CỬ HÀNH THÁNH THỂ: BÀI 51 – LỜI CHÀO VÀ PHÉP LÀNH CUỐI LỄ

WHĐ (07/10/2024) – Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn. Sau đây là bài 51: Lời chào và phép lành cuối lễ.

I/ QUY CHẾ

Nghi thức kết thúc gồm có: a) Vài lời bảo vắn tắt, nếu cần; b) Lời chào và chúc lành của linh mục. Trong một số ngày và một số trường hợp đặc biệt, lời chúc lành này có hình thức một lời nguyện trên dân chúng hay một công thức chúc lành trọng thể hơn; c) Lời giải tán dân chúng do phó tế hoặc linh mục, để ai nấy trở về với công việc làm ăn lương thiện của mình mà ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa (QCSL 90).

II/ LỊCH SỬ – Ý NGHĨA

Lời chào cuối cùng của chủ tế cũng giống một trong những lời chào lúc đầu lễ: “Chúa ở cùng anh chị em”; dân chúng đáp lại: “Và ở cùng cha” (NTTL 141). Tuy nhiên, ý nghĩa của chúng lại khác nhau. Lời chào lúc đầu lễ nhằm mời gọi cộng đoàn sốt sắng tham dự các mầu nhiệm, nhắc nhớ cho cộng đoàn về sự hiện diện của Chúa ở giữa họ và chính Ngài quy tụ họ để tôn vinh Thiên Chúa. Còn lời chào lúc kết lễ nhằm nhắc nhở cộng đoàn về sự hiện diện của Chúa và chuẩn bị họ sống đời nhân chứng của người Kitô hữu khi ra về. Qua lời chào, chủ tế ước mong cho các mầu nhiệm vừa cử hành tác động vào cuộc đời tín hữu, cũng như cho họ nhận được những ơn trọng đại nhất và dồi dào nhất.[1] 

Về phương diện lịch sử, phép lành cuối lễ có từ rất sớm trong Hội Thánh, theo sách Ordo Romanus I, có lẽ xuất hiện vào thời phụng vụ các chặng. Cho mãi tới thế kỷ IX, phép lành cuối lễ được ban không diễn ra tại bàn thờ. Lúc đó, khi Đức Giáo hoàng kết thúc Thánh lễ, hàng giáo sĩ lập tức đến trước mặt ngài ở trong phòng thánh và thưa: “Xin Chúa chúc lành cho chúng con”, Đức Giáo hoàng chỉ đơn giản nói: “Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta”họ thưa lại “Amen.” Về sau các Đức Giám mục cũng ban phép lành trong các Thánh lễ do ngài chủ tọa nhưng không ghi dấu thánh giá trên dân chúng.[2] Như vậy, có một thời gian, việc ban phép lành công khai cho dân chúng và trên đường rời đi được dành riêng cho ĐGH và ĐGM. Thế nhưng, vì thiếu vắng ĐGM, vì yêu cầu của giáo hữu cũng như vì ích lợi thiêng liêng cho các linh hồn, vào thế kỷ VII-VIII, nhất là từ thế kỷ XI, phép lành cuối lễ được mở rộng cho toàn thể dân chúng, do đó linh mục cũng được ban phép lành bằng một công thức đơn giản và người ta bỏ câu xin chúc lành của hàng giáo sĩ trước đó. Ngay từ năm 619, Công đồng Servilla nhấn mạnh rằng linh mục chỉ được ban phép lành nơi nào vắng mặt ĐGM.[3]

