Cuộc chiến nổ ra ở trung tâm châu Âu với sự xâm lược của Nga chống Ucraina vẫn tiếp tục và không có dấu hiệu suy giảm với những hậu quả rất nghiêm trọng đối với dân tộc Ucraina.
Nếu một mặt rất khó tìm ra lối thoát, mặt khác một câu hỏi được đặt ra là “Liệu có nên nối lại con đường đàm phán để bắt đầu một tiến trình đưa đến hòa bình công bằng hay không?”. Trong những tháng gần đây, cả Tổng thống Cộng hòa Ý và Đức Thánh Cha đã viện dẫn Hội nghị Quốc tế Helsinki và các nguyên tắc của Hội nghị đã góp phần xoa dịu tình hình ở châu Âu bằng cách pháp điển hóa các điểm vững chắc về nghĩa vụ tôn trọng biên giới của các Quốc gia và giải quyết tranh chấp qua con đường ngoại giao. Từ đó nhiều thay đổi đã diễn ra gây khó khăn cho việc nhân rộng các sáng kiến tương tự, nhưng Helsinki vẫn là một điểm tham chiếu và một giá trị, xuất phát từ chính tinh thần đã thúc đẩy Hội nghị, và không phải ngẫu nhiên mà hiện nay những người tìm kiếm giải pháp hòa bình tìm đến tham khảo.
Nhằm tìm kiếm những con đường cụ thể và khả thi để khôi phục không gian cho đối thoại, cũng như nhắc nhớ tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ thống quan hệ quốc tế mới và công bằng hơn, hôm 13/12/2022 vừa qua, tại trụ sở của Đại sứ quán Ý cạnh Toà Thánh đã diễn ra Hội nghị “Châu Âu và chiến tranh. Từ tinh thần Helsinki đến triển vọng hoà bình”, được tổ chức bởi Đại sứ quán Ý cạnh Toà Thánh, với sự cộng tác của tạp chí khoa học chính trị Limes và Vatican News.
Mục đích của sự kiện nhằm thảo luận các giải pháp ngoại giao cụ thể cho một cuộc chiến dường như đang đi vào bế tắc và không có triển vọng đàm phán hòa bình trong thời gian tới.
Các bài thuyết trình tập trung vào “Tuyên bố Helsinki”, hiệp ước mang tính bước ngoặt được các cường quốc phương Tây và Liên Xô ký kết vào năm 1975 tại Hội nghị về An ninh và Hợp tác ở Châu Âu (CSCE) với mục đích cải thiện quan hệ Đông-Tây.
Hội nghị về An ninh và Hợp tác châu Âu (CSCE)
Hội nghị về An ninh và Hợp tác châu Âu (CSCE) diễn ra lần đầu tiên tại Helsinki, Phần Lan, ngày 03/7/1973 vào thời chiến tranh lạnh, với nỗ lực nối lại đối thoại Đông-Tây. Hội nghị đã có sự tham gia của tất cả đại diện châu Âu và các phái viên của Hoa Kỳ và Liên Xô.
Tiếp theo, vào ngày 01/8/1975, các nhà lãnh đạo của 35 quốc gia tham gia Hội nghị đã gặp lại nhau tại Helsinki để ký kết Đạo luật cuối cùng của Hội nghị về An ninh và Hợp tác châu Âu: với các Thỏa thuận hoặc Bản ghi nhớ, trong đó công nhận biên giới hiện có giữa các quốc gia châu Âu, bao gồm cả biên giới đã chia nước Đức thành hai thực thể chính trị riêng biệt và có chủ quyền, và để đổi lấy sự công nhận mặc nhiên đối với sự thống trị của Liên Xô ở Đông Âu, Liên Xô đã cam kết tôn trọng nhân quyền.
Không được quen với với sự khủng khiếp của chiến tranh
Phát biểu tại Hội nghị, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh nhắc lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha tại buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 02/10: “Sau bảy tháng chiến sự, cần phải thực hiện tất cả các phương tiện ngoại giao, cả những công cụ mà cho đến hôm nay vẫn chưa được áp dụng, để chấm dứt thảm trạng khủng khiếp này. Chiến tranh tự nó là một sai lầm một sự kinh hoàng”.
Quốc vụ khanh Toà Thánh nhấn mạnh rằng, sau hai tháng kể từ khi Đức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi trên, chúng ta vẫn chứng kiến những “sai lầm” và nỗi “kinh hoàng” của cuộc chiến ở Ucraina. Và thế giới dường như đã quen với những hình ảnh đau thương của chiến tranh cùng với những nạn nhân là trẻ thơ vô tội, nhiều người phải rời bỏ nhà cửa quê hương, nhà cửa bị tàn phá. Chính vì thế nước mắt của Đức Thánh Cha trong giờ cầu nguyện tại quảng trường Spagna dịp lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội là một liều thuốc giải độc mạnh mẽ chống lại sự thờ ơ này.
Chính vì thế Toà Thánh muốn lặp lại lời kêu gọi đối với việc thực hiện tất cả các công cụ ngoại giao, chú ý đến những gì cho đến nay chưa được áp dụng, để làm sao đạt được một lệnh ngừng bắn và một nền hoà bình công bằng.
