thiên Chúa vẫn hằng luôn là phương tiện, là môi trường trung gian của hành vi đó:

‘“Có lời Đức Chúa phán với tôi rằng: ‘Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.” (Gr 1, 4-5; x. Is 49, 1-5).

“… Bà nói với các con: ‘Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con thần khí và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hóa càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình’.” (2 Mcb 7, 21-23).

“Sứ thần liền nói: ‘Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu…’ Bà Maria thưa với sứ thần: ‘Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng’! Sứ thần đáp: ‘Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.’.” (Lc 1, 30-31.34-35).

III. LÀ CÙNG ĐÍCH:

Khi nói Thiên Chúa-Ba Ngôi là cùng đích của tình yêu hôn nhân và gia đình, điều này có ý muốn nói hôn nhân và gia đình, tự nó, không phải là mục đích, mà đúng hơn là phương tiện Thiên Chúa dùng để thực hiện kế hoạch tình yêu của Ngài là xây dựng “đại gia đình nhân loại” và rồi qua đó xây dựng “đại gia đình của Thiên Chúa” là Hội Thánh, làm sao để cuối cùng “Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự”:

‘“Ngay trong cung lòng của hôn nhân và gia đình, được đan dệt nên cả một khối những mối tương quan liên vị – tương quan giữa những người phối ngẫu, giữa cha và mẹ, giữa con cái với cha mẹ, và giữa anh chị em với nhau – qua đó mỗi cá vị được hội nhập vào trong ‘đại gia đình nhân loại’ và vào trong ‘đại gia đình của Thiên Chúa’ là Hội Thánh.” (FC 15).

Tuy nhiên, đó chưa phải là mục đích cuối cùng của hôn nhân và gia đình. Vấn đề không đơn giản chỉ là “nên một” mà là “nên một trong Thiên Chúa-Ba Ngôi”:

Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha. Thật vậy, Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người… Lúc muôn loài đã quy phục Đức Kitô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự.” (1 Cr 24-25.28).

Và lúc đó, Đức Giêsu Kitô sẽ lặp lại:

Tôi và Cha, Chúng tôi là Một” [Bản dịch TOB: “Moi et Le Père, Nous sommes Un”] (Ga 10, 30).

III.1. Mục đích xây dựng “đại gia đình nhân loại”:

Hôn nhân và gia đình, trước tiên, là tế bào của xã hội và nhân loại, một định chế do chính Thiên Chúa thiết lập để xây dựng “đại gia đình nhân loại”:

Có mấy người Pharisêu đến gần Đức Giêsu để thử Người. Họ nói: ‘Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?’ Người đáp: ‘Các ông không đọc thấy điều này sao: Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán: Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt 19, 3-6).

Đấng Tạo Hóa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng. Đời sống chung này được gầy dựng cho giao ước hôn nhân, nghĩa là sự ưng thuận cá nhân không thể rút lại. Như thế, bởi một hành vi nhân linh, trong đó, hai vợ chồng tự hiến cho nhau, nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc có giá trị trước mặt xã hội nữa.

Vì lợi ích của lứa đôi, của con cái và xã hội, nên sợi dây liên kết thánh thiện này không lệ thuộc sở thích của con người. Chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo hôn nhân, phú bẩm những lợi ích và mục tiêu khác nhau.” (GS 48).

Trong hôn nhân, vợ chồng dâng hiến thân xác cho nhau bằng một cử chỉ đặc biệt và giới hạn giữa hai người, để kết hợp với nhau nên một, với mục đích giúp nhau phát triển con người và cộng tác với Thiên Chúa để sinh sản và giáo dục những sự sống mới.” (Thông điệp “Humanae vitae”, Đgh. Phaolô VI, 25-7-1968, được viết tắt: HV 8).

Bởi vì ‘theo trật tự tạo thành, tình yêu phu phụ giữa một người nam và một người nữ và sự thông truyền sự sống được quy hướng về nhau (x. st 1, 27-28). Bằng cách đó Đấng Tạo Hóa đã làm cho người nam và người nữ được tham dự vào công trình tạo dựng của Ngài và đồng thời làm cho họ thành những dụng cụ diễn tả tình yêu của Ngài, ủy thác cho họ trách nhiệm đối với tương lai của loài người xuyên qua việc thông truyền sự sống con người’.” (AL 81).

Sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người được hoàn tất cách trọn vẹn nơi Đức Giêsu-Kitô, Đấng vốn là vị Hôn phu giàu tình yêu thương và đã hiến thân mình như là Đấng Cứu độ loài người khi tự làm cho loài người hiệp nhất với mình như thân mình của mình.” (FC 13).

