THƯ MỤC VỤ THÁNG KÍNH THÁNH GIUSE CỦA ĐỨC CHA COSMA HOÀNG VĂN ĐẠT SJ.


THƯ MỤC VỤ THÁNG KÍNH THÁNH GIUSE

Kính gửi quý cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể anh chị em giáo dân

Chúng ta bước vào tháng 3 trong “Năm đặc biệt về thánh Giuse” nhân dịp kỉ niệm 150 năm thánh Giuse là bổn mạng chung của Hội Thánh và cũng là bổn mạng của Giáo hội Việt Nam. Chúng ta cũng vừa bước vào mùa chay thánh trong bối cảnh nhiều nơi đang bị dịch Cô – vít 19 hoành hành. Trong tâm tình mùa chay và cũng là tháng kính thánh Giuse, xin được gửi đến toàn thể Giáo Phận lời chúc bình an của Chúa. Vào đầu năm phụng vụ vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi toàn thể Hội Thánh dành một năm, từ ngày 8.12.2020 đến ngày 8.12.2021, kính nhớ đặc biệt thánh Giuse. Cùng với Giáo Hội Việt Nam, từ xa xưa, Giáo Phận chúng ta đã có truyền thống kính nhớ thánh Giuse vào mỗi thứ tư hằng tuần, tháng 3 hằng năm, cách riêng hai lễ thánh Giuse ngày 19 tháng 3 và ngày 1 tháng 5 cử hành đặc biệt long trọng. Sự sùng kính thánh Cả được thể hiện rất rõ khi hầu như nhà thờ hay nhà nguyện nào cũng đều có tượng ảnh thánh Giuse; số giáo dân nam mang tên thánh Giuse chiếm tới 40%; linh mục đoàn Giáo Phận có tới 49 cha mang thánh hiệu Giuse. Vì thếNăm Thánh Giuse chắc chắn được Giáo Hội Việt Nam nói chung và Giáo Phận chúng ta nói riêng hưởng ứng. Với tâm tình mục tử, xin gửi tới cộng đoàn những gợi ý trong việc suy nghĩ và cầu nguyện với thánh Giuse theo như các sách Tin Mừng ghi nhận.

1. Nói đến thánh Giuse, chúng ta có thể nhớ đến câu nói nổi tiếng của thánh nữ Têrêsa Cả: “Trên thiên đàng, thánh Giuse ra lệnh hơn là van xinCâu nói ấy khiến cho không ít người nghĩ rằng chỉ cần đến với thánh Giuse là được hưởng tất cả mọi ơn cần thiết, từ cho bản thân đến gia đình, từ giáo xứ đến Hội Thánh, từ đất nước đến thế giới. Nhưng chúng ta cần thận trọng trong suy nghĩ kẻo hiểu sai lạc lời thánh nữ đã nói khi xưa. Nếu suy gẫm thật kỹ chúng ta thấy rằngthánh nữ không có ý khuyên bảo chúng ta chỉ cần chạy đến với thánh Giuse mà không cần đến với Chúa, đến với Mẹ Maria, đến với các thánh khác. Lời của thánh nữ nhắn nhủ rằng: nếu chúng ta một lòng một ý với thánh Giuse thì xin ơn gì Chúa cũng sẽ ban. Nhưng trong sâu thẳm, thánh nữ còn mời gọi chúng ta cùng noi gương thánh Giuse sống thầm lặng, kiên trung và sẵn sàng dấn thân cho Chúa thì ắt hẳn chúng ta sẽ được Thiên Chúa yêu thương, trả công bội hậu và đáng được phúc hưởng thiên đàng.

2. Khi chiêm ngắm về cuộc đời Thánh Giuse, chúng ta nhận ra ngài có một cuộc đời bình dị, thậm chí không muốn nói là chẳng có gì đáng để kể lể. Ngài là một thanh niên xuất thân từ miền quê Bêlem, sinh sống ở Nazareth. Belem ở miền Nam nước Do Thái nổi tiếng, vì là nơi vua Đavít sinh ra và lớn lên. Còn Nazareth là một làng quê vô danh ở miền Bắc. Ngài là một thợ mộc. Thợ ở quê thường làm nhiều thứ nghề khác nhau chứ không hẳn riêng nghề mộc, nói chung là những công việc giản đơn, không chuyên nghiệp và có tay nghề cao như ở thành thị. Nhưng dù sao, một người thợ vẫn được nể trọng hơn một nông dân. Và chàng thợ mộc Giuse đã đính hôn với cô thôn nữ Maria, nhưng hai người chưa chính thức kết hôn.

