GÓC SUY TƯ: ƯỚC MƠ

  Có những dòng tin, nói lên khao khát cá nhân, bằng một danh sách những điều sẽ làm ngay sau khi đại dịch chấm dứt: “Mong sao hết dịch sớm, để tôi:...”. Có thể nhiều người không thích suy nghĩ này vì cả nước đang oằn mình chống dịch mà còn ngồi đó mơ với mộng. Tuy nhiên, con người có quyền ước mơ và có quyền sống hạnh phúc. Ước mơ nói lên những điều mà con người chưa có và họ khao khát một ngày nào đó sẽ thực hiện được ước mơ ấy để sở hữu hạnh phúc trọn vẹn. Ngoài chuyện ước mơ những điều quá xa xôi hoặc trở thành ảo tưởng, còn lại những điều mà con người có đủ khả năng thực hiện, sinh ích lợi cho bản thân và tha nhân, vốn là ước mơ chính đáng. Bạn bè chúng tôi vẫn hay đùa với nhau rằng: “Không ai đánh thuế ước mơ, thành thử cứ mơ thoải mái!”. Đương nhiên, trong tâm thức và nhiệt huyết của người trẻ chúng tôi thì những ước mơ ấy hoàn toàn có thể thực hiện được.

Đức Giê-su có lần đã nói với với các môn đệ rằng: “Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16,24). Vậy liệu rằng tôi có thể hiểu việc “xin ơn” ấy là “ước mơ” hay không? Đương nhiên không đánh đồng hoàn toàn nghĩa của “xin ơn” và “ước mơ” vì cả hai thuộc những phạm trù khác nhau, nhưng cả hai có điểm chung là những điều tôi không có trong tầm tay của mình. Theo điểm chung này, tôi có thể hiểu ý của Chúa Giê-su là: “Cho đến nay anh em vẫn chưa ước mơ điều gì chính đáng”. Ước mơ chính đáng được hiểu là ước mơ góp phần mưu ích cho tha nhân, cho bản thân và đẹp lòng Thiên Chúa vì như lời thánh Gia-cô-bê tông đồ: “Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý…” (Gb 4,2-3). Hy vọng rằng suy tưởng ấy là không sai với ý Chúa theo một phương diện nào đó. Đồng thời, nhìn với góc cạnh này, tôi hiểu rằng ước mơ cũng là một ân ban của Thiên Chúa đặt để nơi mỗi con người, cụ thể qua: kế hoạch, niềm hy vọng, sự nỗ lực, lòng can đảm và lòng nhiệt huyết… Chính câu nói của Chúa Giê-su: “Cho đến nay…” nhắc tôi nhớ rằng tôi đã không tận dụng món quà mang tên ước mơ mà Người đã ban cho tôi, hoặc tôi đã không sử dụng nó đúng cách.

Trong những ngày giãn cách để phòng chống lây lan đại dịch trong cộng đồng, con người “bị nhốt” trong bốn bức tường và không thể bước ra ngoài thoải mái như mọi khi. Nhiều người ngồi trong nhà nhìn qua khu công viên đối diện, chỉ cần nhích vài bước chân là tới nơi, thèm thuồng vì không thể. Nhiều người thao thức được ra ngắm những con phố đông đúc xe cộ và con người qua lại, vì “bị nhốt” lâu quá khiến họ nhớ. Có người nhớ những khuôn mặt thân quen mà trước đây họ hay đến thăm nom, mà nay thì nhà ai nấy ở, chỉ giao tiếp qua điện thoại hoặc qua màn hình máy tính. Có người đã dần rơi vào trạng thái bế tắc và muốn được giải thoát vì họ sắp rơi vào nguy cơ áp lực tâm lý nặng nề. Thậm chí, có người muốn kết liễu cuộc đời mình vì không thể tiếp tục lối sống chán ngắt như thế nữa.

Rõ ràng, trong những tình cảnh thế này, ước mơ đóng một vai trò quan trọng để vực dậy tâm trí và hun đốt ngọn lửa hy vọng nơi tâm hồn họ. Nhìn về một ngày mai có gam màu sáng sủa và vui tươi hơn. Nhìn về giây phút được gặp gỡ người thân, bạn bè, đồng nghiệp tại một quán nước quen thuộc. Nhìn về khoảnh khắc được trở lại quê hương thăm lại những khung cảnh xưa cũ, nơi có những người thân yêu ở đó. Nhìn về những con phố đông đúc người và xe cộ qua lại, những hương thơm của thức ăn bay tỏa ra ở các ngóc ngách và hàng quán. Cũng có những người muốn làm một chuyến du lịch hoặc tham gia một công tác thiện nguyện dài ngày sau cơn đại dịch… Tất cả mơ ước, nếu giúp cho bản thân sống tốt hơn, giúp ích cho tha nhân và đẹp lòng Thiên Chúa, hẳn đều chính đáng, thế nên hãy luôn giữ mơ ước như ngọn lửa bừng cháy trong tim mình. Đừng để ngọn lửa ấy tắt đi mà kéo theo cả niềm hy vọng, sức sống và nhiệt huyết tích cực rơi vào hố sâu tiêu cực và tuyệt vọng.

Bệnh nhân đang được điều trị tại các khu cách ly cũng có những mơ ước. Người bệnh nặng ước mau khỏe, hoặc ra đi nhẹ nhàng và mong người còn ở lại được bình an. Người bệnh nhẹ thì mơ ước mau trở về đoàn viên với gia đình càng sớm càng tốt. Các y sĩ, bác sĩ thì mơ ước mình có thêm sức khỏe, tỉnh táo và nhiệt huyết để điều trị cho các bệnh nhân càng nhiều người khỏe mạnh càng tốt. Các thiện nguyện viên cũng mơ ước cộng tác hết mình trong những công việc nhỏ bé để san sẻ phần nào vất vả của y bác sĩ và nỗi đau của những bệnh nhân. Người dân khắp các tỉnh thành cũng mong ước đóng góp ít nhiều cho công cuộc giúp nhau vượt qua đại dịch…

Còn tôi, tôi mơ ước điều gì? Và bạn, bạn mơ ước điều gì?

Hãy nói với Chúa, hãy chia sẻ với bạn bè và người thân ước mơ của mình trong lúc này, vì… đó là điều chính đáng mà!

Little Stream