TÂN CHÂN PHƯỚC MARIA LLONG:
NGƯỜI VỢ, NGƯỜI MẸ, GÓA PHỤ,
NGƯỜI CHE CHỞ CHO NHỮNG PHỤ NỮ MANG THAI
WGPVL (07.11.2021) – Sau khi được Đức Mẹ Loreto chữa lành, Chân phước Maria Llong đã hết lòng vì người nghèo.
Maria Llorenca Llong sinh năm 1463 tại Lieida, Tây Ban Nha, là con gái của gia đình quý tộc Requencesvà là hậu duệ của một đại uý hải quân trứ danh người Tây Ban Nha. Năm 1483, cô kết hôn với một luật sư thành đạt là Juan Llong, một người bạn của Ferdinand II, vị vua Công giáo của xứ Aragon.
Ngay trong buổi đầu đời sống hôn nhân của mình, bi kịch đã ập đến. Do bị ám ảnh về lời trách mắng của Maria khi vi phạm bổn phận, một người hầu trong cơn tức giận đã đầu độc cô bằng cách đổ hợp chất chết người vào ly rượu của cô trong một bữa tiệc gia đình. Người hầu đó đã thất bại trong việc ám hại cô, nhưng Maria đã phải đau đớn dữ dội và khả năng đi lại của cô cũng bị suy giảm.
Năm 1506, vua Ferdinand bổ nhiệm chồng của Maria, Juan, làm Phó vương của Naples. Bất chấp tình trạng của mình, cô và Juan chuyển đến Naples. Nhưng Juan Llong đột ngột qua đời vào năm 1509, để lại cho Maria ba đứa con thơ. Lúc đó, cô chỉ mới 43 tuổi.
Vì có lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria, nên Maria Llong đã quyết định hành hương đến Loreto, vương quốc Ý. Ngày nay, phải mất gần bốn giờ để thực hiện một chuyến hành trình bằng ô tô. Vậy mà lúc đó Maria phải di chuyển bằng kiệu cùng với ba đứa con nhỏ do cô chăm sóc. Nhưng cô đoan chắc rằng Đức Mẹ sẽ giúp sức cho cô.
Maria đã đến được Loreto và tham dự Thánh lễ. Trong khi dâng những lời cầu nguyện tạ ơn, cô đã cảm nghiệm được một sự chữa lành hoàn toàn khỏi chứng bại liệt của mình. Cô biết rằng Đức Mẹ đã chuyển cầu cho cô và tin rằng đó là dấu chỉ từ Chúa Giêsu để dâng hiến chính mình cho Người và cho toàn thể nhân loại.
Ngay sau đó, cô đã khoác lên mình bộ tu phục của một tu sĩ Dòng Ba Phanxicô và lấy tên là Maria Lorenza. Nhiều người cho rằng cô lấy cái tên đó là vì lòng sùng kính đối với Thánh Lôrensô, người đã hết lòng vì người nghèo. Nhưng không gì có thể khẳng định về điều này. Thế rồi khi quay về Naples, cô đã thu xếp để các con của mình được chăm sóc, và bắt đầu đi khắp nơi trong thành phố để giúp đỡ người bệnh và người nghèo.
Năm 1519, với tư cách là một thành viên của Dòng Ba Phanxicô, cô đã thành lập một bệnh viện mang tên Santa Maria del Popolovà cũng xây dựng một ngôi nhà để chăm sóc các cô gái từng hành nghề mãi dâm. Cô mơ ước thành lập một tu viện với tên gọi là Santa Maria ở Gerasalamme. Tu viện này sẽ tuân theo đường hướng và lối sống khắc khổ của Thánh Phanxicô Assisi và Thánh Clara. Mục tiêu của cô là sống đơn sơ và khiêm tốn nhất có thể. Đó là vào năm 1526.
Ettore Vernazza, một nhà thiện nguyện nổi tiếng, cũng đã tháp tùng với Maria ở Naples. Họ kết hợp các nguồn lực của mình và xây dựng Santa Maria del Popolo dei Incurabili (Bệnh viện dành cho những người mắc bệnh nan y). Cơ sở này nhằm điều trị những người mắc những căn bệnh mãn tính và không thể chữa khỏi như bệnh giang mai. Bệnh viện này có một trạm phát thuốc, lắp đặt một phòng thí nghiệm để nghiên cứu và cung cấp chỗ ở cho thân nhân của người bệnh. Không lâu sau, các bác sĩ từ khắp châu Âu đã đến để nhờ bào chế thuốc, cũng như để xem xét những ý tưởng đã được áp dụng ở nơi này.
Sau Matteo da Bascio, người sáng lập Dòng của các nam tu sĩ Capuchin, Maria đã thiết lập một dòng mới với tên gọi là Dòng Capuchin Thánh Clara Khó Nghèo (Capuchin Poor Clares). Tương tự như các nam tu sĩ Dòng Capuchin, các nữ tu Dòng Capuchin Thánh Clara Khó Nghèo mặc một chiếc áo dài màu nâu đơn giản với một dây thắt ngang lưng và một chiếc áo choàng ngắn. Các thành viên của dòng được gọi là các nữ tu Capuchin (Capuchinesses). Maria muốn thiết lập hội dòng theo tôn chỉ của Thánh Clara thành Assisi bằng cách tuân theo một kế hoạch tương tự đã được Thánh Clara áp dụng vào năm 1212. Maria đã chọn vị linh hướng cho mình là Thánh Cajetan.
Sự tận tâm của Maria dành cho các bệnh nhân lớn lao đến mức cô ấy đã chuyển đến sống ở bệnh viện để được ở gần bên họ. Sau một thời gian, việc phục vụ của cô cũng dành cho những phụ nữ mang thai. Vị nữ tu tuyên bố: “Bất kỳ phụ nữ nào, giàu hay nghèo, quý tộc hay bình dân, người bản xứ hay nước ngoài, khi đang mang thai, đều có thể đến gõ cửa nhà chúng tôi và cánh cửa đó sẽ được mở ra.” Nhiều phụ nữ và những đứa con mới sinh của họ đã được cứu sống nhờ vào phương thức phẫu thuật lấy thai do các bác sĩ của bệnh viện thực hiện một cách chuyên nghiệp.
Nữ tu Maria đã thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng phê chuân cho hội dòng mới của mình, và vào ngày 19 tháng 2 năm 1538, Đức Giáo Hoàng Phaolô III đã ban hành sự phê chuẩn. Ngày thành lập chính thức của hội dòng là ngày 10 tháng 12 năm 1538. Ngoài việc cho phép thành lập, nhiều đặc ân của Đức Giáo Hoàng cũng đã được ban cho hội dòng, từ Đức Giáo Hoàng Lêo X, Đức Giáo Hoàng Adrianô VI cho đến Đức Giáo Hoàng Phaolô IV.
Nữ tu Maria Llorenca Llong qua đời ngày 12 tháng 12 năm 1539, khi được 76 tuổi. Ngài được Đức Hồng y Marcello Semeraro tuyên phong là Chân Phước Maria Llorenca Requenses Llong vào ngày 09 tháng 10 năm 2021, tại Naples, Ý theo sự uỷ quyền của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Lạy Chân phước Maria Llorenca Llong, xin cầu cho chúng con.