Chúa Thánh Thần trong cuộc đời người trẻ
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
WHĐ, 28-05-2020 – Người ta nói vui rằng Chúa Thánh Thần ít “nổi tiếng” hơn Thiên Chúa Cha hoặc Chúa Giêsu. Thực tế là chúng ta ít nhắc hoặc chạy đến với Chúa Thánh Thần. Nhất là với người trẻ, Chúa Thánh Thần lại càng xa lạ vắng bóng. Có chăng Chúa Thánh Thần được người trẻ biết nhiều nhất trong ngày lễ Thêm Sức. Sau đó, dường như người trẻ ít để ý đến Chúa Thánh Thần nữa. Hậu quả là nhiều bạn không thể liên kết được với Thiên Chúa. Thiếu vắng Chúa Thánh Thần, người trẻ cũng dễ lạc đường và khó thành công trong cuộc sống.
Chúa Thánh Thần là Ngôi thứ Ba trong Thiên Chúa. Chúng ta vẫn quen với lối nói về các Ngài: Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hóa. Nếu người trẻ để ý, Chúa Thánh Thần đã có ngay từ đầu trong công trình sáng tạo của Chúa Cha. Thần Khí thuở ấy bay là là trên mặt nước (St 1,1). Hơn nữa, chính Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào cho con người được sống. Đó là Chúa Thánh Thần, là nguồn mạch sức sống cho con người.
Bạn vẫn còn nhớ trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu cũng nói nhiều đến Chúa Thánh Thần. Ngài là Đấng an ủi, bào chữa, nâng đỡ và trợ giúp cho mỗi người sau này. Rồi sau biến cố Phục Sinh, chính Đức Giêsu đích thân hiện ra với các môn đệ và ban Chúa Thánh Thần cho các ngài (Ga 20,22). Đó là ngày lễ Ngũ Tuần, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Như vậy, Đức Giêsu đã hoàn tất giai đoạn dương thế và lên trời. Từ đó về sau là giai đoạn hoạt động của Chúa Thánh Thần.
Kể ra chút chi tiết liên quan đến Ba Ngôi như thế để chúng ta thấy đây là thời đại của Chúa Thánh Thần. Nếu khi xưa Chúa Giêsu trực tiếp hướng dẫn các môn đệ, thì hôm nay, chính Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn Giáo Hội. Chúng ta không thể đến được với Thiên Chúa nếu không có sự tác động của Chúa Thánh Thần. Điều này có thể nghe rất ngồ ngộ đối với người trẻ. Đừng quên Giáo Hội trải nghiệm rằng: chính Chúa Thánh Thần chuẩn bị tâm hồn con người và lôi kéo họ đến với Đức Kitô; quy tụ họ vào trong Hội Thánh; ban sinh khí và thánh hóa Hội Thánh (x. Giáo Lý 737, 747). Đây là điều người trẻ thường quên nên nhiều bạn la làng lên: “Sao tôi không thể cầu nguyện? Tôi thiếu sức sống? Tôi chẳng có nghị lực để bước tiếp?” v.v. Lý do là vì họ chưa chạy đến với Chúa Thánh Thần, chưa để Ngài dẫn đưa về với Thiên Chúa!
Khi viết cho người trẻ, dĩ nhiên Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nhấn mạnh đến Thần Khí ban sự sống. Giáo Hội và Giáo Hoàng hiểu vấn đề của người trẻ, và muốn người trẻ năng chạy đến với Chúa Thánh Thần. Thú vị là “ở đâu có Chúa Cha và Chúa Giêsu, thì ở đó cũng có Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng chuẩn bị và mở rộng tâm hồn để đón nhận sứ điệp này, chính Ngài là Đấng giữ cho hy vọng cứu độ này được sống, chính Ngài là Đấng sẽ giúp các con lớn lên trong niềm vui này nếu các con để cho Ngài hoạt động.” (Đức Kitô sống, số 130).
