Giữ Chay Thánh Thể
Hỏi: Con có mấy đứa bạn đi lễ nhai chewing gum, có đứa còn uống cà phê ngay trước lúc vô nhà thờ. Đến phần rước lễ chúng nó đi lên rước lễ tỉnh bơ. Con nhớ giáo lý dạy phải kiêng ăn một giờ trước lễ hay trước rước lễ.
Con cũng thấy có người bỏ đi lễ Chúa nhật tuần trước, tuần này đi lễ lại và lên rước lễ, như vậy có được không? Nhân tiện xin cha cho biết về những việc cần làm khi rước lễ.
Trả lời: Việc giữ chay Thánh Thể đã thành luật buộc có từ năm 1418 dưới triều Đức Giáo Hoàng Mactinô IV. Thời đó, người ta không được ăn và không được uống bất cứ cái gì kể cả nước lã từ nửa đểm cho đến khi rước lễ. Luật này phải giữ mãi cho đến năm 1953 khi Đức Giáo Hoàng Piô XII cho phép uống nước lã mà không phá chay Thánh Thể. Thời gian giữ chay không còn tính từ nửa đêm mà chỉ cần ba tiếng đồng hồ trước khi rước lễ đối với đồ ăn và rượu, còn các đồ uống khác thì kiêng trước một tiếng. Vào năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI giảm thời gian giữ chay Thánh Thể còn một tiếng đồng hồ trước khi rước lễ và đó cũng là quy định hiện nay.
Giáo luật điều 919 quy định như sau:
- Người nào muốn rước Thánh Thể, thì phải kiêng mọi thức ăn, thức uống, chỉ trừ nước lã và thuốc chữa bệnh, ít là khoảng một giờ trước khi rước lễ.
- Tư tế cử hành Thánh Lễ hai hoặc ba lần trong cùng một ngày có thể ăn uống chút ít trước khi cử hành Thánh Lễ lần thứ hai hay lần thứ ba, dẫu không cách quảng một giờ.
- Những người cao niên và bệnh tật, cũng như nhữn người chăm sóc họ, có thể rước Thánh Thể, dù đã ăn uống chút ít trước đó không tới một giờ.
Việc giữ chay Thánh Thể là nhằm bày tỏ lòng tôn kính Mình Máu Thánh Chúa chứ không chỉ vì luật buộc. Vì thế phải hướng dẫn ngay cả cho trẻ em để chúng biết giữ chay Thánh Thể và biết tập hy sinh hãm mình để tỏ lòng yêu mến và kết hiệp với hy tế thập giá của Chúa Giêsu.
Hiện nay, việc giữ chay Thánh Thể đã giảm bớt rất nhiều rồi nên phải tuân giữ những gì Giáo Hội đã quy định chứ không thể tuỳ tiện châm chước làm giảm lòng tôn kính đối với Bí tích cao trọng này.
Việc bỏ đi lễ Chúa nhật rồi lên rước lễ thì không thể trả lời được hay là không, vì đây là chuyện thuộc về lương tâm. Việc người ta không đi lễ Chúa Nhật có lý do chính đáng không? Việc bỏ lễ Chúa nhật có thành tội trọng chưa? Họ có đi xưng tội chưa? Đó là những điều chúng ta không biết được nên chúng ta không co quyền xét đoán việc lương tâm của người khác. Nếu đó là người mà ta có bổn phận coi sóc thì ta hãy nhắc nhở và khuyên nhủ họ, còn nếu chưa hiểu biết mà làm như vậy thì ta hướng dẫn giúp họ ý thức hơn. Ngoài ra, không nên tò mò theo dõi và có những ý nghĩ không tốt về người khác.
Trước đây khi Thánh Lễ còn cử hành bằng tiếng La tinh thì có rất nhiều kinh đọc trước khi rước lễ giúp giáo dân dọn mình và những kinh đọc sau khi rước lễ để cám ơn, nhưng nay Thánh Lễ đã được cử hành bằng tiếng bản xứ mà mọi người đều có thể theo một cách dễ dàng, chúng ta không cần phải đọc kinh gì khác. Tuy nhiên ta vẫn có thể dọn lòng bằng những tâm tình đạo đức là khao khát được rước Chúa, thật lòng ăn năn thống hối khi đọc lời kinh: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con,” lên rước lễ cách trang nghiêm cung kính, sau khi rước lễ dành thời gian thinh lặng cảm ta và thiết tha cầu xin với Chúa Giêsu đang ngự trong lòng ta. Cũng có thể dùng những kinh vắn tắt ta ơn sau khi rước lễ trong sách kinh nếu thấy khó tập trung hay khó diễn tả tâm tình yêu mến.
Lm. Nguyễn Ngọc Bích, C.Ss.R.