Video: Diễn từ của ĐTC giữa trời mưa như nhỏ lệ tại đền các vị tử đạo và nơi bom nguyên tử rớt xuống


úc 6:40 sáng Chúa Nhật 24/11, Đức Thánh Cha rời tòa Sứ Thần Tòa Thánh để ra phi trường Haneda của Tokyo đáp máy bay đi Nagasaki, cách đó 1100 cây số.

Trong Thế chiến II, Nagasaki là nơi xảy ra vụ tấn công hạt nhân của Hoa Kỳ vào ngày 9 tháng 8 năm 1945, ba ngày sau khi quả bom nguyên tử Little Boy được ném xuống thành phố Hiroshima.

Vào lúc 11:02 A.M., ngày 9 tháng 8 năm 1945, một quả bom nguyên tử đã được ném xuống ngay ngôi nhà thờ chính tòa Urakami. Khối đá nguyên khối màu đen ở trước cửa nhà thờ vẫn còn đó để đánh dấu tâm chấn của vụ nổ.

Gió bụi mịt mù dữ dội, những tia nắng nóng lên tới vài ngàn độ và bức xạ chết người do vụ nổ nghiền nát, đốt cháy và giết chết mọi thứ trong tầm nhìn và làm toàn bộ khu vực này thành một đống đổ nát cằn cỗi.

Khoảng một phần ba thành phố Nagasaki đã bị phá hủy và 150,000 người thiệt mạng hoặc bị thương và vào thời điểm đó. Thêm vào đó, khu vực này sẽ không có thảm thực vật trong 75 năm.

6.7 triệu mét vuông chung quanh ngôi nhà thờ chính tòa bị san bằng thành bình địa.

11,574 ngôi nhà bị đốt cháy hoàn toàn:

1,326 ngôi nhà không cháy nhưng bị sụp đổ.

5,509 ngôi nhà bị hư hỏng nặng:

73,884 người chết ngay lập tức

74,909 người bị thương và chết trong vòng một tháng sau đó.

Tổng cộng có 148,793 người chết ngay lúc đó hoặc chỉ trong vòng một tháng sau.

Điều đáng nói là Urakami, và toàn bộ thành phố Nagasaki, đã từng là một trung tâm Công Giáo ở Nhật Bản trong hơn bốn thế kỷ. Người Công Giáo sống quây quần chung quanh ngôi nhà thờ chính tòa hình thành các xóm đạo để bảo vệ nhau chống lại các cuộc bách hại. Điều này hệt như những gì vẫn thường xảy ra tại Việt Nam.

Chính vì thế, khi quả bom được thả xuống, 8,500 người Công Giáo trong tổng số 12,000 người Công Giáo đã bị giết ngay lập tức.

Tại địa điểm đã bị san thành bình địa trong cuộc tấn công hạt nhân năm 1945 vào Nagasaki, mà từ chuyên môn của giới báo chí gọi là Nagaski Ground Zero, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đối với đối phương không phải là cách để xây dựng hòa bình và chia sẻ trách nhiệm trong gia đình nhân loại. Đồng thời, ngài cũng nhắc lại cam kết dấn thân cổ vũ cho hòa bình một cách không mệt mỏi của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Nơi này khiến chúng ta nhận thức sâu sắc về nỗi đau và nỗi kinh hoàng mà con người chúng ta có khả năng gây ra cho nhau. Cây thánh giá bị hư hại và bức tượng Đức Mẹ được phát hiện gần đây trong Nhà thờ Nagasaki nhắc nhở chúng ta một lần nữa về nỗi kinh hoàng không thể kể xiết trong xác thịt của các nạn nhân và gia đình họ trong vụ đánh bom.

Một trong những khát khao sâu thẳm nhất trong trái tim con người là an ninh, hòa bình và ổn định. Việc sở hữu hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác không phải là câu trả lời cho mong muốn này; thực ra chúng xem ra luôn luôn cản trở những ước vọng ấy. Thế giới của chúng ta được đánh dấu bởi một sự ngụy biện gian trá trong đó người ta cố gắng bảo vệ và bảo đảm sự ổn định và hòa bình thông qua cảm giác an toàn giả tạo được nuôi dưỡng bởi một tâm lý sợ hãi và ngờ vực, mà chung cuộc là tạo ra các mối quan hệ độc hại giữa các dân tộc và cản trở bất kỳ mọi hình thức đối thoại nào.

