Vatican News
Ý thức hệ về giống “xóa bỏ tính nhân văn”
Trước hết, sau lời chào ngắn gọn, Đức Thánh Cha phê bình ý thức hệ về giống, vốn xóa bỏ những khác biệt: “Nó đang xóa bỏ tính nhân văn”. Ngài đã nhiều lần lên án nó trong quá khứ, gọi đó là “sự thực dân hóa về ý thức hệ”, “sai lầm của tâm trí con người”, “biểu hiện của sự thất vọng và cam chịu”, “sóng thần”, “chiến tranh hôn nhân” hay “bất chính” và “vô cùng nguy hiểm”. Hôm nay, một lần nữa Đức Thánh Cha Phanxicô coi ý thức hệ về giống là “mối nguy hiểm” ngày nay và tuyên bố rằng ngài đã “yêu cầu thực hiện các nghiên cứu về hệ tư tưởng xấu xa này của thời đại chúng ta”, hệ tư tưởng “hủy bỏ những khác biệt và khiến mọi thứ trở nên giống nhau”.
Vào tháng 6 năm 2019, Bộ Giáo dục Công giáo lúc bấy giờ đã xuất bản một tài liệu có tựa đề Người đã tạo dựng nên họ Nam và Nữ. Để có một cách đối thoại về vấn đề giới tính trong giáo dục, một công cụ hữu ích để giải quyết cuộc tranh luận về tình dục con người và những thách thức nổi lên trong thời điểm giáo dục khẩn cấp hiện nay. Hôm nay Đức Phanxicô giải thích rằng việc suy tư về chủ đề này vẫn tiếp tục.
“Con người là một ơn gọi”
Vì vẫn còn bị cảm, bài diễn văn của Đức Thánh Cha được Đức ông Ciampanelli đọc. Đầu bài diễn văn, Đức Thánh Cha bày tỏ mong muốn bằng cách nhắc lại lời của Đức Hồng y Marc Ouellet rằng “chúng ta chưa phải là những vị thánh, nhưng chúng ta hy vọng sẽ luôn ở trên con đường trở thành một vị thánh, đây là ơn gọi đầu tiên mà chúng ta đã nhận được!”.
Nhìn các ơn gọi dưới chiều kích nhân học, Đức Thánh Cha nhắc chúng ta rằng “con người là một ơn gọi”. Ngài giải thích: “Mỗi người chúng ta, cả trong những lựa chọn quan trọng liên quan đến một bậc sống cũng như trong vô số cơ hội và hoàn cảnh mà chúng được thực hiện và cấu thành, đều khám phá và thể hiện mình như được mời gọi, như một ơn gọi, như một con người nhận ra chính mình trong việc lắng nghe và đáp lại, chia sẻ con người và các tài năng của mình với người khác vì lợi ích chung”.
Một hữu thể trong các mối quan hệ
Đức Thánh Cha nói rằng khám phá này đưa chúng ta ra khỏi sự cô lập của một cái tôi tự quy chiếu và khiến chúng ta nhìn bản thân như một căn tính trong mối quan hệ: mối quan hệ với người sinh ra mình, với thực tại siêu việt, với tha nhân và thế giới xung quanh; tôi được mời gọi thực hiện một sứ mạng cụ thể và cá nhân với niềm vui và trách nhiệm. Ngài khẳng định: “Chân lý nhân học này là nền tảng vì nó đáp ứng trọn vẹn ước muốn đạt được sự viên mãn và hạnh phúc của con người đang sống trong tâm hồn chúng ta”.
Sự hiện hữu của chúng ta là một kế hoạch của Thiên Chúa
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nhận định: “Trong bối cảnh văn hóa ngày nay, đôi khi chúng ta có xu hướng quên đi hoặc che khuất thực tại này, có nguy cơ giản lược con người chỉ vào những nhu cầu vật chất hoặc những nhu cầu cơ bản, như thể họ là một vật thể không có lương tâm và ý chí, chỉ đơn giản bị cuộc sống kéo lê như một phần của một thiết bị cơ khí.” Trái lại, “người nam và người nữ được Thiên Chúa tạo dựng và là hình ảnh của Đấng Tạo Hóa; nghĩa là, họ mang trong mình niềm khao khát vĩnh cửu và hạnh phúc mà chính Thiên Chúa đã gieo vào lòng họ và họ được mời gọi thực hiện qua một ơn gọi cụ thể. Vì lý do này, trong chúng ta tồn tại một sự căng thẳng nội tâm lành mạnh mà chúng ta không bao giờ được bóp nghẹt: chúng ta được mời gọi đến hạnh phúc, đến sự sống sung mãn, đến một điều gì đó cao cả mà Thiên Chúa đã tiền định cho chúng ta. Cuộc đời của mỗi chúng ta, không có ngoại lệ, không phải là một sự tình cờ; sự tồn tại của chúng ta trên thế giới không chỉ là kết quả của sự ngẫu nhiên, mà chúng ta là một phần của kế hoạch tình yêu và chúng ta được mời gọi thoát ra khỏi chính mình và nhận ra điều đó, cho chính mình và cho người khác”. (CSR_930_2024)