Vui Bước Tin Mừng : Tiếng reo vui Con Thiên Chúa làm người giữa vùng ngoại

Vùng ngoại biên, đó là vùng trời của những người chăn chiên sống ngoài đồng thức đêm canh giữ đàn vật, chuyện của hai ngàn năm trước. Vùng ngoại biên, đó là vùng đất của bà con người Vân Kiều suốt đời quanh quẩn với nương rẫy ẩn khuất giữa núi rừng sông suối, và trận lụt vừa qua gây khốn đốn cho cuộc sống của nhiều gia đình vì rẫy khoai mì dưới thấp bị ngập nước thối hết, còn rẫy cao thì bị sạt lở cây cối gãy đổ cũng hư hại nhiều.
 

Tuy nhiên, mùa Giáng sinh năm nay cũng không vì thế mà buồn thảm, bởi lẽ trong âm vang của nhạc khúc Giáng sinh, bà con đã có thể chiêm ngắm, và trong giai điệu của nhạc khúc các thiên thần, bà con như nghe được tiếng khóc chào đời phận người của Chúa Hài Đồng vang dội trong tim mọi người.

Điều lạ lùng diễn ra khi một nhóm 9 bạn trẻ từ nhiều làng khác nhau họp nhau lại, nghe theo tiếng gọi thầm kín trong lòng, nắm tay nhau đi tìm kiếm con đường của tình yêu và lẽ sống. Cũng may, trong nhóm có một anh thường đi đó đi đây, quen với các nữ tu dòng Thánh Phao-lô mãi tận Lái Thiêu. Anh gặp lại người thầy của 25 năm trước, họ hẹn nhau, và cả nhóm cùng tìm đến. Dịp này, anh em không chỉ học giáo lý, mà còn có cơ hội gặp mặt các anh chị em đang chung bước trên đường loan báo Tin Mừng của núi rừng Tây Nguyên. Thế nhưng cuộc gặp gỡ mới được 10 ngày thì phải kết thúc sớm vì dịch Covid, hẹn gặp nhau lần hai vào tháng 10 thì lại trúng cơn lụt kinh hoàng…

Tuy nhiên, xa mặt chứ không cách lòng, những con người của những vùng núi rừng khác nhau vẫn cứ như thể bên nhau trong Thiên Chúa là Đấng đã qui tụ, mời gọi và đặt anh em trên đường.  

Những ngày này gió đông ào về, núi rừng chìm trong lạnh giá, báo hiệu mùa Giáng Sinh đang đến, những bài thánh ca mừng đêm thánh vang dội khắp nơi, những cái loa kéo cùng với 15 bộ tượng Giáng sinh cũng được chuyển đến vùng núi rừng bao năm im lìm vì quá xa xôi, và 15 hang đá lần đầu tiên được dựng lên, thấp thoáng đâu đó giữa bà con, để ít là có được 15 điểm qui tụ cho những người con của núi rừng có thể hòa chung tiếng reo vui của nhân loại trên toàn thế giới: vì một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta. Con Thiên Chúa làm người nơi hình hài của một Hài nhi bé nhỏ yếu ớt, Người đã đến nhà mình, Giê-su đã có mặt trong mọi gia đình, “Người có mặt trong tim của anh chị em chúng ta, trong xác thịt bị thương tật của họ, trong các nỗi gian nan và tình trạng cô đơn sâu xa của họ, Người đã có mặt ở đó rồi” (Tông huấn Gaudium evangelii).

Hang đá đã được dựng lên mau lẹ, nhưng để giúp bà con sống màu nhiệm Thiên Chúa ở cùng chúng ta thì cần có người hướng dẫn, và thế là 9 anh em đã đi học về, thêm một số anh nữa, qui tụ thành một nhóm những người bạn đường, mỗi đêm cùng nhau tới một điểm, dẫn đưa mọi người vào mầu nhiệm Giáng Sinh.

Nếu như máng cỏ Be-lem năm xưa đơn nghèo thì hang đá của bà con đêm nay cũng chẳng khác gì, một vài bóng điện le lói chỉ đủ mọi người nhận mặt nhau, chung quanh là khoảng không tăm tối, bóng tối của đêm trường lạnh giá. Thế nhưng, cũng như các mục đồng năm xưa khi rủ nhau qua Be-lem để xem sự việc như Chúa đã tỏ ra cho họ, và họ đã ngỡ ngàng trước một Hài nhi bọc tã nằm trong máng cỏ, thì đêm nay, đêm đầu tiên “làng mình có hang đá”, mọi người lớn bé khi bước vào mái nhà đặt máng cỏ, đặc biệt các em thiếu nhi, “ai cũng ngạc nhiên”.