Nếu tuổi trẻ là giai đoạn của nhiều ước mơ, thì chính Chúa Thánh Thần sẽ đưa ước mơ ấy thành hiện thực. Bên cạnh người trẻ luôn có một Đấng quyền năng, hiểu biết, đạo đức, khôn ngoan và can đảm. Ngài luôn sẵn lòng đổ đầy nhiệt huyết và sức sống vào cuộc đời người trẻ. Nếu người trẻ muốn đi vào tương quan với Đức Giêsu, thì chính Chúa Thánh Thần làm cho các bạn càng ngày càng đi sâu vào con tim của Đức Giêsu. Khi đó, thành công, hạnh phúc và bình an là điều người trẻ có thể cảm nhận và nắm bắt được.
Nếu thời trẻ là giai đoạn của yêu đương, thì chính Chúa Thánh Thần sẽ làm cho tình yêu ấy thêm nồng cháy. Ngài thu hút con người về với Thiên Chúa và về với nhau. Bởi vì “tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ vào tâm hồn chúng ta qua Chúa Thánh Thần là Đấng đã được ban cho chúng ta.” (Rm 5,5). Đó là “lực hấp dẫn” mà người trẻ cần trong hành trình yêu thương. Bởi vậy, Giáo Hội muốn nhắc người trẻ rằng: “Các con hãy cầu khẩn Chúa Thánh Thần mỗi ngày để không ngừng kinh nghiệm một cách mới mẻ sứ điệp cao cả này. Tại sao lại không? Các con không mất gì và Ngài có thể thay đổi cuộc đời các con, Ngài có thể soi sáng các con và ban cho các con một con đường tốt hơn.” (Đức Kitô sống số 131).
Có lẽ người trẻ đã bỏ qua nguồn sức sống này! Chúa Thánh Thần luôn có đó; Ngài muốn ngự vào trong tâm hồn của mỗi người. Thánh Thần muốn nối kết những mối tình của người trẻ. Ngài muốn đưa người trẻ gắn liền với Hội Thánh, với sự thật và với Thiên Chúa. Nhưng với một điều kiện: người trẻ hãy khẩn cầu và chấp nhận sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Ước gì người trẻ cũng trải nghiệm được kinh nghiệm độc đáo này: Chúa Thánh Thần đóng vai trò như linh hồn hay nguyên lý sự sống. Chính Ngài liên kết mọi phần tử của Hội Thánh nên một với nhau và với Đầu là Đức Kitô. (x. Ep 2,21–22).
Các bạn trẻ thân mến,
Nếu như chúng ta đang mệt mỏi chống chọi với biết bao cám dỗ, thì hãy chiến đấu cùng với Chúa Thánh Thần. Nếu thiếu Ngài, chúng ta chẳng thể chiến thắng biết bao chướng ngại vật trên đường đời. Ma Quỷ sẽ chào thua nếu chúng thấy trong ta có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Ngài sẵn lòng chiến đấu và sống hết mình với chúng ta, với người trẻ. Được như thế, con đường tuổi trẻ sẽ ý nghĩa hơn nhiều, tương lai người trẻ sẽ tươi sáng hơn biết bao nhiêu.
Trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, ước sao người trẻ thốt lên rằng: Ngài là nguồn mạch tốt nhất của con. Khi đó, “Giống như một cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi.” (Gr 17,8). Trong khi nhiều người trẻ đang mệt mỏi nhọc nhằn, nếu họ đặt niềm tin vào Thiên Chúa, vào Chúa Thánh Thần, họ sẽ “được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân.” (Is 40,31).
Để Chúa Thánh Thần giúp đỡ, không gì khác hơn là chúng ta hãy van xin với Ngài. Hãy thường xuyên mời Ngài vào tâm hồn ta; khi đó, Ngài sẽ thánh hóa tâm hồn mỗi người thành đền thờ của Thiên Chúa. Nhất là khi gặp khó khăn trong cuộc sống, đừng quên Chúa Thánh Thần luôn có bên cạnh. Ngài gần gũi đến nỗi Kinh Thánh dùng các hình ảnh như nước, lửa, áng mây, ánh sáng, chim bồ câu,… để nói về Chúa Thánh Thần. Ước gì những biểu tượng hữu hình này có thể giúp người trẻ gần gũi hơn với Chúa Thánh Thần. Đừng quên chính Ngài muốn giúp chúng ta. Chẳng lẽ chúng ta lại liều mình sống mà thiếu vắng Thiên Chúa, thiếu vắng Chúa Thánh Thần?
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hãy đến để sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con. Amen.