Điều Dân Chúa mong chờ nhiều nhất nơi linh mục là sự thánh thiện, những người được tách riêng ra để dành cho Chúa: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa” (1Pr 2,9). Tắt một lời, linh mục phải là người của Chúa…
WGPMT (07.06.2024) – Có người nói rằng Đức giáo hoàng Phanxicô muốn đề cao giáo dân nên ngài hay phê phán các linh mục, đặc biệt là chuyện “giáo sĩ trị”. Không biết nhận định ấy đúng tới đâu nhưng mới đây trong thư ngài gửi các linh mục coi xứ, chúng ta đọc thấy những tâm tình khác hẳn. Ngài nói với các linh mục: “Điều thật hiển nhiên đến nỗi nghe có vẻ nhàm nhưng thực sự là thế: Hội Thánh không thể đi tới nếu không có sự tận tụy và công việc mục vụ của anh em. Vì thế trước hết tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn và sự trân trọng đối với công việc quảng đại mà anh em làm mỗi ngày, gieo hạt giống Tin Mừng trên mọi loại đất”.
Đồng thời Đức Thánh Cha cũng nêu cao tầm quan trọng của các giáo xứ và các linh mục coi xứ: “Hội Thánh hiệp hành cần đến các linh mục coi xứ. Không có các linh mục, chúng ta sẽ không bao giờ có thể học cách cùng đi với nhau và cùng bước trên nẻo đường hiệp hành, là nẻo đường mà Thiên Chúa kỳ vọng nơi Hội Thánh trong thiên niên kỷ thứ ba…Nếu các giáo xứ không mang tính hiệp hành và thừa sai, thì cả Hội Thánh cũng sẽ thế” (Thư gửi các linh mục coi xứ, 02/5/2024).
Linh mục đóng vai trò quan trọng trong đời sống và sứ mạng của Hội Thánh, cũng vì thế linh mục phải chịu trách nhiệm lớn trước mặt Chúa. Điều Dân Chúa mong chờ nhiều nhất nơi linh mục là sự thánh thiện, những người được tách riêng ra để dành cho Chúa: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa” (1Pet 2,9;). Tắt một lời, linh mục phải là người của Chúa.
Sự thánh thiện được thể hiện trong cử hành phụng vụ, khi linh mục cử hành với tất cả tâm hồn chứ không chỉ làm cách máy móc. Trong phòng thánh của nhiều nhà thờ, tôi đọc thấy ý nguyện của Mẹ Teresa Calcutta xin linh mục dâng Thánh Lễ như Thánh lễ đầu tiên, Thánh lễ duy nhất, Thánh lễ cuối cùng. Mẹ Teresa không được phép cử hành Thánh lễ nhưng bà dạy các linh mục chúng ta một bài học rất đáng trân trọng.
Sự thánh thiện còn được thể hiện khi linh mục rao giảng Lời Chúa như một người đã thực sự chạm đến Lời và gặp gỡ Lời: “Trong Kinh Thánh có một hình ảnh mà tôi cho là có khả năng diễn tả tốt hơn mọi giáo trình về giảng thuyết: đó là hình ảnh cuộn sách Thiên Chúa ban cho tiên tri Ezêkiel, và có tiếng nói phán dạy ông hãy cầm lấy cuộn sách mà ăn trước khi đi rao giảng: “Hãy ăn cuộn sách này! Rồi hãy đi! Hãy nói cho nhà Israel… Hãy ăn cho no bụng và nuốt cho đầy dạ cuộn sách Ta ban cho ngươi đây” (Ez 3,1.3). Đúng là như thế: Trước khi truyền đạt Lời Chúa, phải ăn, phải tiêu hóa, phải làm thành của mình, phải sống Lời Chúa (Raniero Cantalamessa, Ma vie au service de la Parole: Entretiens avec Also Maria Valli, 178).
Sự thánh thiện còn được thể hiện trong cách sống, giao tiếp, ứng xử của linh mục, như thánh Phaolô căn dặn Timôthê: “Người tôi tớ Chúa thì không được cãi cọ, nhưng phải dịu dàng với mọi người, có khả năng giảng dạy, biết chịu đựng gian khổ. Người ấy phải lấy lòng hiền hòa mà giáo dục những kẻ chống đối; biết đâu Thiên Chúa lại chẳng ban cho họ ơn sám hối để nhận biết chân lý” (2Tm 2,24-25).
Thánh Gioan Phaolô II đã chọn lễ Thánh Tâm là Ngày cầu xin ơn thánh hóa linh mục vì ngày lễ này bày tỏ tình yêu thương xót của Thiên Chúa, và linh mục chính là người cảm nhận trước hết tình yêu thương xót ấy: được gọi, được chọn không phải vì tài năng hay đức độ nhưng chỉ vì Chúa muốn: “Không phải các con đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn các con và đã cắt đặt để các con ra đi, mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại” (Ga 15,16). Tình yêu thương xót ấy được thể hiện rõ nét nơi Bí tích Thánh Thể và Bí tích Giải Tội, và đây cũng là hai Bí tích gắn liền với đời sống và tác vụ linh mục.
Tuy nhiên có nguy cơ là linh mục chỉ nghĩ về mình như người cử hành mà quên rằng chính mình phải là người đón nhận. Thế nên phải ghi nhớ lời căn dặn của thánh Gioan Phaolô II: “Anh em linh mục thân mến, chúng ta hãy thường xuyên đến với Bí tích Giải Tội, để Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng ta và làm cho chúng ta bớt bất xứng khi cử hành các mầu nhiệm thánh. Bởi lẽ chúng ta được kêu gọi bày tỏ khuôn mặt của Vị Mục Tử nhân lành nên chúng ta phải có trái tim của chính Chúa Kitô, do đó hơn ai khác, chúng ta phải kêu lên như lời Thánh vịnh: “Lạy Chúa, xin tạo cho con trái tim thanh sạch, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài” (51,12) (Thư gửi các linh mục 2001).
Nguồn: giaophanmytho.net