WGPSG — “Thông điệp của Đại dịch” là chủ đề của Tuần Tĩnh tâm năm 2020 dành cho linh mục đoàn Tổng Giáo phận Sài Gòn, diễn ra tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn từ ngày 23 đến 27-11-2020.
Tham gia Tuần Tĩnh tâm có Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Đức Giám mục phụ tá Luy Nguyễn Anh Tuấn và 330 linh mục. Vị giảng phòng là Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh.
Khai mạc
Ngày đầu tiên của Tuần tĩnh tâm đã khởi sự vào lúc 9g với huấn từ của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng. Ngài nói với các linh mục về Thư Mục vụ năm 2020 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, cùng những điểm cần lưu ý trong phụng vụ và mục vụ.
Trong các ngày tĩnh tâm, các linh mục cùng nhau dâng Thánh lễ, đọc Phụng vụ các Giờ Kinh, Chầu Thánh Thể, lần hạt Mân Côi, xét mình, xưng tội, cầu nguyện lâu giờ và suy niệm nội dung của các bài giảng tĩnh tâm.
Nội dung các bài giảng tĩnh tâm
Qua các bài giảng tĩnh tâm do ngài trình bày, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh cho thấy: Covid không chỉ là đại họa nhưng còn là cơ hội để suy nghĩ, chọn lựa và biến đổi. Nó là dấu chỉ của thời đại, là dấu chỉ tích cực để hoán cải:
– Covid nhắc cho ta nhớ cuộc đời là “cát bụi”, khi nó biến đổi thế giới thành “phòng chờ”: chờ trở về với cát bụi. Ta biết “chết là chắc!” nhưng ta vẫn sống như thể mình không bao giờ chết; hệ quả là ta đã để cho những cái “lỉnh kỉnh” quấy nhiễu, làm cho cuộc đời trở nên rối ren, ‘hai mặt’, thành ‘thiên đường mù’ hay ‘hỏa ngục’, với cái kết thật đắng cay!
– Covid đòi hỏi cách ly, giãn cách. Các hoạt động tôn giáo buộc phải dừng lại, nhường bước cho các giải pháp khoa học. Giáo Hội một lần nữa phải đối diện với chủ nghĩa tục hoá – khởi đầu chỉ là đòi hỏi sự độc lập của các thực tại trần thế, nhưng phát triển dần thành bài xích và loại trừ tôn giáo ra khỏi đời sống của con người. Còn hơn một đại dịch, tinh thần tục hoá lan tỏa và len lỏi vào nếp nghĩ cũng như lối sống, khiến người ta ứng xử theo tinh thần thế gian, thay vì theo sự soi dẫn của đức tin. Để ngăn chặn cơn đại dịch tục hoá, cần đối thoại với xã hội tục hoá bằng cách luôn tìm kiếm và thực thi ý muốn của Chúa.
– Trong thời đại dịch, hầu hết các nước đều cho rằng mình giỏi hơn trong việc chống lại virus corona, và cạnh tranh nhau khốc liệt trong việc tìm ra và mua bán vắc xin; đấy là não trạng Tự Tôn. Khuynh hướng dân túy khiến cho các nước trở nên cô lập; và trong đời sống cá nhân, bệnh ghiền internet và smartphone làm cho con người trở nên xa cách nhau, chỉ tìm những người cùng chính kiến, và coi ý kiến mình là nhất. Đó là virus Tự Tôn. Chính virus Tự Tôn này làm Giáo hội chao đảo với những chống đối, chia rẽ, bè phái… Tất cả là vì người ta quên chiều kích mầu nhiệm của Giáo Hội, không thấy Giám mục là Đấng kế vị các tông đồ. Giám mục chính là nguyên lý tồn tại của linh mục, và mọi hoạt động của linh mục cần luôn nằm trong sự hiệp thông với Giám mục.
– Đôi khi cần cám ơn Covid vì nó là cơ hội để thấy được chứng từ của nhiều linh mục quên mình mà phục vụ cho những bệnh nhân Covid. Đây là cơ hội để những linh mục đang sống trong vùng tương đối an toàn biết nhìn lại sự dấn thân của mình. An toàn bởi được yêu mến, kính trọng và ưu đãi, nên dễ bị cám dỗ chăm chút cho bản thân, bằng lòng với cuộc sống dễ dãi và tiện nghi, ngủ quên trong tháp ngà của cái tôi ích kỷ, không còn nhạy cảm và chạnh lòng thương xót trước nỗi đau của con người, thích lui tới với người giàu và ngại đến với người nghèo.
– Nỗi nhớ Thánh lễ của giáo dân khi thiếu Thánh lễ vào thời Covid khiến linh mục phải nhìn lại cách cử hành Thánh lễ, giảng lễ, đón tiếp giáo dân đến dự lễ, và trân trọng sự quảng đại của giáo dân trong nhiều lãnh vực, để đừng khiến giáo dân chán ngán, xa rời ràn chiên.
– Covid khiến người ta phải thay đổi hầu như toàn bộ cách tổ chức và điều hành trong mọi lĩnh vực như kinh tế, chính trị và xã hội, trong khi nhiều thành phần trong Giáo hội vẫn thấy mình “chuẩn không cần chỉnh”, không cần thay đổi, và trở nên tụt hậu. Cần phải cập nhật trong cách suy nghĩ cũng như phương thức hoạt động mục vụ, cần hiệp lực và hợp tác với nhau trong nỗ lực vươn xa hơn trong việc phúc âm hoá, tận dụng sức mạnh của truyền thông, nhằm loan báo Đức Kitô và xây dựng Nước Trời. Muốn thế, phải xuất phát lại từ Đức Kitô, lấy Ngài làm nền tảng, tâm điểm, động lực và sức mạnh cho đời sống và sứ vụ của mình trong bối cảnh hậu đại dịch.
Mừng lễ đặc biệt
Trong Tuần Tĩnh tâm, các linh mục đã có cơ hội chúc mừng sinh nhật Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng vào ngày 24-11, mừng Kim Khánh Linh Mục (10 cha) và mừng Ngân Khánh Linh Mục (3 cha) trong Thánh lễ sáng 25-11-2020.
Các linh mục cũng dâng Thánh lễ trọng thể mừng kính các Thánh Tử đạo Việt Nam vào sáng 24-11 và cầu nguyện cho các vị mục tử đã qua đời vào sáng 26-11-2020.
Bế mạc
Vào sáng ngày 27-11-2020, sau khi suy gẫm, cử hành Thánh lễ bế mạc, chụp hình kỷ niệm và ăn sáng, các linh mục đã vào Hội trường nghe bản đúc kết Tĩnh tâm và đón nhận những lời nhắn nhủ rất thiết thực và thân tình của Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng.
Tuần Tuần Tĩnh tâm năm 2020 dành cho linh mục đoàn Tổng Giáo phận Sài Gòn đã khép lại vào lúc 9g30 cùng ngày, trong niềm vui huynh đệ thánh thiện, với nhiều quyết tâm đổi mới của các vị tham dự.