Dấu tích của phép lành này là các “Lời nguyện trên đoàn dân” (oratio super populum hay oratio ad populum) đã từng có trong Sacramentarium Leonianum như một thành phần thông thường của cấu trúc Thánh lễ và rồi được Sách lễ 1570 đặt sau lời nguyện hiệp lễ. Thời Đức Grêgôriô Cả, Lời nguyện trên đoàn dân có nội dung thống hối và sử dụng trong mùa Chay vì chỉ dành cho các hối nhân không được hiệp lễ. Đến thế kỷ VII – VIII, Lời nguyện trên đoàn dân áp dụng cho cả đối tượng là các tín hữu đã hiệp lễ cũng như được áp dụng quanh năm. Từ đây, lời nguyện trở thành lời chúc lành, dựa theo thói quen của các Đức Giám mục khi rời nhà thờ hồi thế kỷ IV, ngài vốn thường chúc lành cho các cá nhân đến hôn tay ngài sau buổi cử hành phụng vụ chứ không ở trong Thánh lễ. [4] Thói quen chúc lành được Caesarius thành Arles đề cập như sau: “Những ai muốn cử hành Thánh lễ cách trọn vẹn hầu đem lại lợi ích cho linh hồn thì phải ở lại trong nhà thờ với thân xác khiêm nhường và tấm lòng thống hối cho tới lúc kinh Lạy Cha được đọc và phép lành được ban ra.[5]

Vào giữa thế kỷ XII, tại Rôma, phép lành được chủ tế ban ngay tại bàn thờ chứ không nằm trên đường đi nữa. Rồi từ thế kỷ XIII-XIV, nghi thức ban phép lành được dần dà nâng cấp trọng thể hơn: (1) không chỉ đọc nhưng là hát lên; (2) không chỉ là câu “Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta” nhưng với những lời lẽ được thêm vào, chẳng hạn: “Xin Thiên Chúa toàn năng là Cha, và Con và Thánh Thần chúc lành cho anh chị em” (Công đồng Albi năm 1230); (3) không chỉ là ghi một hình thánh giá mà ghi dấu thánh giá tới 3 hay 4 lần (hướng về 4 hướng) kèm theo lời chúc lành.[6]

Bản văn ban phép lành sử dụng hiện nay đã có trong quyết định của Công đồng Albi năm 1230. Sách lễ 1474 quy định phép lành được ban trước lời nguyện kết lễ, còn Sách lễ 1570 lại đặt nghi thức ban phép lành diễn ra sau khi giải tán. Từ đây, một lần nữa, thực hành ban phép lành cho cá nhân sau Thánh lễ lại phát triển.[7] Đến năm 1970, việc sắp xếp vị trí cho phép lành cuối lễ trở nên hợp lý hơn khi di chuyển công thức giải tán ra thời điểm kết lễ, còn phép lành được đặt sau lời nguyện hiệp lễ.[8] 

Khi ban phép lành cho dân chúng, chủ tế giơ tay còn cộng đồng cúi đầu và thưa Amen. Việc phó tế mời gọi giáo dân cúi đầu lãnh phép lành đã có từ thế kỷ IV như được đề cập trong sách Didache cũng như tài liệu Hiến Chế Tông Đồ và nay được áp dụng nếu sử dụng công thức ban Phép lành Trọng thể hay Lời nguyện trên dân chúng.[9] Phép lành Trọng thể không thấy có trong Nghi thức Rôma thời Trung cổ nhưng những Lời nguyện trên dân chúng là một phần trong phụng vụ mùa Chay theo sau lời nguyện hậu hiệp lễ. Việc sử dụng cả Phép lành Trọng thể (20 mẫu theo sau phần Nghi thức Thánh lễ 2002)) và Lời nguyện trên dân chúng (28 mẫu) là sự chọn lựa của Hội Thánh từ sau Công đồng Vaticanô II vào những dịp lễ trọng, mùa phụng vụ riêng hay lễ đặc biệt (QCSL 166,185; NTTL 142), nhằm làm cho các tín hữu ý thức hơn và tránh nguy cơ coi nghi thức kết lễ như một cử chỉ khô cứng, một ám hiệu lên đường. Công thức ban Phép lành Trọng thể hay Lời nguyện chúc lành trên dân chúng được in trong các sách phụng vụ (công thức Phép lành Trọng thể trong các mùa Phụng vụ, các đại lễ kính Chúa, Đức Mẹ, các thánh, các tông đồ; lễ Truyền chức; lễ Khấn dòng; lễ Hôn phối; lễ An táng; Thánh tẩy; Thêm sức; Cung hiến Thánh đường; Cung hiến Bàn thờ).

