Những tượng gỗ phụ nữ khoả thân đang mang thai của người bản địa Amazon đã gây ra những tranh cãi gay gắt tại Rôma.
Vào rạng sáng ngày 21 tháng Mười, hai người đàn ông đã vào Nhà Thờ Santa Maria ở Traspontina, kế cận Vatican và quảng trường Thánh Phêrô, nơi các tượng này được trưng bầy. Họ lấy các bức tượng này ra khỏi nhà thờ và liệng xuống dòng sông Tiber đang chảy xiết. Toàn bộ các hành động này ghi hình và phát trên Youtube với chú thích sau:
“Hành động này được thực hiện vì một lý do duy nhất: Chúa và Cứu Chúa của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, Mẹ Diễm phúc của Người và mọi người theo chân Chúa Kitô đang bị tấn công bởi chính các chi thể của Giáo Hội chúng ta. Chúng ta không chấp nhận việc này! Chúng ta không thể im lặng được nữa! Chúng ta phải hành động ngay bây giờ!”
Được hỏi về biến cố trên trong cuộc họp báo ngày 21 tháng 10, Ông Paolo Ruffini, đứng đầu ngành thông tin của Tòa Thánh, gọi đó là “cú chơi ngoạn mục lấy tiếng”.
Ông nói khó có thể hỏi một phản ứng của Vatican đối với một điều chỉ xẩy ra trước đó một thời gian ngắn, nhưng “đánh cắp một vật gì đó khỏi một nơi nào đó và rồi ném đi là một cú chơi ngoạn mục lấy tiếng”.
Nhắc lại nhận định của ông tuần trước rằng hình tượng này “tượng trưng cho sự sống, sinh sản, trái đất”, ngày 21 tháng 10, Ông Ruffini nói rằng việc liệng bức tượng đi “là một cử chỉ xem ra đối với tôi mâu thuẫn với tinh thần đối thoại, một tinh thần nên luôn sinh động hóa mọi sự”.
Ông Ruffini nói thêm: “tôi không biết phải nói gì thêm. Đây là một vụ đánh cắp”.
Cha Giacomo Costa, một viên chức truyền thông của Thượng Hội Đồng Amazon, hôm 21 tháng 10, nói rằng ở Amazon, bức tượng tượng trưng cho sự sống y hệt như “chai nước” hay “con vẹt” tượng trưng cho sự sống ở trong vùng.
Cha Costa cho rằng chú mục vào bức tượng và cử chỉ liệng chúng xuống Sông Tiber “không có nghĩa gì cả”.
Vị linh mục này nói rằng “tuy nhiên, lấy cắp một đồ vật không có tính xây dựng”.
Bức tượng gây tranh cãi từng là một phần trong nghi lễ trồng cây tại Vườn Vatican vào ngày 4 tháng 10.
Quý vị và anh chị em trong đoạn video này, sau khi nhảy múa chung quanh bức tượng, một linh mục và nhiều người khác đã cầu nguyện và sụp lạy bức tượng trần truồng này.
Đoạn video đó đã gây ra những tranh cãi gay gắt tại Rôma. Trong cố gắng làm nhẹ bớt căng thẳng, nhiều người giải thích bức tượng đó mô tả Đức Mẹ theo cách của người bản địa. Nhiều người lại cho rằng đó là Pachamama, hay Mẹ Trái Đất, một nữ thần được nhiều người bản địa tôn sùng.
Bức tượng đó cũng được rước trong một buổi đi đàng thánh giá “Amazon” ngày 19 tháng 10. Nó cũng hiện diện gần Vatican trong nhiều biến cố khác nhau diễn ra trong lúc Thượng Hội Đồng Giám Mục về vùng Amazon đang họp.
Ở quảng trường Thánh Phêrô cũng xảy ra nhiều nghi thức khá lạ lùng, như nghi thức xông hương mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.
Hôm thứ Tư 16 tháng Mười, cha Giacomo Costa đã tỏ ra mất bình tĩnh và khiến mọi sự trở nên căng thẳng hơn.
Khi được hỏi về bức tượng khỏa thân này, ngài nói:
“Đây không phải là Đức Trinh Nữ Maria, người nào nói đó là Đức Trinh Nữ Maria?”
Các ký giả đáp lại: “Nhiều người nói thế”, cha Giacomo Costa nói: “Nhiều người đã nói thế, OK, như ý các anh muốn, nhưng tôi chưa nghe điều đó bao giờ.”
Ngài nói thêm:
“Chẳng có gì lạ. Đó là hình ảnh một phụ nữ bản địa đại diện cho sự sống,”
Ngài cho biết ủy ban thông tin của ngài sẽ tìm kiếm thêm thông tin, nhưng theo ngài đó là “một hình ảnh phụ nữ không tiêu biểu cho ngoại giáo cũng chẳng biểu hiện cho sự gì thánh thiêng.”
Nhận định về biến cố này, Cha Mark Goring, cho rằng chúng ta tôn trọng mọi tín ngưỡng, nhưng trưng bầy ảnh tượng phiếm thần trong một nhà thờ Công Giáo là điều không thể chấp nhận được.
Thông tấn xã CNA cho biết một nhóm nhỏ người Mỹ đến từ Texas cũng có mặt bên ngoài Nhà thờ Santa Maria ở Traspontina ngày 21 tháng 10 để phản đối Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon. Họ mang các biểu ngữ nói Thượng Hội Đồng là dị giáo viết bằng tiếng Anh, tiếng Ý và tiếng Latin.
Source:Catholic News Agency