Hòa bình và ổn định quốc tế không phù hợp với các nỗ lực được xây dựng trên nỗi sợ hủy diệt lẫn nhau hoặc mối đe dọa hủy diệt hoàn toàn. Hòa bình và ổn định chỉ có thể đạt được trên cơ sở một nền luân lý liên đới và hợp tác toàn cầu để phục vụ cho một tương lai được định hình bởi sự phụ thuộc lẫn nhau và chia sẻ trách nhiệm trong toàn thể gia đình nhân loại hôm nay và ngày mai.

Tại thành phố này, nơi chứng kiến những hậu quả thảm khốc về nhân đạo và môi trường của một cuộc tấn công hạt nhân, những nỗ lực của chúng ta nhằm lên tiếng chống lại cuộc chạy đua vũ trang sẽ không bao giờ là đủ. Cuộc chạy đua vũ trang lãng phí tài nguyên quý giá có thể được sử dụng tốt hơn để mang lại lợi ích cho sự phát triển toàn diện của các dân tộc và bảo vệ môi trường thiên nhiên. Trong một thế giới nơi hàng triệu trẻ em và gia đình sống trong những điều kiện vô nhân đạo, số tiền bị lãng phí và lợi nhuận tạo ra từ việc sản xuất, nâng cấp, bảo trì và bán các loại vũ khí ngày càng có khả năng hủy diệt khốc liệt hơn bao giờ là một sự báng bổ kêu thấu tới trời cao.

Một thế giới hòa bình, không có vũ khí hạt nhân, là khát vọng của hàng triệu những người nam nữ ở khắp mọi nơi. Để biến lý tưởng này thành hiện thực đòi hỏi sự tham gia của tất cả mọi người: cá nhân, cộng đồng tôn giáo và xã hội dân sự, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và cả những quốc gia không có, các thành phần quân đội và tư nhân và các tổ chức quốc tế. Phản ứng của chúng ta đối với mối đe dọa của vũ khí hạt nhân phải được liên kết và phối hợp, phải được linh hứng từ những nỗ lực gian khổ và không ngừng nghỉ để xây dựng niềm tin lẫn nhau, và do đó vượt qua được tình trạng mất lòng tin hiện nay. Năm 1963, Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, viết trong thông điệp Pacem in Terris – nghĩa là Hòa bình tại thế, rằng bên cạnh việc cổ vũ cho việc cấm vũ khí nguyên tử (xem số 112), hòa bình quốc tế đích thực và lâu dài không thể dựa vào sự cân bằng các thế lực quân sự, nhưng phải dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau (xem số 113).

Cần phải phá vỡ bầu bầu khí mất lòng tin có nguy cơ dẫn đến việc loại bỏ các khuôn khổ kiểm soát vũ khí quốc tế. Chúng ta đang chứng kiến một sự xói mòn trong quan hệ đa phương, nghiêm trọng hơn bao giờ hết, trước sự phát triển của các hình thức công nghệ quân sự mới. Diễn biến này xem ra rất phi lý trong bối cảnh kết nối ngày nay; nó tiêu biểu cho một tình huống khẩn cấp đòi hỏi sự chú ý và dấn thân của tất cả các nhà lãnh đạo.

Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo luôn cam kết thúc đẩy hòa bình giữa các dân tộc và các quốc gia. Đây là một nghĩa vụ mà Giáo Hội cảm thấy bị ràng buộc trước mặt Chúa và trước mọi người nam nữ trong thế giới của chúng ta. Chúng ta không được trở nên mệt mỏi khi hoạt động để hỗ trợ các công cụ pháp lý quốc tế chính yếu nhằm giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân, bao gồm Hiệp ước cấm hoàn toàn các vũ khí hạt nhân. Tháng 7 năm ngoái, các giám mục Nhật Bản đã đưa ra một lời kêu gọi bãi bỏ vũ khí hạt nhân, và mỗi tháng 8, Giáo Hội tại Nhật tổ chức một buổi cầu nguyện mười ngày vì hòa bình. Cầu xin cho lời cầu nguyện, và các hoạt động không mệt mỏi trong việc hỗ trợ các hiệp định và quyết tâm theo đuổi đối thoại trở nên “vũ khí” mạnh nhất trong đó chúng ta đặt trọn niềm tin, và là nguồn cảm hứng cho những nỗ lực của chúng ta nhằm xây dựng một thế giới công bằng và đoàn kết có thể cung cấp một sự bảo đảm đích thực cho hòa bình.

