ĐTC cầu nguyện cho các nạn nhân của nạn lạm dụng tính dục trong Giáo hội Pháp

 Sau khi một bản báo cáo về vấn đề lạm dụng tính dục trong Giáo hội Pháp được công bố, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh Matteo Bruni cho biết Đức Thánh Cha nhớ đến và cầu nguyện trước hết cho các nạn nhân, những người đã phải chịu đựng và có can đảm để nói ra.

Ngày 5/10/2021, sau cuộc điều tra kéo dài 2 năm rưỡi, ủy ban độc lập do các giám mục Pháp và Ủy ban Tu sĩ Pháp thành lập vào năm 2018 đã công bố một báo cáo dài 2.500 trang, cho thấy, trong khoảng thời gian 70 năm, có tổng cộng khoảng 216.000 (với sai số 50 ngàn) người ở Pháp là nạn nhân vị thành niên bị lạm dụng tính dục trong Giáo hội Pháp, bởi khoảng từ 2.900 đến 3.200 linh mục và tu sĩ; con số nạn nhân lên đến 330.000 nếu tính cả các vụ gây nên bởi các nhân viên giáo dân, chủ yếu trong các trường học.

Đức Thánh Cha đau buồn cho các nạn nhân và cám ơn sự can đảm của họ

Ông Bruni cho biết Đức Thánh Cha đã đau buồn biết về nội dung bản báo cáo khi các giám mục Pháp về Roma viếng mộ hai thánh Tông đồ và thăm các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Nói với các nhà báo, ông Bruni nhấn mạnh rằng Đức Thánh Cha nghĩ đến và cầu nguyện “trước hết cho các nạn nhân” và “các vết thương của họ”. Đức Thánh Cha cũng biết ơn vì họ đã “can đảm nói ra” và vì “hướng đến với Giáo hội Pháp, nhờ đó, khi nhận thức được thực tế kinh khủng này và hiệp nhất với sự đau khổ của Chúa vì các trẻ em dễ tổn thương của mình, Giáo hội có thể đi con đường cứu chuộc”.

Ông Bruni kết luận: “Bằng những lời cầu nguyện của mình, Đức Giáo hoàng đã phó thác Dân Chúa ở Pháp, đặc biệt là các nạn nhân, cho Thiên Chúa để Người ban cho họ sự an ủi và phép lạ chữa lành, với công lý”.

Giáo hội cần hành động mạnh mẽ

Uỷ ban điều tra độc lập do ông Jean-Marc Sauvé, một quan chức cấp cao của Pháp và cựu phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đứng đầu. Công việc của uỷ ban này là xác lập các dữ kiện liên quan đến các trường hợp ấu dâm trong Giáo hội Pháp từ năm 1950 đến 2020, để hiểu tại sao và cách chúng xảy ra, cũng như cách chúng được xử lý, xem xét hành động của Giáo hội chống lại nạn ấu dâm và đưa ra các khuyến nghị.

Một cuộc họp báo, được kênh Công giáo Pháp KTO truyền hình trực tiếp vào sáng thứ Ba 5/10/2021, cũng có sự tham dự của đại diện các hiệp hội các nạn nhân.

Mặc dù thừa nhận rằng báo cáo không thể đầy đủ, ông Sauvé đã trình bày nội dung của nó, cung cấp dữ liệu chính xác đã được thu thập trên các lĩnh vực khác nhau: bao gồm thần học, y học, xã hội học, nhân chủng học, tâm thần học hoặc dân sự và giáo luật.

Ông Sauvé cho biết tổng thể, năm triệu rưỡi người đã bị tấn công tình dục khi chưa tròn 18 tuổi ở Pháp. Gia đình và bạn bè thân thiết vẫn là bối cảnh có tỷ lệ bạo lực tình dục cao nhất, nhưng Giáo hội Công giáo cũng là nơi có tỷ lệ cao, nơi hầu hết các vụ lạm dụng (80%) liên quan đến các trẻ nam.

Chủ tịch của Uỷ ban độc lập đã kêu gọi Giáo hội theo đuổi “những hành động mạnh mẽ”, bằng cách thừa nhận những thiếu sót trong quá khứ (bao gồm cả ‘luật im lặng’) và cải thiện việc đào tạo và sự phân định ơn gọi như một cách để ngăn chặn hiện tượng này. Ông cũng cảnh báo về điều mà ông gọi là “sự thần thánh hóa” quá mức đối với các linh mục.

45 khuyến nghị

Báo cáo của Uỷ ban độc lập đưa ra 45 khuyến nghị cụ thể, bao gồm các cơ chế kiểm soát nội bộ mạnh mẽ hơn, định nghĩa rõ ràng hơn về vai trò của giám mục để đảm bảo việc kiểm tra các vụ việc một cách khách quan và tăng cường sự tham gia của giáo dân vào việc điều hành Giáo hội.

Kêu gọi một “công việc của sự thật, tha thứ và hòa giải”, ông Sauvé nhấn mạnh rằng Giáo hội Công giáo là “một thành phần thiết yếu của xã hội” và Giáo hội phải nỗ lực để “thiết lập lại một liên minh” với nó. Ông kết luận: “Giáo hội có thể và phải làm mọi cách để khôi phục những gì đã bị hư hại và xây dựng lại những gì đã bị phá vỡ”.

Phản ứng của Chủ tịch Hội đồng giám mục Pháp và Chủ tịch Uỷ ban tu sĩ Pháp

Sau phần trình bày của ông Sauvé, Đức tổng giám mục Moulins-Beaufort, Chủ tịch Hội đồng giám mục Pháp đã nhìn nhận mức độ lạm dụng tính dục khủng khiếp trong Giáo hội Pháp và cảm ơn các nạn nhân; ngài đảm bảo quyết tâm hành động với họ và thay đổi thái độ của giới lãnh đạo Giáo hội. Ngài hứa rằng các Giám mục Pháp sẽ dành thời gian để nghiên cứu báo cáo và đưa ra kết luận trong cuộc họp toàn thể vào tháng 11.

Nữ tu Véronique Margron, Chủ tịch Ủy ban Tu sĩ của Pháp, cũng bày tỏ “nỗi buồn vô hạn” và “sự xấu hổ tột cùng” của mình khi đối mặt với cái mà sơ gọi là “tội ác chống lại nhân loại”. Sơ lưu ý rằng 45 Khuyến nghị là một dấu hiệu đòi hỏi của sự tin tưởng vào Giáo hội”.

Hồng Thủy – Vatican News