Đấng An Ủi và Những Người Biết An Ủi


ĐẤNG AN ỦI VÀ NHỮNG NGƯỜI BIẾT AN ỦI

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

WGPMT (22.05.2023) – “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho các con một Đấng Bảo Trợ khác, đến ở với các con luôn mãi” (Ga 14,16). Chúa Giêsu nói với các môn đệ như thế. Đấng Bảo Trợ, Đấng Bầu Chữa, Trạng sư, Đấng An Ủi… là những cách dịch khác của cùng một từ trong tiếng Hi Lạp: Parakletos. Danh hiệu Parakletos chỉ xuất hiện trong các văn bản của thánh Gioan. Các bản dịch có thể dùng các từ khác nhau để diễn tả danh hiệu này, kể cả sau này trong nhiều ngôn ngữ phương Tây, người ta dùng một từ gần sát với nguyên ngữ Hi Lạp, chẳng hạn Paraclete (tiếng Anh), Paraclet (tiếng Pháp).  Ngay thánh Giêrônimô khi dịch từ Parakletos trong sách Tin Mừng Gioan sang tiếng La tinh, ngài dùng từ Paracletus, nhưng khi dịch 1Ga 2,1, ngài lại dùng từ Advocatus.

Ở đây chúng ta dùng từ Đấng An Ủi để dịch Parakletos, dựa trên Thư thứ hai của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô: – “Chúc tụng Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ngài là Cha giàu lòng từ bi nhân ái, là Thiên Chúa mọi niềm an ủi, Đấng an ủi chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa an ủi, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó” (2 Cr 1,3-4). Trong câu này không có danh từ Parakletos nhưng có từ gốc parakaleo (an ủi) và được nhắc đi nhắc lại 4 lần!

Theo đó, có thể đọc Ga 14,16: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho các con một Đấng An Ủi khác”. Chúa nói về Đấng An Ủi khác, điều đó hàm nghĩa là chính Chúa Giêsu đã là Đấng An Ủi, và Thánh Thần là Đấng mà qua Ngài, Chúa Giêsu tiếp tục an ủi, chữa lành tất cả chúng ta. Điều này thể hiện rất rõ trong Bí tích Giải Tội qua công thức linh mục đọc khi ban phép xá giải: “Thiên Chúa là Cha hay thương xót đã nhờ sự chết và sự sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội. Xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho con ơn tha thứ và bình an”.

Chúa Giêsu là Đấng An Ủi, Chúa Thánh Thần là Đấng An Ủi, và tất cả những ai mang danh Kitô hữu cũng phải trở thành người an ủi kẻ khác. Hồng y Raniero Cantalamessa khẳng định như thế: “Nếu thực sự Kitô hữu được gọi là alter Christus, một Kitô khác, thì họ cũng phải là một “người an ủi” (Le regard de la misericorde, 200). Và nhà giảng thuyết của Giáo triều Rôma giải thích thêm: “Có thể nói cách nào đó, Chúa Thánh Thần cần chúng ta trở thành những người biết an ủi. Ngài muốn an ủi, khích lệ, bảo vệ, nhưng Ngài không có tay cũng chẳng có miệng để cụ thể hóa sự an ủi này. Vì thế Ngài muốn dùng ánh mắt, bàn tay, môi miệng của chúng ta. Cũng như linh hồn hoạt động qua các chi thể của thân xác thế nào thì Thánh Thần cũng hoạt động như thế qua các chi thể trong Thân Thể Chúa là Hội Thánh, và chúng ta là những chi thể trong Thân Thể ấy” (Ibid., 202).

Vấn đề là an ủi như thế nào? Thưa, theo thánh Phaolô, đó là sự an ủi “sau khi đã được Thiên Chúa an ủi”, tức là có kinh nghiệm về sự an ủi của Thiên Chúa, đó là sự an ủi đến từ Thiên Chúa chứ không chỉ là của loài người. Đây không chỉ những lời khích lệ hình thức như “Can đảm lên! Mọi sự rồi sẽ qua”! cũng không chỉ là những cử chỉ và lời nói khéo léo về tâm lý, nhưng là sự an ủi của đức tin, an ủi bằng Lời Chúa, làm cho chúng ta thêm vững lòng trông cậy trong mọi hoàn cảnh: “Mọi lời đã chép trong Kinh Thánh đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy” (Rm 15,4).

Đây cũng là điều Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh trong diễn văn dành cho Caritas quốc tế mới đây: “Không có lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Cha, nguồn mọi thiện hảo; không có kinh nghiệm về tình bạn hữu với Chúa Kitô, Đấng mặc khải khuôn mặt của tình yêu Ba ngôi; không có sự hướng dẫn của Thánh Thần là Đấng hướng dẫn lịch sử nhân loại đến sự sống dồi dào (Ga 10,10), thì chẳng còn gì ngoài vẻ bên ngoài – chẳng còn sự tốt lành thực sự mà chỉ là dáng vẻ tốt lành bên ngoài. Chúng ta dễ đánh mất tầm nhìn về mục đích của diakonia (sự phục vụ) mà chúng ta được kêu gọi, là chia sẻ niềm vui Phúc Âm và sứ điệp Phúc Âm về sự hiệp nhất, công lý và hòa bình. Chúng ta dễ chạy theo cách nghĩ của thế gian, cách nghĩ dẫn chúng ta đến chủ trương duy hoạt động thực dụng hoặc chỉ quan tâm đến mình, đó là những cách nghĩ gây tổn thương cho thân thể Hội Thánh” (17/05/2023).

Nguồn: giaophanmytho.net