 Ba lời cầu chúc trang trọng hơn đó dựa theo lời chúc lành của ông Aaron (x. Ds 6,24-26) và Lời nguyện trên dân chúng.[10] Sách Sacramentarium Gregorianum đưa ra nhiều mẫu Lời nguyện trên dân chúng vào mùa Chay. Trong khi đó, sách Sacramentarium Veronese và Sacramentarium Gelasianum lại có những mẫu khác sử dụng vào thời gian khác trong năm. Sách Sacramentarium Gregorianum cũng có tuyển chọn các mẫu ban phép lành phân chia thành các phần được tách biệt bởi tiếng Amen của dân chúng. Đây như là mẫu có trước cho 3 lời nguyện Phép lành Trọng thể sau này trong Sách lễ 1970.[11] 

Ý nghĩa của lời chúc lành nhân danh Ba Ngôi là: (1) Gợi nhớ chính xác về nghi thức thanh tẩy trong đó lần đầu tiên Hội Thánh ủy thác cho chúng ta ra đi nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Đặc biệt trong trường hợp thanh tẩy cho người lớn, đó là (và đã từng là) một khoản khắc biểu tỏ lòng quảng đại lớn lao và sự dấn thân cá nhân, cũng như phúc lành của Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ đổ xuống trên tín hữu và khơi lại nơi họ lòng nhiệt thành và hăng hái thuở ban đầu; (2) Kêu cầu Chúa Ba Ngôi che chở và đồng hành với các tín hữu trong cuộc sống chứng nhân Tin Mừng của họ giữa lòng đời. Điều này gợi lại cho chúng ta bản văn Lc 24,50-51: Sau đó, Chúa Giêsu dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời”;[12] (3) Khẳng định một cách mạnh mẽ hơn về sự hiện diện của Đức Giêsu ở giữa dân Ngài và ước mong Chúa hằng hiện diện trong những con người vừa mới kết hiệp với Chúa Kitô trong Thánh lễ để họ tiếp tục sống trong tinh thần của bí tích Thánh Thể; (4) Thánh giá chỉ ra căn tính của chúng ta là dân của Chúa, những người đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, đã được nhận chìm trong cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô; thì giờ đây, mỗi cá nhân cũng như cộng đoàn được mời gọi phải họa lại hình ảnh của Đức Kitô, nói cách khác, là nên đồng hình đồng đạng với Đức Kitô, trong cuộc sống mình; (5) Có thể hiểu hành động của chủ tế biểu lộ sự ban ơn phù trợ của Thiên Chúa Ba Ngôi trong Đức Giêsu Kitô và thập giá Chúa Kitô là nguồn mạch mọi phúc lành, là căn nguyên mọi ơn thánh từ trời, qua đó, chúng ta nhận được hết ơn này đến ơn khác.[13]

Công thức Ba Ngôi ở đây không chỉ là một phát biểu tín lý khô cứng, nhưng diễn tả mầu nhiệm Thánh Thể chúng ta vừa tham dự: hợp nhất với Chúa Thánh Thần, Hội Thánh được lôi kéo vào biến cố cứu độ của Ngôi Con cũng như hòa nhập cùng với Chúa Kitô phục sinh trong bài ca chúc tụng muôn đời trên thiên quốc mà tôn thờ, chúc tụng và cảm tạ Chúa Cha (x. GLCG 1077-1112).[14]

