Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Trong giáo xứ của con, nhà chầu Thánh Thể nằm phía trái bàn thờ, và nhà tạm có thể được nhìn thấy cho khoảng một phần ba giáo dân ngồi ở ghế của họ. Như vậy, trong khi cầu nguyện ở ghế trước khi Thánh lễ bắt đầu, chúng con là đang cầu nguyện trước Thánh Thể không, thưa cha? – T. B., Courtenay, British Columbia, Canada.
Đáp: Các quy định liên quan đến vị trí của nhà tạm, được tìm thấy trong Quy Chế Tổng Quát Sách lễ Rôma (GIRM), là:
“Nơi lưu giữ Mình Thánh Chúa
“314. Tùy theo cấu trúc của mỗi nhà thờ và theo thói quen chính đáng của mỗi địa phương, nên lưu giữ Mình Thánh Chúa trong một nhà tạm đặt trong một nơi trang trọng xứng đáng, dễ thấy, có trang trí và thích hợp cho việc cầu nguyện. Thông thường thì chỉ có một nhà tạm, không thể di chuyển, làm bằng vật liệu cứng, chắc chắn, không trong suốt và phải được khóa kỹ để ngăn ngừa tối đa nguy cơ bị xúc phạm. Ngoài ra, nên làm phép đúng theo nghi thức trong Sách Nghi lễ Rôma: Sách các chúc lành, trước khi đem dùng trong phụng vụ.
“315. Vì tính cách dấu chỉ, tốt hơn là đừng đặt nhà tạm có Mình Thánh Chúa trên bàn thờ, nơi cử hành Thánh lễ. Vì thế, tùy theo quyết định của Giám mục giáo phận, nên đặt nhà tạm ở những vị trí sau đây:
“a) Hoặc ở trong cung thánh, ngoài bàn thờ dùng để cử hành Thánh lễ, theo hình dáng và vị trí thích hợp hơn, kể cả tại bàn thờ cũ không còn dùng để dâng Thánh lễ nữa (x. số 306);
“b) Hoặc ở trong một nhà nguyện nhỏ thích hợp để các tín hữu chầu và cầu nguyện riêng, nhà nguyện này phải nằm trong cấu trúc của nhà thờ và các Kitô hữu dễ dàng thấy được.
“316. Theo tập quán xưa nay, bên cạnh nhà tạm phải có một ngọn đèn luôn cháy sáng, bằng dầu hay sáp, để chỉ rõ và tôn kính sự hiện diện của Chúa Kitô.
“317. Cũng đừng quên những điều luật đã quy định liên quan đến việc lưu giữ Mình Thánh Chúa” (Bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Phụng tự thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.)
Chúng tôi xin đưa thêm các chỉ dẫn của Huấn thị năm 2004 Redemptionis Sacramentum (Bí Tích Cứu Độ):
“130. “Tùy theo cấu trúc của mỗi nhà thờ và theo thói quen chính đáng của mỗi địa phương, nên lưu giữ Mình Thánh Chúa trong một nhà tạm đặt trong một nơi trang trọng xứng đáng, dễ thấy, có trang trí và thích hợp cho việc cầu nguyện.” Trước nhà tạm có một khoảng trống có thể xếp một số ghế dài hay ghế một, với bàn quỳ. Vả lại, phải chăm chú tuân theo tất cả những quy định của các sách phụng vụ và những quy tắc của giáo luật, đặc biệt nhằm mục đích tránh mọi nguy cơ xúc phạm” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam)
Các hướng dẫn của tài liệu “Built of Living Stones, Được dựng xây từ các viên đá sống động”, của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cũng nêu ra chỉ dẫn hữu ích:
“Vị trí của Nhà tạm:
“§ 74. Có thể một số không gian là phù hợp cho việc lưu giữ Mình Thánh. Quy chế Tổng Quát Sách lễ Rôma (GIRM) nói rằng thật là thích hợp hơn là “đừng đặt nhà tạm có Mình Thánh Chúa trên bàn thờ, nơi cử hành Thánh lễ.” Giám mục phải xác định nơi đâu đặt Nhà tạm và đưa ra thêm các hướng dẫn. Giám mục có thể quyết định rằng Nhà tạm được đặt trong cung thánh, tách rời bàn thờ cử hành Thánh lễ, hoặc trong một nhà nguyện riêng thích hợp cho việc chầu Thánh Thể, và cho tín hữu cầu nguyện riêng. Khi quyết định, Giám mục cần xem xét tầm quan trọng khả năng của cộng đoàn về tập trung vào hành động thờ lạy Thánh Thể, lòng mộ đạo của tín hữu, và phong tục của địa phương. Vị trí cũng nên cho phép người ngồi xe lăn và người khuyết tật khác dễ dàng tiếp cận được nữa.
“§ 75. Khi thực thi trách nhiệm của mình cho đời sống phụng vụ của giáo phận, Giám mục giáo phận có thể ban hành thêm các chỉ thị liên quan đến việc lưu giữ Mình Thánh. Trước khi các giáo xứ và các tư vấn phụng vụ của họ bắt đầu nội dung giáo dục và quá trình thảo luận, điều quan trọng là tất cả các người liên quan phải biết rõ các chỉ thị nào, hoặc hướng dẫn đặc biệt nào, mà Giám mục giáo phận đã công bố. Sự giao tiếp tốt ở giai đoạn đầu của quá trình sẽ giúp tránh nhầm lẫn hoặc xung đột giữa các kỳ vọng của giáo xứ, kinh nghiệm của nhà tư vấn và các chỉ thị giáo phận.