Tôi tin rằng một thế giới không có vũ khí hạt nhân là có thể và cần thiết, tôi yêu cầu các nhà lãnh đạo chính trị đừng quên rằng những vũ khí này không thể bảo vệ chúng ta khỏi các mối đe dọa hiện tại đối với an ninh quốc gia và quốc tế. Chúng ta cần suy ngẫm về tác động thảm khốc của việc triển khai chúng, đặc biệt là từ quan điểm nhân đạo và môi trường và bác bỏ việc đề cao bầu không khí sợ hãi, ngờ vực và thù địch do các học thuyết hạt nhân đưa ra. Tình trạng hiện tại của hành tinh chúng ta đòi hỏi phải có sự suy tư nghiêm túc về phương cách các tài nguyên của trái đất có thể được sử dụng trong bối cảnh triển khai phức tạp và khó khăn Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, nhằm đạt được mục tiêu phát triển con người tích hợp. Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã đề nghị rất nhiều vào năm 1964, khi ngài đề xuất thành lập Quỹ toàn cầu để hỗ trợ cho những người nghèo nhất, được rút một phần từ chi phí quân sự (x. Tuyên bố với các nhà báo, ngày 4 tháng 12 năm 1964; thông điệp Populorum Progressio – Phát triển các dân tộc, số 51).

Tất cả điều này nhất thiết đòi hỏi phải tạo ra các công cụ nhằm bảo đảm sự phát triển tin cậy và hỗ tương; và đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải có khả năng ủng hộ các công cụ này trong những trường hợp cần thiết. Đó là một nhiệm vụ có liên quan và thách thức mỗi người chúng ta. Không ai có thể thờ ơ trước nỗi đau của hàng triệu những người nam nữ mà những đau khổ của họ làm nhức nhối lương tâm chúng ta ngày nay. Không ai có thể bịt tai trước những lời cầu xin của anh chị em đang quẫn bách của chúng ta. Không ai có thể nhắm mắt làm ngơ trước sự hủy hoại gây ra bởi một nền văn hóa không có khả năng đối thoại. Tôi xin anh chị em tham gia trong lời cầu nguyện mỗi ngày cho sự hoán cải tâm hồn và cho chiến thắng của một nền văn hóa sự sống, hòa giải và huynh đệ. Đó là một tình huynh đệ có thể nhận ra và tôn trọng sự đa dạng trong cuộc tìm kiếm một vận mệnh chung.

Tôi biết rằng một số người ở đây không phải là người Công Giáo, nhưng tôi chắc chắn rằng tất cả chúng ta đều có thể xem lời cầu nguyện cho hòa bình của Thánh Phanxicô thành Assisi là lời cầu nguyện của mình:

Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa

Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù,

Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục

Ðem an hoà vào nơi tranh chấp,

Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.

Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,

Ðể con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.

Sau đó, tại đền các thánh tử đạo trên đồi Nishizaka, Đức Thánh Cha đã có một diễn từ khác với các tín hữu.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Chào buổi sáng!

Tôi đã rất mong chờ thời điểm này. Tôi đã đến đây như một người hành hương để cầu nguyện, để củng cố anh chị em trong đức tin, và được củng cố bởi đức tin của những anh chị em này là những người mà chứng tá và lòng sùng mộ của họ thắp sáng con đường của chúng ta. Tôi cảm ơn tất cả các anh chị em đã nồng nhiệt chào đón tôi.

Ngôi đền này ghi khắc hình ảnh và tên của các Kitô hữu đã tử đạo từ lâu, bắt đầu với Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo của ngài vào ngày 5 tháng 2 năm 1597, và một loạt các vị tử đạo khác đã thánh hiến mảnh đất này bởi sự đau khổ và cái chết của họ.

Tuy nhiên, ngôi đền này không chỉ nói về cái chết; nó cũng nói lên sự chiến thắng của sự sống trên cái chết. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xem nơi này không chỉ đơn giản là ngọn đồi của các vị tử đạo mà là một ngọn Núi Các Mối Phúc Thật thực sự, nơi trái tim của chúng ta có thể bị khuấy động bởi chứng tá của những người nam nữ đầy tràn Chúa Thánh Thần và được giải thoát khỏi tích ích kỷ, lòng tự mãn và tự hào (x. Tông huấn Gaudete et Exsultate – Mừng rỡ Hân hoan, 65). Vì ở đây, ánh sáng của Tin mừng tỏa sáng nơi tình yêu chiến thắng sự bách hại và thanh gươm.