Ghi dấu thánh giá ở đây nhắc nhớ rằng chúng ta có căn tính là Dân Chúa được dìm vào trong mầu nhiệm Chúa Kitô chịu chết và sống lại, được lôi kéo vào trong mầu nhiệm tự hiến của Chúa Kitô để từ đó lối sống tự hiến này phải tiếp tục trở thành lối sống hằng ngày của chúng ta sau khi kết thúc Thánh lễ. Với danh của Thiên Chúa Ba Ngôi: là Cha và Con và Thánh Thần, chúng ta nhắc nhở chính mình cầu nguyện với Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần.[15] Còn lời thưa “Amen” của cộng đoàn vừa biểu lộ sự tán đồng vừa diễn tả lòng tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa cũng như xác tín rằng Thiên Chúa chắc chắn nhận lời họ.[16]

Nếu ngay sau Thánh lễ có cử hành nghi thức phụng vụ nào khác [như chầu Thánh Thể, rước kiệu, cử hành nghi thức tiễn biệt người quá cố, Giờ kinh Phụng vụ…], thì bỏ Nghi thức Kết lễ, tức là bỏ lời chào, lời chúc lành và giải tán (x. QCSL 170).

III/ MỤC VỤ

1) Trong Sách Lễ Rôma có dự liệu nhiều công thức phép lành trọng thể theo các mùa hoặc các lễ trọng, linh mục cần chuẩn bị và ban cho người tín hữu hưởng nhờ các ơn ích. Tốt nhất, chủ tế nên ban phép lành trọng thể vào các Chúa nhật Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh hay những dịp trọng thể và đặc biệt khác. Ngày lễ ít long trọng hơn, chủ tế có thể chọn một lời nguyện trên dân chúng như là thành phần của nghi thức kết lễ (x. NTTL 142; QCSL 90b, 167).[17]

2) Khi cử hành Thánh lễ đầu tiên hay Thánh lễ tạ ơn khá long trọng, các tân linh mục không còn ban phép lành Tòa Thánh cùng với ơn toàn xá kèm theo như trước nữa (Benedictionem papalem cum indulgentia plenaria).[18] Dù phép lành Tòa Thánh không còn hiệu lực, nhưng ơn toàn xá vẫn được ban cho chính tân linh mục và cho các tín hữu sốt sắng tham dự Thánh lễ này.”[19] Vào lúc cuối lễ, tân linh mục có thể sử dụng bất cứ công thức chúc lành nào đã được ấn định trong Sách Lễ theo thời gian và mùa phụng vụ.[20]

3) Nếu dùng công thức chúc lành long trọng hoặc lời nguyện trên dân chúng, sau khi chủ tế chào: “Chúa ở cùng anh chị em”, phó tế/linh mục luôn luôn nói: “Anh chị em hãy cúi mình nhận phép lành” (QCSL 185)[21] để chúng ta có thể lãnh nhận phép lành và sống sứ vụ được sai đi với tất cả sự khiêm hạ và hy vọng.[22]

4) Khi đọc câu chúc lành trọng thể, linh mục giơ hai tay trên dân chúng, cánh tay ngài hướng thẳng về cộng đoàn, hai lòng bàn tay úp xuống như trong Kinh nguyện Thánh Thể (episclesis) nhưng giơ cao hơn và hai bàn tay tách ra chứ không sáp lại, rồi đọc từng câu phép lành. Cần nâng giọng cuối mỗi câu để cộng đoàn có thể biết và thưa Amen cách nhịp nhàng.[23]

