Vatican News
Ngoài công việc mục tại giáo xứ, cha Antonius cùng với các cộng tác viên đi đến thăm các cộng đoàn. Để di chuyển đến các nơi này không dễ, thường phải đi bộ trong các khu rừng rậm rạp, hoặc chèo xuồng dọc theo sông Sila’oinan, hay các con đường đá nguy hiểm. Nhưng theo cha, ở những nơi truyền giáo này cha thấy được sự đơn sơ của Tin Mừng và đức tin. Dân làng nghèo nhưng từ nơi học hỏi được nhiều điều.
Với khẩu hiệu “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta”, các nhà thừa sai đi đến 26 trạm truyền giáo nằm ở các ngôi làng. Cha kể lại một lần đi đến khu vực ở Sila’oinan, làng Stasi Bekkeilu: Sau 4 giờ di chuyển cha được giáo lý viên Adrianus Sagulu cũng là người đứng đầu cộng đoàn và mọi người chào đón. Tất cả đã sẵn sàng chờ cha đến dâng Thánh lễ, gặp gỡ và chia sẻ Lời Chúa. Ngôi làng, nơi sinh sống của 26 gia đình Công giáo và 5 gia đình Hồi giáo là một trạm truyền giáo xa xôi không có điện. Trong ngôi nhà thờ nhỏ được người bản địa xây dựng có được một chút ánh sáng nhờ sử dụng hệ thống nhỏ năng lượng mặt trời do một số giáo dân đã tìm cách mang theo, nhưng thực sự cũng chẳng giúp gì nhiều trong việc đọc Sách Thánh. Tất nhiên, không có Internet và tên của ngôi làng chưa được ghi trong ứng dụng Google Maps. Cha nói: “Tuy nhiên, trong khu định cư xa xôi bị thế giới lãng quên này, hành trình truyền giáo-mục vụ với bốn người trẻ đồng hành luôn là một kinh nghiệm thú vị và phong phú”.
Cha giải thích trạm truyền giáo này cách trung tâm giáo xứ Đức Mẹ Mông Triệu khoảng 20 km, và gần các trạm khác của Bekkeilu, Salappa và Magosi. Người dân Mentawai được thiên nhiên ưu đãi, vì thế họ không cố gắng nhiều trong các hoạt động canh tác đất đai để tạo lợi nhuận kinh tế. Sự tiếp xúc sâu sắc và cộng sinh với thiên nhiên là những yếu tố ủng hộ sự hiện diện của đức tin Công giáo. Trong khu vực này mặc dù có sự hiện diện của Hồi giáo nhưng không có “sự cạnh tranh” giữa Kitô giáo và Hồi giáo, trái lại có sự chung sống, hiểu biết và trao đổi.
Trong khu vực Mentawai việc đào tạo giáo lý viên là một ưu tiên, đặc biệt là phải nói và giúp mọi người hiểu mầu nhiệm Thập giá của Chúa Kitô. Vì thế với khả năng sẵn có, cha đã vẽ 14 chặng đàng Thánh giá trên các tấm ván do người dân mang đến. Để hoàn thành công trình cha đã ở lại trạm truyền giáo này trong bốn ngày cùng làm việc với những ai có thể cộng tác. Công việc được thực hiện ngay trước mái hiên nhà giáo dân. Và điều thú vị đã xảy ra trong lúc cha vẽ: mọi người đi ngang qua và dừng lại quan sát các bảng vẽ, trong số đó có cả người Hồi giáo. Theo cha, trong một ngôi làng đa số là Hồi giáo các tác phẩm nghệ thuật là cơ hội để người dân địa phương mở lòng và tự tin trong cuộc đối thoại với anh chị em Hồi giáo.
Để hiệp nhất người dân Mentawai trong một sự hiệp thông thiêng liêng, cha luôn cố gắng dâng Thánh lễ tại Trung tâm Mục vụ Sagulubbe, với sự tham dự của các đại diện hội đồng mục vụ của sáu trạm khác. Từ Sagulubbe, để đến được các trạm truyền giáo khác, các vị thừa sai phải đi bộ băng qua một con dốc, với mặt đường trơn dốc, bề ngang chỉ có 40 cm, một bên là thác nước chảy và bên kia là thung lũng sâu. Nếu không cẩn thận có thể trượt chân ngã và chết đuối dưới thác nước. Hành trình vất cả nhưng khi đến nơi niềm vui của các nhà thừa sai vỡ oà khi chứng kiến nhiều người đã tụ họp để lãnh nhận Bí tích Hoà giải trước khi tham dự Thánh lễ. Cha Antonius chia sẻ: “Tiếng hát ca tụng Chúa của các tín hữu là món quà và phần thưởng lớn nhất đối với tôi trong hành trình đem Tin Mừng đến với mọi người”.
Giáo hội Công giáo sẽ tiếp tục dấn thân chăm sóc mục vụ và phát triển cộng đồng Mentawai, đặc biệt giáo dục trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên, như trao học bổng đại học.
Hoạt động truyền giáo âm thầm nhưng nhiều kiên nhẫn này đang mang lại hoa trái. Tạp chí của Giáo phận Padang ghi chú: “Có thể thấy được sự phát triển của cộng đoàn Công giáo trong quần đảo Mentawai không? Câu trả lời là có. Số tín hữu trong khu vực tiếp tục gia tăng”. Tạp chí của Giáo phận cũng cho biết trong bối cảnh văn hoá của người dân bản địa đang bị phai mờ, Giáo hội Công giáo tìm cách củng cố cộng đoàn không chỉ từ cái nhìn văn hoá và tôn giáo nhưng còn giúp phát triển văn hoá và kinh tế xã hội, đặc biệt qua giáo dục và phát triển cộng đồng, để mở rộng tầm nhìn của các thế hệ trẻ.