Sơ Ruth sinh năm 1945. Ngày 17/02/1969, sơ Ruth cùng với hai sơ Gertrude Lemmens và Margaret D’Costa đã đến phục vụ tại nhà Darul Sakun ở thành phố Karachi, bang Sindh, Pakistan, nơi có khoảng 150 người khuyết tật thể lý và tâm trí, phần lớn là các trẻ em và thiếu niên, do các nữ tu dòng thánh Phanxicô truyền giáo Chúa Ki-tô điều hành.
Sơ Gertrude Lemmens là một nữ tu người Hà Lan. Sơ đến thăm cơ sở và động lòng trắc ẩn trước tình cảnh của những người bệnh tật thể lý và tâm trí, sơ đã dành cả cuộc đời phục vụ họ. Chính sơ Gertrude là nguồn cảm hứng và lý do để sơ Ruth dành 51 năm cuộc đời cho những đứa trẻ khuyết tật này. Các sơ đã nuôi nấng hàng trăm trẻ em được các nhân viên xã hội, cảnh sát và người thân mang đến, hay được tìm thấy trên các đường phố. Sau khi sơ Gertrude nghỉ hưu vào tháng 10/2000, sơ Ruth bắt đầu phụ trách sứ vụ nhân đạo tại nhà Darul Sakun.
Sơ Ruth là người mẹ của các trẻ em khuyết tật
Từ khi đến nhà khuyết tật cách đây 51 năm, sơ Ruth đã chăm sóc cho các em, làm việc không biết mệt để xây dựng tính cách của các em. Những trẻ em này bị gia đình bỏ rơi, bị họ gọi là quái vật vì dị tật và khuyết tật mãn tính.Tuy người khác có thể khiếp sợ khi nhìn thấy dáng vẻ của các em, nhưng sơ Ruth đã trở thành mẹ của các em. Các em không phải chỉ là đối tượng của sự thương hại và lòng bác ái của sơ, nhưng chính là những đứa con của sơ, mỗi em là một đứa con duy nhất, đặc biệt của sơ. Sơ đã không mệt mỏi làm việc để giúp các em. Trong thế giới mà người ta thường thuê người chăm sóc con cái, thì chính sơ Ruth đã tự tay chăm sóc cho những đứa trẻ khuyết tật này, làm những công việc vệ sinh cho các em.
Trong một đoạn video được ghi lại trước đó, sơ Ruth đã mô tả rằng “việc nuôi dạy các trẻ em có nhu cầu đặc biệt đòi hỏi sự kiên nhẫn và sức mạnh rất lớn”. Khi vừa đến nhà khuyết tật, những đứa trẻ cho thấy chúng có các vấn đề về hành vi nghiêm trọng. Cần rất nhiều thời gian để dạy và trau dồi cho các em. Chia sẻ câu chuyện về một trong những đứa trẻ, sơ Ruth cho biết, “cậu bé rất hung dữ khi còn nhỏ nhưng khi lớn lên đã trở thành một người đàn ông thành công, giành huy chương vàng và hiện đang làm việc. Cậu ấy thậm chí đã đến Hoa Kỳ hai lần để tham gia Thế vận hội đặc biệt”. Đó là một khoảnh khắc đáng tự hào, sơ nói với một nụ cười, “khi họ được hỏi về mẹ của họ, những đứa trẻ này trả lời: sơ Ruth.”
Hoạt động bác ái của sơ đã được xã hội công nhận
Tiếng thơm về việc làm của sơ Ruth đã vượt qua biên giới của giáo hội Công giáo ở Pakistan, do đó sơ đã tìm được các khoản trợ cấp công cộng cho trung tâm, các dịch vụ của trung tâm được tài trợ bằng tiền quyên góp. Với sự cống hiến hoàn toàn dành cho “những đứa con”, sơ cũng đã được trao giải thưởng “Niềm tự hào của thành phố” vào ngày 18/01/2014 và vào năm 2018, sơ đã được thống đốc bang Sindh trao giải thưởng “Hakim Mohammad Saeed” vì sự phục vụ xã hội dành cho người nghèo và đau khổ, không phân biệt đối xử.
Gục ngã vì Covid-19
Mặc dù có ít nhất 21 trẻ em tại cơ sở khuyết tật đã bị nhiễm Covid-19 nhưng sơ Ruth vẫn tiếp tục phục vụ chăm sóc các em. Ngày 08/07 vừa qua, kết quả cho biết sơ đã dương tính với Covid-19; sơ được đưa đến bệnh viện bệnh viện Aga Khan và được đặt máy thở. Sơ đã qua đời vào ngày 20/07 do biến chứng của virus corona, hưởng thọ 77 tuổi.
Pakistan thương tiêc sơ Ruth
Tin sơ Ruth qua đời đã lan truyền khắp Pakistan và rất nhiều người thương tiếc sơ, ngay cả những người Hồi giáo. Nhiều nhân vật chính phủ và các nhà hoạt động đã chia buồn về sự qua đời của sơ.
Sơ Ruth là biểu tượng của tình yêu, sự quan tâm và lòng trắc ẩn thực sự
Cơ sở khuyết tật Darul Sukun, nơi sơ lãnh đạo, đã chia sẻ trên Facebook: “Tất cả trẻ em, nữ tu và nhân viên của chúng tôi đều rất đau lòng, vì chúng tôi đã mất một phần rất lớn trong chúng tôi. Xin hãy cầu nguyện cho những đứa trẻ mà sơ đã làm mẹ, cho các nữ tu mà sơ là người chị và là nguồn cảm hứng thực sự và cho tất cả các nhân viên yêu mến cô ấy và mỗi ngày sẽ cố gắng theo bước của sơ. Sơ đã phục vụ nhân loại, những trẻ em bị khuyết tật và người già bị bỏ rơi, những thiếu niên nam nữ phải di tản. Sự phục vụ của sơ rất đáng ghi nhớ. Sơ đã làm việc và yêu thương những đứa trẻ ở nhà Darul Sukun từ ngày nó được thành lập cách nay 51 năm. Sơ là biểu tượng của tình yêu, sự quan tâm và lòng trắc ẩn thực sự.”
Sơ Ruth là thiên thần của người Pakistan
Nhiều người Pakistan chia sẻ những ảnh hưởng mà sơ Ruth để lại cho cuộc đời họ, họ mô tả sơ là thiên thần của người Pakistan và là người có tâm hồn yêu thương và tận tụy. Thống đốc bang Sindh, ông Imran Ismail, mô tả sơ Ruth là một nguồn cảm hứng thực sự và nói rằng thành phố Karachi sẽ luôn nhớ đến sự phục vụ quên mình của sơ vì các trẻ em và người cao niên.
Những đóng góp của sơ cho xã hội luôn được ghi nhớ và trân trọng
Murtaza Wahab, phát ngôn viên của chính quyền bang Sindh nói: “Những đóng góp quên mình của sơ cho xã hội chúng ta sẽ luôn được ghi nhớ và trân trọng.” Trong khi đó, bà Aseefa Bhutto-Zardari, con gái của cựu Thủ tướng Benazir Bhutto của Pakistan nhận định rằng sự qua đời của sơ Ruth là một mất mát đau đớn đối với nhà khuyết tật Darul Sakun và người dân thành phố Karachi. Bà nói rằng người nữ tu đã hết lòng cống hiến cả cuộc đời cho những người đau khổ và sự cống hiến của sơ cho những đứa trẻ của nhà Darul Sukun sẽ luôn được ghi nhớ.”
Hồng Thủy – Vatican News