Tình yêu – tính dục – hôn nhân: Những thách đố của người trẻ

TÌNH YÊU – TÍNH DỤC – HÔN NHÂN
NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA NGƯỜI TRẺ HÔM NAY
NHẬN DIỆN VÀ ĐỊNH HƯỚNG

Lm. Matthia Võ Nhân Thọ

Dẫn nhập
Vào dịp đi chơi nhân tiết Thanh minh, Thúy Kiều đã gặp Kim Trọng.[1] Chỉ trong thoáng chốc, tình yêu kì lạ giữa người quốc sắc và kẻ thiên tài đã bắt đầu nảy nở. Ngay trong đêm hôm ấy, hình bóng phong nhã và hào hoa của Kim Trọng đã in đậm trong tâm hồn Thuý Kiều, khiến trái tim nhạy cảm của nàng thổn thức. Nàng băn khoăn tự hỏi:

Người đâu gặp gỡ làm chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không ?

Còn Kim Trọng thì cũng:

Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người,
Nhớ nơi kì ngộ vội dời chân ơi,

Đó là cảm xúc về lần gặp gỡ đầu tiên của đôi trai tài gái sắc. Và kể từ “cái buổi ban đầu lưu luyến ấy”, có thể chỉ cần một cử chỉ, giọng nói, hay một ánh mắt của Thúy Kiều là có thể khiến cho Kim Trọng, và bất cứ người nào trong chúng ta cũng có thể như vậy, trở nên ngây ngô không cưỡng lại được, khi gặp được đúng “một nửa yêu thương” của đời mình.

Có lẽ đó chính là quy luật từ ngàn xưa đến nay. Người nữ hấp dẫn người nam và ngược lại. Theo quan điểm sinh học, thì đó là vì lợi ích của sự duy trì giống loài. Sự thèm muốn lẫn nhau xuất hiện như một động lực thúc đẩy bản năng con người, hướng đến hành vi sinh sản để lưu truyền nòi giống.

Nhưng có phải người nam và người nữ hấp dẫn nhau chỉ vì nhu cầu của tính dục không, hay còn vì những giá trị gì khác nữa? Người ta thường bảo rằng “con tim có lý lẽ riêng mà lý trí không biết.”

Tại sao người ta hồi hộp rung động trước người này mà trơ lì trước người khác? Khoa học lâu nay luôn đi tìm, nhưng vẫn chưa có được những câu trả lời nào thuyết phục nhất. Người ta vẫn đang đi tìm giá trị đích thực của tình yêu và tính dục. Quan điểm của Giáo Hội về tình yêu và tính dục trong đời sống hôn nhân như thế nào?

1/ GIÁ TRỊ CỦA TÌNH YÊU VÀ TÍNH DỤC TRONG THÁNH KINH

1.1 Theo Cựu Ước

Kinh Thánh có rất nhiều đoạn nói cho chúng ta biết về tình yêu nam nữ, tình yêu hôn nhân và tình yêu vợ chồng. Bởi thế, nhìn cách chung, ta có thể nhận ra: Kinh Thánh là một cuốn sách kể lại lịch sử của giao ước tình yêu giữa Thiên Chúa và con người cách rõ nét nhất. Chính Thiên Chúa đã sánh ví Ngài như người chồng luôn yêu thương nhân loại là vợ của mình. Và chính Chúa Giêsu cũng sánh ví tình yêu của Ngài với Hội Thánh, một tình yêu chung thuỷ như Hiền Thê đối với Vị Tân Lang.

Sách sáng Thế 1,26-28: “Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh của chúng ta, giống chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc và dã thú, tất cả mặt đất và mọi vật bò dưới đất. Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh mình. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ”.

Đây là điểm quan trọng trong việc mặc khải về tương quan giữa người nam và người nữ, trở nên dấu chỉ tiên báo và mạc khải về Thiên Chúa, và về tương quan giữa hai phái tính khác nhau, nhưng lại đón nhận và yêu thương nhau.

Nền tảng của mọi cộng đồng nhân loại đều dựa trên nền tảng được xây dựng từ người nam và người nữ. Chỉ từ nền tảng này, mọi tương quan khác đều lãnh nhận được ánh sáng và năng lực. Người nam được tạo dựng để có một tương quan và liên hệ mật thiết với một người khác phái.

Khái niệm toàn vẹn của con người không chỉ có trong nam mà thôi, nhưng cả nam lẫn nữ. Tính dục được nhìn nhận như một giá trị. Sau khi tạo dựng người nam và người nữ. Thiên Chúa thấy mọi sự tốt đẹp. Sự tốt đẹp này bao gồm cả thân xác và cả kinh nghiệm về sự thân mật tính dục nữa.

