Trưa Chúa nhật, 12/7/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô.
Hiện diện tại quảng trường để tham dự buổi đọc kinh, lúc 12 giờ trưa, có khoảng hơn 1.000 tín hữu giữa trời nắng gắt. Biên giới giữa Ý và các nước ngoài Âu châu vẫn chưa được mở ra vì đại dịch, nên số du khách và tín hữu hành hương đến Roma vẫn còn ít ỏi.
Huấn dụ của Đức Thánh cha
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng Chúa nhật thứ XV thường niên năm A, về dụ ngôn của Chúa Giêsu về người gieo hạt giống để áp dụng vào việc đón nhận Lời Chúa trong đời sống thường nhật của tín hữu.
Đức Thánh cha nói: “Trong bài Tin mừng Chúa nhật này (Xc Mt 13,1-23), Chúa Giêsu kể lại với đông đảo dân chúng dụ ngôn người gieo giống, gieo hạt vào bốn loại thửa đất khác nhau. Lời Chúa, được tượng trưng bằng hạt giống, không phải là một Lời trừu tượng, nhưng là chính Chúa Kitô, Ngôi Lời của Chúa Cha nhập thể trong lòng Đức Maria. Vì thế, đón nhận Lời Chúa có nghĩa là đón nhận chính con người của Chúa Kitô.”
Bốn cách thức đón nhận Lời Chúa
“Có nhiều cách thức đón nhận Lời Chúa. Chúng ta có thể làm như một con đường, nơi mà hạt giống gieo xuống, tức khắc chim bay đến và ăn mất. Đó là sự lãng trí, một nguy cơ lớn thời nay. Bị vây bủa vì bao nhiêu những câu chuyện tầm phào, bao nhiêu ý thức hệ, bao nhiêu cơ hội giải trí trong và ngoài nhà, người ta có thể đánh mất cái thú thinh lặng, tịnh niệm, đối thoại với Chúa, đến độ có nguy cơ đánh mất đức tin.”
“Hoặc chúng ta cũng có thể đón nhận Lời Chúa như một thửa đất sỏi đá, ít đất. Tại đó, hạt giống nẩy mầm ngay, nhưng chẳng bao lâu bị khô héo vì không ăn rễ sâu được. Đó là hình ảnh sự phấn khởi hăng hái ban đầu, nhưng nó chỉ hời hợt, không hấp thụ Lời Chúa. Và thế là, khi đứng trước khó khăn đầu tiên, trước một đau khổ, một xao xuyến trong cuộc sống, đức tin còn yếu ớt ấy tan biến, như hạt giống bị khô héo vì rơi giữa sỏi đá.”
“Chúng ta cũng có thể đón nhận Lời Chúa như một thửa đất nơi có những bụi gai. Và gai là sự lừa đảo của giàu sang, thành công, những lo lắng trần tục. Tại đó, Lời Chúa bị ngộp và không thể sinh hoa kết trái.”
“Sau cùng, chúng ta có thể đón nhận Lời Chúa như một thửa đất tốt. Chỉ tại đây, Lời Chúa mới bám rễ và mang lại hoa trái. Hạt giống rơi vào thửa đất màu mỡ này, tượng trưng những người lắng nghe Lời Chúa, đón nhận, cẩn giữ trong tâm hồn và mang ra thực hành trong đời sống thường nhật.”
Áp dụng vào đời sống
Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Dụ ngôn người gieo giống này phần nào cũng là “mẹ” của tất cả các dụ ngôn, vì nói về việc lắng nghe Lời Chúa. Nó nhắc nhở chúng ta rằng Lời Chúa là một hạt giống tự mình là phong phú và hiệu năng; chính Thiên Chúa quảng đại gieo vãi khắp nơi, không bận tâm tới sự phí phạm. Tâm hồn Thiên Chúa là như thế! Mỗi người chúng ta là một thửa đất, trên đó hạt giống Lời Chúa rơi xuống, không trừ một ai! Chúng ta có thể tự hỏi: tôi thuộc loại thửa đất nào? Tôi giống con đường, thửa đất sỏi đá, hay bụi gai? Nhưng nếu muốn, chúng ta có thể trở nên thửa đất tốt, được cày bừa kỹ lưỡng, để làm cho hạt giống trưởng thành. Hạt giống ấy đã hiện diện trong tâm hồn chúng ta, nhưng làm cho hạt giống ấy sinh hoa kết quả, đó là điều tùy thuộc chúng ta, tùy thuộc sự đón nhận mà chúng ta dành cho hạt giống ấy. Nhiều khi ta bị chia trí vì quá nhiều bận tâm, quá nhiều những kêu mời, và khó nhận ra, giữa bao nhiêu lời nói và những tiếng ồn ào, Lời Chúa là lời duy nhất làm cho chúng ta được tự do.”