Ngôi đền này trên hết là một tượng đài về lễ Phục sinh, vì nó công cáo với thế giới rằng – bất chấp mọi bằng chứng ngược lại – cái chết không có tiếng nói cuối cùng nhưng sự sống mới có tiếng nói chung cuộc. Chúng ta không được tiền định cho cái chết nhưng cho sự sống viên mãn. Đây là thông điệp mà các vị tử đạo tuyên bố. Vâng, ở đây chúng ta thấy bóng tối của cái chết và tử đạo, nhưng cũng thấy ánh sáng của sự phục sinh, khi máu của các vị tử đạo trở thành hạt giống của cuộc sống mới mà Chúa Giêsu muốn ban cho chúng ta. Chứng tá của các ngài củng cố chúng ta trong đức tin và giúp chúng ta đổi mới sự cống hiến và cam kết của chúng ta đối với sứ mệnh truyền giáo của người môn đệ Chúa, cố gắng tạo ra một nền văn hóa có khả năng bảo vệ và bênh vực tất cả sự sống thông qua sự phục vụ thầm lặng hàng ngày đối với tất cả mọi người, đặc biệt là những người quẫn bách nhất.

Tôi đã đến tượng đài các thánh tử đạo này để tỏ lòng tôn kính với những người nam nữ thánh thiện này. Nhưng tôi cũng đến trong sự khiêm nhường, với tư cách là một tu sĩ Dòng Tên từ thời tuổi trẻ ở một nơi xa xôi “tận cùng của trái đất”, đã tìm thấy nguồn cảm hứng mạnh mẽ trong câu chuyện về những nhà truyền giáo đầu tiên và các vị tử đạo Nhật Bản. Cầu xin cho chúng ta đừng bao giờ quên sự hy sinh anh dũng của các ngài! Cầu xin cho tượng đài này không chỉ còn là một di tích vinh quang của quá khứ, được lưu giữ và tôn vinh trong một bảo tàng viện, nhưng là một ký ức sống động, một nguồn cảm hứng cho các công việc tông đồ và thúc đẩy sự canh tân truyền giáo ở vùng đất này. Cầu xin cho Giáo Hội tại Nhật Bản trong thời đại của chúng ta, giữa muôn khó khăn và các dấu chỉ hy vọng, cảm thấy được mời gọi để nghe lại mỗi ngày thông điệp được Thánh Phaolô Miki tuyên bố từ thập giá, và chia sẻ với tất cả những người nam nữ niềm vui và vẻ đẹp của Tin mừng là con đường của sự thật và sự sống (x. Ga 14: 6). Cầu xin cho chúng ta có thể được giải thoát bản thân hàng ngày khỏi bất cứ điều gì đè nặng chúng ta và ngăn cản chúng ta bước đi trong khiêm nhường, tự do, hùng hồn nói lên sự thật và bác ái.

Anh chị em thân mến,

Ở nơi này, chúng ta hợp nhất với những Kitô hữu trên khắp thế giới, trong thời đại của chúng ta, đang chịu tử đạo vì đức tin. Họ là những vị tử đạo của thế kỷ hai mươi mốt và chứng tá của họ hiệu triệu chúng ta lên đường với lòng can đảm trên con đường các Các Mối Phúc Thật. Chúng ta hãy cầu nguyện với họ và cho họ. Chúng ta hãy lên tiếng và khẳng định rằng tự do tôn giáo phải được bảo đảm cho mọi người ở mọi nơi trên thế giới của chúng ta. Chúng ta cũng hãy lên án sự thao túng các tôn giáo thông qua “các chính sách cực đoan và chia rẽ, thông qua các hệ thống tìm kiếm lợi lộc không kềm chế hoặc thông qua các khuynh hướng ý thức hệ thù ghét đang thao túng các hành động và tương lai của những người nam nữ (Tuyên ngôn về tình huynh đệ nhân loại, Abu Dhabi, 4 tháng Hai, 2019).

Chúng ta hãy cầu xin cùng Đức Mẹ, Nữ vương các thánh tử vì đạo, Thánh Phaolô Miki và tất cả các bạn tử đạo của ngài, là những người trong suốt dòng lịch sử đã tuyên bố bằng cuộc sống của họ những điều kỳ diệu của Chúa, và cầu nguyện cho đất nước của anh chị em và cho toàn Giáo Hội. Cầu xin cho chứng tá của các ngài thức tỉnh và nâng đỡ tất cả chúng ta trong niềm vui của sứ vụ.