Suy niệm loan báo Tin Mừng (18.10.2019 – Lễ Kính thánh Luca, tác giả tin Mừng)

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Suy niệm loan báo Tin Mừng (18.10.2019 – Lễ Kính thánh Luca, tác giả tin Mừng)

(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường 10/2019)


Lời Chúa:

Thư 2 Tm 4, 9-17a

Con thân mến, Đêma đã lìa bỏ cha, bởi nó yêu chuộng sự đời này, và đã trẩy sang Thêxalônica, còn Crescens thì đi Galata, Titô đi Đalmatia. Chỉ còn một mình Luca ở với cha. Con hãy đem Marcô đi và dẫn tới đây với con, vì anh ấy có thể giúp ích để cha chu toàn sứ vụ. Còn Tykicô, thì cha đã sai đi Êphêxô rồi. Cái áo khoác cha để quên tại nhà ông Carpô ở Troa, khi con tới, hãy mang đến cho cha, cả những cuốn sách và nhất là những mảnh da thuộc để viết.

Anh thợ đồng Alexanđrô làm cho cha phải chịu nhiều điều khốn khổ. Chúa sẽ trả báo cho nó tuỳ theo công việc nó đã làm. Cả con nữa, con cũng phải xa lánh nó, vì nó kịch liệt phản đối lời giảng dạy của chúng ta.

Lần đầu tiên cha đứng ra biện hộ cho cha, thì chẳng ai bênh đỡ cha, trái lại mọi người đều bỏ mặc cha: xin chớ chấp tội họ. Nhưng Chúa đã phù hộ cha và ban sức mạnh cho cha, để nhờ cha mà lời rao giảng được hoàn tất, và tất cả các Dân Ngoại được nghe.

Tin Mừng Lc 10, 1-9

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường.

“Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ. Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi”.

Suy niệm

Vào ngày lễ kính Thánh Luca hôm nay, chúng ta lắng nghe thư của Thánh Phaolô gửi cho người môn đệ thân tín của ngài là Timôthê, trong thư ngài than phiền rằng ngài chỉ còn một mình Luca đi cùng, ngoài ra chẳng còn ai. Trong bài tường thuật của Luca về các cuộc hành trình của Phaolô trong sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta thấy ở một vài chỗ có sự thay đổi đột ngột trong tường thuật: đó là các chỗ gọi là “các đoạn chúng tôi” trong sách Công Vụ (x. Cv 16:10-17; 20:5-15; 21:1-18; 27:1-28). Cho tới câu 10:16, viết ở ngôi thứ ba, tên của Luca vẫn chưa được nhắc đến. Trong các câu 1 đến 9, người viết kể lại các chuyến hành trình của Phaolô đến Phrygia, Galatia, Mysia, Bithynia và Troas. Nhưng bắt đầu từ câu 10, Luca viết ở ngôi thứ nhất số nhiều: “Lập tức chúng tôi tìm cách đi Makêđônia, vì hiểu ra rằng Thiên Chúa kêu gọi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho họ.” Luca lên thuyền cùng với Phaolô, và qua tài kể truyện của ông, ông mời gọi độc giả đi theo chuyến hành trình truyền giáo của các ông.

Luca tiết lộ một chi tiết về bản thân ông ở đầu sách Tin Mừng. Ông viết rằng ông đang trình bày những sự kiện “đã được thực hiện giữa chúng ta” như ông đã lãnh nhận từ “những người đã chứng kiến tận mắt,” những người đã ở với Đức Giêsu từ lúc khởi đầu sứ vụ công khai của Người (x. Lc 1:1-2). Trong đoạn mở đầu này, Luca tiết lộ cho các độc giả rằng bản thân ông không phải là một nhân chứng trực tiếp về những điều ông kể lại. Tác giả Tin Mừng này là một thành viên của cộng đoàn Kitô hữu mới được khai sinh nhờ những chứng từ trực tiếp của những người đã tai nghe mắt thấy Đức Giêsu rao giảng và đã chứng kiến việc Người chịu đóng đinh và sống lại.

Mátthêu (10:1), Máccô (6:7), và Luca (9:1), mỗi người đều thuật lại sự kiện Đức Giêsu gọi “Nhóm Mười Hai”, và sau một thời gian dạy dỗ họ, Người sai họ đi loan báo Tin Mừng. Nhưng chỉ một mình Luca thuật lại rằng Đức Giêsu sau đó sai một nhóm môn đệ đông hơn, bảy mươi hai người, mà chúng ta được nghe nói đến trong bài đọc Tin Mừng hôm nay. Theo Luca, trong cuộc loan báo Tin Mừng đầu tiên, không chỉ có Nhóm Mười Hai, mà còn có thêm nhiều người rao giảng Tin Mừng khác nữa. Ngay trước khi chọn và sai họ đi rao giảng, Đức Giêsu đã bắt đầu cuộc hành trình lên Giêrusalem rồi (x. Lc 9:51). Người sai bảy mươi hai môn đệ đi trước để chuẩn bị cho Người đến các thành phố khác nhau. Sự kiện này là hình ảnh dự báo trước trải nghiệm cá nhân của Luca khi ông đồng hành với Phaolô trong hành trình truyền giáo.