Nguy cơ chiến tranh hạt nhân
Quốc vụ khanh Toà Thánh cảnh báo rằng, mặc dù trong những tuần qua đã có “tia sáng” hy vọng về hoà bình, nhưng sự leo thang vẫn tiếp tục, và cùng với đó là mối đe dọa của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Ngài nói: “Thật khủng khiếp khi người ta nói về khả năng xảy ra chiến tranh nguyên tử. Cuộc chạy đua vũ trang thật đáng lo ngại, với những khoản tiền đầu tư khổng lồ được sử dụng cho chiến tranh hơn là để chống đói nghèo, tạo công ăn việc làm, đảm bảo chăm sóc y tế đầy đủ cho những người chưa bao giờ được hưởng sự chăm sóc này.”
“Liệu châu Âu có còn tin vào các quy tắc mà châu lục đã đặt ra sau Thế chiến thứ hai, nhờ vào tầm nhìn xa của những người sáng lập không?”, Đức Hồng Y Parolin đặt câu hỏi, đồng thời cảnh báo về nguy cơ ý thức hệ hiện diện ở một số vị trí vào thời điểm đó và hiện nay. Cần phải có sự tham gia nhiều hơn, có tổ chức và sắp xếp trước, của xã hội dân sự châu Âu, của các phong trào hòa bình và của các nhóm chuyên gia tư vấn hoạt động vì hòa bình và đối thoại ở mọi cấp độ
Ngài đề nghị không đặt khát vọng hòa bình trong gác xép của những giấc mơ không thể thực hiện được. Trái lại, tìm những cách khả thi để đạt được hoà bình, không cam chịu có người cho rằng chiến tranh là điều không thể tránh khỏi và đáp ứng mong muốn hòa bình nơi nhiều người trẻ, mà sự đóng góp của họ có thể giúp làm mới và trẻ hóa các khái niệm về hòa bình và liên đới được tái kêu gọi và dường như ít người thực sự quan tâm đến.
Đức Hồng Y mời gọi mọi người nhìn vào lịch sử, nhưng cố gắng không đọc thực tế ngày nay bằng những kế hoạch của quá khứ. Ngài nói: “Trong những tuần gần đây, khả năng rơi vào vực thẳm của xung đột hạt nhân đã trở nên thực tế. Giải trừ quân bị là câu trả lời kiên quyết duy nhất, nếu chúng ta muốn xây dựng một tương lai hòa bình. Hòa bình chứ không phải chiến tranh, lương thực chứ không phải vũ khí, chăm sóc chứ không phải xâm lược, công bằng chứ không phải bóc lột kinh tế, năng lượng cho phát triển chứ không phải cho các thiết bị hủy diệt. Cần phải có sự đóng góp của mọi người, đặc biệt giới trẻ, để chúng ta không thu mình lại.
Phục hồi “Tinh thần Helsinki”
Về vấn đề này, Đức Hồng Y Parolin nhấn mạnh sự cần thiết phải “tự hỏi liệu chúng ta có đang làm mọi thứ có thể để chấm dứt thảm kịch này hay không”.
Ngài lưu ý rằng, mặc dù kinh nghiệm của Tiến trình Helsinki và các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí thời Chiến tranh Lạnh không thể lặp lại trong hoàn cảnh hiện tại, nhưng vẫn có những điều kiện để làm sống lại “tinh thần Helsinki”, “làm việc một cách sáng tạo”. Ngài nói: “Chúng ta cần giải quyết cuộc chiến này và nhiều cuộc chiến đã bị lãng quên, bằng những công cụ mới. Chúng ta không thể hình dung hiện tại và tương lai trên cơ sở những kế hoạch cũ: chúng ta cần hình dung và xây dựng một dự án hòa bình và liên đới quốc tế mới, tự nhắc nhở rằng nhiều quốc gia yêu cầu được lắng nghe. Chúng ta cần những quy tắc mới cho các hiệp ước quốc tế, can đảm để đặt cược vào hòa bình chứ không phải vào khả năng không thể tránh khỏi chiến tranh. Chúng ta cần một cuộc ‘xuống thang’ quân sự bằng lời nói”.
Vì thế cần phải “phục hồi tinh thần Helsinki”, đọc lại Mười điều lệ phê duyệt các tuyên bố về nguyên tắc chứa đựng trong phần cuối cùng. Trong số những điều này, quốc vụ khanh Toà Thánh nhắc lại “không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, bất khả xâm phạm biên giới, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không can thiệp vào công việc nội bộ, tôn trọng các quyền tự do cơ bản, trong đó có tự do tôn giáo, quyền bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc, thực hiện các nghĩa vụ quốc tế”.
Một Hội nghị hoà bình châu Âu mới
Đức Hồng Y Parolin kêu gọi châu Âu làm việc cho một hội nghị hoà bình châu Âu mới. Bởi vì, “chúng ta vẫn còn thời gian. Chúng ta hãy cố gắng đi theo những con đường hòa bình mới, bắt đầu từ châu Âu, không loại trừ bất kỳ ai. Chúng ta đầu tư vào hòa bình ở mọi cấp độ, bắt đầu từ giáo dục phổ thông. Chúng ta ủng hộ những nhà lãnh đạo tin tưởng vào hòa bình. Một lần nữa châu Âu sẽ là ngọn hải đăng của nền văn minh được thành lập dựa trên hòa bình, luật pháp và các quy tắc quốc tế. Ý có thể đóng một vai trò quan trọng trong đối thoại và hợp tác, và Tòa Thánh sẵn sàng làm mọi điều có thể để khuyến khích con đường này”.
Đức Hồng Y Parolin kết thúc bài phát biểu trích dẫn lời của Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI trong bài diễn văn lịch sử của ngài trước Liên Hiệp Quốc năm 1965: “Không bao giờ chiến tranh nữa! Hòa bình phải hướng dẫn vận mệnh của các dân tộc và của toàn thể nhân loại!”