Sách Sáng Thế 2,19: “Và rồi Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt, Ta sẽ làm cho nó có một trợ tá tương xứng”. Ở đây, diễn tả một sự thiếu vắng trong cuộc sống con người, dù rằng cũng đã có đầy đủ những cảnh vật thiên nhiên, muôn loài súc vật. Như vậy, hiểu rằng con người cần có một người đồng hành với mình, chung sống với mình và trợ giúp cho mình, để có thể đối thoại, cảm thông, chia sẻ, và biểu lộ tương quan tình cảm, và cả tính khác biệt của tính dục.

Người trợ tá ở đây không thể hiểu như người xưa, đó là người chỉ để sinh con thôi, mà là người bạn đồng hành của người nam, người bình đẳng trong quan hệ, chứ không phải là một tài sản hay một sức mạnh để làm việc cho người nam.

Sách Tiên tri Hôsê diễn tả cuộc hôn nhân mới, biểu tượng của giao ước mới giữa Thiên Chúa với dân Israel, thể hiện qua người đàn ông không là người làm chủ mà là người làm chồng: “Vào ngày đó, sấm ngôn của Đức Chúa, ngươi sẽ gọi ta: “này mình ơi”, chứ không gọi là “ông chủ ơi!”. (Hs 2,18)
Trong mối tương quan mới giữa Thiên Chúa và dân Israel, Ngài sẽ có những tâm tình yêu thương đối với dân Ngài, và không dùng quyền như quyền sở hữu, và dân Ngài được mời gọi sống đầm ấm yêu thương với Ngài như người vợ với người chồng.[2]

1.2. Theo Tân Ước:

Tin Mừng thì không dùng những hình ảnh để diễn tả về tình yêu vợ chồng, nhưng điểm quy chiếu là Đức Giêsu Kitô, Ngài là tình yêu tròn đầy và tuyệt hảo nhất. Các sách Tin Mừng nói với chúng ta rằng, để biết được Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế nào thì cần phải nhìn vào Chúa Giêsu Kitô: “Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương Anh em” (Ga. 15, 2). Thánh Phaolô mở cho chúng ta một cái nhìn về sự đổi mới, hay nói đúng hơn là đường hướng được thay đổi. Hai vợ chồng cần phải hiểu được hôn nhân bắt đầu từ Đức Kitô. Ngài dạy rằng: “Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình như Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh.” (Ep.5, 25)

Để hiểu rõ thêm, chúng ta cần biết rằng, trong Cựu Ước, tình yêu vợ chồng chỉ mang tính cách loan báo, có tính tiên tri và diễn tả qua hình ảnh. Trong Tân Ước, tình yêu ấy trở nên sự hiện diện của Thiên Chúa, trở nên một thực tại, nơi chốn cụ thể, để diễn tả tình yêu Đức Kitô dành cho Hội Thánh, và cũng vì tình yêu mà Ngài thiết lập Hội Thánh. Chính vì thế, Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Lumen Gentium đã gọi hôn nhân là “Giáo hội thu nhỏ”, “Hội Thánh tại gia.”[3]

1.3. Theo Giáo huấn Giáo hội

a/ Theo Thông điệp “Sự sống con người” trình bày, tình yêu trong hôn nhân: Bản chất thực tiễn và sự cao quý của tình yêu trong hôn nhân được biểu lộ hoàn toàn khi người ta nhìn qua nguồn gốc tối thượng của nó là Thiên Chúa tình yêu (Ga 4, 8), “là Cha toàn năng, nguồn mạch của mọi tình cha con, trên trời cũng như dưới đất” (Ep 3, 15). 

Chính vì thế, hôn nhân không phải là kết quả của ngẫu nhiên, nhưng là do một tổ chức khôn ngoan, do Đấng Tạo Hoá vì tình thương thực hiện nơi nhân loại. Đôi vợ chồng cống hiến cho nhau chính bản thân mình, hòa đồng bản thể đôi bên lại để hoàn thiện hóa cá nhân, hầu cộng tác với Thiên Chúa trong việc lưu truyền sự sống và dưỡng dục các đời sống mới.

Tình yêu trong hôn nhân được nổi bật sáng chói, và mang một giá trị cao trọng qua các đặc tính: Đó là một thứ tình yêu hoàn toàn hữu hình và siêu hình, vì không phải là một thứ chuyển thông tình cảm bản năng từ người này sang người kia, mà là hành vi của lý trí và tự do, để hai người kết nên một tâm hồn, một tinh thần và đạt tới sự hoàn thiện của nhân loại.