Việc Đức Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ (hay bảy mươi, theo một số thủ bản khác) vừa báo trước vừa cung cấp một mô hình cho hoạt động truyền giáo của Hội Thánh cho mọi dân tộc. Trong truyền thống Do Thái, các dân tộc trên trái đất được nghe công bố Lề Luật trên núi Sinai gồm bảy mươi dân tộc (x. St 10; Đnl 32:8); vì vậy, các môn đệ của Đức Giêsu được sai đến với mọi dân tộc.

Đoạn Tin Mừng của phụng vụ hôm nay trình bày việc tông đồ như là sự mặc khải về Nước Thiên Chúa và cuộc phán xét đã bắt đầu trên thế giới này. Theo Luca, đó không phải là việc loan báo cho Ítraen sự vĩ đại của Nước Thiên Chúa, nhưng là công bố cho mọi dân tộc rằng Nước Thiên Chúa đã đến gần. Tác giả Tin Mừng viết ra vào thời điểm mà “trong mọi dân tộc” đã có những chứng nhân về Chúa Phục Sinh. Đây là thời khắc quyết định trong lịch sử, ở đó mọi người được cống hiến cơ hội trở nên thành phần của Nước Thiên Chúa.

Phương pháp, tính chất và các viễn cảnh của hoạt động truyền giáo được thực hiện bởi bảy mươi hai môn đệ thì tương tự với những gì được thực hiện bởi Nhóm Mười Hai. Các chỉ dẫn của Đức Giêsu mở ra với một sự mô tả về tình hình; tình hình lúa chín đầy đồng được nhắc đến tương phản rõ rệt về tình trạng thợ gặt thì ít. Vì thế Đức Giêsu dạy các môn đệ: “Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” “Cầu nguyện là linh hồn của việc truyền giáo,” Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết cho Hồng Y Filoni ngày 22 tháng 10, 2017. Sáng kiến bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng là chủ mùa gặt; Người kêu gọi và sai đi. Đó là một lời mời gọi tham gia vào lời cầu nguyện và cuộc ra đi của Đức Giêsu về với Cha, được diễn tả trong việc Người nộp mình vào tay người ta: “Này Thầy sai anh em đi như chiên giữa bầy sói.” Các người thừa sai không bao giờ được ỷ vào sức riêng, quyền lực hay bạo lực. Họ chỉ được phong phú trong đức tin và lời cầu nguyện để giữ họ trong mối quan hệ tình yêu với Đức Giêsu, Người Thầy sai họ đi.

Sự nghèo khó lúc ban đầu trở thành nền tảng và dấu chỉ sự tự do và tự hiến hoàn toàn của họ cho nhiệm vụ duy nhất giải phóng họ khỏi mọi sự cản trở hay trì hoãn. Tất cả điều này được xác định rõ trong một loạt nguyên tắc: không vướng mắc cản trở gì, những người được sai đi đều nhắm thẳng mục tiêu, không dừng lại, ngay cả để chào hỏi, là điều mà theo tập tục của Phương Đông, đòi hỏi khá nhiều thời gian (x. 2 V 4:29). Trái lại, việc chào hỏi được dành cho những người mà sứ mạng được nhắm tới. Việc chào hỏi này không chỉ là một lời tiên tri hay công bố, nhưng là một lời nói hiệu quả đem lại niềm vui và hạnh phúc. Tóm lại, đó là sự “bình an” của thời đại Mêsia, kèm theo ơn cứu rỗi (x. Lc 10:5-6). Những người được sai đi, giống như Chúa Giêsu, thiết lập với những người tiếp nhận họ các mối quan hệ mà trong đó cuộc sống bình an trong Nước Trời đã bắt đầu. Hành vi ứng xử của họ dẫn họ tới chỗ lệ thuộc vào những người tiếp nhận họ, họ giao phó bản thân mình và chính cuộc đời mình cho những người này. Vì thế các người thừa sai hoàn toàn dấn mình, thậm chí cả sự mưu sinh của mình, vào những nguy cơ của sứ mạng: được tiếp nhận hay bị từ chối, thành công hay thất bại. “Nhà” và “thành” biểu trưng cho đời sống riêng tư và đời sống công cộng. Những người được sai đi lệ thuộc vào sự hiếu khách của những người đón nhận sứ điệp, nhưng không gì có thể làm họ dừng lại hay cản trở họ thi hành sứ mạng; họ là những người truyền giáo mang đến lời kêu gọi khẩn cấp cuối cùng về khả năng cứu rỗi, lời kêu gọi ấy phải đến được tai của mọi người, đến được trái tim của mọi người, bằng bất cứ giá nào.

Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng