Kỷ niệm 80 năm quân đồng minh đổ bộ vào Normandy, ĐTC Phanxicô kêu gọi hòa bình

Trong thư gửi đến Đức Cha Jacques Habert, Giám mục của Bayeux và Lisieux, nhân kỷ niệm 80 năm ngày lực lượng Đồng minh đổ bộ vào vùng Normandy của Pháp, Đức Thánh Cha nói rằng “ký ức về những sai lầm trong quá khứ đã hỗ trợ ý chí kiên quyết làm mọi thứ có thể để ngăn chặn sự bùng nổ của một cuộc xung đột thế giới mới”. Ngài khẳng định rằng người dân mong muốn hòa bình.
 

Vatican News

Ngày 6/6/1944, Lực lượng Đồng minh đổ bộ vào vùng Normandy và giúp cho Thế chiến thứ hai kết thúc sớm.

Thư của Đức Thánh Cha đã được đọc trong một cử hành tại Nhà thờ chính tòa Bayeux vào đêm trước ngày kỷ niệm, trước sự hiện diện ​​​​của các nhà chức trách tôn giáo, dân sự và quân sự.

Thương vong và đổ nát bởi chiến tranh

Bày tỏ sự gần gũi với tất cả những người hiện diện tại buổi lễ, Đức Thánh Cha đã suy tư về nỗ lực tập thể và quân sự đã dẫn đến việc giải phóng Châu Âu cũng như về những hy sinh to lớn. Ngài viết: “Cuộc đổ bộ nói chung gợi lên thảm họa của cuộc xung đột toàn cầu khủng khiếp này, nơi có rất nhiều đàn ông, phụ nữ và trẻ em phải đau khổ, rất nhiều gia đình bị chia cắt và gây ra rất nhiều sự tàn phá”.

Gợi lên hình ảnh các thành phố của vùng Normandy – Caen, Le Havre, Saint-Lô, Cherbourg, Flers, Rouen, Lisieux, Falaise, Argentan – và nhiều thành phố khác đã bị phá hủy hoàn toàn cùng với sinh mạng của vô số thường dân vô tội và những người đã phải chịu đựng đau khổ vì các vụ đánh bom, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ghi nhớ những sự kiện này để lên án và bác bỏ chiến tranh một cách dứt khoát.

“Đừng bao giờ chiến tranh nữa!”

Nhắc lại lời kêu gọi của Thánh Phaolô VI tại Liên Hiệp Quốc vào năm 1965: “Đừng bao giờ chiến tranh nữa!”, Đức Thánh Cha than thở về việc ký ức của những sai lầm trong quá khứ đang phai mờ và bày tỏ lo ngại rằng khái niệm về một cuộc chiến tranh lan rộng đang ngày càng trở nên bình thường.

Ngài khẳng định: “Người dân muốn hòa bình! Họ muốn những điều kiện ổn định, an ninh và thịnh vượng để mọi người có thể bình tĩnh thực hiện nghĩa vụ của mình”. Ngài cũng lên án việc theo đuổi các tham vọng ý thức hệ, chủ nghĩa dân tộc hoặc nền kinh tế gây nguy hiểm cho khả năng này, đồng thời mô tả đó là một lỗi nghiêm trọng chống lại loài người và là một tội lỗi trước mặt Thiên Chúa.

Những lời cầu nguyện

Đức Thánh Cha hiệp thông với mọi người hiện diện trong buổi lễ để cầu nguyện cho những người kích động và duy trì chiến tranh: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người mong muốn chiến tranh, những người gây ra chiến tranh, tiếp nhiên liệu cho chiến tranh một cách vô nghĩa, duy trì và kéo dài chiến tranh một cách không cần thiết, hoặc thu lợi từ chúng một cách bất chấp. Xin Chúa soi sáng tâm hồn họ, xin Người cho họ thấy hàng loạt bất hạnh mà họ gây ra!”.

Đức Thánh Cha cũng kêu gọi cầu nguyện cho những người xây dựng hòa bình, nhắc nhớ rằng những người xây dựng hòa bình sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9) và khuyến khích những người xây dựng hòa bình tiếp tục nỗ lực thúc đẩy những cuộc gặp gỡ và đối thoại hòa bình. Ngài nói “Xin cho họ kiên trì không mệt mỏi trong những nỗ lực của mình, và xin cho những nỗ lực của họ được tôn vinh bằng thành công”.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha không quên cầu nguyện cho các nạn nhân của mọi cuộc chiến tranh: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của chiến tranh, các cuộc chiến tranh trong quá khứ và hiện tại. Xin Thiên Chúa đón nhận tất cả những người đã chết trong những cuộc xung đột khủng khiếp này, xin Người đến trợ giúp tất cả những người đau khổ vì chúng,” và ngài nhấn mạnh rằng “người nghèo và người yếu đuối, người già, phụ nữ và trẻ em luôn là nạn nhân đầu tiên của những thảm kịch này”. (CSR_2500_2024)