Video: Tự hào: So với Sách Lễ Rôma 2020 của Ý, các chuyên gia Phụng Vụ của Việt Nam đã dịch đúng từ lâu rồi

Các Giám Mục Ý cuối cùng đã in xong Sách lễ mới cho Giáo Hội tại Ý, và các ngài đã trao bản sao đầu tiên mang tính biểu tượng cho Đức Thánh Cha Phanxicô, vì ngài thường cử hành Thánh lễ bằng tiếng Ý. Đây là ấn bản thứ ba sách lễ Rôma bằng tiếng Ý.

Hội Đồng Giám Mục Ý đã làm việc trong gần 20 năm để dịch các bản văn của tất cả các lời cầu nguyện được các linh mục và các tín hữu sử dụng trong Thánh lễ, sau đó thảo luận về những thay đổi được đề xuất với Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

Việc sử dụng Sách lễ mới là bắt buộc trên khắp nước Ý kể từ Lễ Phục sinh, ngày 4 tháng 4 năm 2021, nhưng các linh mục có thể bắt đầu sử dụng bản dịch ngay sau khi họ nhận được Sách lễ mới. Các Giám Mục địa phương có thể ấn định một ngày sớm hơn để sử dụng Sách lễ mới này trong giáo phận của các ngài.

Trong phiên họp khoáng đại của Hội Đồng Giám Mục Ý diễn ra từ 12 đến 15 tháng 11, 2018 tại phòng họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới của Vatican, các Giám Mục Ý đã phê chuẩn bản dịch của ấn bản thứ ba sách lễ Rôma, là sách lễ được sử dụng trong các Thánh Lễ, trong đó bao gồm những thay đổi đối với văn bản của Kinh Lạy Cha và Kinh Vinh Danh.

Bản dịch cũ của Kinh Lạy Cha kết thúc với lời cầu “non ci indurre in tentazione”, nghĩa là “xin đừng đưa chúng con vào chước cám dỗ”; nay được đổi lại “non abbandonarci alla tentazione”, hay theo tiếng Việt là “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.

Năm 2002, các Giám Mục Ý đã phê chuẩn cách dịch “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” khi các ngài phê duyệt bản dịch Kinh Thánh được đọc trong Phụng Vụ.

Bản dịch cũ của Kinh Vinh Danh bắt đầu với câu “Gloria a Dio nell’alto dei cieli e pace in terra agli uomini di buona volontà”, nghĩa là “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm”, được sửa thành “Gloria a Dio nell’alto dei cieli e pace in terra agli uomini amati dal Signore.”, tiếng Việt là: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người Chúa thương”.

Một điều mà những người nói tiếng Anh nhận thấy là ấn bản mới nhất này của Hội Đồng Giám Mục Ý vẫn duy trì cách dịch cụm từ Latinh “pro multis” là “per tutti” – nghĩa là “cho mọi người” chứ không phải “per molti” – “cho nhiều người”.

Việc dịch cụm từ “pro multis” đã được tranh luận gay gắt khi các Hội Đồng Giám Mục trên khắp thế giới thực hiện bản dịch từ tiếng Latinh ra tiếng địa phương. Các bản dịch tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp của sách lễ Rôma sử dụng cách dịch “cho nhiều người”.

Theo nhiều chuyên gia Phụng Vụ, cách dịch “cho nhiều người” là cách dịch trung thành của cụm từ “pro multis”, trong khi “cho mọi người” là một lời giải thích có tính chất thiên về giáo lý.

Từ ngữ “cho nhiều người”, trong khi vẫn mở cửa cho sự bao gồm mọi người, phản ảnh sự thật rằng ơn cứu độ không được mang lại một cách máy móc, bất kể sự ưng thuận hay không của người ta; thay vào đó người tín hữu được mời gọi chấp nhận trong đức tin của lễ đang được vị chủ tế dâng lên, và tiếp nhận sự sống siêu nhiên, vốn được trao cho các người tham gia trong mầu nhiệm này, và sống mầu nhiệm ấy trong cuộc sống của họ.

Cụm từ “pro multis” xuất hiện trong lời truyền phép “qui pro vobis et pro multis effundetur in remissionem peccatorum” – “được đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”.

Sách Lễ Rôma, năm 2002, Bản dịch Việt Ngữ được Tòa Thánh phê chuẩn ngày 10-05-2005, được Giáo Hội Việt Nam thi hành từ lễ Chúa Phục Sinh ngày 16-04-2006, dịch cụm từ “pro multis” là “cho nhiều người”.

Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống:
Vì này là chén Máu Thầy,
Máu giao ước mới và vĩnh cửu,
sẽ đổ ra cho các con
và nhiều người được tha tội.
Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.

Bản dịch tiếng Anh của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cũng dịch là “for many” (cho nhiều người)

Take this, all of you, and drink from it,
for this is the chalice of my Blood,
the Blood of the new and eternal covenant,
which will be poured out for you and for many
for the forgiveness of sins.
Do this in memory of me.

Năm 2001, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã xuất bản cuốn “Liturgiam Authenticam” nghiã là “Phụng vụ Chân thực”, trong đó nhấn mạnh đến nhu cầu là các bản dịch sang tiếng địa phương phải càng gần càng tốt theo nghĩa đen của bản Latinh.

Năm 2006, Toà Thánh hướng dẫn rằng tất cả các phiên bản địa phương của Sách Lễ Rôma phải dịch cụm từ “pro multis” là “cho nhiều người”, và chỉ ra rằng đó cũng là bản dịch sát nhất theo đúng nguyên bản tiếng Hy Lạp “περὶ πολλῶν” trong Matthêu 26:28.

Sự thay đổi này đã vấp phải sự phản đối của các Giám Mục Đức. Tuy nhiên, chính Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viết thư riêng cho các Giám Mục Đức vào năm 2012 giải thích tại sao các vị nên đồng ý với cách dịch “cho nhiều người”.

Hôm 9 tháng 9, năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra tự sắc “Magnum Principium” – “Nguyên tắc Chủ đạo”, nhấn mạnh vai trò của các Hội Đồng Giám Mục địa phương trong việc xác định dịch thế nào là tốt nhất. Theo tinh thần của tự sắc này, Hội Đồng Giám Mục Ý đã tiếp tục dùng cách dịch “cho mọi người”.


Source:Crux