Tiếp đến, là một thứ tình yêu trọn vẹn, nghĩa là một hình thức đặc biệt của tình bạn cá nhân, nhờ đó hai vợ chồng cùng nhau chân thành yêu mến, chia sẻ mọi sự, không dấu diếm, không tính toán ích kỷ, nhưng họ cảm thấy hạnh phúc và sung sướng vì những cái bạn mình đã trao cho mình. Đồng thời, nó thể hiện một tình yêu chung thuỷ, dành riêng một người cho đến chết. Lòng chung thuỷ, tuy trong cuộc sống đôi lúc cũng gặp muôn vàn khó khăn, nhưng không phải là không thực hiện được, bởi lòng chung thuỷ là một thái độ cao quý, đáng trân trọng. Cuối cùng, đây cũng là một tình yêu phong phú không hề tiêu hao trong việc truyền thông giữa hai vợ chồng, trái lại, nó luôn đủ lực để tiếp sức bằng việc tạo dựng những mầm sống mới.[4]

b/ Thông điệp “Tin Mừng Sự sống” cho thấy rằng: Việc con người tham dự một phần nào đó vào quyền Chủ Tể của Thiên Chúa, cũng được biểu lộ rõ ràng do sự kiện họ được trao trách nhiệm đặc thù với sự sống con người nói riêng. Đó là một trách nhiệm sẽ đạt tới đỉnh cao, khi người nam và người nữ trong bậc hôn nhân ban tặng sự sống qua việc sinh sản, như Công đồng Vaticanô II nhắc lại: “Chính Thiên Chúa, Đấng đã phán: con người ở một mình không tốt” (St. 2,18), và là Đấng “ngay từ ban đầu đã dựng nên con người có nam và nữ“(Mt. 19, 4), muốn cho con người tham dự cách đặc biệt vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, vì thế Ngài chúc phúc cho hai người nam nữ: “Hãy sinh sôi nảy nở ra nhiều” (St 1,28).[5]

c/ Thông điệp “Ân ban sự sống” trình bày: Trong Giáo hội và nhờ Giáo hội, đôi bạn Kitô hữu phải là một hiện thân mang tính bí tích và hiện sinh của mối quan hệ tình yêu bất khả phân ly giữa Đức Kitô và Hội Thánh (Ep 5, 21-32). Đó là mầu nhiệm cao cả. Nghĩa là, đôi bạn được kêu gọi để yêu thương nhau cùng một cách thức mà Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh. Cách thức đó được thể hiện cao điểm nơi biến cố Thập giá. Đôi bạn cũng được mời gọi cử hành hôn phối của họ, trong sự hiến thân cho nhau nơi những thập giá hằng ngày của đời họ.

Sứ mạng của đôi vợ chồng còn là một đòi hỏi nội tại của sự kết hợp thân mật ấy, tức là ân huệ sự sống: Hợp tác với tình yêu của Đấng Tạo Hoá qua trao ban ân huệ sự sống.

Ân huệ sự sống trước hết là ân huệ con cái Thiên Chúa trao tặng cho đôi bạn. Sự sống đó không chỉ liên hệ đến nhiệm vụ sinh sản, nhưng xét cho cùng, là sinh thành một con người, một nhân vị, và dẫn đưa một con người đến chỗ thành toàn, viên mãn, nghĩa là nhiệm vụ giáo dục con người.[6]

2. GIÁ TRỊ CỦA TÌNH YÊU VÀ TÍNH DỤC TRONG NHÃN QUAN LUÂN LÝ KITÔ GIÁO

Chúng ta vừa có cái nhìn về giá trị của tình yêu và tính dục trong Kinh Thánh và trong Huấn quyền của Giáo hội. Điều đó giúp chúng ta thấy rõ vai trò quan trọng của tình yêu hôn nhân, và giá trị của việc sử dụng tính dục trong đời sống của đôi bạn. Tình yêu và tính dục phải hướng về Cội nguồn của Đấng Tối Cao là Thiên Chúa tình yêu, và cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, để xây dựng và phát triển sự sống mới theo luân lý Kitô giáo.

2.1 Tình yêu và sự thân mật của đôi bạn

Trong đời sống hôn nhân, đôi vợ chồng không chỉ dừng lại ở mối quan hệ thể lý, mà phải hướng đến một giá trị cao hơn là sự kết hợp tinh thần. Không chỉ hiểu rằng, một khi đã kết hôn rồi, thì sử dụng “quyền của người này trên thân xác người kia” một cách quá duy vật. Nếu sinh hoạt vợ chồng chỉ nhắm đến tính dục và tách khỏi khía cạnh của tình yêu, thì không thể nào nói đến sự khiết tịnh được.

Theo luân lý Kitô giáo, tính dục và tình yêu không có sự tách rời, không thể cô lập và tách rời đời sống tính dục ra khỏi sự quan tâm quý giá và lớn lao mà hai vợ chồng dành trao cho nhau.

Thánh Phaolô Tông đồ dạy rằng: “Chồng hãy làm tròn bổn phận của mình đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ. Vợ chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người đồng ý như vậy trong một thời gian, để chuyên lo cầu nguyện; rồi hai người lại ăn ở với nhau, kẻo hai người không tiết dục nổi mà Xa-tan lợi dụng để cám dỗ” (1Cr.7,3-5).

