YÊU VÀ GHÉT TRONG THỜI CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Duc Trung Vu, CSsR
WHĐ (13.9.2021) – Confirmation Bias là một thuật ngữ tạm dịch là thiên kiến xác nhận, tức là xu hướng xử lý thông tin bằng cách tìm kiếm hoặc diễn giải những thông tin phù hợp với niềm tin hiện có của một người.
Ví dụ, nếu tôi tin rằng anh A chị B là người không tốt và đã làm những điều đó khuất tấc, tôi sẽ cố gắng tìm kiếm những người có cùng quan điểm với tôi và dĩ nhiên, sẽ loại trừ tất cả các ý kiến trái chiều. Trong mắt tôi, chỉ những người có cùng cách nhìn như tôi mới hiểu rõ sự thật, còn những người thuộc phe đối lập không có gì ngoại trừ sự dối trá. Quan điểm của tôi được củng cố bởi những người cùng “phe.” Với Facebook, người ta dễ dàng tham gia vào những nhóm có cùng quan điểm.
Cách tiếp cận thiên lệch này khiến người ta bỏ qua những góc nhìn khác và thay vào đó, tập trung củng cố niềm tin có sẵn của mình. Theo tôi, đó là một sự cầm tù tư tưởng, tự mình nhốt mình lại trong những định kiến sẵn có.
Mối nguy hại của khuynh hướng xác nhận này còn bị trầm trọng hơn trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển như hiện nay. Các nhà lập trình đã tạo ra những loại thuật toán có sức chi phối, ảnh hưởng đến các quyết định của người dùng Internet, chẳng hạn như thuật toán quảng cáo bám đuổi (remarketing). Khi tôi tìm kiếm và truy cập vào một kênh thông tin nào đó, các quảng cáo, các sản phẩm tương tự sẽ đeo bám trên màn hình của tôi trong một thời gian tương đối.
Gần đây, trên Netflix có công chiếu một bộ phim tài liệu có tựa đề “Social Dilemma,” tạm dịch là “bế tắc xã hội.” Những người làm phim muốn giải thích cho người xem hiểu rằng, các tập đoàn công nghệ lớn ở Thung lũng Silicon đang sử dụng điện thoại thông minh, các thuật toán thu hút sự chú ý và những nhóm tuyên truyền gây chia rẽ trên mạng xã hội để kiếm lời, khiến người dùng chao đảo tinh thần.
Người dùng mạng xã hội như đang bị “thôi miên”, vô thức đọc những bài đăng làm rối trí, nhen nhóm tinh thần chia rẽ, đẩy những nhóm và học thuyết cực đoan lên mạng xã hội.
Những thuật toán vô tri kia nhờ đó mà có sức tác động lên tình cảm, quyết định, và cả hành vi của người dùng Internet. Yêu ai, mến ai, tôi sẽ đẩy họ lên thành idol, mọi lời người đó nói đều đúng. Mà đã ghét ai, không tin ai, thì với tôi, mọi lời người đó nói đều vô nghĩa, không có giá trị. Nguy hiểm là ở chỗ đó, cái nhìn khách quan của tôi bị đánh mất. Tôi không còn sự sáng suốt để nhìn nhận đánh giá đúng sự kiện. Thật đúng như ông bà ta vẫn nói: “Yêu nhau yêu cả đường đi. Ghét nhau, ghét cả tông ti họ hàng.”
Đứng trước những nguy hại từ cách đánh giá thiên lệch và ảnh hưởng của mạng xã hội như thế, tôi có thể làm được gì? Theo tôi, chúng ta cần phải có kỹ năng xử lý thông tin thấu đáo. Kinh nghiệm của người xưa dạy rằng “cần phải nghe bằng cả hai lỗ tai” rất đúng khi áp dụng trong thời công nghệ hiện nay. Nếu tôi quan tâm đến một vấn đề sự kiện nào đó, tôi hãy chịu khó lắng nghe ý kiến trái chiều, để ít nhất mình có được một bức tranh toàn cảnh, từ đó mới hiểu rõ được chuyện gì đang diễn ra và sẽ đưa ra những quyết định hợp lý.
Một khi tôi thấy mình rơi vào trạng thái ủng hộ hết lòng một ai đó và loại trừ mọi khuynh hướng đối lập, tôi biết mình đang bị rơi vào trạng thái “bế tắc xã hội – social dilemma”.
Như Chúa Giê-su đã khẳng định: “Sự thật sẽ giải thoát anh em!” Rõ ràng, lắng nghe các ý kiến từ nhiều góc độ khác nhau sẽ giúp chúng ta hiểu rõ “thế nào là một con voi” mà không bị cứng nhắc, bám chặt vào một lối đánh giá khô cứng.