Vatican News
Trong bài giảng, dựa trên trình thuật trong Tin Mừng thánh Luca (7,11-17) về việc Chúa làm cho người con trai của bà góa thành Nain được sống lại, Đức Thánh Cha chia sẻ về lòng trắc ẩn và sự khiêm nhường. Ngài mời gọi mọi người xin Chúa để có cái nhìn cảm thông và trái tim khiêm hạ, bởi vì bằng cách sống cảm thông và khiêm hạ Chúa ban cho chúng ta sự sống của Người.
Lòng trắc ẩn
Nhìn thấy bà góa, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Từ câu chuyện này, Đức Thánh Cha nhắc lại lời Đức Biển Đức XVI trong Thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu”: “chương trình của Chúa Giêsu là ‘một trái tim nhìn thấy’”. Trái tim của Chúa Giêsu đập mạnh vì chúng ta, ánh mắt Người đau khổ trước nỗi đau của chúng ta.
Truyền tải cái nhìn thương xót của Thiên Chúa
Đức Thánh Cha nói rằng thần tính của Thiên Chúa chiếu tỏa khi tiếp xúc với những nỗi khốn cùng của chúng ta, bởi vì trái tim của Người từ bi. Từ lòng thương xót của Chúa, Đấng bị lay động trước sự ác cùng cực mà chúng ta phải đối mặt, là cái chết, Người đã làm cho kẻ chết sống lại. Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng truyền tải cái nhìn thương xót của Thiên Chúa cho những người đang trải qua nỗi đau trước cái chết của người thân yêu là điều vô cùng quan trọng.
Chúa Giêsu có lòng trắc ẩn cụ thể
Theo Đức Thánh Cha, Chúa Giêsu có lòng trắc ẩn cụ thể. Ngài chạm vào quan tài, điều mà theo luật Do Thái là ô uế. “Nhưng Chúa Giêsu không để ý đến điều này, lòng thương xót của Người xóa bỏ khoảng cách và đưa Người đến gần chúng ta hơn. Đó là phong cách của Thiên Chúa, được tạo nên từ sự gần gũi, cảm thông và dịu dàng”.
Trẻ mồ côi và góa phụ là những ngưởi tin tưởng vào Thiên Chúa
Đức Thánh Cha lưu ý một điều là khi hồi sinh người con trai của bà góa, không như trong những phép lạ khác, Chúa không yêu cầu bà phải có đức tin. Bởi vì theo Kinh Thánh, trẻ mồ côi và góa phụ, cùng với ngoại kiều, là những người cô đơn và bị bỏ rơi, là những người không thể đặt niềm tin vào ai khác ngoài Thiên Chúa. Họ là những người thân thiết và được Thiên Chúa yêu thương nhất. Do đó, không thể gần gũi và được Thiên Chúa yêu thương mà lại không quan tâm đến họ, những người được Người bảo vệ và ưu ái.
Lòng khiêm nhường
Từ đó Đức Thánh Cha chia sẻ về sự khiêm nhường. Trẻ mồ côi và góa phụ là những người khiêm nhường tuyệt hảo. Họ đặt tất cả niềm hy vọng tin tưởng vào Thiên Chúa chứ không vào bản thân họ, không cậy dựa vào sức mạnh của mình nhưng vào Người. Thiên Chúa yêu thích sự khiêm nhường vì nó để cho Người tương tác với chúng ta. Hơn nữa chính Người cũng khiêm nhường.
“Người thợ khiêm nhường trong vườn nho của Chúa”
Đức Thánh Cha nhắc lại những lời của Đức Biển Đức XVI trong bài giảng Thánh lễ khai mạc sứ vụ, gọi mình là “người thợ khiêm nhường trong vườn nho của Chúa”. Ngài nói: “Người Kitô hữu, đặc biệt là các Giáo hoàng, các Hồng y, các Giám mục, được kêu gọi trở thành những người thợ khiêm nhường: phục vụ chứ không phải để được phục vụ; nghĩ đến kết quả của vườn nho của Chúa trước hết, chứ không phải thành quả của mình. Và thật đẹp biết bao khi từ bỏ chính mình vì Giáo hội của Chúa Giêsu!” (CSR_4388_2023)