Ông Abe đang vận động cho các ứng cử viên địa phương ở Nara thì bị một người dùng súng tự chế bắn vào lưng. Ông được máy bay đưa đến bệnh viện nhưng các quan chức cho biết ông đã ngừng thở và tim đã ngừng đập.
Đức Tổng Giám mục Kikuchi của Tokyo chia sẻ với hãng tin Crux rằng ngài vô cùng đau buồn và sốc khi nghe tin về vụ tấn công nhằm vào cựu thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe.” Ngài than phiền là bạo lực chính trị có thể đang xảy ra ở Nhật Bản.
Khác biệt quan điểm chính trị phải được giải quyết thông qua đối thoại và biểu quyết trong tự do
Tổng giám mục giáo phận Tokyo nói: “Sau hơn 70 năm kể từ khi hiến pháp hiện tại được ban hành vào năm 1947, với mong muốn mạnh mẽ thiết lập hòa bình, nguyên tắc dân chủ dựa trên quyền tự do ngôn luận và bầu cử được coi là giá trị cốt lõi của xã hội này.”
“Những quan điểm khác biệt trong xã hội về tất cả các vấn đề và sự đối kháng chính trị giữa các chính trị gia đã khiến họ chiến đấu với nhau. Tuy nhiên, cuộc chiến này được thực hiện bằng tranh luận chứ không phải bằng bạo lực.”
Ngài nói thêm: “Bạo lực giết chết nền dân chủ. Bạo lực giết chết tự do. Bạo lực giết chết công lý. Sự khác biệt về quan điểm chính trị phải được giải quyết thông qua đối thoại và biểu quyết trong tự do. Không ai có quyền sử dụng bạo lực để bịt miệng những người chống đối. Chỉ có đối thoại mới đem lại giải pháp thực sự để hiện thực hóa công lý và hòa bình.”
Các nhà lãnh đạo đối lập ở Nhật Bản lên án cuộc tấn công là một thách thức đối với nền dân chủ của Nhật Bản. Thủ tướng Fumio Kishida đã gọi vụ sát hại ông Abe là điều “tồi tệ và man rợ.”
Ông Abe là thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử của Nhật Bản; ông làm Thủ tướng hai lần: lần đầu tiên từ năm 2006-2007 và lần thứ hai từ năm 2012-2020. Là thành viên của Đảng Dân chủ Tự do bảo thủ, ông đã gây tranh cãi vì quan điểm của mình về việc tái quân sự hóa Nhật Bản và quan điểm xét lại của ông về các hành động của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai. (Crux 08/07/2022)