5) Khi ban phép lành cho dân chúng, chủ tế đặt tay trái trên ngực mình, giơ tay phải ban phép lành và nói: “Xin Thiên Chúa toàn năng là Cha và Con (†) và Thánh Thần, ban phúc lành cho anh chị em”, còn cộng đồng cúi đầu và thưa: “Amen” (x. NTTL 141).[24] Trong thực tế, tất cả mọi người hiện diện đều cúi đầu khi nhận phép lành và làm dấu thánh giá trên mình[25] dẫu rằng cả Nghi thức Thánh lễ và Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma đều không đề cập thực hành này.[26] Sở dĩ có thực hành “cúi đầu khi nhận phép lành và làm dấu thánh giá trên mình” như vậy là vì mọi phép lành nói chung có liên quan đến danh Ba Ngôi Thiên Chúa thì theo một thực hành đã có từ xưa mà đã trở thành một tập tục/truyền thống bất thành văn, người nhận lãnh phép lành sẽ cúi đầu/quỳ xuống và làm dấu thánh giá.[27] Làm dấu thánh khi nhận phép lành là nhằm mở lòng mình ra cho Thiên Chúa hành động nơi chúng ta; và dấu thánh giá, xét như một á bí tích, chuẩn bị chúng ta trước phép lành của Thiên Chúa đồng thời diễn tả rằng chúng ta ao ước tiếp nhận và sử dụng phép lành ấy.[28] Theo Romano Guardini, dấu thánh giá là phép lành trong đó Thiên Chúa ban chính mình cho chúng ta;[29] chúng ta làm dấu thánh giá khi nhận các phép lành hầu cho sức sống viên mãn của Thiên Chúa tuôn chảy vào trong linh hồn mình, sức sống này sẽ thánh hóa bản thân và sinh hoa kết trái nơi chúng ta.[30] Robert Vereecke, SJ khẳng định: “Theo truyền thống, cúi xuống là hành vi truyền thống gắn kết với việc nhận phép lành”.[31]

6) Trong Thánh lễ đồng tế, dù Thánh lễ có các Đức Giám mục tham gia đồng tế, vào lúc cuối lễ, tất cả các vị đồng tế đều cúi đầu lãnh nhận phép lành như mọi tín hữu khác chứ không ban phép lành cùng với chủ tế.[32]

________

[1] X. James P. Moroney, The Mass Explained: An Introduction to the New Roman Missal (New Jersey: Catholic Book Publishing Corp., 2008), 153; Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012), 278; Nguyễn Thế Thủ, Hướng dẫn Cử hành Phụng vụ (Sài gòn: ĐCV Thánh Giuse, 2000), 133.

[2] X. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development (Missarum Sollemnia), vol. 2, trans. Francis A. Brunner (New York : Benziger Brothers, 1951), 439; Michael Witczak, “History of the Latin Text and Rite”, trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, gen. ed. Edward Foley (Collegeville: The Liturgical Press, 2011), 631.

[3] X. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass: An Historical, Theological, and Pastoral Survey, trans. Julian Fernandes, ed. Mary Ellen Evans (Collegeville: The Liturgical Press, 1976), 213; Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 440-41.

[4] X. Witczak, 631; Robert Cabié, “The Eucharist”, trong The Church at Prayer, vol. 2, ed. A. G. Martimort, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press, 1986), 123; Phan Tấn Thành, 278.

[5] Trích lại trong Paul Turner, At the Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 153.

[6] Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 443-45.

[7] Sách lễ trước 1970 chỉ rằng: sau khi giải tán, chủ tế cúi sâu giữa bàn thờ đọc kinh Placeat rồi hôn bàn thờ là tượng trưng Chúa Kitô, ngước mắt nhìn thánh giá là nguồn mạch mọi ân phúc, quay xuống giáo dân, ngài giơ tay ban phép lành

[8] Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 446-47; Witczak, 631; Paul Turner, At the Supper of the Lamb, 153.

[9] X. Jungmann, SJ, The Mass: An Historical, Theological, and Pastoral Survey, 212-13.

[10] Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Tổng quát, 160; Trần Ngọc Quỳnh, Cử hành Mầu nhiệm Tạ ơn, 218.

[11] Paul Turner, At the Supper of the Lamb, 154.

[12] X. Joy Ann Zimmerman, “The Mystagogical Implications”, trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, gen. ed. Edward Foley649.

[13] Susan K. Roll, “Theology of the Latin Text and Rite,” trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, gen. ed. Edward Foley637; Joyce Ann Zimmerman, 648; Trích trong Bài Đọc Kinh Sách thứ Ba tuần V – Mùa Chay; x. Dom Robert Le Gall, Từ Điển Phụng Vụ, s.v. “Phép lành”, 232-233.