Một mái nhà đơn nghèo, nhưng đêm nay, khi bà con bước vào thì một bầu khí khác lạ diễn ra, “một không gian được Chúa chiếu soi để mọi người cảm nhận dấu ấn của Thiên Chúa ở cùng chúng ta, ấm áp, an bình và tràn ngập niềm vui.”

Thiên Chúa hiện diện, và Người lên tiếng khi sứ điệp Giáng Sinh được công bố: “Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em… Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa”. Nhìn vào hang đá, hình ảnh một hài nhi bé bỏng yếu ớt, sinh ra ngay trong cảnh đời giống như cảnh đời của bà con, nghèo hèn và tăm tối, đơn giản vì Người muốn vậy: “sinh ra cho anh em”, đơn giản vì Đấng Ki-tô Đức Chúa muốn tiếp tục sống cuộc cuộc sống của Người trong chúng ta, và Người mời gọi chúng ta sống trong Người tất cả những gì chính Người đã sống.

Phải hiểu sao đây, khó hiểu lắm đó, vậy mà những con người đơn sơ của núi rừng có thể hiểu được mới lạ chứ. Họ hiểu rằng Thiên Chúa yêu thương họ và dành chỗ đặc biệt cho họ trong trái tim của Người. Họ hiểu rằng Thiên Chúa đã tìm đến với họ, tìm đến những vùng ngoại vi và biên giới, và Người lôi kéo mọi người đến những nơi mà con người bị tổn thương và thiệt thòi nhất. Rõ ràng là Thiên Chúa không sợ, Ngài không sợ vùng ngoại vi. Và đêm nay, Người giáng sinh trong hang đá, được Mẹ đặt nằm trong máng cỏ, giữa vùng ngoại vi, để những con người đang sinh sống trên vùng ngoại vi, vùng đất của những người anh chị em khốn khổ, gặp được Con Thiên Chúa làm người.

Tiếng reo vui của Con Thiên Chúa làm người giữa vùng ngoại biên

 
Tiếng reo vui của Con Thiên Chúa làm người giữa vùng ngoại biên

Sau phần công bố và dẫn dắt nhau vào mầu nhiệm Giáng Sinh là bữa tiệc vui, một nồi xôi gà rõ to, với kẹo bánh được dọn lên. Vừa hướng dẫn, vừa phải lo dọn bữa cho bà con, nhóm anh em từ xa tới chỉ có thể phỏng đóan số người: đêm đầu tiên dự trù 70 người thì bà con lớn bé chỉ có 50, vì bà con ở đây nhà cửa thưa thớt, khó lòng báo hết được mọi nhà; nhưng ngày thứ hai dự trù chín chục, tới nơi thành trăm hai, lấy đâu đủ cho bằng ấy người? Tuy nhiên niềm vui chính là từ trong lòng, chứ còn chuyện ăn chuyện uống thì chỉ là thêm thôi mà. Đêm thứ ba, anh em trên hai chục người tới cầu nguyện và chung vui với hai gia đình mới trở lại cùng với một số anh chị em lương dân, vì thế bữa ăn chủ yếu là vui.

Những người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa: vì một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta.

Kết một đêm, người lớn trẻ em trở về lại nhà mình, trong khi nhóm các anh em trong ban tổ chức phải ngược lại quãng đường dài trên dưới hai chục cây số mới tới trạm dừng chân là nhà anh trưởng nhóm, sau đó phải đi tiếp chừng hai chục cây số nữa, mặc sương đêm giá lạnh.

Đêm Chúa Giáng Sinh sau đó vẫn còn 13 điểm nữa đang đợi.

Giáng sinh của vùng quê nghèo êm đềm và thanh thản, như lòng người nơi đây bao đời chân chất hiền lành. Tuy nhiên, vùng đất quen thuộc đã trở thành mới lạ, vì khắp nơi vang dội tiếng reo vui của Con Thiên Chúa trong con tim mọi người.

Đa-Minh Trần văn Tân, SJ.