Ngân hàng Nhựa, một doanh nghiệp xã hội có trụ sở tại Vancouver, đã tạo ra một thị trường cho riêng mình bằng cách biến rác thải nhựa thành những đồ vật có giá trị. Sứ vụ của họ vừa hạn chế lượng rác thải nhựa bị ném xuống đại dương đồng thời giải quyết vấn đề nghèo đói bằng cách biến nhựa trở thành một nguồn tài nguyên quý giá không nên bị vất bỏ.
Quan tâm đến trái đất
Ông Peter Nitschke, người đứng đầu bộ phận Đối tác Cộng đồng của Ngân hàng Nhựa cho biết rằng trong số 1.000 tràng hạt được thực hiện, 100 chuỗi đã được phân phát vào Đại hội Giới trẻ Thế giới và nhận được phản hồi rất tích cực. Ông hy vọng rằng những chuỗi Mân Côi độc đáo này sẽ hợp với sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thông điệp Laudato si’, kêu gọi công dân toàn cầu quan tâm đến hành tinh này.
Sáng kiến ra đời
Sáng kiến này được bắt đầu cách tình cờ. Ông Nitschke kể: “Khi ông Taylor Cannizzaro, Giám đốc Văn phòng về các mối quan hệ, đang trên đường đến Roma để thảo luận về quan hệ đối tác tiềm năng giữa Ngân hàng Nhựa và Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện của Vatican, đã tình cờ gặp gỡ một hành khách đồng hành, một người làm tràng hạt, và đã có ý tưởng sáng tạo về việc làm tràng hạt từ nhựa gom ở các đại dương.”
Quá trình này lấy cộng đồng làm trung tâm. “Người dân địa phương thu gom rác thải nhựa từ nhiều nguồn khác nhau, từ các khu vực ven biển đến các khu dân cư đô thị. Điều này không chỉ giúp làm sạch môi trường mà còn thúc đẩy các cộng đồng này phát triển kinh tế.” Sau khi được thu gom, nhựa được chế biến, cuối cùng được tạo thành những sản phẩm khác nhau, bao gồm cả chuỗi tràng hạt.
Ý nghĩa xã hội của sáng kiến
Sáng kiến này cũng có ý nghĩa xã hội. “Những chuỗi Mân Côi này được các tù nhân ở Nhà tù Thành phố Manila làm thủ công cách tỉ mỉ, như một phần của chương trình đặc biệt của Cục Quản lý Nhà tù Philippines. Chương trình này cung cấp cho các tù nhân, được định nghĩa là những người bị tước đoạt quyền tự do, con đường phát triển kỹ năng và cơ hội có thu nhập.” (ACI Stampa 19/08/2023)