III.2. Mục đích xây dựng “đại gia đình của Thiên Chúa” là Hội Thánh:

Như chúng ta đã biết, trọng tâm và nội dung chính yếu của những lời rao giảng của Đức Giêsu-Kitô chính là Nước Trời, Nước Thiên Chúa, hay nói cách khác, mục đích chính của Người khi Nhập Thể làm người là xây dựng Nước Thiên Chúa để qua đó Danh Cha được cả sáng và Ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên Trời (Mt 6, 9-10). Thế mà, nói theo ngôn ngữ của Văn hào Origène, bởi vì Đức Giêsu-Kitô là hiện thân của Tin Mừng (Mc 1, 1; Rm 1, 2; 16, 25; Ep 1, 13; Kh 14, 6; v.v.) và của “Nước Trời”, hay “Nước Thiên Chúa” (Mt 5, 3; 6, 33; 21, 43; Mc 10, 15; 12, 34; Lc 6, 20; Ga 3, 3; v.v…), như vậy, khi “xây dựng Nước Thiên Chúa” đó cũng chính là lúc người ta đang xây dựng chính Thân Mình của Đức Kitô hay là Hội Thánh; và ngược lại, khi xây dựng Hội Thánh như là công cụ và dấu chỉ của sự hiệp nhất nhân loại, đó là lúc người ta đang xây dựng Nước Trời hay Nước Thiên Chúa..

“Với cái nhìn này của đức tin và tình yêu, của ân sủng và của dấn thân, của gia đình nhân loại và Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta chiêm ngắm mẫu gia đình mà Lời Chúa ký thác vào đôi tay của người đàn ông, của người đàn bà và của con cái để hình thành nên sự hiệp thông giữa các ngôi vị, là hình ảnh của sự hợp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Rồi đến việc sinh sản và giáo dục con cái, đó lại là phản ảnh công trình tạo dựng của Chúa Cha. Gia đình được mời gọi cùng nhau cầu nguyện hằng ngày, đọc Lời Chúa và hiệp thông trong Thánh Thể để làm cho tình yêu ngày một lớn lên và luôn hoán cải để xứng đáng là đền thờ của Chúa Thánh Thần.” (AL 29).

“Hội Thánh được mời gọi cộng tác với các bậc cha mẹ qua một hoạt động mục vụ thích hợp, hỗ trợ họ trong việc chu toàn sứ mạng giáo dục con cái. Hội Thánh phải luôn luôn làm việc này bằng cách giúp các cha mẹ trân trọng vai trò riêng của mình và nhận ra rằng ai đã nhận lãnh Bí tích Hôn Phối thì trở thành những thừa tác viên giáo dục đích thực, bởi lẽ khi giáo dục con cái là họ đã xây dựng Hội Thánh, và khi làm thế, họ chấp nhận một ơn gọi do Thiên Chúa ban.” (AL 85).

Hội Thánh là Gia đình của các gia đình, thường xuyên được làm phong phú bởi đời sống của các Hội Thánh tại gia. Trong viễn ảnh này, việc xem xét mối tương tác giữa gia đình và Hội Thánh chắc chắn sẽ là một ơn ban quý giá cho Hội Thánh ngày nay: Hội Thánh là một phúc lành cho gia đình, và gia đình là một phúc lành cho Hội Thánh…” (AL 87).

Thực ra, Hội Thánh, như người ta vẫn thường hiểu, tự mình, không phải là cùng đích, mà chỉ là công cụ, là dấu chỉ của Đức Kitô. Cùng đích của Kế hoạch của Thiên Chúa vốn vĩ đại hơn nhiều, và nói theo ngôn ngữ của Phaolô: đó là hiệp nhất toàn thể Thụ tạo lại với Ngài trong và qua Đức Kitô, tức là khi Đức Kitô hòa giải toàn thể nhân loại lại với nhau, giữa giáo và lương, giữa những kẻ “ở bên trong Hội Thánh” và những kẻ “ở bên ngoài Hội Thánh”:

Thật vậy, chính Đức Kitô là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; Người đã hủy bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hòa bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người. Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.” (Ep 2, 14-18).

Và cuối cùng, khi Kế hoạch vĩ đại của Thiên Chúa-Ba Ngôi hoàn tất, đó là lúc “Trời mới”, “Đất mới” và “Con người mới” xuất hiện, hay còn được gọi là Ngày Quang Lâm của Đức Chúa (x. Mc 13, 24-27; Mt 24, 29-31; Lc 21, 25-28; Pl 2, 9-11):

Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. Đấng ngự trên ngai phán: ‘Này đây Ta đổi mới mọi sự’. Rồi Người phán: ‘Ngươi hãy viết: Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật’. Người lại phán với tôi: ‘Xong cả rồi! Ta là Anpha và Ômêga, là Khởi Nguyên và Tận Cùng’…” (Kh 21, 1-2.5-6).

