Chân phước Giovanni Battista Scalabrini sinh năm 1839 tại giáo phận Como, nước Ý. Ngay từ khi còn nhỏ, trong gia đình, ngài đã học yêu mến Thánh giá và Thánh Thể, cầu nguyện lần hạt Mân Côi, đến nỗi một trong những trò chơi yêu thích của ngài với các bạn đồng trang lứa là dâng lễ và giảng lễ. Khi ngài trưởng thành, những gì chỉ là một trò chơi sẽ trở thành cuộc sống của ngài.
Vâng phục và sứ vụ giám mục
Năm 18 tuổi, Chân phước Scalabrini gia nhập chủng viện. Sau khi được thụ phong linh mục vào năm 1863, ngay lập tức ngài tuyên bố với những người thân yêu rằng ngài sẽ lên đường đi truyền giáo: thực tế là lời mời gọi ra đi truyền giáo, để thực hiện điều mà ngày nay chúng ta gọi là Giáo hội đi ra ngoài, thật là mạnh mẽ. Nhưng ý muốn của ngài khác với ý của Đức giám mục của ngài, người muốn ngài ở lại Como: Giáo hội đi ra ngoài của ngài sẽ ở đây. Và không chỉ như thế.
Vị thỉnh nguyện viên án phong thánh cho Chân phước Scalabrini giải thích: “Truyền giáo là một điều gì đó liên quan đến toàn thể Giáo hội; tất cả các Kitô hữu chúng ta đều được kêu gọi trở thành những nhà truyền giáo và Scalabrini cũng đã thực hiện hai chuyến đi dài rất quan trọng: đến Hoa Kỳ vào năm 1901 và đến Brazil và Argentina vào năm 1904.” Vị linh mục trẻ vâng lời giám mục của mình và do đó ngài chuyển đến giảng dạy tại tiểu chủng viện của thành phố. Ngài được giao phó chăm sóc cho giáo xứ ngoại vi San Bartolomeo, nơi chỉ trong 5 năm, ngài đã tổ chức lại trường học, lo việc đào tạo giáo lý viên, thăm người bệnh và người già, thành lập một học viên cho nam sinh và một trường mẫu giáo, tạo cảm hứng cho sự ra đời của một hiệp hội tương trợ cho công việc còn thiếu. Năm 1876, ở tuổi 36, ngài trở thành giám mục của Piacenza, và ở lại thành phố này cho đến khi qua đời.
“Đi ra” và quan tâm đến người di dân
Chúng ta có thể thấy ngay Chân phước Scalabrini là một giám mục “đi ra”: năm lần ngài đến thăm 365 giáo xứ trong giáo phận của ngài, kể cả những giáo xứ trên núi chưa từng có mục tử nào đặt chân đến, cử hành ba công đồng giáo phận cách đây hơn một thế kỷ rưỡi, tạo động lực mới cho phong trào Công giáo Tiến hành và thành lập tạp chí “Giáo lý viên Công giáo”. Sau đó, ngài viết, viết rất nhiều. Là một người quan sát chăm chú về thực tế xung quanh mình, và cái nhìn của ngài vượt xa biên giới của Piacenza, đào sâu vào các vấn đề của Ý và nhìn xa hơn nữa. Không thể quên bài viết của ngài về những người anh em di cư mà ngài nhìn thấy đang xếp hàng ở nhà ga Milano chờ lên chuyến tàu sẽ đưa họ đến một cuộc sống tốt đẹp hơn mà họ mơ ước:
“Trên khuôn mặt rám nắng của họ, nhăn lại bởi những nếp nhăn trước tuổi… Họ là những người đàn ông già nua vì tuổi tác và mệt mỏi, những người đàn ông ở tuổi trưởng thành, những người phụ nữ đeo sau lưng hay cõng con trên cổ, những chàng trai và cô gái đều đoàn kết bởi một suy nghĩ duy nhất, tất cả đều hướng đến một mục tiêu chung. Họ là những người di cư.”
Thành lập dòng chuyên chăm sóc người di dân
Và đây là cách một giấc mơ cũ sống lại trong trái tim của vị giám mục, nó như một tia chớp: bây giờ ngài biết làm thế nào để trở thành một nhà truyền giáo. Vào năm 1887, Chân phước Scalabrini bắt đầu xuất bản cuốn “Người Ý di cư sang Mỹ” để làm rõ quan điểm của mình về vấn đề này. Sau đó, ngài được Đức Lêô XIII phê duyệt dự án thành lập một dòng giáo sĩ hoàn toàn dấn thân cho việc trợ giúp tinh thần cho những người Ý di cư nội địa. Ngay lập tức ngài chào đón hai thành viên đầu tiên và vào năm sau, mười nhà truyền giáo sẽ lên đường. Với việc soạn thảo Nội quy mới vào năm 1895, dòng của ngài sẽ trở thành dòng các nhà truyền giáo Thánh Carlo.
Trong thời gian này có một tình tiết sẽ ảnh hưởng đến ngài rất nhiều. Một trong những nhà truyền giáo của ngài từ Brazil trở về mang theo trên tay một trẻ em đã chết trong cuộc vượt biên. Thực tế này khiến Đức cha Scalabrini hiểu rằng trong công việc này cũng cần có sự chăm sóc và nhạy cảm của phụ nữ. Ngài đã có liên hệ với các nữ tu mà Mẹ Cabrini đã gửi đi truyền giáo ở Mỹ, vì vậy vào ngày 25 tháng 10 năm 1895, Dòng các nữ tu truyền giáo Thánh Carlo được thành lập.
Tiến trình phong thánh
Chân phước Scalabrini qua đời năm 1905. Năm 1987, Đức Gioan-Phaolô II đã ban sắc lệnh công nhận các nhân đức anh hùng của ngài. Tiến trình phong chân phước cho ngài diễn ra từ năm 1994 đến 1995. Hai năm sau đó, lễ phong chân phước diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô và lễ kính nhớ ngài được ấn định vào ngày ngài qua đời.
Vào ngày 21 tháng 5 năm nay, xác nhận rằng tấm gương của Chân phước Scalabrini vẫn còn sống động và có nhiều dấu hiệu cho thấy sự chuyển cầu của ngài có lợi cho những tình huống khó khăn liên quan đến vấn đề người di cư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã triệu tập một công nghị Hồng y để bỏ phiếu về việc tuyên thánh cho ngài với việc miễn chuẩn phép lạ thứ hai theo như luật định.