Có nhiều lúc chúng ta tự hỏi như thế nào mới gọi là trưởng thành? Làm sao để nhanh chóng trưởng thành.Phải chăng cứ ở cái tuổi vượt ngưỡng 18 là ta đã trưởng thành?Không hẳn vậy. Bởi lẽ đó chỉ là sự phát triển của thể xác. Còn người thầy nào tốt hơn để chỉ cho ta cách trưởng thành ngoài chính cuộc sống này. Chỉ có khi vấp ngã ta mới tự biết cách đứng lên và rút kinh nghiệm cho chính mình.
Người ta “trưởng thành”, tự chịu trách nhiệm cuộc sống của mình, rồi những thành công hay thất bại đều tự mình đón nhận. Có những sự thất bại nặng nề làm con người hụt hẫng, suy sụp nhưng khi ta đã “trưởng thành”, ta phải tự mình nhận về những nỗi buồn của riêng mình. “Trưởng thành” để ta hiểu rằng không có một điều gì có thể dễ dàng như mình mong muốn, cuộc sống là những khó khăn, thử thách, muốn đạt được những điều mong muốn phải cố gắng rất nhiều, cuộc sống không là một món quà tặng mà nó là sự cố gắng hết mình để nhận lấy.
Đời cho ta bao nhiêu lần thăng hoa, thì cũng không thiếu những lần vấp ngã. Thật vậy, từ thuở chập chững bước đi tới khi lên giảng đường, rong ruổi bên bè bạn, chẳng ai không va vấp, và ngã đau đôi lần. Những năm thiếu thời ấy, vấp ngã đơn giản là va phải cục đá, là lỡ một nhịp bước khi nhảy dây, đá cầu…Ta thường vấp ngã khi còn nhỏ chập chững biết đi… hay lúc chạy nhảy, rong chơi cùng bè bạn.Nhưng càng lớn, càng bước đi nhiều trên đường đời, ta càng vấp ngã nhiều hơn. “Cú ngã” tuổi trưởng thành đôi khi chẳng có chút trầy da, xước thịt như thuở còn thơ. Thế mà lại đau gấp vạn lần, khiến ta ngã quỵ, những tưởng chẳng thể bước tiếp.Đó có thể là lần trượt đại học – một bước đường đời những tưởng trải đầy hoài bão, lại đóng sập ngay trước mắt ta!Hay là lần đầu ta bước về phía một người, với trái tim yêu nồng nàn cháy bỏng, mà người lại cất bước ra đi…Trong phút tuyệt vọng tột cùng ấy, bạn chợt thấy cuộc đời rõ là một màu đen tối? Bạn muốn ngồi mãi đó, khóc thật nhiều trên thất bại của mình? Bạn muốn vùi mình trên chiếc giường êm ấm, chẳng bao giờ muốn đứng dậy?Làm sao phải bước tiếp, khi đường đời dường như chỉ toàn những “chông gai”?
Phải chăng người ta chỉ muốn có được mà không muốn mất đi? Nhưng những thành tựu chẳng bao giờ đến một cách dễ dàng. Nếu bạn mong muốn mình trở nên trưởng thành hơn,có một cuộc sống màu hồng, có lẽ bạn nên học lại cách phân biệt màu sắc bằng sự vấp ngã.Bởi không có con đường nào luôn trải sẵn đầy hoa hồng chờ chúng ta thu lượm mà đâu đó vẫn còn ẩn hiện những chiếc gai sắc nhọn.Những sai lầm thất bại luôn khiến bạn day dứt hay tự dày vò bản thân, nó là thế đấy làm con người buồn nhưng rồi cũng bất chợt vui. Hãy chấp nhận nó như một điều tự nhiên trong cuộc sống để sống nhẹ nhàng và vui vẻ hơn. Thất bại chính là động lực để con người vượt qua, là bài học để từ đó con người rèn luyện bản thân phấn đấu để ngày càng hoàn thiện. Con người càng gặp nhiều khó khăn càng vững vàng, biết đứng dậy sau vấp ngã thì càng có nhiều trải nghiệm với thành công. Những trải nghiệm chính là những bài học thành công mà không ai có thể dạy cho ta. Đừng phó thác cho số phận chuyện gì đến sẽ đến, điều đó chỉ làm bạn ngày càng thất bại. Thất bại khi từ bỏ cố gắng, chỉ có người không bao giờ đứng dậy sau vấp ngã mới là người thật sự thất bại.
Vấp ngã là quy luật cuộc sống mà hầu như ai cũng hiểu, nhưng không phải ai cũng biết cách vượt qua…Có những con người không bao giờ trưởng thành được bởi lẽ họ luôn được sống trong sự chở che,bao bọc của gia đình,không bao giờ phải đối mặt với khó khăn,thử thách.Chính vì vậy khi gặp thất bại họ sợ hãi,lùi bước,bi quan.Họ đâu biết rằng bản thân mình không có ý chí đã tự nhận lấy sự thất bại đáng xấu hổ nhất.Ý chí-dù hời hợt đã là không tốt nhưng phó mặc số phận cho cuộc đời,không chịu nỗ lực còn đáng phê phán hơn.Một số bạn trẻ ngày nay lao vào những cuộc “đỏ đen”,sử dụng thuốc lắc,ma tuý,…để thể hiện mình là người lớn,có đẳng cấp.Liệu tương lai của họ sẽ ra sao ,sẽ đi đâu về đâu?Đó hẳn là câu hỏi khiến nhiều người trăn trở khi chính những thanh niên ấy lại là một phần tương lai của đất nước.Những hành động đó không chỉ làm mất đi cuộc sống của chính họ mà còn làm xấu đi hình ảnh của đất nước và phụ công lao của thế hệ đi trước.
Vấp ngã, thất bại sẽ là người giáo viên tốt nhất dạy ta những bài học cần thiết trong cuộc sống. Một khi bạn thực sự để tâm vào bài học sau mỗi lần vấp ngã này, bạn có thể học được rất nhiều điều quý giá từ chính trải nghiệm của mình. Cuộc sống là do bạn lựa chọn. Thành công là do bạn đúc kết được từ những vấp ngã, thất bại… Bạn sẽ đi qua những con đường, bước qua những bậc thang mà chả có giáo trình nào dạy, chỉ có tự ngã, bị xô ngã, hoặc suýt ngã, mới nhận ra, đằng sau chính nó là những bài học, những thành công đầu đời của bản thân. Một mũi tên muốn lao đến đích trước khi về phía trước thì nó phải kéo về phía sau lấy sức tiến lên. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy, những lúc ta vấp ngã sai lầm thất bại là lúc chuẩn bị tinh thần động lực về phía trước. Người tài giỏi cũng có lần vấp ngã nhưng quan trọng là họ biết đứng dậy từ sai lầm của mình, biết thận trọng hơn trong công việc để không phải vấp ngã nữa.
“Vấp ngã không phải là thất bại mà là dừng lại cho đỡ mỏi chân”. Bạn và tôi chắc chắn cũng có những lúc phải bỏ cuộc trong cuộc sống, sự khó khăn tiếp nói và không lối thoát, có những lúc tưởng chừng là bế tắc nhưng rồi mọi thứ đều trôi qua một cách êm đềm như cánh diều bay. Mọi nỗ lực của chúng ta và những vấp ngã ngày hôm nay lại mang đến cho chúng ta một bài học, một kinh nghiệm quý giá giúp chúng ta trưởng thành hơn.Vậy tại sao ta không vui vẻ chấp nhận và vượt qua mà cứ phải sống trong sự đau khổ, trách than số phận hẩm hiu? Trước thất bại hãy thay đổi hình ảnh tiêu cực bằng những thứ tích cực hơn, bình tĩnh tìm ra nguyên nhân sai lầm chuẩn bị một hành trình mới chông gai.Tuổi trẻ nếu không có những lần vấp ngã, ta sao có thể trưởng thành. Tuổi trẻ nếu không có những chông chênh thì cuộc sống sẽ mãi bình lặng, đâu còn ý nghĩa gì?Vì thế ta phải luôn mạnh mẽ, kiên cường để bước tiếp, đừng vì những khó khăn “nhỏ nhoi” mà dừng bước và đừng bao giờ để những ước mơ,khát vọng trong bạn vụt tắt.
St