Đó chính là lúc hoàn tất Lịch sử, Lịch sử của Thiên Chúa và Lịch sử của mọi thụ tạo, đặc biệt của loài người (Ep 1, 3-14). Là lúc mà “Thiên Chúa là tất cả nơi mọi sự” (1 Cr 15, 28). Là lúc mà Đức Giêsu-Kitô có thể khẳng định lần nữa: “Tôi và Cha, Chúng tôi là Một” (Ga 10, 30).

Trong Kế hoạch thần linh này và trong Lịch sử này, hôn nhân và gia đình luôn luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng: gia đình là tế bào của mọi xã hội, của mọi Hội Thánh, của Vương quốc Thiên Chúa. Nếu gia đình là tế bào của xã hội, của thế giới và của Hội Thánh, việc bảo vệ cấu trúc gia đình và hôn nhân phải luôn là mối ưu tư hàng đầu của toàn thể nhân loại và trước hết và trên hết là của Hội Thánh. Ở đây, sứ mạng chính yếu của Hội Thánh là rao giảng kế hoạch của Thiên Chúa liên quan đến hôn nhân và gia đình như đã được mặc khải ra trong Thánh Kinh và nơi những truyền thống tốt đẹp của Hội Thánh qua các thời, dù phải đối diện với vô vàn thách thức, chống đối và thất bại, qua lời nói và chứng tá đời sống “nghèo nàn” của mình, hay nói cách khác, là gieo những hạt giống tốt, còn việc những hạt giống đó mọc lên khi nào, ở đâu, và như thế nào, v.v… đó là việc của Thiên Chúa và của duy chỉ một mình Ngài mà

thôi. Sứ mạng của Hội Thánh là rao giảng và làm chứng, chứ không phải là phán xét và kết án: chỉ có Thiên Chúa chí ái, toàn tri và toàn năng mới có đủ thẩm quyền để phán xét! Cho đến hiện nay, có vẻ như không ít người Kitô-hữu vẫn còn giữ não trạng của người pharisêu lên đền thờ cầu nguyện (Lc 18, 9-14), nghĩa là thích khoe công và phán xét người khác, và vẫn cứ nghĩ rằng Hội Thánh có sứ mạng cứu rỗi thế giới! Không phải Hội Thánh mà chính Đức Kitô cứu rỗi thế giới và duy chỉ một mình Người là Đấng siêu độ mà thôi! Vì thế, nói theo ngôn ngữ của Bruno Forte, Thiên Chúa không bắt chúng ta tính sổ với Ngài là đã cứu rỗi được bao nhiêu người mà là đã loan báo được cho bao nhiêu người Tin Mừng của Đức Giêsu-Kitô…

Đứng trước một thế giới mà tình trạng hôn nhân và gia đình đang đối diện với biết bao nguy cơ tan vỡ, không ít người đâm ra hoang mang, thất vọng, mất niềm tin vào Thiên Chúa, vào Hội Thánh, vào chính con người, thậm chí vào cả chính bản thân mình. Sở dĩ thế, đã hẳn là tự đáy thâm tâm, người ta vẫn nghĩ rằng đây là vấn đề riêng của con người. Nhưng không phải vậy: đây là Kế hoạch và là Công trình của Thiên Chúa-Ba Ngôi, vì thế, không thể nào thất bại! Làm sao thất bại, vì đó là công trình của Vị Thiên Chúa chí ái, toàn tri và toàn năng! Làm sao thất bại, vì đó là công trình của Vị Thiên Chúa có thể biến những cục đá thành con cháu của Abraham (Mt 3, 9)! Làm sao thất bại, vì đó là công trình của Vị Thiên Chúa có thể biến Tấm bánh thành “Thân Mình của Ngài” và biến ly Rượu thành “chén Máu của Ngài”! Làm sao thất bại, khi tương quan tình yêu giữa các đối tác trong hôn nhân và gia đình là họa ảnh (icône) của những tương quan tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa với nhau!

Trong một thế giới tục hóa và giải thiêng như thế giới mà chúng ta đang sống hôm nay, một cách can đảm, lạc quan và tràn đầy niềm tin, Hội Thánh qua Đức Thánh Cha Phanxicô, vẫn ngỏ lời với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ:

Đời sống của vợ chồng là một sự thông dự vào công trình sáng tạo của Thiên ChúaDo đó, ‘ý muốn xây dựng một gia đình là can đảm tham gia vào giấc mơ của Thiên Chúa, dám ước mơ với Ngài, dám xây dựng với Ngài, dám nhập cuộc chơi với Ngài trong lịch sử này, để xây dựng một thế giới trong đó không ai cảm thấy cô đơn’.” (AL 321).

 

Đó quả là một giấc mơ thật đẹp, bởi vì đó là giấc mơ của chính Thiên Chúa!

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 101 (tháng 7 & 8 năm 2017)