Trong đời sống chung, người chồng cần phải khéo léo để đọc ra được những yêu cầu thầm kín của vợ mình, giải thích được những dấu hiệu muốn tỏ bày trong sự riêng tư của đời sống chung, những ý kiến và yêu cầu của vợ. Với người chồng khôn ngoan như vậy, tình yêu của hai người sẽ mỗi ngày một gia tăng, hai bên sẽ gặp nhau trong sự hiểu biết, cảm thông và chia sẻ.[7]

2.2 Trách nhiệm luân lý trong tình yêu hôn nhân

 Trong thời gian chuẩn bị cho việc kết hôn, các đôi bạn trẻ thanh niên nam nữ thường có một thời gian chuẩn bị, hay còn gọi là thời kỳ đính hôn. Động cơ để đưa hai người đến với nhau và xích lại gần nhau hơn, thường là do hai người đã có một cảm tính về tình yêu với nhau, hay nói cách thông thường bình dân, là đã “hợp nhãn” với nhau rồi. Thời gian tìm hiểu và chuẩn bị cho cuộc hành trình hôn nhân mãi mãi và trọn đời chung thuỷ là vấn đề cần thiết và quan trọng. Do vậy, đôi bạn trẻ cần có sự chuẩn bị cho việc xây dựng một nền tảng vững chắc, cần có một lưu ý đến giáo lý tiền hôn nhân, cần tìm hiểu về tình yêu và những cung cách sống cho phù hợp. Tuy nhiên, thời gian này dù chỉ là giai đoạn tìm hiểu, nhưng cũng cần phải biểu lộ một tình thương, lòng trung thành và thẳng thắn đối với nhau.[8]

Tính dục, hiểu theo một nghĩa rộng, đóng vai trò quan trọng và thiết yếu trong giai đoạn chuẩn bị, nó liên quan đến tâm linh và thể lý, nên không thể trao hiến cho nhau cách trọn vẹn ngay từ lúc ban đầu vừa mới quen biết nhau, nguy hiểm cho cả một quá trình sống trọn đời với nhau sau này. Đừng bao giờ nghĩ chúng mình sẽ là của nhau, rồi mãi là của nhau, để tự cho nhau một sự thoả mãn, một cách tự do dễ dàng, nó dẫn đến một hậu quả thiếu lành mạnh, trong sự dại khờ và non dạ của thuở ban đầu.

2.3 Trách nhiệm luân lý của tình yêu tính dục trong hôn nhân

Mục đích của đời sống hôn nhân có một liên hệ chặt chẽ với các mục tiêu của tình yêu tính dục, không phải chỉ là việc sinh sản con cái, mà còn là việc giáo dục con người trưởng thành. Đồng thời, hai người hỗ trợ nhau trong mọi lãnh vực tinh thần lẫn thể chất.

Mục tiêu truyền sinh của tình yêu tính dục là một mục tiêu căn bản của hôn nhân. Hiến chế Mục Vụ số 50 khẳng định: “Tự bản chất, hôn nhân và tình yêu vợ chồng được tổ chức nhằm sinh sản và giáo dục con cái. Con cái đúng là một món quà cao quý nhất của hôn nhân, góp phần rất căn bản vào hạnh phúc của cha mẹ… Vì thế, tuy không coi nhẹ các mục tiêu khác của hôn nhân, tình yêu vợ chồng đích thực và ý nghĩa của đời sống gia đình đều nhằm mục tiêu ấy: Vợ chồng phải sẵn sàng can đảm và cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa Tạo Hoá và Cứu Độ, đã dùng họ để ngày ngày mở rộng và làm giàu thêm cho gia đình của Ngài.”

Quan hệ tính dục chỉ có giá trị và hợp pháp trong khuôn khổ hôn nhân. Kinh Thánh đã giải thích ý định của Đấng Tạo Hoá một cách đúng đắn, khi coi truyền sinh là một mục tiêu thiết yếu của hôn nhân. Hôn nhân thời nào cũng được bảo đảm là đưa tới sinh sản, vì chính Chúa đã chúc phúc cho cặp vợ chồng nhân loại đầu tiên rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất” (St 1, 28) như trình thuật sáu ngày sáng tạo cho thấy.[9]

2.4 Trưởng thành trong tình yêu nhân loại

Theo quy luật tự nhiên, sự thu hút lẫn nhau là do bản năng tính dục của hai người nam nữ khi gặp gỡ nhau. Nhưng nếu việc kết hợp tính dục chỉ dựa theo bản năng này thì chưa phải là tình yêu nhân loại đúng nghĩa. Bên cạnh hay thậm chí trước cả khi có những biểu hiện của tình yêu tính dục ấy, quan hệ giữa các phái tính phải là một sự giao tiếp cá nhân, biết kính trọng, yêu thương và quan tâm đến nhau.