3. Kinh Thánh không cho chúng ta biết vì sao thánh Giuse biết Đức Mẹ đã có thai. Nhưng nếu như một khi ngài tố cáo Đức Mẹ “có bầu” thì Đức Mẹ sẽ bị dân chúng ném đá đến chết. Song ngài không đi tố cáo mà dự định âm thầm “từ bỏ cách kín đáo”. Chính trong lúc ngài hoang mang, sứ thần Chúa hiện đến báo mộng (Mt 1,21-25): ngài đón Đức Mẹ về. Khi vua Hêrôđê ra sắc lệnh kiểm tra dân số, ngài không ngại đường xá đưa Đức Mẹ về Bêlem. Trong những ngày ấy, Đức Mẹ mãn nguyệt khai hoa. Cuộc sống vốn khó khăn càng trở nên bĩ cực khi hai vợ chồng không tìm được nhà trọ, đành phải ra hang đá ngoại ô vào chuồng chiên ở tạm. Cũng chính tại Bêlem, Chúa Giêsu – Đấng Cứu Tinh chào đời. Bốn mươi ngày sau, thánh Giuse cùng với Đức Mẹ đem hài nhi Giêsu lên Đền Thờ dâng cho Thiên Chúa theo truyền thống của dân Do Thái. Khi sứ thần báo mộng vua Hêrôđê đang lùng giết trẻ Giêsu, thánh Giuse tức tốc lên đường đưa Đức Mẹ và Chúa Giêsu “trốn sang Ai Cập”. Mấy năm sau, sứ thần báo mộng, ngài định đưa Đức Mẹ và Chúa Giêsu về Belem, nhưng vì con vua Hêrôđê kế vị, vì sợ “cha nào con nấy” nên thánh Giuse lại đưa cả gia đình đến Nazareth. Hằng năm, ngài cùng với cả gia đình lên đền thờ Giêrusalem dự lễ Vượt Qua theo luật dạy. Năm Chúa Giêsu 12 tuổi đánh dấu một giai đoạn mới. Theo qui định của các vị lãnh đạo trong dân Israel thời ấy, thiếu niên 12 tuổi được coi là đã trưởng thành: phải giữ luật, nhưng không buộc phải đi về cùng với cha mẹ. Vì thế, Chúa Giêsu ở lại trong Đền Thờ mà cha mẹ không biết. Đến ngày thứ ba, các ngài trở lại đền thờ và gặp Chúa Giêsu đang ngồi với các bậc thầy, nghe và hỏi các vị. Đức Mẹ trách: “Sao con làm vậy? Cha con và mẹ phải cực lòng tìm con!” (Lc 2,18), riêng thánh Giuse không thấy nói gì. Ngài đưa Chúa và Đức Mẹ về Nazareth. Sau đó, ngài qua đời khi nào không ai biết. Khi Chúa Giêsu rời Nazareth đi rao giảng, Tin Mừng chỉ nhắc đến Đức Mẹ: thánh Giuse dường như đã hoàn thành sứ mạng.

4. Gợi lại ý tưởng trong thư mục vụ mùa chay, chúng ta tiếp tục được mời gọi noi gương thánh Giuse và xin ngài chuyển cầu để chúng ta cũng được ơn Chúa như ngài. Trong kinh Thánh Giuse, chúng ta xin ngài: “hằng bầu cử cho chúng con được bắt chước Người, và trông cậy vì quyền thế Người, cho được giữ đạo cho trọn, cùng được chết lành và được hưởng phúc vô cùng trên thiên đàng. Ở Toà Giám Mục có tượng thánh Giuse và thường xuyên có người đến cầu nguyện với ngài. Đôi khi có người xin ơn cho gia đình, cho khỏi bệnh, cho con cái ngoan ngoãn, nhưng cũng có người xin ơn nhặt được tiền hay vàng, thậm chí có người xin cho người này người khác bị tai hoạ. Chúng ta cần nhớ rằng, thánh Cả là người mạnh sức có uy thế nơi Nước Trời nhưng ngài không phải là cỗ máy sản xuất ơn này ơn kia, cầu nguyện không phải là việc “đặt hàng”. Thông qua thánh Giuse, Chúa muốn dạy chúng ta noi gương bắt chước ngài, sống: vâng theo thánh ý Chúa, cộng tác với Chúa, âm thầm như một đầy tớ trung tín và khiêm tốn.

5. Để có thể khắc họa lại cuộc đời thánh Giuse, trước hết, chúng ta cần nhìn vào thẳm sâu trong tâm hồn để tự hỏi bản thân đang ra sao. Thánh Giuse là một mẫu gương sống động trong việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Đôi khi cái tôi của chúng ta che mất Chúa và lấn át người khác. Chúng ta được mời gọi gặp gỡ Chúa Giêsu trong Lời Chúa và Thánh Thể, và đáp lại tiếng Chúa mời gọi: “Hãy theo Thầy!”. Chúa cũng nhấn mạnh phải bỏ mọi sự để theo Chúa. Trong lời hứa khi chịu phép Rửa Tội, hay trong đêm lễ Phục Sinh, chúng ta cầm nến sáng và hứa: từ bỏ tội lỗi, từ bỏ ma quỷ là kẻ gây ra và cầm đầu tội lỗi; chúng ta tin và tuân giữ Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh. Nếu chúng ta thật lòng xin thánh Giuse những ơn ấy thì chắc chắn Chúa sẽ ban cho. Trong mọi sự, thánh Giuse đã rất giống với Chúa Giêsu và Mẹ Maria ở lời “xin vâng”. Được mời gọi tham dự vào kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa là Đức Kitô, chúng ta thường xuyên đọc kinh “Sáng Soi”: xin ơn Chúa để biết việc phải làm và khi làm xin Chúa giúp đỡ để mỗi kinh mỗi việc từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa.

6. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta trở thành cái máy vô hồn. Chính thánh Giuse là người có rất nhiều sáng kiến: tìm chuồng bò làm nơi Chúa chào đời, trốn sang Ai Cập để tránh cơn thịnh nộ của vua Hêrôđê, về Nazareth sinh sống để đề phòng rủi ro. Trong vai trò trưởng gia đình theo luật Cựu Ước, ngài phải che chở, nuôi dưỡng và dạy dỗ Chúa như một người cha. Đặc biệt, ngài ý thức Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa nên phải hết lòng hết sức cộng tác vào kế hoạch “đưa thời gian đến hồi viên mãn là qui tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô”. Có thể thánh Giuse chưa ý thức điều này như chúng ta ngày nay: chúng ta đã được biết Tin Mừng và được rước Chúa hàng ngày nên mỗi ngày của chúng ta là 24 giờ cộng tác với Chúa trong công trình sáng tạo và cứu độ của Chúa. Thánh Giuse không tự ý làm điều gì khác ngoài kế hoạch của Chúa. Mọi sáng kiến đều qui về Chúa Giêsu và cộng tác với kế hoạch của Thiên Chúa; nhờ ơn soi sáng và thêm sức của Chúa Thánh Thần.

7. Chắc chắn thánh Giuse biết nói và lúc này lúc khác đã nói, nhưng Tin Mừng không ghi lại một lời nào của ngài. Sách Thánh loan báo về Đức Kitô: Không ai nghe tiếng Người. Chúa Giêsu đã sống âm thầm hơn 30 năm, chỉ dành chưa đầy 3 năm để rao giảng. Sống giữa đời và do bổn phận, nên chúng ta có nhiều dịp phải nói. Có khi chúng ta không dành thời gian cho Chúa gặp gỡ, soi sáng, nâng đỡ, hướng dẫn, an ủi chúng ta. Thậm chí đôi khi chúng ta bảo Chúa “xê ra để con làm việc, im để con nói”, hoặc như người Pharisêu “nói mà không làm”. Đôi khi cái tôi của chúng ta to tát quá, rực rỡ quá, đến nỗi thay vì “Đức Kitô phải lớn lên, còn tôi phải bé lại”, như thánh Gioan Tẩy Giả nói, thì người ta chỉ thấy cái tôi của mình, còn Đức Kitô thì bị che khuất. Thánh Phaolô từng nói: “Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Có lẽ đó chính là điều thánh Giuse đã thực sự sống: “Tôi nói, nhưng không phải tôi, mà là Đức Kitô nói trong tôi”. Ngài đã “nói” bằng việc làm, bằng đời sống, cụ thể là hết lòng hết sức cộng tác với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Kitô. Đó là mẫu gương người chiêm niệm: kết hợp sâu xa với Chúa, không chỉ trong cầu nguyện mà trong toàn bộ đời sống.

8. Có thể nói, thánh Giuse để lại cho chúng ta nhiều mẫu gương khác nữa, nhưng tạm thời chúng ta cứ xin Chúa ban ơn để chúng ta noi gương ngài về 3 nét đó là: vâng theo thánh ý Chúa, cộng tác với Chúa, âm thầm như một đầy tớ trung tín và khiêm tốn. Ngoài ra, mỗi người chúng ta có thể nhận ra và noi gương thánh Giuse ở khía cạnh này hay khía cạnh khác, để khi nhìn chung vào những môn đệ của Chúa Giêsu, người ta thấy rực sáng lên hình ảnh Đức Kitô, hình ảnh của Thiên Chúa vô hình. Về những việc cụ thể, các cha sẽ giúp cho các xứ họ tuỳ hoàn cảnh tổ chức học hỏi, chia sẻ, làm việc kính thánh Giuse. Mọi người, đặc biệt Hội Trưởng Gia Đình và những người làm chồng, làm cha được mời gọi học hỏi và chia sẻ để giúp nhau xây dựng hình ảnh Thánh Gia nơi mỗi gia đình.

Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, thánh Giuse, các thánh Tử Đạo Việt Nam và đặc biệt các thánh Tử Đạo Bắc Ninh, xin Chúa chúc lành và ban ơn cần thiết cho mọi thành phần trong Giáo Phận, cho mọi người sống trong phần đất của Giáo Phận, cho quê hương và đồng bào Việt Nam thân yêu và cho cả thế giới.

Bắc Ninh, ngày 01 tháng 03 năm 2021
(Đầu tháng kính thánh Giuse)

(ấn ký)

+  Cosma Hoàng Văn Đạt SJ.
Giám mục Bắc Ninh

Nguồn: giaophanbacninh.org (01.03.2021)