GỬI CÁC BẠN ĐI DỰ ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ MIỀN BẮC 2022
Xuân Giang
WGPBC (21.11.2022) – Theo như thông báo của Ban Tổ chức giáo phận Hưng Hoá, Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII với chủ đề “Hãy đến với vùng ngoại biên” sẽ diễn ta tại trung tâm lễ hội Đền Hùng, từ ngày 25-26/11/2022. Như vậy, sau hai năm tạm hoãn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, những người trẻ trong khắp các giáo phận miền Bắc lại có cơ hội quy tụ bên nhau để sống niềm tin, hoà mình vào sức sống tuổi trẻ và khơi lên thao thức đi ra đến với những vùng ngoại biên. Dường như tất cả đang rất háo hức lên đường, háo hức gặp gỡ. Trước khi lên đường, xin chia sẻ với các bạn đôi điều…
Trong diễn văn khai mạc Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 15, vào năm 2000, tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II chào đón hơn hai triệu bạn trẻ, những người đã đi qua biết bao dặm đường bằng nhiều cách để đến Rôma, bằng cách đặt một câu hỏi: “Các con đến đây để tìm kiếm điều gì? Hay đúng hơn, các con đến đây để tìm ai?” Và ngài trả lời rằng “để tìm kiếm Đức Giêsu Kitô chứ không nhắm đến sự giải trí hay một sự quan tâm về văn hoá”[1]. Như thế, ngài đã giúp các bạn trẻ xác định lại mục tiêu khi tìm đến Rôma, khi lên đường đi hành hương Năm Thánh, khi tham dự một kỳ Đại hội Giới trẻ. Đó là cử hành và gặp gỡ Đức Kitô, Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14). Điều này làm cho đại hội Công giáo khác với những lễ hội văn hoá thuần tuý.
Cũng trong diễn văn này, Đức Thánh cha còn kêu gọi các bạn trẻ biến những ngày này thành tuần lễ vĩ đại để thực tập thiêng liêng qua việc dành thời gian để thinh lặng, cầu nguyện và hồi tưởng. Đừng để thời gian mà Chúa ban cho trôi đi như thể mọi sự ngẫu nhiên xảy ra. Tất nhiên là một đại hội của những người trẻ thì phải có gặp gỡ và giao lưu, vui chơi, văn nghệ, học hỏi Lời Chúa, lắng nghe thuyết trình và giải đáp thắc mắc, nhưng tìm kiếm Đức Kitô mới là mục đích của toàn bộ đời sống cũng như mọi chương trình hoạt động trong Giáo hội. Đại hội Giới trẻ lần này là cơ hội thuận tiện để các bạn trẻ gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể cách thân tình, để lãnh nhận ơn tha thứ và hoà giải qua Bí tích Sám hối, để đọc lại lịch sử đời mình dưới ánh sáng Lời Chúa, để chiêm ngắm và sống mầu nhiệm Thập giá, để củng cố nhiệt huyết hăng say ra khỏi những vùng an toàn quen thuộc để đến vùng ngoại biên…
Như thế, rất có thể sau đại hội, nhiều bạn trẻ sẽ được sống kinh nghiệm biến đổi như ba nhà đạo sĩ phương Đông năm xưa, khi gặp được Hài Nhi Giêsu đã đi lối khác mà về xứ mình (x. Mt 2,12). Theo Megan McKenna, một khi bạn đã thấy Ánh Sáng, một khi bạn được gặp Con của Thiên Chúa, bạn phải thay đổi, quay lại và đi trở về với cuộc sống bình thường của bạn, thế giới của bạn, bằng một con đường khác[2]. Quả thật, không ai từng gặp Đức Kitô với một thiện chí mà trở lại cách sống khi xưa như lúc chưa gặp được Ngài.
Hình: Facebook Giáo phận Hưng Hóa
Tôi cũng có cơ hội một vài lần đi tham dự Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội và phần nào chứng kiến cụ thể tinh thần trẻ trung, bầu năng lượng trào tràn và nhiệt huyết sục sôi nơi những người trẻ Công giáo, nhưng vẫn còn đó một số biểu hiện không phù hợp, không được đẹp cho lắm. Tôi không nghĩ mình cũng muốn nhiệt tình “kể tội” người trẻ rồi lắc đầu tỏ ra ngao ngán. Chính Đức Thánh cha Phanxicô đã từng nhắc nhở: “Ngày nay, người lớn chúng ta rơi vào nguy cơ dựng nên một bản liệt kê những vấp váp, những thất bại của người trẻ. Có lẽ một số người lại hoan nghênh vì chúng ta tỏ ra có tài trong việc tìm ra những điểm tiêu cực và nguy hiểm”[3]. Dầu sao cũng phải chân nhận rằng những lo lắng, thao thức, thậm chí là thất vọng ấy chứng tỏ các bạn trẻ vẫn luôn được quan tâm, yêu thương và kỳ vọng. Những lời phàn nàn về một vài chấm đen không hay tồn tại ở các kỳ đại hội trước buộc người trẻ phải suy nghĩ nghiêm túc về một cách thức tham dự đại hội có trách nhiệm, đầy đủ ý thức và trọn vẹn hơn.
