Đức Thánh Cha tiếp Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống

Sáng thứ Hai ngày 12/02, Đức Thánh Cha tiếp các thành viên Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống, đang tham dự cuộc gặp gỡ nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập. Ngài cảnh báo: “Khả năng ngày càng tăng của khoa học và công nghệ có thể khiến con người nghĩ mình đang tham gia vào một hành động sáng tạo như Thiên Chúa đã làm, nghĩa là tạo ra hình ảnh và giống với sự sống con người.
 

Vatican News

Trong bài nói chuyện, trước hết, Đức Thánh Cha cám ơn Hàn lâm viện Toà Thánh vì sự dấn thân thúc đẩy nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học đời sống và sức khoẻ. Tiếp đến, đề cập đến vấn đề mọi người đang tập trung thảo luận trong những ngày tham dự cuộc gặp gỡ về điều tối quan trọng trong đời sống con người, Đức Thánh Cha cho rằng đây là một chủ đề quan trọng, đã được nói đến từ xưa nhưng luôn mới. Ngày nay, trước việc người ta kêu gọi phân biệt giữa quá trình tự nhiên và nhân tạo, thì điều cần thiết là đặt kiến thức khoa học và công nghệ vào trong một chân trời ý nghĩa rộng lớn hơn, và nhờ đó tránh được quyền bá chủ của một mô hình kỹ trị.

Theo Đức Thánh Cha, khả năng ngày càng tăng của khoa học và công nghệ có thể dẫn con người đến chỗ nghĩ mình là nhân vật chính của hành động sáng tạo như Thiên Chúa đã làm, nghĩa là tạo ra hình ảnh và giống với sự sống con người, bao gồm khả năng ngôn ngữ. Do đó, ngài đặt câu hỏi: “Trong khả năng con người, có thể truyền thần khí vào vật chất vô tri không?” Ngài nói tiếp: “Cám dỗ thật nguy hiểm. Điều được yêu cầu ở chúng ta là phân định làm thế nào khả năng sáng tạo được giao phó cho con người có thể được thực hiện một cách có trách nhiệm. Nói cách khác, làm thế nào chúng ta có thể đầu tư tài năng chúng ta đã nhận được trong khi ngăn chặn việc con người bị làm biến dạng và những khác biệt cơ bản vốn mang lại trật tự cho vũ trụ bị hủy bỏ (St 1-3)”.

Từ đây, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến nhiệm vụ nhân loại học:  thách đố của chúng ta là phát triển một nền văn hóa, bằng cách tích hợp các nguồn lực khoa học và công nghệ, có khả năng nhìn nhận và thăng tiến con người trong tính đặc thù không thể giản lược. Và nhiệm vụ tiếp theo là văn hoá, nhằm định hình và hướng dẫn các năng lượng tự phát của cuộc sống và các tập tục xã hội.

Đối với Đức Thánh Cha, ngoài chủ đề cuộc gặp gỡ, thì cách tiếp cận vấn đề cũng là những thách đố cho các thành viên của Hàn lâm viện Toà Thánh. Đầu tiên, các thành viên đang nỗ lực mang lại một cuộc đối thoại hiệu quả, cuộc trao đổi liên ngành. Kiểu đối thoại này cho phép mỗi người đưa ra những suy tư của mình trong khi trao đổi quan điểm. Thứ hai, trong cách lên kế hoạch cho các cuộc thảo luận, có thể thấy phương pháp hiệp hành là phù hợp để giải quyết các chủ đề trọng tâm của Hàn lâm viện. Quá trình này đòi hỏi khắt khe, vì bao gồm sự chú ý cẩn thận và tự do của tinh thần, cũng như sự sẵn sàng bắt đầu những con đường chưa biết và chưa được khám phá.

Ngài kết luận rằng đối với vấn đề này, Kitô giáo luôn đưa ra những đóng góp ý nghĩa, tiếp thu những yếu tố có ý nghĩa từ mọi nền văn hoá, ở nơi văn hoá đã bén rễ và giải thích lại trong ánh sáng của Chúa Kitô và Tin Mừng. Đây là một quá trình lâu dài và liên tục, đòi hỏi một cách tiếp cận trí tuệ có khả năng tập hợp nhiều thế hệ.