3. NHỮNG KHÓ KHĂN CÓ THỂ XẢY RA ĐỐI VỚI NGƯỜI TRẺ HÔM NAY

Tuy đã tìm hiểu cặn kẽ về hôn nhân theo luật Hội Thánh và đồng ý kết hôn, đôi bạn trẻ cũng cần phải tìm hiểu trước những khó khăn có thể xảy ra trong đời sống hôn nhân và gia đình. Tông huấn “Amoris Lætitia” (số 33) đã giải thích: “Giá trị cao đẹp của Bí tích hôn nhân Ki-tô giáo đang đối diện với bao thách đố của thời đại ngày hôm nay, những thách đố nhằm gạt bỏ giá trị cao đẹp của hôn nhân, và nhất là loại bỏ đặc tính bí tích ra khỏi cấu trúc hôn nhân, để rồi hôn nhân đơn thuần chỉ là một cuộc “ăn ở” của hai người thích nhau. Những thách đố đó nảy sinh từ một ý thức hệ văn hóa bị chi phối bởi cuộc cách mạng tình dục trong thế kỷ qua, và nhất là bị ảnh hưởng bởi một lối sống thực dụng hưởng thụ. Ngoài ra, những thách đố này còn phát sinh từ những sự thay đổi sâu xa về xã hội, cuộc khủng hoảng lớn về kinh tế, nhất là cuộc khủng hoảng lớn về đời sống gia đình.” Có thể kể ra những thách đố sau đây.

3.1 Thách đố về thực dụng

Tuổi trẻ muôn đời vẫn là tuổi của ước mơ và hy vọng. Nhưng rất nhiều người cho rằng giới trẻ ngày nay thực tiễn và thực dụng. Điểm độc đáo của tiếng Việt là viết có dấu. Thế nhưng ở thời đại @ này, khi nhắn tin cho nhau, các bạn trẻ cũng thường cho dấu bốc hơi”. Cụ thể, đứa con gái đi làm xa nhắn tin cho mẹ: “May con co mang roi me con minh noi chuyen nhe!”.

Nhận được tin nhắn bà mẹ hốt hoảng gọi lại cho con.

Tôi không có đứa con như chị, chưa chồng không giữ thân có mang là sao? May à? Mày có mang với thằng nào?

Cô con gái cười khúc khích giải thích. Dạ không, ý con nói: “Máy con có mạng rồi, mẹ con mình nói chuyện nhé”.

Bà mẹ lúc này mới thở phào nhẹ nhõm…

Hơn nữa, giới trẻ ngày nay coi mình là “trung tâm của vũ trụ” mà không nghĩ đến người khác. Họ đòi hỏi yêu thương và thông cảm, nhưng lại ích kỷ và khắc nghiệt với thế hệ đi trước. Hiếu thắng, hăm hở lao mình vào cuộc chạy đua của nền kinh tế thị trường và khoa học kỹ thuật, nhưng cũng rất dễ chao đảo trước những khó khăn của cuộc sống, những thất bại trong nghề nghiệp và lỡ dở trong việc tình duyên. Không thiếu những bạn trẻ đã nản chí, buông xuôi và tìm cách giải quyết vấn đề bằng ma túy, tình dục hay bằng chính cái chết.

Mặt khác, về lãnh vực tình dục, người trẻ hôm nay là những đại diện đầu tiên của lớp người hưởng thụ ở Việt Nam, những người đầu tiên có sự tự chủ về đầu tóc, quần áo, thân thể và cuộc sống mình. Quan niệm của các bạn về phái tính hoàn toàn khác biệt với thế hệ đi trước. Các bạn cho rằng, cha mẹ chúng ta sống quá gò bó, cố chấp giả tạo. Còn chúng ta không thể chấp nhận quan niệm sống gò bó đó. Chúng ta muốn sống thực với lòng mình. Một số bạn trẻ khi mới ra thành thị, mới thoát được vỏ bọc của gia đình, ban đầu thì còn e ngại, nhưng chỉ một thời gian sau đã phá vỡ bức tường e ngại đó bằng việc ăn chơi, thậm chí một số bạn sa vào con đường tệ nạn xã hội.[10]

3.2 Thách đố về tình yêu

Làm sao để có được một tình yêu đích thực? Hay cần phải nuôi dưỡng tình yêu như thế nào? Đó là mối bận tâm rất lớn của hầu hết các bạn trẻ, đồng thời, nó cũng là thách đố các bạn phải định hướng cho mình. Trong thực tế, hầu như các bạn trẻ đang ở trong hai cơn lốc: đầu tư kiến thức và ăn chơi hưởng thụ vô độ. Họ cảm thấy trống rỗng, vì chưa cảm thấy hạnh phúc thực sự của người được yêu. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của nền văn hóa phương Tây, ngày nay một số bạn trẻ quan niệm về tình yêu rất hiện đại, hay còn gọi tình yêu tốc độ.

