Quỹ Phát Triển các Dân tộc cho châu Mỹ Latinh do Thánh Gioan Phaolô II thành lập trong năm 1992, kỷ niệm 100 năm bắt đầu loan báo Tin Mừng của lục địa Mỹ Latinh, và ủy thác việc điều hành cho Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, Đồng Tâm. Với sự cộng tác của Hội đồng Giám mục Ý, Quỹ nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển toàn diện của các cộng đồng nông dân người bản địa và Mỹ gốc Phi ở Mỹ Latinh, và làm chứng cho sự gần gũi của Giáo hoàng thông qua các hoạt động bác ái.
Theo Tông hiến Praedicate Evangelium, về cải tổ Giáo triều Roma, Quỹ này không còn nằm ở trung tâm của Giáo triều nữa. Đức Thánh Cha giao cho Liên Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh (Celam) giúp Toà Thánh phân tích các dự án và việc thực hiện chúng. Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện sẽ giữ trách nhiệm quản lý Quỹ.
Trong buổi tiếp kiến các thành viên của Hội đồng Quản trị Quỹ Phát triển các Dân tộc, Đức Thánh Cha cũng đã nhắc đến việc thay đổi này. Ngài nói: “Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đến tất cả những người đã làm việc cho Quỹ này, giờ đây mặc dù có thay đổi, nhưng tổ chức vẫn duy trì sứ vụ và là một hoạt động bác ái của Giáo hoàng”.
Đức Thánh Cha mời gọi các thành viên sống tinh thần hiệp hành mà toàn thể Giáo hội đang thực hiện. Nghĩa là phải tiến triển như một Giáo hội của người Samari tốt lành, an ủi, dấn thân và cúi xuống để chạm vào những vết thương của Chúa Kitô nơi dân chúng.
Ngài lưu ý rằng ngay từ những ngày đầu thành lập, Quỹ được tài trợ như nhau bởi các Giáo hội địa phương của lục địa, và việc phê duyệt các dự án bác ái và phân phối quỹ được thực hiện bởi các cá nhân đến từ các khu vực nơi các sáng kiến được thực hiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cần phải thúc đẩy mối liên kết mạnh mẽ hơn với các Giáo hội địa phương, để thực hiện các chương trình phát triển toàn diện hiệu quả hơn trong các cộng đồng bản địa và con cháu của người Mỹ gốc Phi bị bỏ quên, đang rơi vào cảnh khốn cùng và bị coi thường.
Đức Thánh Cha kết luận rằng vì lý do này, ngài đã kêu gọi Liên Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh giúp Toà Thánh phân tích các dự án của Quỹ và hỗ trợ thực hiện chúng. Và ngài nói thêm: “Nếu các sáng kiến liên đới được thực hiện một cách khôn ngoan và nhất quán, thì chúng sẽ là dấu hiệu hy vọng cho nhiều người”.