Đến đây, Đức Thánh cha ứng khẩu và nhắc lại lời khuyên ngài thường đưa ra: đó là mỗi người tập thói quen mang trong túi một cuốn Phúc âm để thỉnh thoảng đọc một đoạn. Cùng với thói quen đọc Lời Chúa như vậy, chúng ta cũng hãy tự hỏi xem hạt giống Lời Chúa được chúng ta đón nhận như thế nào.
Và Đức Thánh cha kết luận với lời nguyện: “Xin Đức Trinh Nữ Maria, mẫu gương tuyệt hảo về thửa đất tốt và mầu mỡ, giúp chúng con, qua lời nguyện cầu của Mẹ, trở thành thửa đất sẵn sàng, không gai góc hoặc sỏi đá, để chúng con có thể mang lại những hoa trái tốt lành cho chúng con và các anh chị em chúng con”.
Nhắn nhủ và mời gọi
Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh cha còn nhắc nhở rằng:
“Anh chị em thân mến,
“Chúa nhật thứ Hai của tháng Bảy hôm nay, là “Ngày Quốc tế về Biển”. Tôi thân ái chào thăm tất cả những người làm việc trên biển cả, đặc biệt những người phải xa những người thân yêu và đất nước của họ. Tôi chào thăm những người đã nhóm họp sáng hôm nay tại cảng Civitavecchia Tarquinia để cử hành thánh lễ.”
Đây là cảng chỉ cách Roma khoảng 60 cây số về hướng bắc.
Đức Thánh cha cũng ứng khẩu nhắc đến biến cố nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ bãi bỏ qui chế bảo tàng viện của Đền thờ Hagia Sophia ở Istanbul, và tuyên bố biến cải thành Đền thờ Hồi giáo và việc phụng tự tại đây sẽ bắt đầu từ ngày 25/7 tới đây, bất chấp sự phản đối của quốc tế, nhất là của các Giáo hội Chính thống. Đức Thánh cha nói: “Tôi rất đau buồn về điều này”!
Hagia Sophia, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa “Khôn ngoan thánh thiêng” được xây cất hồi thế kỷ thứ VI và hồi đó là thánh đường lớn nhất thế giới. Sau khi chiếm đoạt thành Constantinople, nay là Istanbul, đế quốc Ottoman đã biến thánh đường Kitô này thành một Đền thờ Hồi giáo hồi năm 1453. Dưới thời ông Mustafa Kemal, người lập Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, đền thờ này bị biến thành một bảo tàng viện hồi năm 1934 và kéo dài đến nay. Và nay tái biến thành đền thờ Hồi giáo.
Đức Thánh cha cũng nói rằng: “Tôi chào thăm tất cả anh chị em, các tín hữu Roma và những người hành hương từ các nước, đặc biệt là các gia đình thuộc Phong trào Focolari, Tổ Ấm. Với lòng biết ơn, tôi chào thăm đại diện của ngành Mục vụ Sức khỏe của giáo phận Roma, và tôi nghĩ đến bao nhiêu linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân đã ở cạnh các bệnh nhân trong thời đại dịch này.”
Sau cùng, Đức Thánh cha nói: “Tôi cầu chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật tốt đẹp. Và xin anh chị em vui lòng đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em ăn trưa ngon và chào tạm biệt anh chị em.”
G. Trần Đức Anh, O.P.