Con số những bạn trẻ chung sống trước khi cưới nhau ngày càng gia tăng, và thời gian chung sống kéo dài trong nhiều năm. Thực tế còn phức tạp hơn nhiều, vì ngày nay khái niệm sống chung không chỉ diễn ra với những người khác giới, khác phái tính, mà còn với cả những người đồng giới nữa.[11]

Khi những người trong cuộc nhận hiểu việc sống chung đó có lợi cho đôi bên, được luật pháp công nhận hoặc không can thiệp, thì lối sống “góp gạo thổi cơm chung” không còn bị ràng buộc bởi khía cạnh luân lý nữa. Hậu quả của lối gắn kết tạm bợ này là số trẻ em sinh ra bên ngoài hôn nhân gia tăng, cũng như số vụ phá thai tăng mạnh. Bên cạnh đó, những trẻ em được nhận nuôi dưới mái nhà của những cặp đồng tính sống chung, cũng gặp nhiều khó khăn về nhiều phương diện.

3.3 Thách đố về tính dục trước hôn nhân

Ngày nay, do ảnh hưởng của sách báo, phim ảnh, và nền văn hóa ngoại lai cổ xúy cho một thứ tình yêu cuồng vội, nặng tính xác thịt, người trẻ có nguy cơ đồng hóa tình yêu với tương giao tính dục, tình yêu đồng nghĩa với tình dục.

Người ta không còn cảm thấy ngạc nhiên khi thấy những cô cậu học trò đang tuổi cắp sách đến trường rủ nhau vào nhà nghỉ để thể hiện tình yêu của mình cho nhau. Có em còn lý luận rằng “không đi nhà nghỉ với nhau thì chứng tỏ chưa phải yêu nhau.”

Do vậy, không hiếm những bạn trẻ mới khoảng chừng mười tám đôi mươi mà đã có một kinh nghiệm dày dạn về Sex. Điều đáng lo là những hiện tượng này không phải diễn ra đơn lẻ mà ngày càng phổ biến, đến mức báo chí phải gọi là “trào lưu tình dục thoáng.” Đặc biệt ở lứa tuổi sinh viên, công nhân, việc quan hệ tình dục trước hôn nhân lại càng phổ biến hơn.[12]

Trong những năm gần đây, ở các khu công nghiệp, nhà trọ sinh viên, đã xuất hiện một lối sống mới của giới trẻ: những cặp nam nữ sống chung như vợ chồng, mà không có đăng ký kết hôn. Sau một thời gian, nếu thấy phù hợp thì họ tiến tới hôn nhân chính thức, còn nếu thấy không phù hợp, thì sẽ chia tay nhau, không cần đến pháp luật, khỏi làm phiền đến gia đình hai bên. Lối sống này được gọi là “sống thử” trước hôn nhân. Thực trạng ấy đã đang là mối lo của xã hội, không chỉ là mối ưu tư về sự phát tán “Căn bệnh thế kỷ,” về nạn phá thai, nhưng đó còn là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức xã hội, một sự “tầm thường hóa” đời sống tình dục, tầm thường hóa tình yêu vốn dĩ rất thiêng liêng cao đẹp đối với con người.

3.4 Thách đố Gia đình đổ vỡ

 Trong nhiều trường hợp không thể hòa giải xung đột gia đình, xã hội ủng hộ việc ly thân hoặc ly dị, coi đó như một giải pháp giải quyết những khó khăn của đời sống lứa đôi. Người ta thống kê số vụ ly thân thường xảy ra trong giai đoạn 5 năm đầu đời sống gia đình, còn các vụ ly hôn có thể diễn ra ở bất cứ giai đoạn nào của đời sống gia đình.

3.5 Thách đố về trách nhiệm của Gia đình

 Bị chi phối bởi chủ nghĩa đề cao tự do cá nhân, các thành viên trong gia đình đánh mất dần sự gắn bó với nhau. Những giây phút gặp gỡ chung trong gia đình càng ngày càng hiếm hoi.

3.6 Thách đố về vai trò giáo dục của cha mẹ

Ngày nay, vì vấn đề sinh kế, cả chồng lẫn vợ đều phải đi làm suốt ngày suốt tuần, thậm chí còn đi làm xa, ít có dịp họp mặt chung trong gia đình. Ngoài ra, quan điểm duy thế tục đang thịnh hành trong xã hội ngày nay thường coi nhẹ vai trò người mẹ, không coi nó như một ơn gọi bản thân, nó thường bị đánh giá thấp. Điều này khiến cho việc ly thân, ly dị trở nên như một trào lưu khiến cho nền tảng hôn nhân bị phá vỡ, gia đình tan nát, con cái khổ sở.[13]

4. HƯỚNG TỚI MỘT TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC

Tình yêu chỉ có nơi con người vì chỉ con người mới có lý trí. Tình yêu lớn hơn nhiều so với lạc thú mà tình dục mang lại. Tình yêu cũng không phải là cảm xúc nhất thời theo kiểu “tiếng sét ái tình”, nhưng là một tình yêu dâng hiến, phải có trách nhiệm, phải hy sinh cho nhau, phải thánh thiện theo đúng nghĩa của tình yêu Công giáo. Trong Hôn nhân bền chặt luôn có tình yêu đích thực, không giả hình giả bộ, như lời thánh Phaolô dạy: “tình yêu không giả dối (Rm 12,9).