Hình: Facebook Giáo phận Hưng Hóa
Theo thông báo của Đức cha chủ nhà Hưng Hoá và Ban Tổ chức gửi tới quý cha đặc trách giới trẻ các giáo phận, đề nghị tất cả các tham dự viên không sử dụng rượu bia trong suốt thời gian diễn ra đại hội. Điều này cũng đã từng được khuyến cáo trong các kỳ đại hội trước nhưng vẫn chưa được giải quyết cách triệt để. Cùng với đó, các nhóm chỉ sử dụng loa kéo di động để sinh hoạt với âm thanh vừa phải ở những nơi và vào những khung giờ nhất định, vừa để tôn trọng bầu khí thánh thiêng của đại hội, vừa là để tôn trọng những người khác khi cùng tham dự đại hội. Đã là một cuộc hội ngộ của những người trẻ thì đương nhiên phải vui, phải hết mình nhưng “vui thôi, xin đừng vui quá!” kẻo ảnh hưởng đến người khác. Một cách nào đó có thể nói như thánh Tông đồ Phaolô với người môn đệ Timôthê: “Chớ gì đừng có ai coi thường anh vì anh còn trẻ” (1Tm 4,12).
Thực ra, Giáo hội nhìn đến các bạn trẻ với lòng đầy tín cẩn và yêu thương[4]. Các vị chủ chăn trong Giáo hội luôn nhắc tới người trẻ với sự trân trọng và tin tưởng[5]. Đức Giáo hoàng Phanxicô khẳng định: “Sau khi đã đọc qua Lời Chúa, chúng ta không thể chỉ nói rằng người trẻ là tương lai của thế giới. Họ là hiện tại của thế giới, họ góp phần làm cho thế giới được phong phú”[6]. Nhìn những người trẻ với những khuôn mặt trẻ trung, năng động, nhiệt tình là nhìn thấy “hồng ân trẻ trung” đang tiếp tục hiện diện trong Giáo hội và trong thế giới. Chắc chắn người trẻ cần được hỗ trợ và hướng dẫn, nhưng đồng thời họ cũng phải được tự do phát triển những cách thức mới với tinh thần sáng tạo và táo bạo[7]. Với sức trẻ, sự năng động và lòng nhiệt thành sẵn có, một khi nỗ lực cộng tác với ơn Chúa, người trẻ sẽ có nhiều sáng kiến trong bác ái và phục vụ, biết hăng hái lên đường, can đảm đi ra những vùng ngoại biên, mạnh dạn bước tới và sẵn sàng cúi xuống thoa dịu những vết thương của anh em đồng loại.
Ban Tổ chức đã nỗ lực chuẩn bị tất cả những gì tốt nhất nhưng có thể nói, chính các bạn trẻ – các tham dự viên mới làm nên thành công của đại hội. Ước gì đại hội lần này sẽ là một dịp để những người trẻ sống niềm tin một cách chân thành, sống niềm vui hội ngộ một cách trọn vẹn và sống tinh thần Giáo hội hiệp hành một cách sâu sắc. Đó cũng là lời đáp trả đẹp nhất cho những mong mỏi của quý đấng bậc và công khó của biết bao người. Mọi người cùng chờ đợi những hình ảnh đẹp về người trẻ Công giáo trong đại hội này. Hơn hết, những vùng ngoại biên của cuộc sống đang mong chờ những bước chân người trẻ hăng hái lên đường. “Ra đi nào bạn ơi, ta đến những vùng ngoại biên…”, nơi đó, Chúa Giêsu đang đợi các bạn.
Kỳ đại hội năm nay sẽ là một đại hội thật đặc biệt, không chỉ bởi Thánh giá đã có thời gian luân chuyển rất dài mà còn bởi địa điểm tổ chức tại đất tổ Hùng Vương, mảnh đất gắn liền buổi đầu lịch sử dân Việt. Điều này giúp các bạn trẻ có cảm thức sống động về nguồn cội dân tộc theo lẽ tự nhiên cũng như nguồn cội thiêng liêng phát xuất từ Thiên Chúa, để ý thức hơn với việc xây dựng một Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước, như Thư chung Hội đồng Giám mục Việt Nam 1980 đã định hướng[8]. Thời gian diễn ra đại hội là những ngày cuối cùng của năm phụng vụ, ngay sau ngày lễ kính các thánh Tử đạo Việt Nam. Chắc hẳn đó sẽ là thời gian những người trẻ được sống lại niềm tin can trường hào hùng các bậc tiền bối cha anh để vươn tới cứu cánh đời đời trong hạnh phúc viên mãn của Nước Chúa. Còn rất nhiều điều đặc biệt khác đang chờ các bạn trẻ viết lên trong kỳ đại hội này.
Mến chúc các bạn có một kỳ đại hội vui tươi, thiết thực và ý nghĩa!
Nào chúng ta cùng lên đường…
Nguồn: gpbuichu.org
[1] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Bản tin Hiệp thông số 9/2000: Giáo dục các thành phần giáo dân, tr. 33.
[2] MEGAN MCKENNA, Matthew: The Book of Mercy, New City Press Hyde Park, New York, 2007, p. 45; trích lại theo: NGÔ SUỐT, Gặp gỡ Mẹ Maria – Tập 3, Nxb Đồng Nai, 2019, tr. 108.
[3] PHANXICÔ, Tông huấn Christus Vivit (25/3/2019), số 66.
[4] x. Sứ điệp gửi dân Chúa dịp bế mạc Công đồng Vaticanô II, phần gửi cho Giới trẻ do Đức Hồng y G. Agagianian tuyên đọc (08/12/1965), trích theo: https://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/QuocTeGioiTre/02Nam2014.htm.
[5] PHAOLÔ VI, Tông huấn Gaudete in Domino (09/5/1975), số 6; PHAOLÔ VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi(08/12/1975) số 72; GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Christifideles Laici (30/12/1988), số 46.
[6] PHANXICÔ, Tông huấn Christus Vivit (25/3/2019), số 64.
[7] PHANXICÔ, Tông huấn Christus Vivit (25/3/2019), số 203.
[8] x. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Thư chung năm 1980, số 9: “Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa”.