Được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhất trí thông qua vào ngày 31/10/2000, Nghị quyết 1325 là biện pháp đầu tiên đề cập rõ ràng đến tác động của chiến tranh đối với phụ nữ và sự đóng góp của họ vào việc giải quyết xung đột vì hòa bình lâu dài. Nghị quyết đặt ra bốn mục tiêu: công nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc ngăn ngừa và giải quyết xung đột, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các quá trình gìn giữ hòa bình và an ninh quốc gia, áp dụng “quan điểm giới” và đào tạo nhân viên về quyền của phụ nữ.
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm Nghị quyết 1325 đang đến gần, Đức Tổng Giám Mục Caccia nói: “Thật đúng lúc và thích hợp khi chúng ta đánh giá lại cách tốt nhất để giải quyết các nhu cầu đặc biệt của phụ nữ trong xung đột và vai trò quan trọng của họ trong việc ngăn chặn và giải quyết xung đột”. Ngài nhắc lại: “Trong những năm qua, bạo hành, kể cả bạo hành tình dục phụ nữ và trẻ nữ gia tăng, trong khi sự hiện diện của phụ nữ trong các tiến trình hoà bình giảm, điều này chứng tỏ cách tiếp cận hiện nay đang thiếu sót”.
Tiếp đến, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài phát biểu dịp đầu năm trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh: “Khi quyền con người được công nhận hoàn toàn cho tất cả mọi người, thì phụ nữ có thể đóng góp tính đặc thù của họ cho đời sống xã hội và trở thành đồng minh đầu tiên của hòa bình. Tuy vậy, ở nhiều quốc gia, phụ nữ bị coi là công dân hạng hai, phải đương đầu với bạo hành, lạm dụng và ít được giáo dục, không có nhiều cơ hội việc làm, chăm sóc sức khỏe và các nhu cầu cơ bản khác. Tòa Thánh lên án cách đối xử như vậy và lấy làm tiếc về hoàn cảnh mà nhiều phụ nữ và trẻ nữ phải chịu đựng, họ không được hưởng nền giáo dục”.
Đức Tổng Giám Mục cũng nhắc lại rằng trong chuyến tông du gần đây tới Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến tiềm năng của phụ nữ trong việc chuyển đổi các xã hội bạo lực thành các xã hội hòa bình khi phụ nữ “được bảo vệ, tôn trọng”. Để giải phóng tiềm năng này, theo Đức Tổng Giám Mục Caccia, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc “phải đảm bảo phụ nữ, đặc biệt các bà mẹ, những người biết sự sống được tạo ra và bảo vệ như thế nào, nhận được cơ hội tham gia hoàn toàn vào các tiến trình hòa bình và trong mọi khía cạnh của đời sống chính trị và quy trình ra quyết định”.
Ngài cũng lưu ý rằng các nhân tố làm cho tình trạng của phụ nữ và trẻ nữ trở nên tồi tệ hơn không chỉ đến từ các cuộc xung đột nhưng còn cả từ chủ nghĩa cực đoan và việc dành nhiều tài nguyên hơn cho việc mua sắm vũ khí, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, và tác động của chúng lên phụ nữ và trẻ nữ.