Một cách cụ thể và dễ hiểu hơn, có người chia tình yêu thành hai dạng thức: thứ nhất là tình yêu vị kỷ (Eros), nghĩa là chỉ biết yêu chính mình, sử dụng người khác như một phương tiện, đồ vật để thỏa mãn sự thôi thúc của bản năng tính dục, hoặc một mục đích vị lợi nào đó, khi thỏa mãn xong, hoặc không được như ý thì chia tay; thứ hai là tình yêu vị tha (Agape) là yêu người khác như chính bản chất vốn có của họ, sẵn sàng hy sinh tất cả để mang lại hạnh phúc cho người yêu.[14]

Các bạn trẻ Kitô hữu luôn được Giáo hội mời gọi yêu theo kiểu Agape, yêu như Chúa yêu, một tình yêu được thể hiện rõ nét qua mầu nhiệm Nhập thể và cuộc thương khó của Chúa Giêsu, một tình yêu mẫu mực dấn thân trọn vẹn cho người mình yêu. Thánh Phaolô đã diễn tả cách tuyệt hảo về tình yêu mà Chúa Giêsu Kitô dành cho con người:

“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7).

Một vị Thiên Chúa đã tự nguyện hủy mình, chấp nhận trở thành một tôi tớ vì tình yêu với con người. Tình yêu ấy là mẫu mực cho một tình yêu đích thực, một tình yêu sẵn sàng chịu thiệt về phần mình, để mang lại cho người mình yêu những gì tốt đẹp nhất.

5. ĐỊNH HƯỚNG VÀ TINH THẦN MỤC VỤ

Trong sứ vụ giáo dục đức tin, đồng hành với người trẻ chuẩn bị kết hôn, hoặc người đang sống đời gia đình, các mục tử cần biểu lộ sự ân cần, lòng thương xót và nhẫn nại, như chính Đức Kitô, vị Mục Tử nhân lành đã nêu gương về đức bác ái mục tử. Chúng ta cùng lướt qua các tiêu chí căn bản của chương trình định hướng mục vụ toàn diện do Đức thánh cha Phanxicô nêu lên, trong Tông huấn Amoris Laetitia là:

5.1 Loan báo Tin mừng về gia đình[15]

Gia đình Kitô hữu, nhờ ân sủng của bí tích hôn phối, là những tác nhân chính của công cuộc tông đồ gia đình. Vợ chồng là những người loan báo Tin Mừng ngang qua “chứng tá đầy niềm vui của họ trong tư cách là những Giáo hội tại gia”. ĐTC cũng nhấn mạnh đến việc cần thiết đào tạo các cộng tác viên giáo dân, để họ có thể hỗ trợ trong việc săn sóc mục vụ các gia đình. Thực tế, trong giáo dân có một nguồn lực to lớn bởi nghề nghiệp chuyên môn của họ: các nhà tư vấn, y bác sĩ, nhân viên xã hội, luật sư, chuyên viên tâm lý, xã hội,…

5.2 Chuẩn bị kỹ lưỡng cho các đôi bạn trẻ đính hôn[16]

Đây là cách thức thiết thực giúp các bạn trẻ khám phá phẩm giá và vẻ đẹp của hôn nhân. Người trẻ cần được giúp đỡ, để ý thức về ý nghĩa của tính dục như là quà tặng quý giá Thiên Chúa ban cho con người. Do đó, việc chăm sóc mục vụ cho các đôi bạn trẻ đính hôn và các đôi vợ chồng cần tập trung vào mối dây hôn phối, giúp họ đào sâu ý nghĩa của tình yêu phu phụ, nhờ đó vượt qua những khó khăn phát sinh trong đời sống gia đình.

5.3 Đồng hành trong những năm đầu của đời sống hôn nhân[17]

Giai đoạn đầu của đời sống hôn nhân thường gặp phải những khó khăn khi chuyển từ cảm xúc vào thực tế. Làm thế nào để giúp đôi bạn chấp nhận rằng không ai trong đôi bạn là người hoàn hảo. Mỗi người cần chấp nhận người kia như sự thực người ấy là, để giúp nhau cùng hoàn thiện. Vì vậy, đời sống hôn nhân đòi hỏi từ hai phía lòng kiên nhẫn, cảm thông, hy sinh… để cùng giúp nhau xây dựng một sự kết hợp trưởng thành và thành toàn qua thời gian.

