
Một số nhà quan sát cho rằng mật nghị vừa qua là mật nghị của giới truyền thông, là mật nghị của các trang mạng xã hội. Đúng là 12 năm trước đây mạng xã hội chưa phát triển, bây giờ mạng xã hội lan rộng, tin tức giả cũng nhiều nhưng không ảnh hưởng đến quyết định của các hồng y.
Mật nghị ngày 8 tháng 5 bầu Hồng y Bắc Mỹ Robert F. Prevost đã vượt ngoài mọi dự đoán. Ngài không phải là người không ai biết, ngài ở trong danh sách 20 hồng y có khả năng làm giáo hoàng “papabili” của các nhà vatican học, những ai dự đoán ngài là “giáo hoàng tạm thời hoặc giáo hoàng chuyển tiếp” là sai. Ngài chọn danh hiệu Lêô XIV, nhắc lại Giáo hoàng Lêô XIII, người có triều giáo hoàng kéo dài 25 năm, một trong những triều dài nhất lịch sử. Đức Lêô XIV còn khá trẻ (69 tuổi), ngài sẽ lãnh đạo Giáo hội cũng khoảng 20 năm nữa!
Đức Lêô XIII là giáo hoàng xây dựng học thuyết xã hội Giáo hội qua thông điệp Tân sự Rerum Novarum, đầu tiên là để bảo vệ người lao động chống lại chủ nghĩa tư bản đang thống trị toàn cầu. Ngài cũng là Giáo hoàng của các cuộc biểu tình, đã thúc giục người công giáo Pháp chấp nhận các thể chế mới – nền Cộng hòa – nhưng không từ bỏ dự án kitô giáo hóa xã hội thông qua một luật pháp công chính.
Di sản Lêô và Âugustinô
Cố sử gia Émile Poulat đã nhắc Đức Lêô XIII là giáo hoàng chống lại chủ nghĩa tự do như các thông điệp của ngài về thần học chính trị chứng thực: về nguồn gốc của quyền lực dân sự (Diuturnum, 1881), về mối quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước (Immortale Dei, 1885) và về quyền tự do của con người (Libertas Prỉstantissimum, 1888). Về các vấn đề này, Đức Lêô XIII không kém gì Đức Piô IX và Đức Piô X. Sử gia Émile Poulat cũng lưu ý: “Đức Lêô XIII duy trì đường lối của các vị tiền nhiệm của ngài, nhưng với một cảm thức hiếm có về cơ hội, ngoại giao và sắp xếp. Một Giáo hoàng độc đoán bên trong, tươi cười và kiên nhẫn bên ngoài, ngài biết chờ thời hơn là phá vỡ mọi thứ.”
Liệu tân giáo hoàng có theo nghĩa này không? Dù sao ngài là “đệ tử” của Thánh Augustinô. Ngài đã hai lần làm Bề trên Tổng quyền Dòng Thánh Augustinô, đã tuyên bố ngay từ đầu triều: “Tôi là con của Thánh Augustinô. Thánh Augustinô đã nói: ‘Với anh em, tôi là tín hữu kitô và cho anh em, tôi là giám mục.’ Theo nghĩa này, tất cả chúng ta cùng nhau đi về quê hương Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.” Việc nhắc đến Quê hương trên trời mang ý nghĩa thiêng liêng cho thông điệp đầu tiên của ngài gởi đến thế giới, cũng như việc nhắc đến sự dữ: “’Thiên Chúa yêu thương chúng ta, tất cả chúng ta và sự dữ sẽ không thắng thế!’ Tất cả chúng ta đều nằm trong tay Chúa.”
Một lần nữa, chúng ta có thể nhớ lại những gì sử gia Émile Poulat đã viết về Đức Lêô XIII: “Người theo trường phái Tôma này cũng là người theo trường phái Âugutinô được De Civitate Dei nuôi dưỡng. Hai thứ trật – tinh thần và thế tục – dự vào cuộc chiến của thiện và ác – nơi lịch sử loài người diễn ra trên quy mô sáng tạo: một Lịch sử thiêng liêng của sức mạnh cứu độ của Chúa Kitô, Ánh sáng của thế gian, và sức mạnh tà ác của Satan đối đầu với nhau. Thông điệp Tân sự, Rerum Novarum không thể tách rời khỏi 15 thông điệp hoặc thư của Đức Lêô XIII về lòng sùng kính Kinh Mân Côi của Đức Mẹ, Đấng có bàn chân nghiền nát đầu con rắn.”
Theo bước chân Phanxicô
Thông điệp thiêng liêng mạnh mẽ qua những lời đầu tiên của Đức Lêô XIV không làm giáo dân nghĩ đây là sự thay đổi so với triều của Giáo hoàng trước. Trong hai lần, ngài đã nhắc lại lời và ý tưởng đặc trưng của Đức Phanxicô: “Chúng ta phải cùng nhau tìm cách để là một Giáo hội truyền giáo, một Giáo hội xây các cây cầu, đối thoại, luôn mở lòng đón nhận, giống như quảng trường này, với vòng tay rộng mở ra với mọi người, với tất cả những ai cần lòng bác ái, sự hiện diện, đối thoại và tình yêu của chúng ta. (…) Chúng ta muốn trở thành một Giáo hội công đồng, một Giáo hội biết bước đi, một Giáo hội luôn tìm kiếm hòa bình, tìm kiếm lòng bác ái, tìm cách gần gũi đặc biệt với những người đau khổ.”
Vì thế di sản của Đức Phanxicô vẫn tiếp tục. Nhưng Đức Lêô XIV cũng không phải là người kế nhiệm tuyệt đối của Đức Phanxicô, nếu không ngài sẽ chọn tên Phanxicô II. Người ta có thể dễ dàng hoặc yêu hoặc ghét Đức Phanxicô. Vài năm trước, tôi đã nghĩ ra từ “Hãi sợ Phanxicô” để mô tả hiện tượng sợ hãi hoặc chỉ trích có hệ thống xuất hiện trong những năm đầu tiên triều của ngài.
Nhưng vẫn còn quá sớm để đánh giá lịch sử về những hành động và lời dạy của ngài. Cũng không cần phải nhắc đến các lưu khố, vốn chỉ được mở ra trong vài thập kỷ nữa, chúng ta sẽ phải chờ những lời chứng không bị chi phối bởi những đam mê nhất thời và cũng phải xem liệu những cải cách Đức Phanxicô khởi xướng và những diễn giải mục vụ về giáo lý của ngài có được tiếp tục, mở rộng hay chỉnh sửa hay không.