“§ 76. Cha xứ, hội đồng mục vụ giáo xứ, và ủy ban xây dựng nên kiểm tra các nguyên tắc nằm dưới mỗi sự lựa chọn ấy, xem xét các lợi thế phụng vụ của từng khả năng, và phản ánh về tập tục và lòng đạo của giáo dân. Nhiều văn phòng phượng tự giáo phận hỗ trợ giáo xứ bằng cách tạo thuận lợi cho quá trình nghiên cứu và thảo luận với giáo xứ. Đây cũng là lĩnh vực mà các nhà tư vấn phụng vụ có thể giúp đỡ nhiều cho giáo xứ.
“Nhà nguyện lưu giữ Mình Thánh
“§ 77. Giám mục giáo phận có thể chỉ đạo giáo xứ lưu giữ Mình Thánh trong một nhà nguyện tách biệt khỏi lòng nhà thờ và cung thánh, nhưng “nhà nguyện này phải nằm trong cấu trúc của nhà thờ và các Kitô hữu dễ dàng thấy được.” Vị trí và thiết kế nhà nguyện này có thể củng cố sự tôn kính, cung cấp sự yên tĩnh và sự tập trung cần thiết cho cầu nguyện cá nhân, và nó cần có ghế quỳ và ghế ngồi cho người đến cầu nguyện.
“§ 78. Một số giáo xứ đã khởi xướng việc chầu Thánh Thể liên tục. Nếu, vì một lý do tốt nào đó, sự đặt Mình Thánh cho việc chầu liên tục phải diễn ra trong một nhà thờ giáo xứ, Thánh Bộ Phượng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã chỉ đạo rằng việc này phải diễn ra trong một nhà nguyện riêng biệt, ‘tách biệt khỏi nhà thờ, sao cho không can thiệp vào các hoạt động bình thường của giáo xứ, hoặc việc cử hành phụng vụ hàng ngày’.
“Nhà tạm trong Cung thánh
“§ 79. Một khu vực đặc biệt có thể được thiết kế trong cung thánh. Cần lập kế hoạch cẩn thận, sao cho vị trí được chọn không thu hút sự chú ý của các tín hữu khi tham dự Thánh lễ, và không chú ý đến các thành phần của Nhà tạm ấy. Ngoài ra, vị trí phải cho phép người ta tập trung vào Nhà tạm cho các thời kỳ cầu nguyện thinh lặng, ngoài giờ tham dự Thánh lễ.
“§ 80. Thông thường, thật là hữu ích khi có một khoảng cách giữa Nhà tạm và Bàn thờ. Khi một Nhà tạm nằm trực tiếp ngay sau bàn thờ, cần cân nhắc việc sử dụng khoảng cách, ánh sáng, hoặc một số thiết bị kiến trúc khác, nhằm tách biệt Nhà tạm và khu vực lưu giữ Mình Thánh, nhưng cho phép Nhà tạm được nhìn thấy rõ ràng bởi cộng đoàn thờ phượng, khi phụng vụ Thánh Thể không được cử hành.”
Ngoài ra còn có các hướng dẫn được công bố dưới sự bảo trợ của Hội Đồng Giám Mục Canada, nhưng chúng không có sẵn ở đây. Tuy nhiên, tôi nghi ngờ rằng chúng là rất khác với các chỉ dẫn ở trên. Ngoài ra, như đã thấy rõ từ các tài liệu này, đây là một lĩnh vực mà ở đó Giám mục địa phương có thẩm quyền rộng rãi, và do đó có thể có một loạt các giải pháp địa phương hợp pháp.
Để giải quyết câu hỏi chính của bạn đọc, các tài liệu trên nói về nhà chầu Thánh Thể như “là được dính liền với nhà thờ và dễ thấy đối với giáo dân”, “là một nơi trang trọng xứng đáng, dễ thấy, có trang trí và thích hợp cho việc cầu nguyện.” Các điều kiện này phải được đáp ứng trong chừng mực như cấu trúc của nhà thờ cho phép.
Trong một số trường hợp, cấu trúc của một nhà thờ có thể có kết quả, như trong tòa nhà của bạn đọc nói, là rằng nhà tạm không thể nhìn thấy được cho toàn bộ cộng đoàn trong khi cử hành Thánh lễ. Tôi sẽ nói rằng nếu vị trí của nhà chầu Thánh Thể (khác biệt với chính nhà tạm) là dễ thấy cách hợp lý cho cộng đoàn, các điều kiện đã được đáp ứng rồi. Các tín hữu nào muốn cầu nguyện riêng tư trước khi Thánh lễ bắt đầu, hoặc tạ ơn Chúa sau Thánh lễ, họ có thể đến nhà chầu Thánh Thể cách đễ dàng để làm như vậy.
Tuy nhiên, tôi sẽ nói rằng ngay cả điều này là không thực sự cần thiết, vì các tín hữu biết rằng Thánh Thể hiện diện trong nhà thờ, và nơi đâu Thánh Thể Chúa được lưu giữ, họ có thể cầu nguyện với Chúa, ngay cả khi nhà tạm không được nhìn thấy ngay lập tức, do một số trở ngại được gây ra bởi cấu trúc của tòa nhà.
Mọi thứ có thể rõ ràng là sẽ khác đi, nếu nhà chầu Thánh Thể là hoàn toàn không được nhìn thấy chút nào, và vì thế không đáp ứng đủ các các điều kiện quy định ở trên. (Zenit.org 7-1-2020)
Nguyễn Trọng Đa