5.4 Soi sáng những khủng hoảng, lo lắng và khó khăn[18]

Đức bác ái mục vụ cần được thể hiện cách kiên nhẫn và bền bỉ. Điều này thể hiện qua việc các vị mục tử săn sóc cho cả những gia đình đang trải qua tình huống xấu nhất do tình trạng đổ vỡ, ly thân và ly dị.

Cần bày tỏ sự lưu tâm đặc biệt đối với những đau khổ khi phải chịu ly thân, ly dị hay người đã bị buộc phải cắt đứt đời sống chung do sự ngược đãi từ chồng hay vợ mình. Việc săn sóc mục vụ nhất thiết phải bao gồm những nỗ lực làm trung gian và hoà giải, xuyên qua việc thiết lập những trung tâm tư vấn đặc biệt trong giáo phận.

Tạm kết

Yêu là trao ban, suy nghĩ, ước muốn và hành động”.[19] Tình dục là món quà Thiên Chúa dành cho hôn nhân, để ràng buộc và củng cố tình yêu giữa vợ và chồng. “Sống thử” ngoài hôn nhân, dù dưới hình thức nào, cũng là một điều mà chúng ta phải tránh xa. Sống thử trước hôn nhân sẽ giết chết lòng yêu thích những điều thiêng liêng cao đẹp trong tâm hồn chúng ta, khiến chúng ta dần dần khô héo và chết đi.

 Khi đôi bạn yêu nhau, với một tình yêu trong sáng, tôn trọng, biết lắng nghe, biết chia sẻ, và không còn gì là riêng tư nữa; họ có cùng một tâm tình, một ý muốn và một cách nhìn. Họ tuy hai mà một, từ một tạo ra hai. Thiên Chúa đã tạo nên người phụ nữ đầu tiên từ xương sườn của người đàn ông, chứ không lấy ở chỗ khác để người đàn bà bầu bạn với đàn ông, để sống với nhau ngang hàng và phải biết yêu thương nhau.

Chính vì thế, tình yêu trong hôn nhân là vô cùng cần thiết, là một chiếc áo vạn năng, che khuất cả xấu xa khuyết điểm và tô đẹp cho đời sống lứa đôi. Tình yêu trong hôn nhân là một năng lực vững bền luôn đi trước hai người, người này hướng đến người kia. Là một cuộc hành trình của con tim kéo dài suốt cả cuộc đời. Để đón nhận hôn nhân gia đình như một thực tại trong suốt, lành mạnh, thánh thiện, chúng ta cần thoát ra khỏi mọi lớp ảo tưởng bao quanh cái vẻ đẹp giả tạo của chủ nghĩa hôn nhân cực đoan. Hôn nhân cũng giống như khu vườn, nếu chúng ta chăm sóc nó, nó sẽ mang đến những bông hoa thơm ngát, còn ngược lại, cỏ dại sẽ mọc đầy lấp cả lối đi về.

Ước mong sao, dưới ánh sáng của Lời Chúa, các bạn trẻ sẽ có khả năng phân định đúng và lựa chọn đúng con đường mình sẽ đi, để có thể đem lại niềm vui và hạnh phúc cho cuộc đời của các bạn.

 


[1] Truyện Kiều của Nguyễn Du

[2] Giuse Nguyễn Ngọc Thành, Gs. ĐCV Thánh Giuse – Xuân Lộc

Nguồn: http://catechesis.net

[3] Ibid.

[4] Giuse Nguyễn Ngọc Thành, Gs. ĐCV Thánh Giuse – Xuân Lộc

Nguồn: http://catechesis.net

[5] Ibid

[6] Ibid

[7] http://daminhvn.net

[8] Ibid

[9] http://daminhvn.net

[10] https://www.tgpsaigon.net/ Toàn cầu hóa: cơ hội và thách đố của giới trẻ ngày nay, Tu sĩ Lôrensô Vũ Văn Trình MF

[11] Ibid

[12] Ibid

[13] http://giaoxudatdo.net/nam-muc-vu-gia-dinh-2019/nguoi-tre-voi-doi-song-hon-nhan.html.

[14] Xc. Lm. Antôn Nguyễn Mạnh Đồng, Chuẩn bị vào đời sống Hôn nhân và Gia đình, Tài liệu Mục Vụ, Giáo phận Cần Thơ, 2003, tr 33.

[15] X. Amoris Laetitia, s. 200-204

[16] X. Ibid, s. 205-216

[17] X. Amoris Laetitia, s. 217-230

[18] X. Ibid, s. 231-252

[19] Xc John L. Thomas, Bước vào đời sống hôn nhân. Nxb Tôn giáo, 2007, tr 19.

 

Nguồn: gpquinhon.org