[14] X. Tom Elich, “The ICEL2010 Translation,” trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, gen. ed. Edward Foley, 640.

[15] X. Joyce Ann Zimmerman, 646; Susan K. Roll, “Theology of the Latin Text and Rite,” 636.

[16] Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu, 279.

[17] X. Kevin W. Irwin, Responses to 101 Questions on the Mass (Mahwah: Paulist Press, 1999), 37-38.

[18] Sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao (Paenitentiaria Apostolica) với sự chấp thuận của ĐGH Phaolô VI được ban hành tại Rôma ngày 05/11/1964.

[19] X. Enchiridion Indulgentiarum: Normae et Concessiones (16/07/1999)“Concessiones” số 27; Ủy ban Phụng tự – Hội đồng Giám mục Việt Nam, “Thông báo về việc ban Phép lành Tòa Thánh với ơn toàn xá” (04/12/2018)http://hdgmvietnam.com/chi-tiet/uy-ban-phung-tu-thong-bao-ve-viec-ban-phep-lanh-toa-thanh-voi-on-toan-xa-34598.

[20] X. Edward McNamara, “Blessings at First Masses” (8 May 2007), https://www.ewtn.com/catholicism/library/blessings-at-first-masses-4369.

[21] Sách Lễ Rôma, “CÔNG THỨC BAN PHÉP LÀNH CUỐI LỄ VÀ LỜI NGUYỆN TRÊN DÂN CHÚNG”.

[22] X. Joyce Ann Zimmerman, “The Mystagogical Implications”, 649.

[23] Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, no. 355; André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe à l’usage ordinaire des paroisses: suivant le missel romain de 2002 et la pratique léguée du rit romain, 2nd ed. (Perpignan: Editions Artège, 2012)180.

[24] X. André Mutel et Peter Freeman, 41.

[25] The Editors, “Gestures and Postures of the Congregation at Mass” Adoramus (Feb. 2010, vol. XV, no. 10), https://adoremuno.org/2010/02/gestures-and-postures/; André Mutel et Peter Freeman, 41; Catholic Bishops’ Conference of England and Wales, Celebrating the Mass (London: Catholic Truth Society and Colloquium [CaTEW] Ltd., 2005), no. 224; U.S. Conference of Catholic Bishops, Introduction to the Order of Mass: A Pastoral Resource of the Bishops’ Committee on the Liturgy (2003), no. 146.

[26] X. André Mutel et Peter Freeman, 41; Turner, Let Us Pray, no. 807; J.R. Lilburne, Ministers in Masses, no. 312 (15 April 2002), https://www.romanrite.com/masseno.htmlno.anchorintroduction.

[27] X. Peter Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite (San Francisco: Ignatius Press, 2004)no. 365.

[28] X. Bert Ghezzi, The Sign of the Cross: Recovering the Power of the Ancient Prayer (IL: Word on Fire, 2021), 9; “Significance of the Sign of the Cross” (22 Nov. 2004), https://www.ewtn.com/catholicism/library/significance-of-the-sign-of-the-cross-4999.

[29] Romano Guardini, “Sacred Signs,” trans. Grace Branham (1956), https://www.ewtn.com/catholicism/library/sacred-signs-11190.

[30] Romano Guardini, “Sacred Signs,” trans. Grace Branham (1956), https://www.ewtn.com/catholicism/library/sacred-signs-11190.

[31] Peter E. Fink, ed. The New Dictionary of Sacramental Worship (Collegeville: The Liturgical Press, 1990), s.v. “Gestures, Liturgical,” by Robert Vereecke, 508-509.

[32] X. André Mutel et Peter Freeman, 41; McNamara, “New Priests Blessing Bishops” (28 April 2009), https://www.ewtn.com/catholicism/library/new-priests-blessing-bishops-4472.