Vatican News
Bà Salzano nói: “Mỗi ngày có một lá thư được gửi đến. Tôi không biết liệu đó có thực sự là phép lạ hay sự hoán cải hay không. Mọi người từ khắp nơi trên thế giới viết thư về những vấn đề quan trọng và họ đã giải quyết các vấn đề bằng cách đến với Carlo: nhiều phụ nữ không thể sinh con, nhiều cặp vợ chồng đang ly thân. Nhưng cũng có những người tuyên bố đã khỏi bệnh ung thư. Tất nhiên, chúng tôi không thể chứng nhận nhưng chúng tôi có thể lưu ý một điều: các báo cáo ngày càng nhiều”.
Carlo Acutis qua đời vì bệnh bạch cầu ngày 12/10/2006, khi mới 15 tuổi. Ngài được gọi là “người có ảnh hưởng của Thiên Chúa”, hay “tông đồ mạng” vì công việc tông đồ trên internet. Ngài gọi Bí tích Thánh Thể là “con đường cao tốc dẫn tới thiên đàng của tôi” và sử dụng kỹ năng máy tính để lập danh mục các phép lạ Thánh Thể từ khắp nơi trên thế giới. Ngài được phong chân phước vào năm 2020 và có thể sẽ được phong thánh trong Năm Thánh 2025.
Mối liên kết giữa Carlo và Mẹ Maria
Phụng vụ Giáo hội kính nhớ Chân phước Acutis vào ngày 12/10. Trên khắp thế giới đã có rất nhiều sáng kiến cầu nguyện, tuần cửu nhật để chuẩn bị cho ngày lễ. Mẹ của Chân phước giải thích với Vatican News về ý nghĩa của việc kính nhớ Chân phước Acutis vào ngày 12/10. Đây không chỉ là tưởng nhớ ngày ngài qua đời, 12/10/2006, nhưng ngày này cũng là ngày kính Đức Mẹ Maria del Pilar ở Tây Ban Nha và ở Brazil kính Đức Mẹ Aparecida, và điều này cho thấy mối liên kết đặc trưng này giữa Carlo và Mẹ Maria trong suốt cuộc đời chân phước.
Loan truyền lòng yêu mến Thánh Thể
Vào ngày này, không có quốc gia nào mà vị chân phước thiếu niên không được tưởng nhớ. “Từ Nhật Bản đến Trung Quốc, từ Ấn Độ đến Châu Phi, từ Hoa Kỳ đến Úc: trên tất cả các châu lục, họ cầu nguyện và hướng về Carlo”. Cuộc triển lãm về Phép lạ Thánh Thể online do Chân phước thực hiện đang tiếp tục đến nhiều giáo xứ ở mọi nơi trên thế giới, chỉ riêng ở Hoa Kỳ đã có hàng ngàn giáo xứ, bên cạnh 100 trường đại học.
Nhìn mọi người bằng ánh mắt của Thiên Chúa
Mẹ của Chân phước Acutis cũng xem ngài như một tấm gương hòa bình cho một thế giới bị chia cắt bởi chiến tranh, bởi vì ngài “yêu thương mọi người, không phân biệt nguồn gốc và tôn giáo”. Ngài không coi trọng sự khác biệt, ngài nhìn mọi người bằng ánh mắt của Thiên Chúa.