Khi còn là một đứa trẻ và được cha mẹ đưa đến một trường dòng Tên, Ramón chưa bao giờ tưởng tượng rằng mình sẽ sống trong một cuộc chiến tranh hay sẽ làm giám đốc bệnh viện ở châu Phi. Khi 18 tuổi, Ramón bắt đầu học về Kinh doanh. Khi đó, chắc chắn anh không nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ sống ở một thị trấn hẻo lánh ở Mexico.
Trong thời gian này, Ramón hẹn hò với một thiếu nữ và cô gái này đã đóng một vai trò quan trọng trong câu chuyện đời anh với Thiên Chúa. Cô dạy Ramón về tình yêu Thiên Chúa qua tình yêu con người. Sau đó Ramón bắt đầu cộng tác với một tổ chức phi chính phủ và từ đó đi đến với thế giới. Ramón phát hiện ra rằng sự thoải mái của những người đang sống ở Bắc bán cầu là sản phẩm của tình trạng bất ổn tồn tại ở miền Nam. Tất cả điều này giúp anh nhận thức và nhận ra rằng mình muốn đứng về phía tất cả những người bị lãng quên.
Sau đó việc học đại học của Ramón không suôn sẻ, và Ramón cũng chia tay với bạn gái … Vào thời điểm đó trong cuộc đời Ramón đã tự hỏi: “Tại sao không trở thành một nhà truyền giáo?” Và anh đã gia nhập một nhóm các tu sĩ dòng Consolata, và anh rất thích các linh mục. Ramón bắt đầu phân định về ơn gọi của mình. Đó là một cuộc chiến giằng co giữa Chúa và Ramón … và cuối cùng thì Chúa đã chiến thắng.
Ramón đã chuyển từ ngành học kinh doanh sang triết học, thần học và sau đó chịu chức linh mục. Sau khi thụ phong linh mục, cha Ramón bắt đầu làm việc trong khu phố Tetuán với những người trẻ tuổi và cảm thấy thoải mái khi ở những vùng ngoại ô đó, nói chuyện với những người di cư …” Nhưng thân xác yêu cầu cha đi đến một vùng ngoại ô xa hơn. Cha được đề nghị đi đến Bờ Biển Ngà. Và đây là nơi bắt đầu hành trình truyền giáo quốc tế của cha.
Khi đến Châu Phi, cha Ramón nhận ra mình bị cuốn hút bởi thế giới văn hóa. Đó là một món quà từ Chúa để có thể bắt đầu một sứ mệnh, được sống ở một nơi mà trước đây chưa từng có người truyền giáo và thành lập một cộng đồng Ki-tô giáo từ con số không. Tuy nhiên, một năm sau, ước mơ và kế hoạch của cha đã bị dập tắt và cuộc nội chiến bắt đầu ở Bờ Biển Ngà. Một cuộc đảo chính xảy ra, chiến tranh bắt đầu bùng nổ và các nhà truyền giáo bị bỏ lại. Họ đã trải qua sáu năm chịu nhiều tổn thương. Niềm tin của cha vào Chúa Thánh Thần tăng lên rất nhiều, vì Chúa đã giữ họ ở lại đó mặc dù tất cả các bác sĩ đã bỏ đi. Giờ đây cha Ramón tự hỏi mình đã có thể lấy đâu ra sức mạnh để đối mặt với toàn bộ tình huống này. Cha cũng ý thức được sự nhỏ bé của mình. Thường khi một người đi truyền giáo thì có các phương tiện và giúp đỡ… còn cha thì ngược lại.
Sau 7 năm rưỡi, cha Ramón được đề nghị đi đến Congo để giúp đào tạo những tu sĩ trẻ của dòng Consolata. Cuộc sống của cha lại hoàn toàn thay đổi một lần nữa. Cha kể: “Đó là khoảng thời gian khó khăn vì tôi thấy mình là một nhà truyền giáo đồng quê hơn, mục vụ hơn, tiếp xúc với người dân. Tôi không thấy mình làm việc nhiều trong việc đồng hành với các tiến trình đào tạo. Tôi đã không làm tốt việc này; tôi đến từ trải nghiệm truyền giáo rất khó khăn và tôi cảm thấy mình giống như một người quay đầu về phía sau. Tôi thích các hoạt động hơn, ở ngoại ô, được ở với mọi người”.
Chúa đã giúp cho cha Ramón có thể trở lại Bờ Biển Ngà, lúc này không có chiến tranh. Tại đây, cha phụ trách việc điều hành một bệnh viện, và sau đó được chọn làm bề trên các nhà truyền giáo ở nước này. Với nhiệm vụ đó, cha dấn thân vào nơi mình đang ở và hòa nhập trong khu phố, nơi cha sống với những người trẻ thuộc mọi tôn giáo.
Sau 15 năm ở Bờ Biển Ngà và gần 4 năm ở Congo, cha Ramon lại được yêu cầu đi đến một nơi khác, đó là Mexico, nơi cha chưa từng đến. Cuộc sống của một nhà truyền giáo là như thế này. Giáo sư, nhà tâm lý học, người đồng hành, giám đốc bệnh viện, bề trên của các nhà truyền giáo …
Cha Ramon đã ở Mexico được bảy tháng, tại một thị trấn tên là San Antonio, cách Guadalajara 30 km. Cha làm việc với những người bình dân nghèo khổ trong các khu dân cư rộng lớn có từ 800 đến 7.000 gia đình. Cha đã hòa nhập rất tốt để đồng hành cùng các gia đình và mọi người, để là dấu hiệu sự an ủi của Chúa.
Những tin tức ít tích cực thường đến từ Mexico, nhưng Ramón nhận thấy một điều rất khác. Cha nói: “Trên tin tức có vẻ như chúng ta đang bị bao vây bởi các vụ xả súng và buôn bán ma túy, nhưng tôi thấy nhiều người vui vẻ chào đón và dễ dàng mở lòng với bạn”.
Tuy thế cha nhấn mạnh đến bạo lực trẻ em đang phổ biến ở đây. Cha kể: “Trong gần 80% các cuộc đối thoại của tôi với mọi người, tôi tìm thấy đằng sau đó là một câu chuyện về bạo lực, lạm dụng thời thơ ấu … Những người được giao phó cho tôi đã khóc một cách bất lực… Tôi đã tự hỏi mình đang làm gì ở Mexico, nhưng tôi đang sống những vùng ngoại biên hiện sinh rất mạnh mẽ ”. Cha Ramón cảm thấy hạnh phúc khi ở Mexico và nói rằng truyền giáo đã khiến cha trở nên tốt hơn, và đó là một đặc ân khi có thể ở lại vùng biên giới và trở thành “lính canh của nhân loại”. (Aleteia 29/10/2020)