Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi các tín hữu noi gương thánh Giêrônimô hăng say yêu mến và học hỏi Lời Chúa qua Kinh thánh.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây, trong Tông thư “Sacrae Scripturae affectus”, Lòng quí mến Kinh thánh, nhân dịp kỷ niệm đúng 1.600 năm thánh Giêrônimô qua đời.
Trong văn kiện dài 15 trang này, Đức Thánh cha gợi lại những nét nổi bật trong cuộc đời thánh Giêrônimô, một linh mục đan sĩ nghiên cứu không biết mệt mỏi về Kinh thánh, dịch thuật, chú giải và hăng say phổ biến Lời Chúa. Thánh nhân qua đời ngày 30/9/420, thọ 75 tuổi, trong cộng đoàn do ngài thành lập, tại Bethlehem, gần hang đá máng cỏ Giáng sinh.
Trở thành người phục vụ Lời Chúa
Thánh Giêrônimô sinh khoảng năm 345 tại Stridone, ngày nay thuộc vùng biên giới giữa miền Dalmazia và Pannonia, nay thuộc lãnh phổ Croát và Sloveni, được giáo dục vững chắc trong một gia đình Kitô. Ngài theo học tại Roma và say mê văn chương Latinh cổ điển, nổi bật là văn hào Cicero. Thánh Giêrônimô kể lại mình được ơn hoán cải, qua một thị kiến có lẽ vào Mùa chay năm 375, khi được 30 tuổi: khi bị điệu đến trước Chúa là vị Thẩm Phán và “chịu tra hỏi về hoàn cảnh của tôi, tôi trả lời mình là Kitô hữu. Nhưng vị Thẩm Phán đáp: “Ngươi nói dối! Ngươi là người theo Cicero chứ không phải là Kitô hữu”. Quả thực ngay từ nhỏ, Giêrônimô đã say mê vẻ đẹp trong sáng của các tác phẩm Latinh cổ điển, và so với các văn bản ấy, Giêrônimô thấy các sách Kinh thánh chỉ là những văn bản thô kệch, sai văn phạm, và quá thô đối với sở thích văn chương tinh tế của mình. Sau giai thoại đó, Giêrônimô quyết định tận hiến cho Chúa Kitô và Lời của Ngài, dành trọn cuộc sống để làm cho Kinh thánh trở nên gần gũi với những người khác, qua công tác dịch thuật không ngừng và chú giải. Biến cố ấy đánh dấu một hướng đi mới mẻ và quyết liệt trong cuộc đời thánh nhân, đó là trở thành người phục vụ Lời Chúa”.
Định cư tại Bethlehem
Đức Thánh cha cũng gợi lại những giai đoạn phục vụ trong đời sống thánh Giêrônimô, qua nhiều nơi khác nhau, đặc biệt thời kỳ làm cố vấn cho Đức Giáo hoàng Damaso. Sau đó, thánh nhân đến định cư vĩnh viễn tại Bethlehem, năm 386 cho đến khi qua đời. Tại đây, ngài thành lập hai đan viện, nam và nữ, với nhà trọ đón tiếp các khách hành hương.
Đức Thánh cha viết: “Chính trong Kinh thánh, khi đặt mình trong tư thế lắng nghe, thánh Giêrônimô đã tìm được bản thân, khuôn mặt của Thiên Chúa và anh chị em, đồng thời gia tăng lòng yêu mến đời sống cộng đoàn”… Tại Bethlehem, thánh nhân sống thời kỳ phong phú và khẩn trương nhất trong cuộc đời, hoàn toàn dấn thân học hỏi Kinh thánh, dịch toàn bộ Kinh thánh Cựu ước, từ nguyên bản Do Thái. Đồng thời, ngài chú giải các sách Ngôn sứ, Thánh vịnh, các thư thánh Phaolo, viết những tài liệu giúp nghiên cứu Kinh thánh”.
Bản dịch Kinh thánh Vulgata
Đức Thánh cha đặc biệt đề cao bản dịch toàn bộ Kinh thánh ra tiếng Latinh, gọi là bản Vulgata, ảnh hưởng sâu đậm đến lịch sử văn hóa của Tây phương. Âu châu thời Trung cổ đã học cách đọc, cầu nguyện và suy luận về các trang Kinh thánh do thánh Giêrônimô dịch. Về sau, Kinh thánh này được tu chính và được thánh Gioan Phaolô II công bố ấn bản mẫu vào năm 1979, gọi là “Tân Vulgata”.
Đức Thánh cha nhận định rằng: “Khi kỷ niệm 16 thế kỷ thánh Giêrônimô qua đời, chúng ta hướng nhìn về sức sinh động truyền giáo đặc biệt, được biểu lộ qua việc dịch Lời Chúa trong hơn 3.000 ngôn ngữ. Bao nhiêu thừa sai đã thực hiện những công trình soạn văn phạm, từ điển và các dụng cụ ngôn ngữ khác, mang lại những nền tảng cho sự đả thông của con người với nhau và là một phương tiện để giấc mơ truyền giáo đi tới tất cả mọi người”.
Gắn bó với Tòa Thánh Phêrô
Trong Tông thư, Đức Thánh cha cũng đề cao lòng gắn bó của thánh Giêrônimô với Tòa Thánh Phêrô, coi đây là điểm tham chiếu chắc chắn. Thánh nhân nói: “Tôi không theo ai khác ngoài Chúa Kitô, nhưng tôi liên kết trong tình hiệp thông với Tòa Thánh Phêrô. Tôi biết rằng trên đá tảng này Giáo hội được xây dựng”.
Yêu mến điều mà thánh Giêrônimô mến yêu
Sau cùng, Đức Thánh cha mời gọi các tín hữu “hãy yêu mến điều mà thánh Giêrônimô yêu mến”. Điều này càng cấp thiết hơn trước tình trạng “dốt nát về tôn giáo” nơi nhiều người ngày nay. Đức Thánh cha viết: “Làm sao không lắng nghe ngày nay điều mà thánh Giêrônimô không ngừng thúc giục những người đồng thời của ngài: “Bạn hãy đọc thường xuyên Kinh thánh; đúng hơn, ước gì đôi tay bạn không bao giờ rời bỏ Sách thánh”. (Ep. 52,7: CSEL 54, 426)
(Rei 30-9-2020)